An ninh con người, quyền con người trong một số báo cáo phát triển con người quốc gia và khu vực

13/04/2016

Mất an ninh là một vấn đề cần quan tâm trong phát triển con người bởi nó hạn chế khả năng con người có được tự do lựa chọn và sự tự trị của họ. Mất an ninh làm gia tăng bất bình đẳng bởi nó chủ yếu ảnh hưởng tới những đối tượng dễ bị tổn thương và nó cản trở sự phát triển kinh tế (UNDP, 2012a). Đối với những khu vực trên thế giới đối mặt với tình trạng có nhiều bạo lực và mất an ninh, ví dụ như ở vùng Ca-ri-bê và vùng châu Mỹ la tinh, UNDP đã lựa chọn an ninh cho công dân là chủ đề của các báo cáo phát triển con người ở các khu vực này.

Báo cáo phát triển con người năm 2012 của khu vực Ca-ri-bê đã dành sự ưu tiên cho việc thay đổi hướng tới an ninh tốt hơn cho công dân bởi nhiều quốc gia trong khu vực này phải đối mặt với tình trạng có tỷ lệ bạo lực, tội phạm khá cao và những tình trạng bạo lực xã hội gây cản trở cho sự phát triển xã hội của những nhóm dễ bị tổn thương. Sự phổ biến của tình trạng bạo lực trong khu vực này chính là hệ quả của việc các cơ hội lựa chọn của con người bị hạn chế - cụ thể, sự bất bình đẳng về cơ hội đã cản trở sự lựa chọn của các nhóm, các bộ phận dân số trong khu vực này. Đảm bảo an ninh cho công dân được xem là một chiều cạnh của an ninh con người bởi nó được xem là một trình trạng xã hội mà ở đó tất cả mọi người được tự do tận hưởng các quyền cơ bản và các thiết chế cũng có đầy đủ khả năng để đảm bảo việc thực thi các quyền đó và giải quyết một cách hiệu quả nếu các quyền đó bị xâm phạm. Báo cáo phát triển con người của khu vực Ca-ri-bê đã chuyển tải một số thông điệp về an ninh cho công dân. Đó là (i) sự kết hợp đúng đắn các chính sách giúp hạn chế tình trạng bạo lực; (ii) bạo lực trên cơ sở giới có thể bị kiểm soát và ngăn chặn bởi những sự can thiệp phá vỡ chu trình của bạo lực. Ví dụ, bạo lực trong gia đình – một hình thức phổ biến của bạo lực trên cơ sở giới có xu hướng phản ánh lịch sử và mô hình của hành vi bạo lực. Do đó, nó cần được cản trở ngay từ giai đoạn đầu trước khi nó biến tướng thành bạo lực đe dọa sự sống hoặc thể chất của con người; (iii) các cộng đồng có sự cố kết xã hội lớn thường không có các băng cướp đường phố trong khi các cộng đồng có ít sự cố kết xã hội thường đối mặt với tình trạng có nhiều băng cướp đường phố; (iv) những nỗ lực an ninh sẽ có hiệu quả hơn nếu quyền của con người được tôn trọng và con người được tham gia như một chủ thể tích cực và tham gia vào việc tạo ra sự an ninh cho chính họ; (v) cần có sự trợ giúp cho việc ngăn chặn tội phạm; (vi) cần ưu tiên trao quyền cho thanh niên bằng việc đầu tư cho sự phát triển của họ (vì thanh niên chiếm phần lớn trong dân số của khu vực này); (vii) cải thiện an ninh đòi hỏi phải có sự quan tâm đầy đủ đến việc con người được đối xử như thế nào và đến sự hội nhập và cố kết xã hội rộng lớn hơn (UNDP, 2012a).

Cùng với vùng Ca-ri-bê, an ninh công dân ở khu vực châu Mỹ La Tinh cũng được UNDP coi là một thách thức đối với phát triển con người. Báo cáo phát triển con người khu vực châu Mỹ La tinh 2013-2014 cùng quan tâm đến vấn đề an  ninh cho công dân bởi tình trạng bạo lực cũng diễn ra khá phổ biến trong khu vực này. Tình trạng tội phạm đã cản trở cơ hội và quyền được sống mà không bị đe dọa, sợ hãi của các công dân của các quốc gia trong khu vực này. UNDP (2013) đã chỉ ra một nghịch lý ở khu vực châu Mỹ la tinh là mặc dù khu vực này duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo và giảm tỷ lệ thất nghiệp trong mười năm qua nhưng tỷ lệ tội phạm và bạo lực vẫn rất cao. Theo UNDP (2013), sự tăng trưởng ở khu vực châu Mỹ la tinh là không đồng đều và vẫn có một bộ phận lớn người dân bị bỏ lại phía sau. Mất an ninh ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống và phúc lợi của con người, của cộng đồng và các thiết thế, và nó gây trở ngại cho sự phát triển con người ở khu vực châu Mỹ La tinh. Những mối đe dọa về an ninh của công dân gây ra sự tổn thương về xã hội, kinh tế và thể chế. Những đối tượng yếu thế được kể tới trong khu vực này bao gồm phụ nữ và những nạn nhân của tình trạng bạo lực và phạm tội. Để giải quyết tình trạng mất an ninh và những thách thức về kinh tế, xã hội và thể chế ở châu Mỹ la tinh, cần có những chính sách toàn diện dựa trên sự hiểu biết về địa phương và sự tham gia tích cực của các cộng đồng (UNDP, 2013).

