Một số quan điểm về xã hội hóa

06/04/2020

Một số quan điểm về xã hội hóa

Xã hội hóa đề cập đến quá trình ảnh hưởng xã hội mà thông qua đó mỗi cá nhân học hỏi về văn hóa hoặc tiểu văn hóa của nhóm mình và thông qua việc học hỏi những thành tố văn hóa này mà tính cách và bản chất cá nhân được hình thành. Do đó, xã hội hóa đáp ứng hai vấn đề quan trọng của đời sống xã hội bao gồm thúc đẩy sự tiếp diễn của xã hội và sự phát triển con người. Xã hội hóa là một quá trình khiến cho các cá nhân trở nên mang tính xã hội – đó là khiến họ phù hợp để sống trong những điều kiện xã hội cụ thể của các nhóm xã hội của mình hay của bối cảnh xã hội rộng lớn (Noack, 2011).

Xã hội hóa được nhìn theo hai quan điểm. Thứ nhất là quan điểm cấu trúc coi xã hội hóa là quá trình mà các cá nhân học hỏi những vai trò thông qua các vị thế khác nhau mà họ đảm nhận trong quá trình sống của mình. Thứ hai là quan điểm cá nhân coi xã hội hóa là một quá trình xã hội mà các cá nhân ở bất cứ thời điểm nào có thể học được thông qua sự tương tác với những người khác về việc họ được kỳ vọng sẽ ứng xử như thế nào. Mỗi cá nhân có thể đảm nhận những vị thế xã hội khác nhau. Ví dụ, ngay trong gia đình, một cá nhân có thể vừa là cha/mẹ, là ông/bà, hoặc là con cái, là anh chị em (Musgrave, 2017).

Các ngành khoa học khác nhau có những cách tiếp cận khác nhau đối với xã hội hóa. Ngành nhân học thường coi xã hội hóa chủ yếu là sự chuyển giao văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các nhà tâm lý học thì chú trọng đến nhiều khía cạnh khác nhau của sự phát triển cá nhân. Đối với các nhà tâm lý học phát triển, xã hội hóa chủ yếu liên quan đến sự phát triển nhận thức được xem như sự kết hợp của những ảnh hưởng xã hội và sự trưởng thành. Các nhà tâm lý học hành vi coi xã hội hóa là sự học hỏi các khuôn mẫu hành vi chủ yếu thông qua việc tăng cường môi trường hoặc qua quá trình thay cho người khác, ví dụ như làm hình mẫu. Các nhà tâm lý học lâm sàng coi xã hội hóa là sự hình thành nhân cách thường thông qua môi trường trải nghiệm thời thơ ấu đầu tiên (Gecas, 2001).

Đối với ngành xã hội học, có hai hướng tiếp cận chính đối với xã hội hóa. Thứ nhất là hướng tiếp cận của thuyết cấu trúc chức năng. Xã hội hóa là khái niệm sớm được đề cập bởi những nhà xã hội học đầu tiên theo trường phái này, ví dụ như E. Durkheim. Theo ông, xã hội hóa là có tính ảnh hưởng và ông đưa ra hai cách giải thích về quyền lực của người lớn khiến trẻ con vượt qua những định hướng cá nhân của họ. Thứ nhất, trẻ em về bản chất tự nhiên là có tính bị động giống như trạng thái của một người bị thôi miên và có xu hướng bắt chước hành động của người lớn. Thứ hai, cha mẹ và thầy cô giáo bắt đầu những hành vi giáo dục có sức mạnh hơn và quyền lực đối với trẻ em do sự trải nghiệm và kiến thức của họ. Trong quá trình xã hội hóa, quyền lực của người lớn và sự bị động của trẻ em và xu hướng bắt chước dẫn đến việc trẻ em chấp nhận và lĩnh hội những thứ mà người lớn dạy. Durkheim nhấn mạnh rằng mặc dù người lớn có sức mạnh đối với trẻ em nhưng bản thân họ không được tự do trong các hoạt động giáo dục của mình hay trong những giá trị, chuẩn mực và những thứ mà họ muốn chuyển tải cho trẻ em. Ngược lại, những giá trị được xem là phù hợp được kiểm soát bởi đạo đức xã hội. Do đó, với Durkheim, xã hội hóa là quá trình mà ở đó trẻ em – trong trạng thái bị động - tiếp thu những giá trị, chuẩn mực cơ bản mà cha mẹ hoặc thầy cô giáo – được tượng trưng như những quyền lực tự nhiên – chuyển tải cho trẻ em để tạo ra sự tồn tại có tính hội nhập xã hội hay nói cách khác là sự tồn tại chống lại sự vị kỷ tự nhiên của nó để đóng góp một cách đầy đủ vào sự cố kết và trật tự xã hội (Keel, 2016).

