Trong khoảng thập niên 70 - 80, “Nghiên cứu tác động của truyền thông đối với xã hội không chỉ bó hẹp trong những nghiên cứu thực nghiệm mà còn xuất hiện các nghiên cứu phê phán, nghiên cứu diễn giải”. Các học giả quan tâm nhiều hơn đến mối quan hệ giữa truyền thông đại chúng đối với tri thức, cũng như ảnh hưởng của bạo lực và tình dục trên truyền thông tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Các nghiên cứu chỉ ra ảnh hưởng rõ nét của truyền thông dẫn đến bệnh nghiền ti vi. Điều đó có thể dẫn đến sự “tha hóa” về niềm tin hoặc thói quen văn hóa từ các thông điệp xuất hiện trên truyền hình [Bryant & Thompson 2002] (Dẫn theo Đặng Thị Thu Hương (2012); tr. 39 - 52).
Từ cuối thập niên của thế kỷ trước đến thập niên đầu của thế kỷ 21, giới nghiên cứu tiến hành nghiên cứu lịch đại nhất về mạng internet nói chung và tin tức trên internet nói riêng. Một nghiên cứu lớn của Viện Báo chí và con người PEW (Mỹ) tiến hành dự án nghiên cứu Internet và cuộc sống người Mỹ đã đưa ra những báo cáo về công chúng Internet ở Mỹ, chỉ ra khả năng tiếp cận, sử dụng và mức độ hài lòng của họ đối với tin tức trên mạng Internet. Nghiên cứu mới nhất (2006) của PEW chỉ ra những đặc điểm sau: Lượng người sử dụng mạng Internet liên tục tăng với tốc độ đáng ngạc nhiên. Tốc độ phát triển của việc sử dụng thông tin trên mạng Internet tỉ lệ thuận với số người dân có đường truyền băng thông rộng. Tỉ lệ những người có đường truyền tốc độ cao ở nhà tiêu thụ tin tức trên mạng Internet cao hơn những người sử dụng đường truyền dial-up. 40% số người có đường truyền băng thông rộng coi tin tức trên mạng Internet là nguồn tin quan trọng. Việc sử dụng mạng Internet nói chung tỉ lệ nghịch với độ tuổi của công chúng Mỹ. Công chúng sẵn sàng đăng kí đọc tin nhưng không sẵn lòng trả tiền. (Dẫn theo Nguyễn Thu Giang, Luận văn Thạc sỹ Khoa học Báo chí về đề tài Công chúng Hà Nội với việc đọc báo in và báo điện tử).
Trong mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ mà gần 200 quốc gia đã ký kết vào tháng 09/2000, bình đẳng giới (BĐG) và nâng cao năng lực cho phụ nữ được thể hiện trong Mục tiêu thứ 3, đồng thời cũng lồng ghép trong tất cả các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Rõ ràng là vấn đề BĐG không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam, một quốc gia hay một châu lục nào. Đó là vấn đề mà cả thế giới phải cùng đối mặt, cùng hợp tác giải quyết. Ông Martha Nussbaum, một chuyên gia chuyên nghiên cứu vấn đề này, tác giả cuốn Sex and social justice (Giới tính và công bằng xã hội) cũng cho rằng tại hầu hết các quốc gia, phụ nữ vẫn đang phải đối mặt với sự thiên vị nam nữ trong giáo dục, không công bằng trong cơ hội việc làm, sự bất bình đẳng về giới trong chính trị,…