Đảm bảo quyền con người cũng là một vấn đề mà nhiều báo cáo phát triển con người quốc gia quan tâm. Báo cáo phát triển con người 2015 của Qatar quan tâm đến quyền phát triển phản ánh cam kết của quốc gia và quốc tế thúc đẩy sự phát triển hơn là sự tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Phát triển là một quyền và nó không đơn thuần là sự đáp ứng nhu cầu. Các cá nhân nên trở thành chủ thể và tham gia tích cực vào chính sự phát triển của họ và của toàn xã hội. Báo cáo này đã dành sự quan tâm đến quyền được phát triển của những đối tượng đặc biệt. Thứ nhất là quyền phát triển của phụ nữ. Tiến bộ về bình đẳng giới được xem là nền tảng cho việc thừa nhận quyền con người của mọi người, cho việc tạo ra và duy trì xã hội hòa bình, và cho sự phát triển xã hội có tính hòa nhập và bền vững. Báo cáo đã phân tích những quyền có ý nghĩa thiết yếu đối với sự phát triển của phụ nữ như quyền được tham gia kinh tế, chính trị, quyền được giáo dục, được chăm sóc sức khỏe sinh sản. Thứ hai là quyền của những người bị khuyết tật. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương bởi họ phải đối mặt với những cản trở về thái độ, giao tiếp, tài chính và thể chất. Việc thể chế hóa sự trợ giúp, các chương trình và kỹ thuật mang tính trợ giúp ở Qatar đang hỗ trợ những người khuyết tật thừa nhận tốt hơn những khả năng của họ. Thứ ba là quyền của trẻ em, thanh niên, người già. Báo cáo đã xem xét các vấn đề nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và bảo vệ trẻ em; thanh niên nghiện ma túy và bị nhiễm HIV/AIDS; thúc đẩy quyền tham gia của thanh niên để họ có tiếng nói trong các các chính sách; chăm sóc và trợ cấp hưu trí cho người già (UNDP, 2015).

Trong khi đó, báo cáo phát triển con người 2012 của Somalia (UNDP, 2012b) chú trọng đến việc trao quyền cho thanh niên vì hòa bình và phát triển. Trao quyền giờ đây được thừa nhận như một thành tố chính khi xác định lại khái niệm về phát triển con người. Trao quyền có thể đáp ứng những thách thức của những chuyển đổi về xung đột, an ninh con người, xây dựng hòa bình và phát triển hòa nhập. Trao quyền cho thanh niên được định nghĩa là sự mở rộng tài sản và năng lực cho thanh niên để họ có thể tham gia, thương lượng và nắm giữ trách nhiệm giải trình đối với những thiết chế có ảnh hưởng đến họ. Trao quyền cho thanh niên có thể được xem là điểm khởi đầu cho việc trao quyền cho tất cả mọi người. Trong bối cảnh của Somalia, thành niên là nhóm xã hội dễ bị tổn thương do sự tách biệt về kinh tế, chính trị, xã hội hơn là những nhóm người lớn tuổi – những nhóm được bảo vệ bởi nền kinh tế, các chính sách và chuẩn mực xã hội. Thanh niên Somalia phải đối mặt với những rào cản cấu trúc đa chiều được thiết lập trong gia đình, tổ chức, quản trị địa phương và trong xã hội rộng lớn. Báo cáo này đưa thanh niên vào trung tâm của sự phân tích bởi đầu tư cho thanh niên được cho là sẽ thúc đẩy việc tìm ra cách thức trao quyền cho họ tham gia vào hòa bình và phát triển, đồng thời cắt đứt chu trình liên thế hệ về nghèo đói và bạo lực. Nó kêu gọi các nhà lập chính sách và các bên liên quan từ bỏ quan điểm truyền thống về an ninh mang tính tập trung vào nhà nước và chuyển sang quan điểm tập trung mang tính bình đẳng về an ninh và trao quyền cho các cá nhân, đặc biệt là thanh niên. Báo cáo này kêu gọi nên hiểu về thanh niên và coi đấy như tài sản chứ không phải là mối đe dọa. Từ quan điểm này, thanh niên nên được tham gia như những đối tác trong hòa bình và phát triển. Nên đầu tư trao quyền cho họ để thanh niên vượt qua những rào cản mà họ phải đối mặt và họ có thể nuôi dưỡng những hành vi và thái độ mang tính hòa bình. Cung cấp cho thanh niên kỹ năng và cơ hội kiếm sống, nâng cao năng lực cho họ và tạo ta những dịch vụ công phù hợp với họ hơn, từ đó họ có thể thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ và thúc đẩy phát triển con người ở phạm vi rộng lớn. Đầu tư cho thanh niên với quan điểm xem họ là những người xây dựng hòa bình và những tác nhân kinh tế xã hội sẽ đưa lại những lợi ích đặc biệt bởi thanh niên có những năng lực riêng biệt – đó là sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm mới, có khát vọng thay đổi, có lý tưởng và sáng tạo (UNDP, 2012b).

 

Tài liệu trích dẫn

UNDP. (2012a). Caribbean Human Development Report 2012: Human Development and the Shift to Better Citizen Security.

UNDP. (2012b). Somalia Human Development Report 2012: Empowering Youth for Peace and Development.

UNDP. (2013). Regional Human Development Report 2013-2014: Citizen Security with a Human Face: Evidence and Proposals for Latin America.

UNDP. (2015). Qatar’s Fourth National Human Development Report 2015: Realising Qatar National Vision 2030: The Right to Development.

 

Vũ Thanh