XÃ HỘI HÓA VỀ GIỚI TRONG GIA ĐÌNH: MỘT SỐ QUAN ĐIỂM LÝ LUẬN TRONG NƯỚC VÀ THẾ GIỚI
Phạm Thu Hương*
1. Đặt vấn đề
Gia đình trong mọi hình thái kinh tế - xã hội đều đóng vai trò đặc biệt quan trọng và là gốc rễ của mọi xã hội. Gia đình đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng mà những thiết chế xã hội khác khó có thể thay thế được. Với riêng chức năng xã hội hóa trong gia đình, mặc dù không phải là thiết chế duy nhất ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách con người nhưng là môi trường quan trọng đặc biệt mà không môi trường giáo dục nào khác có thể làm được. Tuy nhiên, hiện nay chức năng này của gia đình đang chịu nhiều sự tác động của biến đổi xã hội. Đặc biệt, những vấn đề về giới được giáo dục trong gia đình Việt Nam thức sự có nhiều thay đổi rõ nét. Việc các bậc phụ huynh chú trọng đến giáo dục giới tính cho con cái và định hướng các vị trí và vai trò liên quan đến giới tính cho thấy sự thay đổi cả về mặt hệ giá trị và đạo đức trong gia đình cũng như những tác động biến đổi không ngừng của đời sống xã hội đến gia đình Việt Nam. Chính vì thế, nghiên cứu về gia đình nói chung và biến đổi gia đình nói riêng không thể thiếu sự tìm hiểu về việc biến đổi của chức năng xã hội hóa giới cho trẻ em.
Trong bài viết này, xã hội hóa về giới được tập trung vào hai chiều cạnh chính là xã hội hóa về giới tính và vai trò giới. Từ đó, tác giả bài viết mong muốn đi xem xét những khái niệm cơ bản, quan điểm lý luận về xã hội hóa, giáo dục về giới tính và vai trò giới. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng những chỉ báo cho việc thiết lập bảng hỏi phục vụ cho việc điều tra khảo sát của đề tài về Biến đổi vai trò giáo dục và xã hội hóa cá nhân của gia đình Việt Nam.
2. Xã hội hóa và giáo dục trong gia đình
Giddens (Muhammad Hussain, 2015)nhận định rằng xã hội hóa là quá trình mà qua đó một đứa trẻ trở thành một cá thể và có thể nhận thức được về môi trường luật pháp, chuẩn mực xã hội cũng như các quy tắc ứng xử.
Theo Crespi (2004), qua xã hội hóa, một cá nhân có thể học được điều gì phù hợp và không phù hợp cho cả hai giới. Còn theo một số nhà xã hội học như Booysen, De Witt, Haralambos, Lindsey (Muhammad Hussain, 2015)xã hội hóa là một quá trình mà các cá nhân học hỏi cách sống bao gồm văn hóa và những khả năng khác cần thiết cho con người để trở thành thành viên của một xã hội. Hơn nữa, đây là một quá trình diễn ra suốt đời nơi mà các cá nhân được tin tưởng là sẽ gia tăng kiến thức về các quy tắc, quy định, chuẩn mực và giá trị, quan điểm, hành vi và những vai trò khác nhau để có thể đáp ứng được với yêu cầu của văn hóa và xã hội nơi họ đang sinh sống.
Lê Ngọc Văn (2011)định nghĩa xã hội hóa (socialization) là một khái niệm, một phạm trù cơ bản của xã hội học, chỉ quá trình các cá thể tiếp thu, học tập nền văn hóa xã hội mà anh ta được sinh ra và sống – tức lĩnh hội các kinh nghiệm xã hội, học những cái gì phải làm, những cái gì không được làm, học ngôn ngữ, học các chuẩn mực, giá trị xã hội để thích ứng với xã hội.
