Phát triển hòa nhập là chủ đề rất được quan tâm trong xã hội đương đại. Phát triển hòa nhập có sự khác biệt so với tăng trưởng hòa nhập. Nếu tăng trưởng hòa nhập tập trung vào sự tăng trưởng kinh tế gắn với giảm nghèo, thu hẹp bất bình đẳng về thu nhập đem lại lợi ích cho những nhóm có thu nhập thấp, tạo cơ hội việc làm có năng suất cho đa số người dân ở độ tuổi lao động thì phát triển hoà nhập có ý nghĩa rộng hơn bởi nó không chỉ quan tâm đến thu nhập mà còn quan tâm đến những chiều cạnh khác để có được một cuộc sống tốt đẹp, ví dụ như sức khoẻ và giáo dục (Rauniyar & Kanbur, 2009). Phát triển hoà nhập là một quá trình đảm bảo tất cả các nhóm xã hội không bị gạt ra ngoài lề của sự phát triển. Để có thể đạt được sự hoà nhập thì cần phải loại bỏ được những rào cản gây ra sự tách biệt và tăng cường năng lực cho những nhóm dễ bị tổn thương để họ có khả năng hoà nhập vào xã hội. UNDP (2016) đã chỉ ra rằng có nhiều người bị gạt ra ngoài lề của sự phát triển do một số nguyên nhân như giới tính, dân tộc, tuổi, khuyết tật hoặc nghèo khó. Điều đó khiến cho tình trạng bất bình đẳng trở nên sâu sắc hơn trên toàn thế giới. Bằng chứng là 10% số người giàu nhất trên thế giới sở hữu tới 85% tài sản trong khi 50% người nghèo nhất trên thế giới chỉ sở hữu 1% tài sản. Phát triển chỉ có thể mang tính hòa nhập khi tất cả các nhóm xã hội đóng góp vào việc tạo ra cơ hội, chia sẻ lợi ích của sự phát triển và tham gia vào quá trình ra quyết định. Phát triển hòa nhập đi theo theo cách tiếp cận phát triển con người của UNDP và phù hợp với những chuẩn mực và nguyên tắc của quyền con người – đó là nguyên tắc tham gia, không phân biệt và trách nhiệm giải trình (UNDP, 2016).
Hướng tới sự hòa nhập xã hội và thúc đẩy sư tăng trưởng hòa nhập đã trở thành chủ đề trong báo cáo phát triển con người ở một số quốc gia giai đoạn vừa qua. Trong nghiên cứu về hòa nhập xã hội, các báo cáo phát triển con người của UNDP thường đi vào chiều cạnh đối lập với nó – đó là sự tách biệt xã hội (social exclusion) bởi hòa nhập xã hội và tách biệt xã hội được ví như hai mặt của một đồng xu (Rawal, 2008). Báo cáo phát triển con người của Ghana năm 2007 (UNDP, 2007) có với tiêu đề: Hướng tới một xã hội hòa nhập hơn. Báo cáo này đã xem xét những biểu hiện khác nhau của sự tách biệt, xem xét khoảng cách đối với sự hòa nhập trong nhiều lĩnh vực phát triển quốc gia như xã hội, kinh tế, chính trị và luật pháp. Báo cáo đã giúp người đọc hiểu về xã hội hòa nhập qua việc làm rõ phạm trù đối lập với nó – đó là sự tách biệt tách biệt/loại trừ xã hội (social exclusion), từ khái niệm cho đến việc xác định các đối tượng bị tách biệt xã hội. Về mặt nội dung, tách biệt xã hội đề cập tới sự thiếu hụt hoặc không đồng đều về cơ hội và khả năng để tham gia vào quá trình ra quyết định, để tiếp cận với cơ hội có được sinh kế tốt hơn và hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ xã hội gây ra bởi những phân biệt thể chế trong thực tiễn biểu hiện trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội bắt nguồn từ sự khác biệt về giới, dân tộc, vị trí địa lý, tuổi, địa vị xã hội, tình trạng sức khỏe, trình độ học vấn và khuyết tật. Báo cáo chỉ ra những đối tượng thường bị tách biệt xã hội trên những phương diện khác nhau, trong đó có những đối tượng không chỉ có ở Ghana mà nó hiện hữu ở nhiều quốc gia đang phát triển khác. Cụ thể, về mặt kinh tế, đó là những người thiếu việc làm hoặc không có việc làm nên không có được sự an toàn về kinh tế, những người thanh niên thất nghiệp hoặc không được đào tạo chuyên môn. Về mặt giới và văn hóa, đó là trẻ em lao động sớm, trẻ em đường phố, trẻ em bị bỏ học, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em và phụ nữ bị bạo hành và lạm dụng tình dục, phụ nữ bị thiệt thòi như các bà mẹ đơn thân, những bà mẹ ở tuổi vị thành niên, các thai phụ bị thiếu dinh dưỡng, những người nghiện, người từng bị vào tù. Về mặt sức khỏe, đó là những người bị thần kinh, bị HIV/AIDS. Về không gian, đó là những người sinh sống tại những khu nhà ổ chuột ở đô thị, những người sống trong khu vực bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, những người ở những vùng nghèo đói và những vùng bị tách biệt về địa lý do không tiêp cận được với giao thông, nước sạch. Ngoài ra còn có những đối tượng khác cũng có nguy cơ bị tách biệt xã hội như những người già không nơi nương tựa, những người khuyết tật hoặc bị bệnh tật kinh niên (UNDP, 2007). Báo cáo cũng đưa ra những khuyến nghị chính sách hướng tới việc đo lường thực tế nhằm thúc đẩy sự hòa nhập và công bằng ở quốc gia. Báo cáo này được cho rằng sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy những nỗ lực của quốc gia vì sự phát triển con người bền vững và công bằng.
