Rào cản trong phát triển con người của người khuyết tật
Lê Thị Thu Hà- Viện Nghiên cứu Con người
Vận dụng quan điểm phát triển con người của UNDP là sự mở rộng tự do lựa chọn và nâng cao năng lực cho con người và các số liệu thống kê, thông tin thu thập được về người khuyết tật, bài viết phân tích và chỉ ra một số rào cản trong phát triển của người khuyết tật đồng thời gợi mở giải pháp nhằm nâng cao năng lực và mở rộng cơ hội lựa chọn cho người khuyết tật.
Người khuyết tật
Khái niệm về khuyết tật thay đổi theo thời gian và không gian nhưng về cơ bản khuyết tật được xem là một tình trạng hoặc một chức năng được đánh giá là đã bị khiếm khuyết nghiêm trọng so với tình trạng bình thường của đại đa số người dân. Khuyết tật thường được dùng để chỉ những khiếm khuyết chức năng cá nhân bao gồm khiếm khuyết về thể chất, giác quan, nhận thức, trí tuệ hoặc những vấn đề về tâm trí.
Khái niệm Người khuyết tật được đưa ra trong được đưa ra trong Luật Người khuyết tật của Việt Nam (được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010). Theo đó, người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Luật này đã xác định các dạng tật và mức độ khuyết tật khác nhau. Các dạng tật bao gồm khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ và các khuyết tật khác. Mức độ khuyết tật bao gồm: khuyết tật đặc biệt nặng, khuyết tật nặng và khuyết tật nhẹ.
Người khuyết tật được đảm bảo thực hiện các quyền: tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật. Người khuyết tật cũng được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật.
Vấn đề phát triển con người của người khuyết tật
Con người là trung tâm của sự phát triển. Đây là nguyên lý cơ bản đã được UNDP đưa ra trong Báo cáo Phát triển Con người toàn cầu (HDR) đầu tiên năm 1990. Báo cáo chỉ rõ: “Con người là của cải thực sự của một quốc gia. Mục tiêu cơ bản của phát triển là tạo ra một môi trường thuận lợi để con người có cuộc sống dài, mạnh khỏe và sáng tạo”. Khái niệm phát triển con người có lịch sử khá dài và đã phát triển qua thời gian, song nguyên tắc chính vẫn giữ nguyên: con người là của cải của một quốc gia, và sự phát triển, quyền tự do, khả năng và sự lựa chọn của con người là mục tiêu cuối cùng của quá trình phát triển. Việc đánh giá đúng về mức độ phát triển của một quốc gia không phải là tốc độ tăng GDP hay tổng thu nhập gia tăng mà chính là phát triển con người.
Báo cáo HDR toàn cầu 2010 tóm tắt những yếu tố chính của khái niệm phát triển con người như sau: Thứ nhất, phát triển con người nhằm mở rộng sự tự do để con người được làm những việc họ coi trọng và có lý do để coi trọng. Phát triển con người chủ yếu liên quan tới quyền tự do cơ bản và những lựa chọn, bao gồm lựa chọn để có một cuộc sống mạnh khỏe lâu dài, được học hành, hưởng thụ mức sống tốt, được tự do về chính trị, nhân quyền và tự tôn trọng bản thân. Khái niệm phát triển con người cũng bao gồm những lựa chọn quan trọng khác dẫn tới cải thiện đời sống cho người dân như an ninh, tham gia vào đời sống văn hóa, sinh kế an toàn và có ý nghĩa, và có đời sống tinh thần tốt đẹp. Thứ hai, khái niệm này coi phát triển vừa là quá trình mở rộng những sự lựa chọn đồng thời cũng là tập hợp các kết quả theo đó đo lường mức độ cải thiện đời sống mà các cá nhân và xã hội đã có được. Quan trọng hơn, khái niệm này cũng nói tới quá trình xây dựng năng lực của con người cũng như sử dụng các năng lực đó: dù có hay không, và mức độ mà con người sử dụng năng lực mà mình đã xây dựng nên. Cuối cùng, phát triển con người có liên quan tới chủ thể. Khái niệm này coi con người là chủ thể chủ động trong tiến trình phát triển chứ không phải là bên thụ hưởng bị động. Phát triển con người không chỉ liên quan tới mức độ hài lòng với những nhu cầu cơ bản mà còn liên quan tới mức độ con người có thể chủ động tham gia vào tiến trình phát triển. Nói cách khác nó có liên quan tới quyền tự do và lựa chọn của con người về cơ hội cũng như về quá trình[1]