Ông cũng chỉ ra rằng, thực chất của xã hội hóa là quá trình chủ thể hóa các tri thức của xã hội, là sự tiếp nhận tri thức, kinh nghiệm xã hội thông qua lăng kính chủ quan và sự xét đoán của mỗi cá nhân. Các cá nhân tiếp thu tri thức bằng cả hai con đường: chính thức và không chính thức, tương ứng với các hình thức xã hội hóa chính thức và xã hội hóa không chính thức. Xã hội hóa không chính thức là kết quả tự nhiên của tương tác xã hội giữa những người gần gũi nhất xung quanh như gia đình, nhóm bạn bè, nhóm đồng nghiệp… Ở đó, cá nhân học được nhiều điều thông qua sự bắt chước, quan sát và kinh nghiệm. Xã hội hóa chính thức là quá trình tiếp thu tri thức, kinh nghiệm xã hội thông qua giáo dục. Hệ thống các trường phổ thông, cao đẳng, đại học, các trường dạy nghề… là những cơ quan xã hội hóa chính thức. Giáo dục khác với các dạng xã hội hóa khác ở chỗ, đó là sự tác động của chủ thể giáo dục đến đối tượng giáo dục một cách tỉ mỉ trong những tổ chức chính thức, theo những chương trình được tiêu chuẩn hóa nhằm truyền đạt các tri thức và kinh nghiệm xã hội, tức là tri thức hóa và nghề nghiệp hóa cho con người. Xã hội càng phát triển, xã hội chính thức thông qua giáo dục càng tăng lên. Quá trình xã hội hóa được phân chia thành hai cấp độ: Xã hội hóa sơ cấp và xã hội hóa thứ cấp.
Lê Ngọc Văn (2011)cũng nêu rõ chức năng xã hội hóa của gia đình là một trong những thiết chế cơ bản của xã hội, gia đình đảm nhận chức năng tái sản xuất ra con người. Trong sự phát triển lịch sử, các chức năng của gia đình đã có những biến động: một số chức năng của gia đình truyền thống bị mất đi hay bị thay thế bằng các chức năng khác phù hợp hơn khi xã hội chuyển từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp. Nhưng chức năng tái sản xuất ra con người luôn là chức năng quan trọng nhất của gia đình. Gia đình không chỉ tái sản xuất ra con người về mặt thể chất mà còn tái sản xuất ra đời sống tính cảm, tâm hồn, văn hóa, tức là xã hội hóa – quá trình biến đứa trẻ từ một sinh vật thành con người xã hội.
Gia đình là môi trường vi mô có vai trò quan trọng nhất trong giai đoạn xã hội hóa ban đầu. Nhưng chức năng xã hội hóa của gia đình không chỉ dừng lại ở gia đoạn xã hội hóa ban đầu (cung cấp các kinh nghiệm xã hội, nuôi nấng, chăm sóc, rèn luyện các thói quen, các kỹ năng từ khi còn nhỏ) mà còn diễn ra suốt cả cuộc đời con người với tư cách là quá trình liên tục. Bởi vì suốt cuộc đời, người ta luôn phải học cách thích nghi với hoàn cảnh, môi trường mới. Ở đó, gia đình là cái cầu nối giữa các cá nhân và xã hội.
Cũng theo Lê Ngọc Văn (2011), chức năng xã hội hóa của gia đình có sự biến đổi lớn trong suốt thời kỳ Pháp thuộc tới nay, nó dẫn đến làm thay đổi cả nội dung và phương pháp giáo dục của gia đình. Gia đình hiện nay có sự phủ định nội dung và phương pháp xã hội hóa của gia đình truyền thống. Do đó, dẫn đến xu hướng quá đề cao vai trò của giáo dục xã hội thay vì giáo dục gia đình và tình trạng không chuẩn mực trong chức năng xã hội hóa của gia đình. Sự không chuẩn mực trong các mối quan hệ gia đình, trong nội dung và phương pháp xã hội hóa của gia đình, ở một mức độ đáng kể, phản ánh tình trạng không chuẩn mực của các mối quan hệ xã hội, của đạo đức và lối sống xã hội. Nó làm cho gia đình rơi vào tình trạng hẫng hụt, mất phương hướng, dẫn đến những phản ứng khác nhau xung quanh vấn đề giáo dục con. Một bộ phận gia đình muốn tiếp tục giáo dục con cái theo mô hình của gia đình truyền thống, một bộ phận gia đình khác có xu hướng quay lưng lại với giáo dục gia đình truyền thống. Cả hai xu hướng này đều cho thấy sự lúng túng của gia đình Việt Nam hiện đại trong chức năng xã hội hóa của gia đình và tìm thấy một chuẩn mực thật sự cho giáo dục trẻ em trong một xã hội đang biến đổi.
