Chỉ số An ninh con người và các chỉ số khác

07/03/2017

Chỉ số an ninh con người (ANCN) hiện nay được tính toán theo nhiều cách và dựa trên nhiều quan điểm khác nhau, tuy vậy, dù được do lường theo công thức tính nào thì chỉ số này vẫn phản ánh thực tế rằng: ANCN là tổng hợp của nhiều chiều cạnh của đời sống của con người. Do đó, chỉ số này lại có mối quan hệ thống kê với nhiều chỉ số khác hiện đang được tính toán và sử dụng trên thế giới, cụ thể như sau:

Với cách tiếp cận theo nghĩa rộng, đặc biệt theo quan điểm của UNDP, các chỉ báo đầu vào để tính toán cho chỉ số ANCN của hầu hết các tác giả đều được lấy từ những chỉ số trung gian như các chỉ số về kinh tế (GDP, GINI…), chỉ số tổn thương môi trường, chỉ số tự do báo chí, chỉ số hạnh phúc…. Do đó, mối quan hệ giữa chỉ số ANCN với các chỉ số khác là điều dễ dàng thấy được.

Nhưng bên cạnh đó, chỉ số ANCN còn có mối quan hệ chặt chẽ với một vài chỉ số đang được tính toán trên thế giới hiện nay như chỉ số hòa bình toàn cầu (GPI), chỉ số thành bại quốc gia (the Failed States Index) (FSI) và đặc biệt là chỉ số phát triển con người (HDI), cụ thể:

Đánh giá tác động của chỉ số hòa bình toàn cầu (GPI) với chỉ số mất an ninh con người (HISI) dựa trên cách tính do tác giả Sascha và cộng sự đưa ra cho thấy: Những phân tích thống kê Pearson’s r chỉ ra rằng có mối tương quan giữa hai chỉ số này với điểm số xấp xỉ 0.45, nhưng qua mô hình đường hồi quy lại cho thấy, mặc dù một vài quốc gia có những thời điểm hòa bình, nhưng những chiều cạnh về mất ANCN được xác định rõ ràng là có đe dọa đến đời sống cá nhân. Ngược lại, ở mức tương đối cao của ANCN cũng có thể xảy ra tình trạng tương đối về mất hòa bình. Điều này có nghĩa là không phải lúc nào con người được xác định đang ở trong thời điểm hay tình trạng hòa bình mà an ninh của họ không bị đe dọa. Bởi mất an ninh còn được xác định bởi nhiều yếu tố cũng như do chính nhận thức của các cá nhân trong cộng đồng.

Ảnh hưởng của chỉ số thành bại quốc gia (the Failed States Index) (FSI) đối với chỉ số ANCN được cho là tương tự với chỉ số hòa bình toàn cầu. Các nhà nghiên cứu của chỉ số HISI chỉ ra rằng có mối tương quan nhất định giữa chỉ số FSI với chỉ số HISI qua mô hình đường hồi quy. Kết hợp với phân tích tương quan Pearson’s r cho phép đi đến nhận định rằng mặc dù đánh giá sự thất bại của quốc gia có thể vẫn ở mức độ vừa phải, nhưng tình trạng mất ANCN có thể đã ở mức cao hơn.

Với riêng chỉ số HDI, có độ bao phủ lớn, được chấp nhận và sử dụng trong các hoạt động liên quan đến xây dựng và thực thi chính sách tại nhiều quốc gia trên thế giới trong nhiều năm qua, việc phân tích mối quan hệ giữa chỉ số ANCN với chỉ số này sẽ cho chúng ta có cái nhìn đa chiều hơn cả về lĩnh vực học thuật cũng như áp dụng thực tiễn của chỉ số.

Trong phân tích thống kê cho thấy có mối quan hệ tương quan chặt chẽ giữa chỉ số HDI và chỉ số mất ANCN IHI của nhóm tác giả của tổ chức GESCH, đứng đầu là tác giả Steve Lonergan. Theo các tác giả của IHI, ở đây có mối quan hệ sigma giữa hai chỉ số này.