Hoạt động Giám sát truyền thông toàn cầu, thuộc dự án về Giới trên Truyền thông, tên Tiếng Anh là Global Media Monitoring Project (GMMP). Đây là một dự án kéo dài và rộng lớn nhất trên thế giới về sự hiện diện của phụ nữ trên truyền thông và là sáng kiến vận động chính sách quy mô nhất cho đến nay về vấn đề này. Năm 1995 có 71 nước tham gia với 50.000 bản tin được giám sát, năm 2000 có 70 nước tham gia với 16.000 bản tin, năm 2005 có 76 nước tham gia với 13.000 bản tin và năm 2010 có 130 nước đã cùng tham gia giám sát này. Những kết quả của dự án rất có ý nghĩa. Năm 1995, bản kết quả được trình bày tại Diễn đàn các tổ chức NGO tại Bắc Kinh vào tháng tháng 9 năm 1995; kết quả năm 2000 được nói đến tại Hội nghị Liên hợp quốc Bắc kinh +5 vào tháng 6 năm 2000; Năm 2009, kết quả được xuất bản đúng thời điểm các sự kiện toàn cầu lớn, trong đó có Hội nghị Bắc Kinh +15 và Cuộc họp thượng đỉnh xem xét lại Mục tiêu thiên niên kỉ. GMMP liên quan đến mục tiêu J2 trong Cương lĩnh hành động Bắc Kinh: Thúc đẩy sự mô tả cân bằng và không nhấn mạnh khuôn mẫu về phụ nữ trên truyền thông (Promote a balanced and non-stereotyped portrayal of women in the media). Mô tả Giới trong các bản tin thời sự là kết quả của rất nhiều các khía cạnh thực hành làm báo. Từ góc độ câu chuyện và lựa chọn các câu hỏi phỏng vấn đến việc sử dụng ngôn ngữ và lựa chọn hình ảnh, tất cả đều mang những thông điệp được thể hiện trong bản tin. Một số yếu tố trong rất nhiều các phân tích sẽ cho ta hình dung sơ bộ bức tranh về Giới trên truyền thông như thế nào.
Theo kết quả của dự án, theo từng giai đoạn, sự hiện diện của phụ nữ trên bản tin có tăng lên chút ít trên toàn thế giới, nhưng nhìn chung, tỉ lệ này cũng vẫn còn rất ít so với thực tế cần phải có. Phụ nữ chỉ chiếm 24% nhân vật được đề cập đến trong bản tin - những người được phỏng vấn, những người mà bản tin nói đến. Theo châu lục, Bắc Mỹ, Châu Đại Dương có tỉ lệ cao nhất, thấp nhất vẫn là Trung Đông rồi đến châu Á. Khắp nơi trên thế giới, phụ nữ là thiểu số những người hiện diện trong bản tin. Tại Việt Nam, sự hiện diện của phụ nữ cũng xấp xỉ số trung bình toàn cầu, nhưng nó vẫn thể hiện sự áp đảo của nam giới xuất hiện trong các bản tin thời sự. So sánh với một số nước, ở châu Á, Trung Đông, châu Âu và Bắc Mỹ, thậm chí một số nước ở châu Âu cũng rất hạn chế trong việc thể hiện hình ảnh của phụ nữ trên các bản tin. Một số nước ở châu Á thì lại vượt trội hơn như Bangladesh, điều này thể hiện sự không đồng đều nhau và việc phụ nữ hiện diện trên truyền thông đại chúng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chỉ có rất ít phần trăm phụ nữ là trung tâm của bản tin, hay nói cách khác, là bản tin nói về người phụ nữ đó, 6% ở Trung Đông và đến Bắc Mỹ cũng chỉ 20% là cao nhất. Dù ít như thế nhưng phụ nữ cũng chỉ hiện diện chủ yếu trong các lĩnh vực nghệ thuật, các buổi lễ kỉ niệm, lĩnh vực giáo dục, sức khỏe, xã hội. Họ rất ít xuất hiện trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là chính trị. Ở Việt Nam, tình hình cũng tương tự như vậy. Số liệu từ giám sát 2010 cho thấy phụ nữ Việt Nam chỉ xuất hiện 3% trong các bản tin về chính trị. Và khi xuất hiện, phụ nữ lại cũng chỉ hiện diện để đại diện cho ý kiến công chúng, hoặc nêu ra các kinh nghiệm của cá nhân, mà không phải là các chuyên gia hay người phát ngôn như nam giới. Ở Việt Nam, phụ nữ là chủ thể của bản tin lại càng ít hơn, tức bản tin không phải để nói về họ, họ chỉ xuất hiện chỉ để nêu ý kiến công chúng mà thôi.