Ủy ban dân số gia đình và trẻ em (2004)nhấn mạnh vai trò cực kỳ quan trọng của gia đình trong việc xã hội hóa trẻ em. Với tư cách là một nhóm đặc thù, gia đình giáo dục trẻ em thông qua các mối quan hệ đặc biệt giữa vai trò của những thành viên trong gia đình. Đó là các quan hệ ruột thịt giữa cha mẹ - con cái, đó là tình yêu thương, nghĩa đồng bào của anh chị em ruột, của bố mẹ và ông bà dành cho con cháu. Vị trí, vai trò của từng cá nhân trong mối quan hệ với đứa trẻ được xác định sau khi đứa trẻ chào đời. Vì vậy, quá trình xã hội hóa con người ở đứa trẻ đã bắt đầu ngay từ khi có sự xác định ấy. Mỗi thành viên trong gia đình tùy từng vị trí của mình đều trở thành tấm gương cho đứa trẻ học tập và bắt chước.
Võ Tấn Quang (1994)thì nói đến xã hội hóa cá nhân hay xã hội hóa trẻ em trong giai đoạn ấu thơ đến lúc trưởng thành là nói về quá trình xã hội hình thành và phát triển nhân cách, với nghĩa rộng nhất của khái niệm giáo dục, nó bao gồm cả yếu tố tự giác, có ý thức và tự phát, ngẫu nhiên. Nói dễ hiểu hơn đối với việc giáo dục diễn ra ở gia đình như là một bộ phận của xã hội và là bộ phận của toàn bộ quá trình xã hội và cá nhân. Quá trình đó bao gồm: giúp các cá nhân tiếp thu những kinh nghiệm xã hội, giúp cho những cá nhân nắm vững những chuẩn mực xã hội, tiếp thu các giá trị xã hội. Và một yêu cầu nữa của quá trình này đó là sự chuẩn bị các vai trò xã hội. Chính những yếu tố sinh học từ huyết thống gia đình và quá trình tiếp thu kinh nghiệm xã hội, chuẩn mực xã hội, giá trị xã hội và vai trò xã hội nói trên là tiền đề và nội dung của quá trình cá thể hóa của con người trong gia đình.
Nguyễn Thị Phương Thủy (2014)thì đề cập đến chức năng giáo dục gia đình và cho rằng đây là sự tác động có hệ thống của những thành viên lớn tuổi trong gia đình và toàn bộ nếp sống của gia đình tới các thành viên nói chung và đứa trẻ nói riêng. Nói cách khác, giáo dục gia đình là toàn bộ những tác động của gia đình đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người, trước hết là trẻ em.
Tóm lại, giáo dục gia đình và xã hội hóa trong gia đình thực sự là quá trình diễn ra liên tục trong suốt cả cuộc đời mỗi người. Đó là sự tác động một cách kiên trì, thường xuyên, tổng thể và sâu sắc của gia đình đối với sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi người. Quan niệm, thái độ, lối sống, cách ứng xử, hành vi đạo đức, tính cách, năng lực, công việc, sự nghiệp…của cha mẹ để lại dấu ấn sâu nặng đối với con cãi mỗi gia đình, nó tạo nên sản phẩm mà dân gian gọi là “giỏ nhà ai quai nhà nấy”.
