CƠ SỞ LÝ LUẬN ĐO LƯỜNG CHỈ SỐ AN NINH CON NGƯỜI
Đi sâu vào nghiên cứu an ninh con người, các học giả đều nhận thấy rằng an ninh con người hiện nay đang bị đe dọa bởi nhiều yếu tố khác nhau và ở mỗi quốc gia và khu vực mức độ mất an ninh con người cũng khác nhau. Do đó, việc xem xét và đo lường mức độ an ninh con người ở cấp độ toàn cầu và quốc gia để từ đó có cái nhìn tổng thể là rất cần thiết. Nó cho phép các quốc gia biết được cần phải chú ý đến chiều cạnh nào, cần phải làm gì để đảm bảo an ninh con người cho công dân của mình. Vì thế, bên cạnh những chỉ số đo lường trong nghiên cứu về con người đã được công bố trước đây, chỉ số an ninh con người ra đời như một tất yếu trong bối cảnh quan hệ chính trị, quân sự của thế giới đang ngày càng căng thẳng và an ninh con người đang ngày càng bị đe dọa. Vậy đâu là cơ sở lý luận cho việc đo lường chỉ số an ninh con người? Trả lời cho câu hỏi này là việc làm quan trọng, đặt nền tảng lý thuyết căn bản cho phép chúng ta nhận thấy tính khoa học và độ tin cậy của chỉ số.
1. Từ khái niệm đến chỉ báo để đo lường
An ninh con người bao gồm nhiều chiều cạnh khác nhau như những đe dọa về quân sự và thân thể theo định nghĩa hẹp và những đe dọa về kinh tế và chính trị theo định nghĩa rộng. Thêm nữa, an ninh con người có thể được định nghĩa theo cả cách tích cực và tiêu cực. Tùy theo từng cách lựa chọn sẽ cho phép chúng ta có những định nghĩa khác nhau về các chiều cạnh cần phải đo lường của an ninh con người. Do vậy, việc xác định khái niệm làm việc là bước quan trọng và cơ bản cho việc lượng hóa và đo lường một vấn đề xã hội trên thực tiễn. Có thể nói rằng, không có một chỉ số nào có thể bỏ qua bước làm này.
Theo Blalock, đo lường là một quá trình của sự kết nối những khái niệm trừu tượng đến những chỉ báo thực nghiệm. Quá trình này được mô tả chi tiết bởi Adcock và Collier. Các tác giả này chỉ ra 4 bước chính cho việc chuyển những khái niệm đã được định nghĩa thành những phương pháp đo lường định lượng có ý nghĩa hay những phương pháp nghiên cứu định tính có ý nghĩa. (Eldering 2010).
Các cấp độ đo lường đi từ khái niệm đến chỉ báo được thực hiện qua các cấp độ:
Cấp độ 1 là đi xem xét khái niệm nền tảng, bao gồm những khuôn mẫu mở rộng trong cách hiểu và ý nghĩa của khái niệm. Nhiệm vụ phân tích này là để cô đọng lại sự mở rộng khái niệm và sẽ bao hàm trong đó một số nguyên tắc và có sự giới hạn phạm vi cơ bản nhất. Trong trường hợp an ninh con người, khái niệm cơ bản ít nhất nên bao hàm đó là chiều cạnh tập trung vào con người và bảo vệ những giá trị cốt lõi của con người của khái niệm này.
Cấp độ thứ 2 tiếp tục với việc hệ thống hóa khái niệm để có thể xác định được khái niệm nào nên sử dụng để đo lường. Trong trường hợp “những khái niệm gây tranh cãi” (như khái niệm an ninh con người), thì việc đưa ra những lựa chọn khả thi là việc làm cần thiết. Việc kiểm tra một cách kỹ lưỡng những sự lựa chọn này có thể giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Sự lựa chọn ban đầu để đưa ra một hệ thống các khái niệm vì thế là phải được thực hiện.