Để người khuyết tật được phát triển, họ cần được mở rộng cơ hội lựa chọn và nâng cao năng lực phù hợp với dạng tật và mức độ tật của họ. Quá trình này bao gồm thứ nhất là việc mở rộng sự tự do để người khuyết tật có thể làm được những việc họ coi trọng và phù hợp với năng lực thể chất cũng như tinh thần của họ; thứ hai phát triển người khuyết tật đồng thời là tập hợp các kết quả đo lường mức độ cải thiện đời sống mà họ có được: nâng cao đời sống kinh tế, trình độ học vấn, thu nhập và gia tăng sự hòa nhập vào đời sống kinh tế văn hóa, chính trị, xã hội v.v…; thứ ba là đề cao quá trình xây dựng và nâng cao năng lực và sử dụng năng lực đó nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật. Quá trình xây dựng và nâng cao năng lực của người khuyết tật được thể hiện các hoạt động giáo dục bao gồm giáo dục hòa nhập, giáo dục chuyên biệt và bán chuyên biệt; việc hỗ trợ và chăm sóc y tế; khả năng tiếp cận với các công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, các dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch, và các dịch vụ khác để đảm bảo cuộc sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ. Trong quá trình này vai trò chủ thể của người khuyết tật là rất quan trọng. Người khuyết tật cần phải có tâm thế chủ động tham gia vào quá trình xây dựng, nâng cao năng lực và sử dụng năng lực được nâng cao để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Rào cản trong quá trình phát triển của người khuyết tật được hiểu là những yếu tố ngăn cản người khuyết tật tham gia vào các hoạt động sống, hạn chế việc mở rộng cơ hội lựa chọn cũng như việc nâng cao năng lực cho chính bản thân họ. Việc mở rộng các cơ hội lựa chọn phụ thuộc không nhỏ vào chính năng lực thực hiện của con người hay nói cách khác khi con người được nâng cao năng lực thì sẽ nâng cao được chủ động để tham gia vào “quá trình định hình” nên cuốc sống của họ, cải thiện cuộc sống của họ. Các yếu tố đó bao gồm: tình trạng thể chất của người khuyết tật, những bất cập/khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc và nâng cao sức khỏe; những bất cập/ khó khăn trong tiếp cận giáo dục; những bất cập/khó khăn trong hoạt động kinh tế, trong việc làm và nâng cao thu nhập; những bất cập/khó khăn khi tham gia vào đời sống văn hóa, chính trị, xã hội; quan niệm hay cách nhìn nhận của người xung quanh cũng như của chính bản thân người khuyết tật về tình trạng của họ v.v…
Một số rào cản trong phát triển của người khuyết tật
Tình trạng khuyết tật và những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày
Tình trạng khuyết tật có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động cũng như sinh hoạt hàng ngày của người khuyết tật. Tùy mức độ khuyết tật mà người khuyết tật gặp những khó khăn cơ bản như ăn uống, đi lại, vận động, nghe, nói, nhìn, thực hiện các công việc tự chăm sóc bản thân v.v… Đa khuyết tật là tình trạng khá phổ biến của người khuyết tật, gây nhiều hơn những khó khăn cho họ. Để khắc phục những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, người khuyết tật thường dựa vào sự giúp đỡ của người khác, cố gắng thích nghi và sử dụng các dụng cụ hỗ trợ. Do vậy nhu cầu về người chăm sóc, phục hồi chức năng và cung cấp các dụng cụ hỗ trợ là nhu cầu cần thiết đối với họ.
Trình độ học vấn và những khó khăn trong giáo dục
Khuyết tật là một cản trở lớn đối với người khuyết tật trong việc đi học. Những khó khăn đó bao gồm: việc học, giao tiếp trong trường với thầy cô giáo và bạn bè, đi lại, tham gia vào các hoạt động ở trường, cơ sở hạ tầng của nhà trường chưa thân thiện với người khuyết tật, sự kỳ thị và phân biệt đối xử từ bạn bè cùng lớp. Thêm vào đó, nhận thức thấp và thái độ tiêu cực của chính cha mẹ về mức độ cần thiết của giáo dục đã gây ra những khó khăn cho một số người khuyết tật.