Ở Việt Nam, nghiên cứu dưới góc độ Xã hội học Truyền thông đại chúng là hướng nghiên cứu đã được sự quan tâm của giới chuyên môn. Thời gian đầu, các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào nghiên cứu truyền thông đại chúng trong hoạt động truyền thông nói chung về một chủ đề nào đó, chẳng hạn nghiên cứu truyền thông về dân số, 1993, nghiên cứu truyền thông phòng chống AIDS, 1996,… Giai đoạn sau này, nghiên cứu Xã hội học Truyền thông đại chúng ở Việt Nam mới chú trọng đi vào hướng nghiên cứu lý luận và thực nghiệm, trong nghiên cứu thực nghiệm chủ yếu nghiên cứu về công chúng, về nội dung thông điệp, hiệu quả của truyền thông. Có thể thấy rằng, những nghiên cứu Xã hội học truyền thông đại chúng ở Việt Nam bước đầu đã được kế thừa từ những thành tựu có được từ các nghiên cứu trên thế giới. Tuy nhiên, những nghiên cứu cụ thể và trực tiếp về vai trò của truyền thông trong việc góp phần xóa bỏ BBĐG là chưa hề có.
Đề tài nghiên cứu của Viện Xã hội học: “Khảo sát về truyền thông môi trường và bảo vệ môi trường trên một số tờ báo lớn”, năm 2004, do Trương Xuân Trường làm chủ nhiệm đề tài với nội dung nghiên cứu chính là: khảo sát về các nội dung môi trường và bảo vệ môi trường được truyền tải; khảo sát về các thể loại báo chí khi đưa tin về lĩnh vực này; khảo sát về tác giả viết tin, bài, khảo sát về các khu vực địa lý,…
Hướng đến nghiên cứu một số chuyên đề báo chí cho vùng sâu, vùng xa ở Việt Nam, nghiên cứu trường hợp chuyên đề “dân số, gia đình và trẻ em trên báo Gia đình và Xã hội, Trương Xuân Trường đã cho ra đời cuốn sách Hiệu quả xã hội của một số chuyên đề báo chí dành cho vùng sâu vùng xa ở Việt Nam (Nghiên cứu trường hợp chuyên đề “dân số, gia đình và trẻ em” của Báo Gia đình và Xã hội), năm 2009.
Riêng về lĩnh vực truyền thông BĐG thì có thể kể đến các công trình như Bình đẳng giới trong các quảng cáo tuyển dụng trên báo in (Được xem xét mở rộng trên hệ thống thông tin thị trường lao động) do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) phối hợp với Khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện. Nghiên cứu này đã chỉ rõ, Luật Bình đẳng giới đã quy định phụ nữ và nam giới bình đẳng trong lĩnh vực lao động và việc làm. Tuy nhiên, trên thực tế, sự thực lại khác. Phụ nữ vẫn còn bị đối xử bất bình đẳng so với nam giới, thể hiện ở việc phụ nữ tập trung ở nhiều ngành nghề có mức lương thấp hơn so với nam giới, ít nắm giữ các cương vị lãnh đạo,... Đây là nghiên cứu trường hợp trên một số báo in nhằm xem xét vấn đề giới trong các quảng cáo tuyển dụng, dưới tác động của các nhân tố như thể chế kinh tế và xã hội, các yếu tố kinh tế và thị trường lao động, các yếu tố xã hội, văn hóa,… từ đó đánh giá cơ hội việc làm do các nhà tuyển dụng đưa ra đối với nam giới và nữ giới, cũng như phân tích quan điểm trên của các tác giả báo cáo Đánh giá Giới Việt Nam 2006 như một giả thiết cần kiểm định. Kỹ thuật phân tích tài liệu được áp dụng với 500 quảng cáo tuyển dụng được lựa chọn trong năm 2004, 2006 và quý 1, 2 năm 2008 từ các báo Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ, Lao động và Vietnamnews.
Đề tài “Khảo sát các kênh truyền thông hiện có và tác động của chúng đối với phụ nữ, trẻ em Việt Nam”, 1999, được thực hiện bởi sự phối hợp nghiên cứu của Viện Xã hội học và UNICEF, do Mai Quỳnh Nam là chủ nhiệm đề tài. Nghiên cứu tập trung vào nhóm công chúng phụ nữ, trẻ em nhằm phân tích tác động của các các kênh truyền thông đối với phụ nữ và trẻ em thông qua các thông điệp được đưa trên các kênh truyền thông hiện có.