Cấp độ 3 là vận hành hệ thống hóa khái niệm này để thành những chỉ báo có ý nghĩa, có giá trị và đáng tin cậy. Những chỉ báo ở đây được thiết kế nhằm đảm bảo tính đặc trưng, sử dụng được trong việc ước lượng và định vị khái niệm, từ đó có thể cho chúng ta một kết quả thực chứng nhất.
Cấp độ cuối cùng của việc đo lường là cung cấp điểm số của những chỉ báo để làm cơ sở dữ liệu định tính hoặc định lượng về những đơn vị được phân tích ở cấp độ cá nhân, cộng đồng, quốc gia hay vùng miền. Một khái niệm cơ bản có liên quan đến giá trị của đo lường là tuân theo ngữ cảnh đặc thù. Việc dựa trên những bối cảnh đặc thù có thể cho phép các nhà nghiên cứu có thể giải thích cho các chỉ báo mà họ lựa chọn trong đo lường. Do đó, điều quan trọng là những phân tích phải có sự nhạy cảm đối với từng bối cảnh và phải cân nhắc điều này trong khi phát triển những chỉ báo đo lường.
Bảng 1. Những cấp độ của đo lường
Cấp độ 1
Khái niệm nền tảng
(Mở rộng những nhóm vấn đề của khái niệm)
Nguyên tắc về mặt lý thuyết và tính thực chứng của lý thuyết
|
Cấp độ 2
Hệ thống hóa khái niệm
Những chiều cạnh và bộ phận cấu thành khái niệm
|
Cấp độ 3
Chỉ báo
(Đồng thời cũng được biết như là “đo lường” hay “vận hành”)
Ở những cấp độ đo lường khác nhau (định danh, thứ b
c và thang khoảng)
|
Cấp độ 4
Những điểm số cho những đơn vị phân tích
Dữ liệu định tính và định lượng
|
|
(Nguồn: (Eldering 2010))
2. Thu thập dữ liệu cho việc đo lường chỉ số
Từ khái niệm trừu tượng đến xây dựng những hệ thống các chỉ báo cụ thể của một chỉ số để có thể đo lường được một sự kiện hay một hiện tượng xã hội thì việc thiết lập được bộ cơ sở dữ liệu là rất quan trọng.
Khi một nhà nghiên cứu thiết lập nên những chỉ báo cho chỉ số của họ, sẽ có nhiều cách để có thể thu thập dữ liệu cần thiết. Dữ liệu có thể được thu thập qua một chuỗi câu hỏi phỏng vấn. Việc thu thập dữ liệu có thể được diễn ra qua việc quan sát hành vi của các cá nhân để có thể thấy bằng cách nào họ hành động hay phản ứng lại trong một tình huống cụ thể. Thêm nữa, dữ liệu cũng có thể được thu thập qua việc phân tích nội dung văn bản như: báo chí, báo cáo chính sách, báo cáo của chính phủ…. Cuối cùng, một phương pháp thường được sử dụng để thu thập dữ liệu là qua việc phân tích những cơ sở dữ liệu thứ cấp (như những dữ liệu thống kế đã được thu thập bởi các quốc gia, tổ chức phi chính phủ, những viện nghiên cứu…).
Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp cho nghiên cứu, đặc biệt sử dụng cho tính toán chỉ số thường buộc những nhà nghiên cứu phải điều chỉnh cách đo lường của mình để phù hợp với số liệu sẵn có. Hơn nữa, tính đầy đủ và xác thực của số liệu cũng là câu hỏi đặt ra đối với kết quả của chỉ số. Do đó, nhà nghiên cứu cần phải nhận định rõ những xu hướng có thể ảnh hưởng đến những kết quả nghiên cứu của mình để có phân tích hay điều chỉnh phù hợp.