Việc làm và những khó khăn trong việc làm
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội năm 2008, trong số người khuyết tật được hỏi có 35.9% hiện đang đi làm, 29.8% từng đi làm và 34.3% chưa từng đi làm. Trong đó 51.6% là làm nông nghiệp, 25.5% lao động chân tay, 9.7% tiểu thương/dịch vụ và 13.2% công nhân hay nghề khác. Như vậy số người khuyết tật thiếu việc làm, không có việc làm chiếm tỷ lệ lớn, và các công việc thường mang lại thu nhập thấp.
Có thể thấy rõ người khuyết tật đang gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm cũng như khó khăn tại nơi làm việc. Nguyên nhân của tình trạng này do hiệu quả công việc thấp, người khuyết tật gặp khó khăn trong đi lại, không thể làm công việc cũ, mặc cảm, bị kỳ thị phân biệt đối xử.
Đối với những người chưa từng đi làm, nguyên nhân phổ biến nhất khiến người khuyết tật thấp nghiệp thì chủ yêus là do sức khỏe yếu, hoặc do không tìm được việc làm phù hợp, bị chủ lao động từ chối, do khó khăn trong đi lại, đôi khi là do gia đình không khuyến khích và tự kỳ thị.
Trước vấn đề này, chính sách và chương trình hỗ trợ công ăn việc làm và các vấn đề liên quan đến việc làm cho người khuyết tật là quan trọng nhất, họ cần phải được học nghề để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, hỗ trợ việc làm, giới thiệu việc làm.
Chăm sóc sức khỏe và những khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế
Chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật là một hoạt động cần thiết đặc biệt với những người đa khuyết tật. Tuy nhiên trong số những khó khăn họ gặp phải khi tiếp cận các dịch vụ y tế thì phí và chi phí cao là rào cản lớn nhất, tiếp theo là việc không có phương tiện đi lại phù hợp cho người khuyết tật; không có dịch vụ phù hợp; đường đến cơ sở y tế xa, hoặc gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế do điều kiện cơ sở hạ tầng như vị trí, cầu thang, cửa, trang thiết bị không phù hợp với người khuyết tật.
Tham gia đời sống cộng đồng và những khó khăn gặp phải
Nhìn chung người khuyết tật còn ít tham gia vào các tổ chức chính thức ở địa phương (Chính quyền địa phương, Mặt trận tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội nông dân, Đoàn thanh niên). Nguyên nhân của tình trạng này là do người khuyết tật gặp khó khăn trong giao tiếp, khó khăn trong đi lại, không được mời, mặc cảm.
Số người khuyết tật tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao (bao gồm chơi hoặc xem thể dục, thể thao, giải trí, đi xem kịch, xem phim, đi nhà thờ hoặc đi du lịch) cũng rất thấp. Nguyên nhân lớn nhất khiến họ không tham gia là khó khăn trong đi lại; khó khăn trong giao tiếp; không được mời, mặc cảm hoặc bị kỳ thị
Quan điểm của cộng đồng, gia đình và bản thân người khuyết tật về tình trạng của người khuyết tật
Quan điểm của cộng đồng và bản thân người khuyết tật về tình trạng của người khuyết tật cũng là một chỉ báo quan trọng ảnh hưởng đến việc tham gia của người khuyết tật vào các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội. Nhìn chung, cộng động và gia đình NKT thường quan niệm về người khuyết tật như: “người khuyết tật là đáng thương”, “người khuyết tật quá phụ thuộc vào người khác”, “người khuyết tật không thể có cuộc sống bình thường” v.v…
Bị kỳ thị và phân biệt đối xử trong nhiều hoàn cảnh khác nhau và dưới nhiều hình thức khác nhau khiến người khuyết tật thường có thái độ bi quan với cuộc sống dẫn đến việc họ luôn thụ động, không hòa nhập xã hội và thậm chí còn lảng tránh những hoạt động xã hội. Điều này hạn chế sự tham gia của người khuyết tật vào đời sống xã hội, đời sống cộng đồng, hạn chế sự phát triển chung của họ trong đời sống cộng đồng xã hội
1. Kết luận
Người khuyết tật ở Việt Nam nói chung đang gặp nhiều rào cản trong quá trình phát triển. Trong nhiều rào cản mà người khuyết tật đang gặp phải, một rào cản vô hình khó vượt qua đó là sự kỳ thị, phân biệt đối xử khiến người khuyết tật luôn tự ti, mặc cảm, sống khép mình không muốn giao tiếp xã hội. Ngoài rào cản về thái độ và hành vi, rào cản lớn nhất đó chính là về vật chất. Môi trường tại các cơ sở, công trình công cộng, trường học, bệnh viện, cơ quan, trung tâm dạy nghề vẫn đang tạo khó khăn cho người khuyết tật tiếp cận hoặc chưa phù hợp, chưa đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật.