Tương tự như vậy, phân tích thống kê mô tả giữa HISI và HDI cho thấy chỉ số HDI có ảnh hưởng lớn đến chỉ số HISI nói riêng và ANCN nói chung. Tính toán của Sascha chỉ ra giá trị r-bình phương (r-squared) của HDI và HISI là 0.8 trong khi r-bình phương thường dao động từ 0 đến 1. Theo các tác giả, tương quan cao bởi chỉ số GDP bình quân đầu người là một trong những thành tố chính của chỉ số HDI, trong khi đó GDP bình quân đầu người ảnh hưởng nhiều đến những chỉ báo khác có liên quan đến những vấn đề về phát triển và an ninh, khi mức thu nhập cao thì phần lớn sẽ làm giảm những đe dọa đối với ANCN.

Ngoài ra, chỉ số HDI cơ bản mặc dù có sự phê phán nhưng tác giả Hastings và cộng sự vẫn sử dụng như cơ sở nền tảng cho việc xây dựng chỉ số ANCH HSI phiên bản 1. Chỉ số HSI phiên bản 1 sau đó được tính toán là điểm trung bình của chỉ số HDI và chỉ số cơ cấu xã hội.  

Từ mối quan hệ giữa HDI và chỉ số ANCN cho phép đi đến một kết luận rằng sự tăng cường phát triển con người có thể có nhiều hữu ích cho tính khách quan trong việc giảm thiểu tình trạng mất AN giữa những quốc gia chậm phát triển. Nhưng điều này cũng theo nhiều học giả là không có nhiều ý nghĩa ở các quốc gia đã phát triển.

Một câu hỏi đặt ra là, HDI và chỉ số ANCN có mối quan hệ chặt chẽ như vậy, tại sao cần phải sử dụng chỉ số ANCN, mà theo những người thiết lập nên chỉ số ANCN, là để thay thế chỉ số HDI? Thứ nhất, chỉ số HDI được cho là đo lường những chiều cạnh quá đơn giản, không đo lường được hàng loạt những vấn đề đe dọa đến đời sống của con người trước những thay đổi về bối cảnh đời sống xã hội và môi trường cũng như những vấn đề liên quan đến bạo lực. Thứ hai, chỉ số ANCN được cho là có cơ sở lý thuyết mạnh hơn chỉ số HDI bởi nó được dựa trên cả quan điểm về phát triển và ANCN. Cuối cùng, việc sử dụng một số dữ liệu định tính (như cách làm của chỉ số IHI và phương pháp bản đồ ANCN của Owen), chỉ số ANCN đã cố gắng hướng đến những vấn đề có liên quan đến nhận thức của con người hơn so với chỉ số HDI và các chỉ số khác. Điều này là bởi vì nếu một cộng đồng được cho là phát triển và đáp ứng các yêu cầu đặt ra cho sự phát triển của con người, nhưng hầu hết các cá nhân nhận định rằng ANCN của họ đang bị đe dọa, thì AN của cộng đồng đó cần được nhìn nhận lại.

Như vậy, trong số rất nhiều chỉ số hiện đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới, chỉ số ANCN có mối quan hệ rõ ràng với những chỉ số liên quan đến phát triển và hòa bình. Đây là điều không cần phải tranh luận nhiều bởi vốn dĩ ANCN chỉ được đảm bảo khi con người được sống trong môi trường hòa bình và có cơ hội để phát triển không chỉ ở hiện tại mà còn trong tương lai. 

Phạm Thu Hương

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   A.Hastings, D. (2008). Describing the human condition - From human development to Human security: An Enviromental remote sensing and GIS approach. Bangkok, Thailand.

2.   A.Hastings, D. (2010). The Human Security Index: An Update and a new Release Bangkok, Thailand.

3.   Bajpai, K. (2000). Human security: concept and measurement Kroc Institute Occasional Paper 19.

4.   Commission Human security (2003). Human security now.

5.   Eldering, M. (2010). "Measuring Human (in-)security." Human security perspectives 7(1): 17-49.

6.   Gary King, C. M. (2000). Rethinking Human Security.

7.   Lonergan, S. (2009). The index of Human Insecurity.

8.   Owen, T. (2008). Measuring Human Security, Methodological Challenges and the importance of Geographically referenced determinants. Environmental Change and Human Security. P. H. Liotta. The University of Oxford, Jesus College: 35-64.