Nội dung của giáo dục gia đình chính là những yếu tố của vấn đề văn hóa gia đình và văn hóa cộng đồng nhằm tạo lập và phát triển nhân cách con người như đạo đức, lối sống, cách ứng xử, tri thức lao động và khoa học.
Giáo dục gia đình được thực hiện thông qua chu trình của đời sống con người: từ lúc còn thơ ấu đến thanh niên, trung niên và tuổi già.
3. Giới tính và giáo dục giới tính trong gia đình
Muhammad Hussain (2015)chỉ ra xã hội hóa giới là sự tập trung hơn vào một lĩnh vực cụ thể của xã hội hóa, là cách xã hội hóa một đứa trẻ về sự khác biệt liên quan đến giới tính theo những vai trò giới tương ứng và dạy cho đứa trẻ đó hiểu được đâu là nam giới và nữ giới.
Gleitman, Fridlund (Muhammad Hussain, 2015)thì nhận định đơn giản về xã hội hóa giới là bắt đầu ngay từ khoảnh khắc được sinh ra đến khi có ai đó hỏi một điều đơn giản rằng đây là bé trai hay bé gái.
Nguyễn Thị Phương Thủy (2014)nhận định giáo dục giới tính là một bộ phận quan trọng của phức hợp các vấn đề giáo dục con người phát triển toàn diện. Giáo dục giới tính nhằm bồi dưỡng cho thế hệ trẻ những hiểu biết cần thiết về giới tính, hình thành cho họ những phẩm chất giới tính của giới mình, cũng như giúp họ có thái độ và kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự trong quan hệ với người khác giới trong hoạt động và trong đời sống xã hội.
Như vậy, phạm vi của giáo dục giới tính không chỉ bó hẹp ở việc giáo dục mối quan hệ giữa nam và nữ trong đời sống tình dục mà còn bao gồm cả việc giáo dục những mối quan hệ nam – nữ trong đời sống xã hội như học tập, lao động, nghỉ ngơi, giải trí… giáo dục cho con cái biết rèn luyện những phẩm chất giới tính, nhằm phát huy thế mạnh của giới mình. Nội dung của giáo dục giới tính vì vậy cũng rất phong phú: giáo dục vai trò giới cho con (hình thành nam tính, nữ tính – những phẩm chất, những thuộc tính đặc trưng cho giới nam, giới nữ. Đó là những tiêu chuẩn để đánh giá bản chất xã hội của người đàn ông hay phụ nữ); hướng dẫn con những kiến thức của tuổi dạy thì, giáo dục con những chuẩn mực trong quan hệ với bạn khác giới, giáo dục con những kiến thức để phòng ngừa cho con tránh bị lạm dụng tình dục, giáo dục con phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và HIV/AIDS…
Nguyễn Thị Tố Quyên (2005)cho rằng giới là chỉ mối quan hệ xã hội và tương quan địa vị xã hội của nữ và nam trong bối cảnh xã hội cụ thể.
Giáo dục giới là dạy những phẩm chất cần có ở mỗi giới nam và nữ, những chuẩn mực trong quan hệ với người khác giới.
Giới tính chỉ sự khác biệ giữa nam và nữ về mặt sinh học.
Giáo dục giới tính phải được hiểu là sự giáo dục về giải phẫu sinh lý cơ thể, vệ sinh thân thể, sức khỏe sinh sản và tình dục.
Lê Ngọc Văn (1996)chỉ ra giáo dục giới tính là một bộ phận của giáo dục nhân cách. Giáo dục giới tính của gia đình Việt Nam truyền thống mang những đặc trưng hết sức đặc thù do sự ảnh hưởng sâu sắc của hệ tư tưởng Nho giáo. Trong phần này tác giả tập trung vào: giáo dục bản sắc giới tính và giáo dục giao tiếp giới tính.