Tháng 3 năm 2009, Chương trình chung về BĐG giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc với sự tài trợ của Chính phủ Tây Ban Nha đã được thực hiện nhằm nâng cao năng lực của các tổ chức có liên quan ở cấp quốc gia và cấp tỉnh trong thực hiện, giám sát, đánh giá và báo cáo tốt hơn về Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Trong khuôn khổ Chương trình chung, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Bộ LĐ,TB&XH với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về BĐG đã xây dựng bộ Tài liệu tập huấn về Luật Bình đẳng giới cho cán bộ làm công tác Đảng, các đại biểu dân cử (đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp), cán bộ cơ quan quản lý nhà nước các cấp về bình đẳng giới cũng như cán bộ của các tổ chức đoàn thể các cấp chịu trách nhiệm thực thi và giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới. Bộ tài liệu tập huấn nhằm: (i) Nâng cao năng lực cho những giảng viên nguồn về giới và BĐG trong các cơ quan của Đảng, cơ quan của Quốc hội, Bộ LĐ,TB&XH, các Bộ, ngành chủ chốt, cũng như cán bộ ở địa phương; (ii) Hỗ trợ các cơ quan, tổ chức thuộc các ngành, các cấp xây dựng được chương trình tập huấn cho cán bộ, nhân viên của mình; (iii) Nâng cao kỹ năng cho các cán bộ nói trên trong việc tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá và báo cáo việc thực hiện Luật Bình đẳng giới.
Bộ Tài liệu tập huấn gồm 2 tập; Tập I cung cấp những kiến thức cơ bản về giới và Luật Bình đẳng giới, biện pháp thúc đẩy thực hiện Luật và các công cụ để giám sát, đánh giá và báo cáo việc thực hiện Luật Bình đẳng giới. Tập II là Tài liệu hướng dẫn dành cho giảng viên, cung cấp các phương pháp và kỹ năng để tiến hành tập huấn dựa trên những nội dung đã được biên soạn ở Tập I.
Theo như đánh giá của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ trong Đặc san Tuyên truyền pháp luật số 09/2012, chủ đề: “Pháp luật về bình đẳng giới và kết quả thực hiện Luật Bình đẳng giới” thì: “Công tác tuyên truyền về BĐG đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư về giới và BĐG trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ, trong thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, về vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội; góp phần thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về phụ nữ và bản thân phụ nữ tự nhìn nhận đánh giá mình theo hướng tiến bộ. Đồng thời, vấn đề BĐG cũng được quan tâm thể hiện trong nhiều hoạt động của từng cơ quan và các chương trình, dự án kinh tế - xã hội khác ở các cấp, các ngành, các địa phương.” (tr.47). Tuy nhiên, hoạt động tuyên truyền BĐG vẫn còn nhiều điểm bất cập: “Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục chưa thật phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn. Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông mới chỉ dừng ở việc tuyên truyền những chính sách, pháp luật về BĐG, chưa mở rộng đến các nội dung khác có liên quan, chưa gắn với môi trường công tác, nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, lĩnh vực. Việc thực hiện trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong thông tin, giáo dục, truyền thông cũng như việc nâng cao kiến thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về giới thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, xây dựng tài liệu nguồn đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức về BĐG tuy đã có chuyển biến nhưng còn chậm, chưa sâu sắc và chưa toàn diện, chỉ tập trung vào một số đối tượng.” (tr.50).
Có thể nói rằng, vấn đề giới, BĐG đã được quan tâm, nghiên cứu nhiều ở trên thế giới và cả ở trong nước. Tuy nhiên, chưa có nhiều các công trình nghiên cứu về hoạt động truyền thông BĐG, nhất là nghiên cứu về vai trò của hoạt động truyền thông xóa bỏ BBĐG trên một địa bàn cụ thể nhằm chỉ ra một số hạn chế nhất định còn tồn tại trong hoạt động này và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động truyền thông BĐG.