Những rào cản mà người khuyết tật phải đối mặt đã hạn chế họ tham gia một cách đầy đủ vào đời sống xã hội, vào toàn bộ mọi lợi ích cộng đồng của mình trên cơ sở bình đẳng. Năng lực của người khuyết tật chưa được nâng cao đồng thời các cơ hội lựa chọn trong tất các các hoạt động, lĩnh vực trong cuộc sống chưa được mở rộng. Vì vậy những rào cản đó không những gây thiệt hại cho người khuyết tật mà còn là sự thiệt hại cho cả cộng đồng về khả năng tiếp cận cần thiết để đạt được sự tiến bộ và phát triển cho tất cả mọi người trong xã hội.
Để bảo đảm và thúc đẩy người khuyết tật được nâng cao năng lực để tham gia sâu rộng vào đời sống xã hội, để có thể tự do lựa chọn cơ hội phát triển, cần có các hoạt động trợ giúp trên các mặt:
Về mặt chính sách, Đảng và Nhà nước đã ban hành Luật Người khuyết tật 2010; Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 v.v… Nhiều tỉnh thành cả nước đã ban hành Đề án trợ giúp người khuyết tật của tỉnh đến năm 2020 nhằm hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội. Các chính sách, đề án này cần được triển khai đồng bộ, sâu sát và có hiệu quả.
Các hoạt động hỗ trợ y tế và chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật tiếp tục tập trung vào cấp thẻ bảo hiểm y tế, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ dụng cụ trợ giúp (xe lăn, xe lắc, chân tay giả, máy trợ thính, nạng…); Chủ động, tích cực triển khai công tác giáo dục trẻ khuyết tật, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, giáo viên phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, nâng cao số lượng và chất lượng trẻ em khuyết tật được tiếp cận với giáo dục; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật nhằm tạo việc làm phù hợp cho người khuyết tật trong độ tuổi lao động, còn khả năng lao động; Triển khai các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận với công nghệ thông tin, nghiên cứu phát triển các công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông; Mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động đảm bảo giao thông tiếp cận của người khuyết tật như: đưa các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vào hoạt động có phục vụ cho các đối tượng là người khuyết tật như: miễn giảm giá vé cho người khuyết tật tham gia giao thông; trang bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng, công trình xây dựng công cộng đảm bảo cho người khuyết tật có thể tiếp cận được; mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa giải trí cho người khuyết tật v.v… Và trên hết là nâng cao nhận thức của cộng đồng, người thân và chính bản thân người khuyết tật để người khuyết tật có thể sống một cách độc lập; được hưởng những thành quả phát triển của xã hội và có đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
Tài liệu tham khảo
1. Luật người khuyết tật, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010
2. Tổng cục thống kê (2016), Niên giám thống kê Việt Nam 2015, Nxb Thống kê, Hà Nội
3. Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (2008), Người khuyết tật ở Việt Nam: Kết quả điều tra tại Thái Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng và Đồng Nai, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
4. UNDP (2011), Dịch vụ xã hội phục vụ phát triển con người- Báo cáo Quốc gia về phát triển con người 2011, Hà Nội
[1] Tham khảo UNDP (2011), “Dịch vụ xã hội phục vụ phát triển con người- Báo cáo Quốc gia về phát triển con người 2011.