Thuyết cấu trúc chức năng phát triển mạnh trong những năm 1950 – 1960. T.Parson sau này cũng dựa trên những quan điểm của Durkhiem cho rằng mục đích của xã hội hóa là sự hội nhập mang tính quy chuẩn của trẻ em vào trật tự xã hội của một xã hội. Giống như Durkheim, Parson cũng coi xã hội hóa là một quá trình được kiểm soát bởi cha mẹ và người lớn. Theo Parson, các cá nhân phải lĩnh hội về mặt xã hội những khuôn mẫu định hướng giá trị chung được xác định cho những vai trò cụ thể (ví dụ như vai trò của người cha). Sự lĩnh hội những vai trò đó đưa đến sự định hướng của các cá nhân tới những kỳ vọng và giá trị cụ thể có liên quan đến những vai trò đó. Theo nghĩa này, xã hội hóa đề cập đến quá trình phát triển mà ở đó cá nhân được xã hội hóa bị đòi hỏi phải chấp nhận một loạt vai trò được coi là phù hợp trong xã hội (Keel, 2016). Do vai trò là những thành tố quan trọng của các hệ thống văn hóa và xã hội, bao gồm các bộ phận mang tính quy phạm và giá trị, xã hội hóa vai trò trở thành phương thức chính để hội nhập các cá nhân vào hệ thống xã hội và nhờ đó thúc đẩy tính tiếp tục của các hệ thống này. Sự hội nhập này được xem là mang tính chức năng đối với các cá nhân và xã hội, trong đó, Parson nhấn mạnh nhiều hơn đến tính chức năng đối với các cá nhân (Gecas, 2001). Nhà xã hội học người Mỹ sau này cũng theo trường phái cấu trúc chức năng – R. Merton - coi xã hội hóa là sự học hỏi các vai trò xã hội nhưng ông cho rằng xã hội hóa là một quá trình khó hiểu. Khái niệm của ông về “chức năng tiềm ẩn” (latent function) chỉ ra những khả năng không lường trước được hoặc những kết quả không mong muốn của hành vi quy chuẩn hay mang tính thiết chế, ví dụ như sự lưu truyền của bất bình đẳng xã hội hoặc sự phát triển phản chức năng của cá nhân (Gecas, 2001).

Sau này, thuyết chức năng không còn có vị trí ưu thế trong xã hội học mà những trường phái lý thuyết khác bắt đầu nổi lên, ví dụ như thuyết tương tác biểu trưng (tiêu biểu là Mead). Trường phái này chủ yếu coi xã hội hóa là sự hình thành quan niệm về bản thân (self-concept). Sự đóng vai trò là cách thức mà qua đó văn hóa (dưới hình thức các giá trị, chuẩn mực, bản sắc vai trò v.v..) được cá nhân tiếp nhận như những thành tố của sự tự nhận thức về bản thân. Lý thuyết tương tác biểu trưng phân biệt xã hội hóa khác với các hình thức học tập khác hoặc các sự ảnh hưởng xã hội khác do sự liên quan của nó tới viện nhận thức về bản thân. Theo đó, xã hội hóa không chỉ là quá trình học hỏi các quy định, chuẩn mực và khuôn mẫu hành vi. Hơn thế, nó còn liên quan đến việc học học những thứ mà chúng trở thành một phần của cách thức mà chúng ta nhận thức về bản thân mình bởi biểu hiện của sự xã hội hóa thành công chính là sự chuyển đổi sự kiểm soát xã hội (thông qua chủ thể xã hội hóa) thành sự kiểm soát cá nhân (dưới các cơ chế tự điều chỉnh). Điều này được hoàn thành chủ yếu thông qua sự phát triển bản sắc, các nhãn (labels) và các đặc điểm hình thành nên cái tôi và được hướng dẫn bởi các quá trình tự đánh giá. Xã hội hóa như một sự hình thành nhận thức về bản thân xảy qua thông qua các quá trình học hỏi và ảnh hưởng xã hội ví dụ như làm hình mẫu, đóng vai, các sự so sánh xã hội (Gecas, 2001).

Tài liệu tham khảo

Gecas, V., 2001, Socialization, Sociology of, International Encyclopedia of the Social & Behavioral Sciences, tr.14525-14531

Keel, S., 2016, Socialization: Parent–Child Interaction in Everyday Life, Florence: Taylor and Francis.

Musgrave, P., 2017. The Sociology of Education (Routledge Library Editions: Sociology of Education). Milton: Taylor and Francis.

Noack, P., 2011, Socialization, Encyclopedia of Adolescence, 2, 352-360.