1. Nghiên cứu phát triển con người qua các báo cáo phát triển con người của UNDP
Trong giai đoạn 2005 – 2015, UNDP đã cho ra đời 9 báo cáo toàn cầu về phát triển con người. Nếu các báo cáo toàn cầu trước đây thường xoay quanh một số khía cạnh cơ bản của phát triển con người như tăng trưởng, nghèo đói, bình đẳng giới, dân chủ và quyền con người… thì chủ đề trong các báo cáo phát triển con người trong mười năm gần đây khá đa dạng và đi sâu phân tích nhiều chiều cạnh của phát triển con người, trong đó, nổi bật lên là các vấn đề liên quan đến môi trường và bền vững (Báo cáo phát triển con người toàn cầu 2006, 2007/2008), kinh tế và việc làm (Báo cáo phát triển con người toàn cầu 2005, 2015); đảm bảo công bằng, giảm thiếu rủi ro và bị tổn thương cho con người (Báo cáo phát triển con người toàn cầu 2011, 2014).
Bên cạnh các báo cáo toàn cầu, UNDP cũng cho ra đời các báo cáo phát triển con người của các khu vực, trong đó dành sự ưu tiên cho những khu vực có nhiều quốc gia đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á và Trung Đông. Đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, UNDP quan tâm nhiều đến các vấn đề về thương mại, thông tin-giáo dục-truyền thông, tham nhũng, biến đổi khí hậu. Trong khi đó, ở các khu vực khác như vùng trung đông, châp Phi, châu Mỹ la tinh, các báo cáo phát triển con người quan tâm nhiều đến vấn đề về an ninh và nghèo đói. Tương tự xu hướng của báo cáo phát triển con người khu vực, trong giai đoạn 2005 – 2015 rất nhiều báo cáo phát triển con người ở cấp quốc gia cũng được ra đời nhưng cũng tập trung nhiều ở khu vực có các quốc gia đang phát triển như Châu Á, Châu Phi với những chủ đề rất đa dạng, trong đó nổi lên các các vấn đề về hòa nhập, trao quyền và bền vững. Đối với những khu vực phát triển như ở Châu Âu, UNDP có ít báo cáo phát triển con người hơn, tập trung chủ yếu vào việc đẩy mạnh sự cố kết của cộng đồng châu Âu. Cụ thể, Báo cáo phát triển con người khu vực châu Âu năm 2005 tập trung vào sự tách biệt của người Di-gan với cộng đồng chung châu Âu và sự chuẩn bị cho các nước Nam Âu gia nhập vào cộng đồng này, và báo cáo năm 2008 quan tâm tới vấn đề về HIV/AIDS ở các nước Đông Âu và cộng đồng các quốc gia độc lập trong khu vực.
2. Hoạt động của Hiệp hội Phát triển con người và Năng lực giai đoạn 2005-2015
Được thành lập vào năm 2004, Hiệp hội Phát triển con người và Năng lực thường tổ chức hội thảo quốc tế thường niên về phát triển con người. Hội thảo mỗi năm thường tập trung vào một chủ đề nhất định về phát triển con người. Các hội thảo đã thu hút sự tham dự và các bài viết của nhiều học giả trên thế giới. Từ năm 2005 đến nay, Hiệp hội Phát triển con người và Năng lực đã tổ chức 11 hội thảo thường niên về phát triển con người, cụ thể như sau:
-
Hội thảo năm 2005 được tổ chức tại Paris (Pháp) về chủ đề tri thức và hành động cộng đồng
-
Hội thảo năm 2006 được tổ chức tại Groningen (Hà Lan) về chủ đề tự do và công bằng
-
Hội thảo năm 2007 được tổ chức tại New York (Mỹ) về chủ đề tư tưởng thay đổi lịch sử
-
Hội thảo năm 2008 được tổ chức tại New Dehli (Ấn Độ) về công bằng, bao trùm và phát triển con người
-
Hội thảo năm 2009 được tổ chức tại Lima (Peru) về chủ đề sự tham gia, nghèo đòi và quyền lực
-
Hội thảo năm 2010 được tổ chức tại Amman (Jordan) về chủ đề quyền con người và phát triển con người
-
Hội thảo năm 2011 được tổ chức tại Hague (Hà Lan) về sự đổi mới, phát triển và năng lực con người
-
Hội thảo năm 2012 được tổ chức tại Jakarta (Indonesia) tập trung xem xét cách tiếp cận với sự phát triển
-
Hội thảo năm 2013 được tổ chức tại Managua về tính bị tổn thương, hòa nhập và sự thịnh vượng
-
Hội thảo năm 2014 được tổ chức tại Ethen (Hy Lạp) với chủ đề: Phát triển con người trong các thời kỳ khủng hoảng.
-
Hội thảo năm 2015 được tổ chức tại Washington (Mỹ) với chủ đề: Năng lực trong sự chuyển đổi: tính di động và những khát vọng
Bên cạnh đó, Tạp chí của hiệp hội này – Tạp chí Phát triển con người và năng lực – bên cạnh việc xuất bản các số định kỳ với các bài nghiên cứ về phát triển con người theo cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, tạp chí này còn cho giới thiệu những số đặc biệt tập trung vào các chủ đề được quan tâm trong nghiên cứu phát triển con người. Trong thập niên vừa qua, Tạp chí Phát triển con người và năng lực đã ra mắt bạn đọc những số đặc biệt sau:
-
Năm 2006: số 7 (2): Số đặc biệt về chủ đề xem xét lại các chỉ số phát triển về giới GDI và chỉ số trao quyền về giới GEM.