Giáo dục tình dục một trong những nội dung của giáo dục giới tính và căn bản không được đặt ra trong gia đình Việt Nam truyền thống. Người xưa không coi đó là nội dung của giáo dục gia đình. Thậm chí, người ta còn lên án cả việc nhắc đến chuyện tình dục, coi đó là chuyện “đáng xấu hổ”, là chuyện hết sức thầm kín, không được phép đem ra nói ở chỗ đông người. Đối với con cháu, các bậc cha mẹ lại càng không bao giờ đả động đến chuyện tình dục vì như thế là “vẽ đường cho hươu chạy”. Điều này cũng bắt nguồn từ quan niệm chung về gia đình của Nho giáo. Gia đình là nơi các cá nhân thi hành nghĩa vụ đối với cộng đồng chứ không phải thỏa mãn nhu cầu cá nhân và hạnh phúc riêng tư.
Giáo dục bản sắc giới tính là làm cho mỗi giới ý thức được bản sắc riêng của giới mình. Nữ là nữ, nam là nam. Nhưng cái bản sắc giới tính mà gia đình Việt Nam truyền thống giáo dục cho con em không phải dựa trên cơ sở tự nhiên mà trên cơ sở xã hội. Một xã hội bất bình đẳng nam nữ, nhấn mạnh sự khác biệt nam nữ theo lý thuyết Nho giáo “ trong nam khinh nữ”. Giáo dục bản sắc giới tính ở đây là làm sao cho người con trai thấy được “vai trò”, “sứ mệnh” của mình và làm cho người con gái thừa nhận đàn ông có quyền hơn mình, chấp nhận sự hi sinh, địa vị thấp kém trong gia đình và ngoài xã hội, coi đó là hợp tự nhiên.
Giao tiếp với người khác giới Trong gia đình Việt Nam truyền thống việc con trai, con gái lớn tuổi giao tiếp với bạn khác giới hầu như bị cấm đoán theo nguyên tắc “nam nữ thụ thụ bất thân”.
Có thể thấy, giáo dục giới tính là hệ thống các biện pháp tâm sinh lý nhằm giáo dục thế hệ trẻ có thái độ đúng đắn đối với các vấn đề về giới và giới tính. Giáo dục giới tính cung cấp những tri thức, kiến thức về vai trò giới, về tâm sinh lý lứa tuổi, về sự phát triển của cơ thể, về cấu tạo của cơ quan sinh sản, về tình bạn, tình yêu, tình dục, về cơ chế thụ thai, các biện pháp tránh thai, quá trình mang thai…
4. Vai trò giới và xã hội hóa vai trò giới
Muhammad Hussain (2015)xác định sự hình thành giới và vai trò giới chủ yếu được học qua những yếu tố như gia đình, bạn bè, trường học, đây được xem là “những người thầy” của xã hội.
Vai trò giới theo Henslien (Muhammad Hussain, 2015), là việc học hỏi qua quá trình xã hội hóa về hành vi và quan điểm được quy định bởi xã hội. Qua quá trình này, những đặc trưng văn hóa và khuôn mẫu xã hội sẽ định hình lại đặc trưng về nam và nữ. Từng xã hội đều quy định những hành vi và thái độ đặc trưng cho nam và nữ phù hợp với từng hoàn cảnh khác nhau, từ đó những chuẩn mực cấu tạo nên giới sẽ định hướng và duy trì định dạng về vai trò giới.
Theo Eagly (Raj Bahadar Chaudhary, 2017)vai trò giới là tập hợp những hành vi và trách nhiệm mà một xã hội gán cho các thành viên với một giới tính nhất định: đó là những vai trò giới tính được xã hội kỳ vọng.