Giống như báo cáo phát triển con người của Ghana, nội dung báo cáo phát triển con người của Kosovo 2010 (UNDP, 2010) đi vào sự đối lập của hòa nhập xã hội – đó là sự tách biệt xã hội với chủ đề hòa nhập và tách biệt xã hội. Sự tách biệt xã hội vừa là một quá trình, vừa là hậu quả. Quá trình này xảy ra khi các thể chế và cấu trúc xã hội phân bổ các nguồn lực và có các giá trị vận hành theo cách chối từ sự tham gia của một số nhóm vào xã hội. Hậu quả là một loạt các mối quan hệ phức tạp ngăn cản các cá nhân hay nhóm tiếp cận các nguồn lực và thực hiện quyền của họ. Cụ thể, báo cáo này xem xét sự tách biệt xã hội trong thị trường kinh tế, lao động, tiếp cận giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tham gia chính trị (UNDP, 2010).
Trong nghiên cứu về hòa nhập xã hội, một nội dung khác cũng thường được quan tâm đó là tăng trưởng hòa nhập. Báo cáo phát triển con người quốc gia năm 2013 của Cameroon (UNDP, 2013) với chủ đề: Tăng trưởng hòa nhập và phát triển con người: vai trò của vốn con người. Thông qua chủ đề này, báo cáo muốn khuấy động sự tranh luận về tăng trưởng hòa nhập và tạo ra việc làm có chất lượng và bền vững nhằm thúc đẩy sự phát triển ở Cameroon. Báo cáo này muốn chỉ ra mối quan hệ gắn bó với nhau giữa ba khái niệm: tăng trưởng hòa nhập, vốn con người và phát triển con người. Tăng trưởng hòa nhập đề cập tới tình trạng mà ở đó sự tăng trưởng được đảm bảo hướng tới đại đa số người dân thông qua cơ chế tái phân bổ giá trị tài sản. UNDP (2013) cho rằng tăng trưởng kinh tế và phát triển con người có mối quan hệ tương hỗ cho nhau – tăng trưởng kinh tế thúc đẩy phát triển con người và phát triển con người góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
Cũng quan tâm tới chủ đề về tăng trưởng hòa nhập, Báo cáo phát triển con người 2014 của Ethiopia (UNDP, 2014) hướng tới việc thúc đẩy sự tăng trưởng hòa nhập vì sự phát triển con người bền vững. Theo UNDP (2014), mặc dù Ethiopia đã đạt được những cải thiện đáng kể về kinh tế trong những năm qua nhưng vẫn còn hàng chục triệu người sống tình trạng nghèo khổ, đối mặt với những rủi ro về mất an ninh lương thực, và cũng còn có nhiều vùng trên đất nước này chịu đựng nhiều sự thiệt thòi. Điều đó cho thấy sự tăng trưởng kinh tế không diễn ra đồng đều đối với tất cả các nhóm và các vùng trong xã hội. Để những thành tựu tăng trưởng kinh tế của đất nước sẽ đem lại lợi ích cho mọi người, UNDP (2014) đã đưa ra những khuyến nghị về mặt chính sách đối với Ethiopia – đó là cần có những chính sách hiệu quả hơn hướng tới những đối tượng nghèo nhất; tăng cường sự gắn kết giữa nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ; hỗ trợ dào tạo tay nghề, chuyên môn cho những người thất nghiệp trẻ tuổi; đầu tư cải thiện chất lượng và dịch vụ giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đảm bảo sự hài hòa giữa gia tăng dân số và phát triển kinh tế xã hội để bào vệ các thành quả của phát triển con người, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và phúc lợi cho người dân.