Nguyễn Thắm
Vài nét về tình hình nghiên cứu thông điệp truyền thông bình đẳng giới ở Việt Nam
Việc nghiên cứu truyền thông đại chúng ở Việt Nam trước hết diễn ra ở các viện nghiên cứu báo chí - truyền thông và một số cơ sở nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Nhiều nghiên cứu về lịch sử báo chí - truyền thông trong nước đã được tiến hành, tiêu biểu như công trình của các tác giả Huỳnh Văn Tòng Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến năm 1945; Trần Ngọc Tăng, Vai trò của truyền thông đại chúng trong giáo dục thẩm mỹ ở nước ta hiện nay; Đỗ Xuân Hà, Báo chí với thông tin quốc tế;… Một số giáo trình cung cấp các tri thức về lý luận báo chí như: Cơ sở lý luận báo chí - Đặc tính và phong cách (Hà Minh Đức); Cơ sở lý luận báo chí truyền thông (Đinh Hường - Dương Xuân Sơn - Trần Quang); Truyền thông đại chúng (Tạ Ngọc Tấn),… Nhóm sách về thể loại báo chí như: Thể loại báo chí thông tấn (Đinh Hường), Thể loại báo chí chính luận nghệ thuật (Dương Xuân Sơn), Thể loại báo chí chính luận (Trần Quang), Phê bình tác phẩm văn học nghệ thuật trên báo chí (Nguyễn Thị Minh Thái),… Nghiên cứu về những vấn đề chung của ngôn ngữ truyền thông cũng như những điểm đặc thù của ngôn ngữ truyền thông Việt Nam có thể nói tới cuốn giáo trình Ngôn ngữ báo chí của Vũ Quang Hào,…
Riêng về góc tiếp cận xã hội học truyền thông đại chúng, bài viết: “Một số vấn đề về nghiên cứu truyền thông đại chúng” của tác giả Vũ Trà My, đăng trong cuốn Báo chí những vấn đề lí luận và thực tiễn, tập 6 đã đưa ra một nhận định khá chính xác về tình hình nghiên cứu truyền thông đại chúng ở Việt Nam: “Ở Việt Nam, nghiên cứu truyền thông đại chúng đã và đang phát triển. Tuy nhiên, tầm quan trọng của lĩnh vực này còn chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo và hệ thống. Cho đến nay, những đóng góp đáng ghi nhận nhất trong hoạt động này ở Việt Nam lại chủ yếu là thành quả của các nhà xã hội học, đặc biệt là các công trình nghiên cứu của Viện Xã hội học.”
Nghiên cứu về “Định kiến giới trong các sản phẩm truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay” do tác giả Nguyễn Thị Tuyết Minh và cộng sự tiến hành năm 2011 đã đi tìm kiếm và phân tích các vấn đề giới, định kiến giới, khuôn mẫu giới trong thông điệp truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng qua hình ảnh minh họa và ngôn từ được sử dụng.
Trong bản tin số 30 năm 2012, nhóm quan sát giới của CSAGA - Oxfam đã có bài viết về: “Thông điệp bình đẳng giới trên báo Gia đình & Xã hội”. Các tác giả đã khảo sát cụ thể các tin, bài trên một số mục và chuyên mục như: “Bạn đọc viết, Người nổi tiếng, Phóng sự, Thời sự - Xã hội, Sau cánh cửa gia đình, Khám phá, Chìa khóa phòng the, Hậu trường thể thao, Sức khỏe,...” trong hai loại ấn phẩm chính là các số báo Gia đình & Xã hội cuối tuần và cuối tháng tháng 11, 12 năm 2011 và tháng 1, 2 năm 2012. Bằng việc phân tích sâu một số trường hợp các bài báo được đăng trên báo Gia đình & Xã hội, nhóm nghiên cứu nhằm chỉ ra những mặt hạn chế về “Nhạy cảm giới trong việc chuyển tải thông tin”, từ đó đưa ra “Một số mong muốn đối với tòa soạn báo Gia đình & Xã hội” nhằm giúp cho các bài viết được đăng trên tờ báo này có sự nhạy cảm về giới tốt hơn.
