Từ năm 1980, UNDP đã đưa ra mục tiêu phát triển: phát triển con người như là một mục tiêu với ý nghĩa nhân văn hơn chỉ là thước đo đơn giản về tăng trưởng kinh tế. Phát triển con người được xác định là xây dựng năng lực cho các cá nhân và cộng đồng để họ có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Ba thành tố chính là thu nhập, giáo dục và chăm sóc sức khỏe được UNDP đưa vào chỉ số phát triển con người để đo sự tiến bộ của các quốc gia. Kể từ năm 1990, hàng loạt các báo cáo phát triển con người toàn cầu đã xem xét thêm nhiều thành tố khác trong phát triển con người như môi trường, quyền con người, giới, bình đẳng và cộng đồng.
Cùng với sự phát triển của cách tiếp cận phát triển con người, Thái Lan đã có nhiều sự thay đổi. Trong những năm 1990, kinh tế Thái Lan đang ở thời kỳ đỉnh cao thì bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997 và theo sau là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Bangkok đã chuyển đổi từ một trong những thành phố truyền thống bậc nhất của khu vực thành một trong những thành phố có mức độ toàn cầu hóa cao nhất. Trong những thập kỷ qua, thành tựu về phát triển con người của Thái Lan khá ấn tượng, thu nhập bình quân đầu người tăng lên rõ rệt, ngày càng nhiều trẻ em có số năm đi học cao hơn, gần như tất cả người dân có bảo hiểm y tế, tiếp cận nước sạch và vệ sinh cơ bản gần như đã được giải quyết. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều mặt hạn chế: chất lượng giáo dục là vấn đề đáng quan tâm, môi trường tự nhiên ngày càng xấu đi và bắt đầu phải gánh chịu tác động của biến đổi khí hậu, các cá nhân, gia đình và cộng đồng đang phải chịu sức ép của sự thay đổi, bất bình đẳng về thu nhập, bất bình đẳng trong tiếp cận với tài sản công...
Cuối năm 2015, Thái Lan gia nhập cộng đồng ASEAN. Tác động của cộng đồng ASEAN đến phát triển con người của Thái Lan phụ thuộc một phần vào những cơ hội cũng như khó khăn trong môi trường mới, đồng thời nó cũng phụ thuộc vào các kế hoạch của ASEAN. Báo cáo này xem xét 7 vấn đề chính trong lộ trình phát triển cho tương lai, những xu hướng và vấn đề phát triển, những cơ hội và thách thức trong môi trường mới, những chương trình trong kế hoạch của ASEAN mà Thái Lan có thể ưu tiên thúc đẩy và đóng góp cho cộng đồng.
Chỉ số phát triển con người của Thái Lan tăng đều trong hơn 30 năm qua. Năm 2013, Thái Lan xếp thứ 103/186 quốc gia, gần mức cao nhất của hạng “phát triển con người trung bình”. Các chương trình phát triển của cộng đồng ASEAN về hợp tác kinh tế và an ninh bao trùm tất cả các chiều cạnh chính của phát triển con người. Mục tiêu thúc đẩy phát triển con người ở Thái Lan thông qua cộng đồng ASEAN không chỉ chuẩn bị cho Thái Lan nắm bắt những cơ hội, đối phó với những thách thức khi gia nhập ASEAN mà còn giúp Thái Lan hòa nhập tốt theo những phương thức thích hợp để thúc đẩy phát triển con người. Những vấn đề Thái Lan ưu tiên trong phát triển con người, đó là:
Ưu tiên dạy tiếng Anh và vấn đề bình đẳng trong giáo dục. Cách tiếp cận của cộng đồng ASEAN đưa đến một cam kết mạnh mẽ về nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp, đặc biệt nhấn mạnh vào sự cạnh tranh về tiếng Anh và hướng nghiệp. Bất bình đẳng trong giáo dục phải được giải quyết vì nó khiến cho một tỷ lệ lớn thanh niên mất đi cơ hội nhận thức được khả năng của họ và khiến đất nước kém phát triển.
Đối mặt với những thách thức về chăm sóc sức khỏe. Nhân viên của hệ thống y tế công đang phải đối mặt với nhiều sức ép từ việc triển khai chăm sóc sức khỏe theo tiêu chuẩn toàn cầu; những vấn đề chăm sóc sức khỏe của lao động di cư; già hóa dân số; sự cạnh tranh từ các bệnh viện tư v.v... Những vấn đề này cần được giải quyết một cách kịp thời để có thể mang lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe bao trùm cho hầu hết dân số.
Lao động di cư: vị thế, giáo dục, sức khỏe. Đây là những vấn đề chính trong phát triển con người của lao động di cư: nỗ lực để hợp pháp hóa vị thế của tất cả người di cư nhằm giảm thiểu nạn buôn bán người và lạm dụng quyền con người; dỡ bỏ những rào cản về giáo dục đối với trẻ em di cư để trẻ em có cơ hội phát triển khả năng của mình; đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt cho người di cư mà không có sự phân biệt với người bản địa.
Mục tiêu phát triển các tỉnh lân cận. Kế hoạch phát triển các khu vực mục tiêu là cần thiết nhằm tối đa hóa lợi ích từ các tuyến đường vành đai ở các tỉnh của Thái Lan. Người dân địa phương cần được thông báo về các cơ hội cũng như những khó khăn khi được tham gia vào việc hoạch định chính sách về những dự án lớn ở khu vực của họ.
Môi trường: giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí là một ví dụ về hợp tác môi trường trong ASEAN. Thái Lan cần kiên trì theo đuổi các biện pháp hợp tác về vấn đề ô nhiễm khói bụi nhằm phát triển kinh nghiệm và cơ chế để đối phó với các vấn đề môi trường xuyên biên giới khác.
Quyền con người: chính phủ, các cơ quan về quyền con người, giới luật sư về quyền con người của Thái Lan cần kiên trì nỗ lực để thúc đẩy cơ chế quyền con người trong khuôn khổ ASEAN.
Khuyến khích phát triển cộng đồng để liên kết mọi người. Mục tiêu của ASEAN về an ninh, thịnh vượng và phát triển con người sẽ dễ dàng đạt được khi có sự đồng thuận thay cho những khác biệt trong quá khứ. Loại bỏ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa từ thế kỷ trước, phát triển những trung tâm ưu việt để phục vụ cho toàn khu vực, khuyến khích sự thay đổi hàng ngày của con người, thu hút sự tham gia của xã hội dân sự nhiều hơn vào ASEAN. Tất cả sẽ góp phần đạt được mục tiêu đề ra.
Quỳnh Anh
Tài liệu tham khảo:
UNDP. Báo cáo Phát triển con người Thái Lan 2014 Advancing Human development through The ASEAN community.