Tăng trưởng hòa nhập (tăng trưởng bao trùm) cũng là chủ đề mà Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2015 quan tâm (UNDP, 2015). Có ba trụ cột chính trong tăng trưởng bao trùm được xem xét tại báo cáo này bao gồm việc làm có năng suất, nâng cao năng lực thông qua việc cung cấp các dịch vụ xã hội và tăng cường khả năng chống lại rủi ro qua việc tăng cường an sinh xã hội. Các công cụ của Nhà nước bao gồm các chính sách thương mại, công nghiệp, chính sách vĩ mô, nâng cao trách nhiệm giải trình và tính minh bạch, mở rộng sự tham gia và lựa chọn sẽ là các kênh tác động nhằm thúc đẩy phát triển con người. Thứ nhất, về việc làm có năng suất, báo cáo chỉ ra bốn sự chuyển dịch trong việc làm từ tăng trưởng bao quát sang chuyên sâu, bao gồm: chuyển dịch trong lĩnh vực nông nghiệp; chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, chuyển dịch từ khu vực phi chính thức sang chính thức; chuyển dịch từ việc làm có năng suất và thu nhập thấp sang việc làm có năng suất và thu nhập cao. Thứ hai, về nâng cao năng lực thông qua việc cải thiện giáo dục và chăm sóc sức khỏe, báo cáo đã khẳng định những thành tựu đạt được về y tế và giáo dục của Việt Nam từ sau Đổi Mới. Nguồn lực dành cho y tế và giáo dục của Việt Nam chiếm tỷ lệ không nhỏ trong GDP, tuy nhiên, điều quan ngại là tỷ lệ nguồn tiền do người dân phải tự chi trả cũng khá cao. Khi đề cập tới việc huy động và quản lý nguồn lực trong y tế và giáo dục, báo cáo xem xét tính hiệu quả và công bằng, và vai trò của nhà nước trong việc cung cấp và cải thiện các dịch vụ y tế, giáo dục có chất lượng cho người dân. Thứ ba, về tăng cường khả năng chống chọi rủi ro qua việc phát triển bảo trợ xã hội, báo cáo cho thấy sự đầu tư của chính phủ Việt Nam cho bảo trợ xã hội còn rất hạn chế. Trong khi nhóm nghèo đã nhận nhiều chính sách hỗ trợ thì nhóm cận nghèo và nhóm trung lưu dưới dường như bị lãng quên dù hai nhóm này chiếm tỷ lệ dân số khá cao.
Vũ Thanh
Tài liệu tham khảo
Rauniyar, G., & Kanbur, R. (2009). Inclusive Development: Two Papers on Conceptualization, Application, and the ADB Perspective. Truy cập từ https://www.google.com.vn/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=1&cad=rja&uact=8&ved=0ahUKEwjGipv8zMHLAhXQco4KHeVuAdIQFggZMAA&url=http%3A%2F%2Fwww.kanbur.dyson.cornell.edu%2Fpapers%2FADBCompendiumInclusiveDevelopment.pdf&usg=AFQjCNFelLwxfcqL5fj_FLZpWGJluqu6_w&bvm=bv.116636494,d.dGY ngày 20/2/2016.
Rawal, N. (2008). Social Inclusion and Exclusion: A Review. Dhaulagiri Journal of Sociology and Anthropology, 2(161-179).
UNDP. (2007). Ghana Human Development Report 2007: Toward a more inclusive society.
UNDP. (2010). The Kosovo Human Development Report 2010. Kosovo: UNDP.
UNDP. (2013). National Human Development Report 2013: Inclusive growth and human development: The role of human capital. Cameroon: UNDP.
UNDP. (2014). Ethiopia Human Development Report 2014: Accelerating Inclusive Growth for Sustainable Human Development in Ethiopia.
UNDP. (2015). Tăng trưởng vì mọi người: Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2015 về tăng trưởng bao trùm. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.
UNDP. (2016). Inclusive Development. Truy cập từ http://www.undp.org/content/undp/en/home/ourwork/povertyreduction/focus_areas/focus_inclusive_development.html ngày 15/3/2016