Bên cạnh đó có thể kể tới các bài viết trên các tạp chí khoa học liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu về nội dung thông điệp trên các phương tiện truyền thông đại chúng:
Bài viết của Nguyễn Hồng Thái về “Một số vấn đề về quan hệ gia đình qua báo chí” đăng trên Tạp chí Xã hội học số 4, năm 2000, đã trình bày những vấn đề phụ nữ - hôn nhân và gia đình ở Việt Nam mà báo chí đề cập đến trong thời gian gần thời điểm nghiên cứu, qua đó cho thấy được phần nào thực trạng, xu hướng biến đổi, các chiều cạnh tác động của những biến đổi kinh tế - xã hội tới các quan hệ hôn nhân gia đình.
Bài viết của Mai Quỳnh Nam trên Tạp chí Xã hội học, số 2, 2002, “Thông điệp về trẻ em trên báo hình, báo in”, là một phần kết quả nghiên cứu phân tích quốc tế về Hình ảnh trẻ em trên báo chí do Trung tâm truyền thông ASIAN (AMIC) phối hợp với Viện Xã hội học thực hiện năm 1999. Nghiên cứu này tiến hành quan sát các thông điệp về trẻ em được thông báo trong tháng 10 năm 1999 về 10 tờ báo in và trên 2 đài truyền hình. Tác giả bài viết chủ yếu đi sâu vào nghiên cứu: nội dung thông điệp về cả: số lượng tờ báo có bài liên quan đến trẻ em, về vị trí, về thể loại, về trang mục; cách đưa tin về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên truyền hình và báo in; vấn đề trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên báo hình, báo in.
Ngoài các công trình nghiên cứu, các bài viết, còn có những luận văn thạc sỹ, luận án tiến sĩ nghiên cứu về truyền thông đại chúng với nội dung nghiên cứu là thông điệp truyền thông, gồm có:
Luận văn Thạc sỹ Xã hội học của Nguyễn Thị Lan Hương, năm 1995 về: “Các dạng mâu thuẫn gia đình và hậu quả của sự ly hôn tìm hiểu được qua mục “Tâm tình với chị Thanh Tâm trên báo Phụ nữ Việt Nam”.
Luận án Tiến sỹ Xã hội học của Phạm Hương Trà, năm 2011: “Hiệu quả của các bài viết về bạo lực gia đình trên báo điện tử Việt Nam hiện nay”. Tác giả sử dụng phương pháp phân tích tài liệu là các bài báo viết về bạo lực gia đình trên một số trang báo mạng, qua đó tìm hiểu việc phản ánh về bạo lực gia đình trên báo điện tử. Đồng thời tác giả còn tiến hành điều tra bằng phiếu hỏi để tìm hiểu nhận thức, thái độ, hành vi của công chúng về bạo lực gia đình, nhờ đó mà nghiên cứu cho thấy tác động của những nội dung thông điệp này đến với công chúng.
Đặc biệt cần phải nói tới tài liệu Bộ chỉ số về giới trong truyền thông do Bộ Thông tin và Truyền thông mới cho xuất bản năm 2014. Tài liệu này được biên soạn dựa trên cơ sở tôn trọng những nội dung cơ bản của Bộ chỉ số về giới trong truyền thông mà UNESCO ban hành vào năm 2012. Tài liệu này đã thể hiện mối quan tâm và ưu tiên hàng đầu của UNESCO trong lĩnh vực bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nói chung và phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực truyền thông nói riêng. Bộ chỉ số về bình đẳng giới trong quản lý truyền thông và nội dung truyền thông đã cơ bản bao quát các lĩnh vực, cụ thể hoá bằng những tiêu chí nội dung bình đẳng giới tại cấp ra quyết định cũng như trong tác nghiệp và nội dung truyền thông từ việc sản xuất tin tức, thời sự đến lĩnh vực quảng cáo tại các tổ chức, hiệp hội, câu lạc bộ báo chí truyền thông. Trong Bộ chỉ số này cũng đưa ra những công cụ kiểm chứng tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức giám sát trong quá trình triển khai thực hiện. Trong phần “Lời nói đầu”, những người biên soạn đã khẳng định: “Bộ chỉ số cơ bản áp dụng được trong các cơ quan truyền thông của các quốc gia trên thế giới, tạo cơ hội để thực hiện vấn đề bình đẳng giới trong truyền thông, được xây dựng đặc biệt cho truyền thông ở mọi hình thức. Tuy nhiên, Bộ chỉ số cũng phù hợp và hữu ích cho các cơ quan truyền thông, các tổ chức phi chính phủ; các hiệp hội truyền thông, các câu lạc bộ báo chí; các bộ, ngành chủ quản; các học viện và trung tâm nghiên cứu như các trường báo chí, truyền thông và công nghệ, các trường đại học và các cơ sở đào tạo khác.” Mục đích của việc xây dựng Bộ chỉ số là đưa ra các tiêu chí cụ thể, tạo điều kiện để các tổ chức truyền thông có thể đánh giá một cách hiệu quả việc thực hiện bình đẳng giới; và khuyến khích các tổ chức truyền thông làm cho các vấn đề bình đẳng giới trở nên công khai và công chúng có thể nhận biết được, cũng như phân tích những chính sách và việc thực hiện những chính sách đó để có hành động cần thiết tạo sự biến chuyển. Các chỉ số có thể sử dụng như một công cụ để xã hội đánh giá việc thực hiện đó.