Còn theo những nghiên cứu tâm lý học, việc phân chia rạch ròi tính nam và tính nữ là một khái niệm còn nhiều tranh cãi, bởi nhiều theo nhiều học giả nhìn nhận, một cá nhân hoặc là có tính nam hoặc tính nữ, chứ không thể có cả hai, và vì thế mà đặc điểm vai trò giới của bất kỳ cá nhân nào sẽ phụ thuộc vào vị thế gán của bản thân họ như là tính nữ hoặc tính nam và chịu ảnh hưởng của nhiều chiều cạnh quy định hành vi, suy nghĩ, cảm xúc và tính cách của anh ta hoặc cô ta.(Raj Bahadar Chaudhary, 2017)
Tuy nhiên, Stockard và Johnson (1992) (Raj Bahadar Chaudhary (2017)) đã chỉ ra có một thực tế đã bị bỏ qua rằng nhiều người có thể là lưỡng tính, họ có thể vừa có cả tính nam và tính nữ và điều này phụ thuộc vào những vị trí để có những biểu hiện hành vi tương ứng. Nhiều phân tích cũng cho thấy đặc tính của con người là đa chiều cạnh, một cá nhân có thể có cả tính nam và tính nữ. Tựu trung lại, trong nghiên cứu từ rất sớm của Bem (1974) (Raj Bahadar Chaudhary (2017)) đã chỉ rằng, trong khi một người có tính nam sẽ thừa nhận những đặc tính nam và một người có đặc tính nữ sẽ thừa nhận những đặc tính nữ, thì một người lưỡng tính có thể sẽ thừa nhận cả những đặc tính nam và nữ.
Simon (1995)đã điểm qua nhiều công trình nghiên cứu về giới và vai trò giới, ông nhận thấy rằng để có thể tính toán được sự khác nhau về giới, nhiều nhà nghiên cứu đã hướng đến những nhân tố về cấu trúc xã hội như việc phân công lao động trong hộ gia đình và bất bình đẳng giới trong thị trường lao động. Cả hai việc làm này đều bắt nguồn từ những chuẩn mực và kỳ vọng về giới theo cách truyền thống. Những nghiên cứu này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xác định những đặc trưng về vai trò và sự tương tác giữa các vai trò được đặt dưới những điều kiện xác định, như đi xem xét việc nắm giữ những vai trò trong công việc và trong gia đình là lợi thế hay bất lợi cho nam giới và phụ nữ. Nhiều nghiên cứu được thực hiện qua việc kiểm soát các cấu trúc như nghề nghiệp, thu nhập, và sự phân công lao động để tìm sự khác biệt về vai trò giới.
Tuy nhiên, theo Simon nghiên cứu về giới và vai trò giới như vậy là chưa đủ, mà cần phải tìm hiểu về ý nghĩa của vai trò. Ý nghĩa về vai trò có thể phụ thuộc vào các mối quan hệ giữa các vai trò. Từ những nghiên cứu về gia đình, Simon nhận thấy, ý nghĩa của vai trò trong công việc và gia đình có sự khác nhau giữa nam và nữ. Trong khi vai trò trong gia đình của nam giới phần lớn bao gồm những chu cấp về kinh tế, thì vai trò trong gia đình của nữ giới lại dựa trên những hỗ trợ về mặt tình cảm và nuôi dưỡng. Trong chừng mực nào đó, vai trò trong gia đình của nữ giới vẫn tiếp tục ít gần với công việc (employment) hơn so với vai trò của nam giới. Điều nay dẫn đến một hiện tượng rằng những người vợ tham gia vào thị trường lao động có xu hướng xung đột vai trò và có cảm giác tội lỗi do việc phải kết hợp cả công việc và gia đình hơn so với nam giới. Do đó, những người phụ nữ này thường đánh giá thấp bản thân và coi mình như là những bậc phụ huynh hay người vợ kém cỏi.
Nhìn chung, đặc tính nam thường được xã hội cho là phù hợp với nam giới hơn so với nữ giới và ngược lại. Tuy nhiên, những đặc tính cụ thể nào phù hợp cho từng giới lại không có sự tương đồng mà khác nhau theo đặc trưng về văn hóa và xã hội, điều này lý giải vì sao vai trò giới ở Mỹ không thể tương ứng cho dân số của quốc gia khác. Và vai trò giới, bên cạnh việc dựa trên những đặc tính sinh học về tính nam và tính nữ thì nó phần lớn là do những quy định và kỳ vọng của xã hội gắn với giới nam và giới nữ, từ đó nó quy định những chuẩn mực, suy nghĩ, quy tắc ứng xử và hành vi của các cá nhân trong xã hội.