-
Năm 2007: số 8 (2): Số đặc biệt về chủ đề tự do cá nhân là những trải nghiệm về các mối quan hệ.
-
Năm 2010: số 11 (2): Số đặc biệt về chủ đề tính di động và phát triển con người.
-
Năm 2011: số 12 (1): Số đặc biệt về quyền con người và năng lực con người.
-
Năm 2012: số 13 (1) Số đặc biệt về kinh tế học vĩ mô và phát triển con người: một lĩnh vực chưa được khám phá.
-
Năm 2012: số 13 (3): Số đặc biệt về giáo dục và năng lực.
-
Năm 2013: số 14 (1): Số đặc biệt về cách tiếp cận năng lực và tính bền vững.
-
Năm 2014: số 15 (1): Số đặc biệt về các dự án phát triển.
-
Năm 2014: số 15 (2-3): Số đặc biệt về các mục tiêu thiên niên kỷ.
-
Năm 2015: số 16(3): Số đặc biệt về bất bình đẳng và phát triển con người ở châu Mỹ La tinh.
3. Các báo cáo phát triển của Ngân hàng thế giới giai đoạn 2005 - 2015
Trong khi các báo cáo phát triển con người của UNDP (bao gồm các báo cáo toàn cầu, báo cáo khu vực và báo cáo của các quốc gia), các bài viết đăng tải trên các Tạp chí Phát triển con người và năng lực: Cách tiếp cận năng lực lấy con người làm trung tâm và bài viết tại các hội thảo thường niên của Hiệp hội Phát triển con người và Năng lực đi vào nghiên cứu phát triển con người theo quan điểm lý thuyết về cách tiếp cận năng lực, các báo cáo phát triển thế giới của Ngân hàng thế giới (World Bank) tuy không trực tiếp đi vào nghiên cứu phát triển con người nhưng những chủ đề của các báo cáo thường niên này phần nào phản ánh những khía cạnh có liên quan mật thiết đến các phương diện khác nhau của phát triển con người như việc làm, phát triển kinh tế, bình đẳng, môi trường, bền vững, an ninh v.v… Cụ thể, trong giai đoạn 2005 – 2015, các Báo cáo phát triển của Ngân hàng thế giới có những chủ đề sau:
-
Báo cáo Phát triển thế giới của Ngân hàng thế giới năm 2005 hướng tới một môi trường đầu tư tốt hơn cho tất cả mọi người
-
Báo cáo Phát triển thế giới của Ngân hàng thế giới năm 2006 quan tâm đến vấn đề công bằng và phát triển.
-
Báo cáo Phát triển thế giới của Ngân hàng thế giới năm 2007 dành sự ưu tiên cho vốn con người, cụ thể là vấn đề phát triển cho thế hệ tương lai.
-
Báo cáo Phát triển thế giới của Ngân hàng thế giới năm 2008 tập trung vào vấn đề nông nghiệp vì sự phát triển.
-
Báo cáo Phát triển thế giới của Ngân hàng thế giới năm 2009 tập trung vào vấn đề tái định hình địa lý kinh tế thế giới.
-
Báo cáo Phát triển thế giới của Ngân hàng thế giới năm 2010 ưu tiên vấn đề thay đổi khi hậu vì sự phát triển.
-
Báo cáo Phát triển thế giới của Ngân hàng thế giới năm 2011 tập trung vào vấn đề xung đột, an ninh và phát triển.
-
Báo cáo Phát triển thế giới của Ngân hàng thế giới năm 2012 tập trung vào vấn đề bình đẳng giới và phát triển.
-
Báo cáo Phát triển thế giới của Ngân hàng thế giới năm 2013 quan tâm đến vấn đề việc làm.
-
Báo cáo Phát triển thế giới của Ngân hàng thế giới năm 2014 nghiên cứu về rủi ro và cơ hội, quản lý rủi ro vì sự phát triển.
-
Báo cáo Phát triển thế giới của Ngân hàng thế giới năm 2015 tập trung vào chủ đề tư duy, xã hội và hành vi của con người.
Ngoài việc thực hiện các báo cáo phát triển, Ngân hàng Thế giới cũng thiết lập mạng lưới phát triển con người phục vụ cho các chính sách, chương trình và nghiên cứu của Ngân hàng thế giới về giáo dục; sức khỏe, dinh dưỡng và dân số; bảo trợ xã hội và lao động; trẻ em và thanh niên; HIV/AIDS; đối thoại vì sự phát triển. Nhiệm vụ của mạng lưới là hỗ trợ chính phủ của các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình tăng cường đầu tư toàn diện và hiệu quả vào con người với quan điểm thúc đẩy tăng trưởng nhanh và công bằng. Mạng lưới phát triển con người hướng tới việc tham gia một cách tích cực vào những nỗ lực toàn cầu nhằm giảm nghèo thông qua cải thiện việc tiếp cận với giáo dục, y tế và dịch vụ xã hội và xây dựng nên các xã hội có tính cân bằng và cạnh tranh.
Vũ Thanh (tổng hợp)