Nội dung của tài liệu này được bố trí theo cách giải quyết các vấn đề liên quan tới: Các yêu cầu chính sách nội bộ cần thiết để đảm bảo bình đẳng giới trong truyền thông; Nâng cao năng lực cho các nhà báo; Vai trò của các tổ chức/hiệp hội chuyên môn và các cơ sở học thuật. Các chỉ số về giới tổng hợp này có tính tới việc thu thập các số liệu định lượng và định tính, bao gồm cả những ý kiến và quá trình cần thiết để giám sát bình đẳng giới trong truyền thông. Bộ chỉ số được chia thành hai loại có liên quan với nhau, mỗi loại giải quyết các trục chính của giới và truyền thông: Loại A - Các hành động tăng cường bình đẳng giới trong các tổ chức truyền thông (chia làm 5 tiểu nhóm) và Loại B - Phản ánh giới trong nội dung truyền thông (chia làm 2 tiểu nhóm). Mỗi loại được bố trí theo 5 lĩnh vực: Nhóm sử dụng; Đối tượng/Lĩnh vực quan tâm chính; Mục tiêu chiến lược; Các Chỉ số và Phương tiện kiểm chứng.
Nhìn chung, các nghiên cứu của Xã hội học Truyền thông đại chúng ở nước ta đã hướng đến sự gắn kết với các lĩnh vực của đời sống xã hội ở Việt Nam được thể hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng và cũng đã có những sự quan tâm nhất định tới việc nghiên cứu thông điệp truyền thông bình đẳng giới. Tuy nhiên, đa phần những nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở việc phản ánh thực trạng về vấn đề xã hội mà chỉ ra được rất ít tính tiêu cực của các thông điệp truyền thông đối với nhận thức của công chúng, và đề xuất các giải pháp trong việc xây dựng các thông điệp về bình đẳng giới.
Có thể thấy, các phương tiện truyền thông đại chúng với tư cách là một thiết chế xã hội cần được nghiên cứu nhiều hơn để thấy rõ ý nghĩa của nó đối với đời sống xã hội. Bên cạnh đó, trong nghiên cứu xã hội học về truyền thông đại chúng, hướng nghiên cứu nội dung của thông điệp là một hướng nghiên cứu cơ bản, bởi việc nghiên cứu này sẽ cho thấy động cơ, mục đích của nhà truyền thông đối với các sự kiện xã hội được được phản ánh trong báo chí để trình bày với công luận. [Mai Quỳnh Nam (2001), “Về vấn đề nghiên cứu hiệu quả của Truyền thông đại chúng”, Tạp chí Xã hội học, số 4].
Vì vậy, cùng với những hướng nghiên cứu xã hội học về truyền thông đại chúng gồm: công chúng truyền thông, các nhà truyền thông, ảnh hưởng xã hội thì hướng nghiên cứu thông điệp truyền thông có vị trí quan trọng, nhưng chưa có nhiều công trình theo hướng này.
Nguyễn Thắm