5. Kết luận
Nhìn chung, quá trình xã hội hóa và giáo dục về giới tính và vai trò giới góp phần hình thành một tập hợp những tri thức, hành động, hành vi và quy tắc ứng xử mà nam giới và nữ giới học được và thể hiện trong thực tế. Những giá trị này đạt được dựa trên những mong đợi từ phía xã hội ở một người và tương ứng với việc người đó là phụ nữ hay nam giới.
Qua nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước, các học giả đều đồng tình khi cho rằng vai trò giới là đa dạng, nó phụ thuộc vào vị trí và bối cảnh riêng của từng xã hội cũng như của từng nền văn hóa. Vai trò giới trong bối cảnh hiện nay cũng không ngừng thay đổi để phù hợp với sự thay đổi của các điều kiện và hoàn cảnh sống. Chính sự biến đổi của đời sống xã hội cũng làm thay đổi quan niệm xã hội và hình thành những quan niệm và giá trị mới. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục giới tính và vai trò giới trong gia đình cũng như ngoài xã hội, tương ứng với nó là việc các cá nhân trong xã hội có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận một hành vi ứng xử vai trò nào đó.
Cùng với sự thay đổi về quan điểm và giá trị trong xã hội, việc các tác nhân xã hội khác như nhà trường, các nhóm đồng đẳng và truyền thông đại chúng cũng làm thay đổi nhiều vai trò của gia đình trong việc xã hội hóa và giáo dục cá nhân về giới tính và vai trò giới. Tuy nhiên, bằng việc áp dụng nhiều phương pháp giáo dục khác nhau, phương tiện giáo dục khác nhau, thì vai trò của gia đình dù có biến đổi vẫn luôn được đề cao trong mọi xã hội. Gia đình vẫn luôn điểm tựa vững chắc cho quá trình xã hội hóa của con người diễn ra bền bỉ và phù hợp với những giá trị hiện hữu trong văn hóa và xã hội mà các cá nhân đang sinh sống.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
CRESPI, I. 2004. Socialization and gender roles within the family: A study on adolescents and their parents in Great Britain. Department of Sociology, Catholic University of Milan.
LÊ NGỌC VĂN 2011. Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam, Hà Nội, NXb Khoa học xã hội.
ỦY BAN DÂN SỐ GIA ĐÌNH VÀ TRẺ EM 2004. Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với gia đình Việt Nam hiện nay. Hà Nội.
VÕ TẤN QUANG 1994. Chức năng xã hội hóa của gia đình. In: TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỀ GIA ĐÌNH VÀ PHỤ NỮ (ed.) Gia đình và vấn đề giáo dục gia đình. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.
NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THỦY, N. T. T. 2014. Gia đình và giáo dục gia đình, Hà Nội, Nxb Chính trị Quốc gia.
NGUYỄN THỊ TỐ QUYÊN 2005. Về vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ em trong gia đình Xã hội học, 1, 85-91
LÊ NGỌC VĂN 1996. Gia đình Việt Nam với chức năng xã hội hóa, Hà Nội, Nxb Giáo dục.
RAJ BAHADAR CHAUDHARY, R. K. 2017. Development of a gender role inventory for Indian adolescents. Indian Journal of Community Psychology, 13, 175-179
SIMON, R. W. 1995. Gender, multiple roles, role meaning and mental health. Journal of Health and Social Behavior, 36, 182-194http://www.jstor.org/stable/2137224
MUHAMMAD HUSSAIN, A. N., WASEEM KHAN 2015. Gender stereotyping in family: an institutionalized and normative mechanism in Pakhtun society of Pakistan. SAGE Journals, 5.https://doi.org/10.1177/2158244015595258
* Ths, Viện nghiên cứu Con người