Cuối cùng là việc tập hợp lại dữ liệu đã có. Đây là việc làm đóng vai trò quan trọng để có thể vẽ lên được bức tranh về những kết quả của nghiên cứu. Việc tập hợp này được thực hiện qua việc sử dụng những phương pháp hồi quy đơn biến hay đa biến. Một ví dụ đơn giản của việc tập hợp dữ liệu để đo lường một nhóm qua việc đếm những thành viên trong nó. Tuy nhiên, bên cạnh những cách làm đơn giản của việc tập hợp dữ liệu bao gồm phần trăm của những thành viên thuộc về những hạng mục khác nhau (tương tự như % người thất nghiệp trong lực lượng lao động, thu nhập trung bình của quốc gia X, % nhóm dân tộc thiểu số của thành phố Y), ở đây còn có nhiều những cách làm phức tạp hơn để tập hợp dữ liệu (ví dụ nếu những trọng số là khác nhau thì cần phải phân tích thành những cá thể riêng của nhóm được đo lường). Nhưng tựu chung lại, điều kiện quan trọng cần phải lưu ý cho việc tập hợp là những dữ liệu đó phải có ít nhất có một điểm tương đồng.
Như vậy, có thể thấy, cơ sở lý luận quan trọng cho việc đo lường chỉ số là dựa trên một khái niệm nền tảng cơ bản, từ đó xây dựng các chiều cạnh và chỉ báo cần thiết cho chỉ số. Với chỉ số an ninh con người, khái niệm an ninh con người hiện nay vẫn còn khá nhiều tranh cãi, tuy nhiên, phần lớn các cách thức đo lường hiện có đều sử dụng khái niệm an ninh con người theo tiếp cận rộng của UNDP, trong đó lấy các chiều cạnh trong 7 chiều cạnh của an ninh con người do tổ chức này đưa ra làm chiều cạnh cho việc tính toán chỉ số. Về cơ sở dữ liệu đầu vào cho việc tính toán chỉ số an ninh con người hiện nay đều sử dụng các bộ dữ liệu có sẵn. Đây cũng là một trong những hạn chế cho việc tính toán chỉ số an ninh con người do việc phụ thuộc vào tính sẵn có của số liệu. Tuy nhiên, nhìn chung các kết quả có được cho việc tính toán chỉ số đều phản ánh một bức tranh đa dạng, đúng thực tế và đáng tin cậy.
Phạm Thu Hương
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chu Mạnh Hùng. An ninh con người trong pháp luật quốc tế.
2. Đào Thị Minh Hương (2013). Phương pháp luận về an ninh con người và sự cần thiết triển khai nghiên cứu ở Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 4 (2013).
3. Đào Thị Minh Hương (2016). An ninh con người và các chiều cạnh an ninh con người: một số vấn đề lý luận và khả năng áp dụng tính toán. Hội thảo Một số vấn đề lý luận về an ninh con người. Viện nghiên cứu Con người.
4. Bùi Huy Khoát (2009). An ninh con người: Quan niệm Châu Âu – vấn đề của Đông Nam Á. Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 4 (2009).
5. Vũ Dương Ninh (2009). An ninh con người và sự bất an trong cuộc sống hôm nay. Tạp chí phát triển KH&CN, tập 12, số 1 (2009).
6. Đặng Xuân Thanh (2016). Đảm bảo an ninh con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Hà Nội.
7. Trần Ngọc Thêm (2013). Văn hóa và an ninh con người in trong cuốn Những vấn đề Khoa học Xã hội & Nhân văn – Chuyên đề Văn hoá học. Nxb Đại học Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh.
8. Nguyễn Vũ Tùng (2008). Tiếp cận an ninh của ASEAN 5. Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 5 (2008).
9. Sabina Alkire (2003). A conceptual framework for human security. Queen Elizabeth House, University of Oxford.
10. UNDP (1994). Human development report 1994.
11. Wolfgang Benedek, Minna Nikolova và Gerd Oberleitner (2002). Human security and human rights education. European training and research center for human rights and democracy.