BÁO CÁO PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI MALAYSIA 2013 -TÁI CẤU TRÚC MỘT TƯƠNG LAI PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

25/02/2016

Đây là Báo cáo Phát triển Con người đầu tiên của Malaysia, lựa chọn Tăng trưởng Bao trùm làm chủ đề của báo cáo. Malaysia xác định tăng trưởng bao trùm bao gồm phân phối công bằng các lợi ích của tăng trưởng kinh tế và các chi phí xã hội thông qua các nhóm thu nhập riêng biệt và người nghèo; thúc đẩy mạnh mẽ cơ hội tiếp cận mở đối với người tham gia các hoạt động kinh tế và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, hướng tới giảm thiểu sự loại trừ xã hội và tăng tính gắn kết xã hội. Về chiều rộng của tăng trưởng bao trùm, người ta sử dụng cách tiếp cận đa chiều cạnh từ góc độ kinh tế, xã hội, chính trị và pháp luật, trong đó nổi bật là các vấn đề khu vực, giới, dân tộc và những khía cạnh liên quan đến sự tước đoạt.

Về thành tựu, từ nhiều thập kỷ qua Malaysia đã có sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc, chuyển từ một quốc gia sản xuất hàng hóa sơ cấp sang xuất khẩu hàng hóa. Tăng trưởng của Malaysia trong giai đoạn 1971 - 2012 đáp ứng được tiêu chí bao trùm với chất lượng đáng kể, mặc dù tính chất bao trùm trong việc hoạch định chính sách có thể còn phải xem xét. Bằng chứng là GDP của Malaysia tăng trưởng trung bình 6,5%/năm trong suốt 50 năm, đạt tỷ lệ tăng trưởng cao đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp, giảm sự bất bình đẳng trên bình diện quốc gia và giữa các vùng, miền, giữa ba nhóm dân tộc chính. Năm 2011, GDP của Malaysia đạt khoảng 450 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 3 trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người của Malaysia đã tăng từ 6.700 USD (2009) lên 9.970 USD (2012). Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm xuống còn 1,7% vào năm 2012.

Malaysia đã đạt được nhiều thành tựu về giáo dục và y tế, sự bất bình đẳng giữa các dân tộc đã được thu hẹp. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Malaysia tiếp tục tăng trong những năm gần đây. Năm 2013, chỉ số HDI của Malaysia đạt 0,770, thuộc nhóm các quốc gia có chỉ số phát triển con người cao. Quốc gia này đã chú trọng nâng cao năng lực con người, kết quả được phản ánh qua mức thu nhập trung bình, trình độ phát triển giáo dục, y tế. Về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tỷ suất tử vong của trẻ sơ sinh của Malaysia năm 2009 là 6‰, và tuổi thọ bình quân vào năm 2009 là 75 năm. Với mục tiêu phát triển Malaysia thành một điểm đến du lịch y tế, 5% ngân sách phát triển lĩnh vực xã hội của chính phủ được dành cho chăm sóc sức khỏe.

Mặc dù nền kinh tế Malaysia đạt được nhiều thành tựu đáng kể nhưng bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế và thách thức để có thể đạt được tăng trưởng theo đúng nghĩa “bao trùm”, cũng như làm nền tảng thúc đẩy phát triển con người. Một số hạn chế như lao động năng suất thấp, hiệu suất quản lý, vai trò của thể chế, đặc biệt là những khiếm khuyết trong việc phối hợp và thúc đẩy sự phát triển của cả khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân là trở ngại chính cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Báo cáo cũng nhấn mạnh cơ chế tái phân phối thu nhập hiện tại còn yếu và khó tránh khỏi thất thoát và lãng phí, sự đóng góp của khu vực tư nhân cho việc phân bổ hàng hoá công còn hạn chế trong khi chúng đóng vai trò then chốt trong việc giảm chi phí xã hội. Bên cạnh đó, sự nghèo đói của nhóm tộc người thiểu số bản xứ của Malaysia vẫn còn cao, nhiều nhóm tách biệt với sự phát triển chung của xã hội; khoảng cách thu nhập tuyệt đối tăng trong khi khoảng cách thu nhập tương đối vẫn duy trì sự trì trệ trong hai thập kỷ vừa qua; sự tham gia của phụ nữ trong thị trường lao động vẫn thấp một cách khác thường so với các nước láng giềng hoặc các nước đang phát triển có mức thu nhập thấp hơn.

Báo cáo đã chỉ ra tính dễ tổn thương về kinh tế của người dân Malaysia. Phân tích về mô hình sức mua cho thấy phần lớn sức mua của những hộ gia đình có thu nhập thấp là từ lương và các khoản làm thêm, ít có tài sản có giá trị cao hoặc được thừa kế, chuyển nhượng. Các nhóm thu nhập thấp chịu các khoản nợ cho việc tiêu dùng, còn khoản nợ của các nhóm thu nhập trung bình và thu nhập cao mang đến cho họ tài sản phát sinh. Phần lớn tín dụng phát sinh của hệ thống tài chính tập trung vào nhóm thu nhập trung bình và thu nhập cao.

Thêm vào đó, báo cáo còn chỉ ra rằng trình độ học vấn của chủ hộ, vấn đề giới và dân tộc có ảnh hưởng đến thu nhập hộ gia đình. Những gia đình có chủ hộ có trình độ học vấn thấp, đặc biệt là chỉ đạt trình độ giáo dục tiểu học hoặc thấp hơn thường có thu nhập thấp. Những gia đình có phụ nữ làm chủ hộ cũng tập trung nhiều ở những tầng lớp dưới cho thấy cần phải quan tâm nhiều hơn đến những nhóm khác biệt này trong mục tiêu đặt ra của tăng trưởng và phát triển.

Thêm nữa, trình độ phát triển con người của Malaysia cũng không đồng đều. Điều đó thể hiện trên thực tế Malaysia chưa xóa bỏ được sự khác biệt giữa các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là các tầng lớp trên có trình độ phát triển con người rất cao, có một khoảng cách khá xa so với các tầng lớp dưới. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại sự bất bình đẳng về thu nhập cũng như bất bình đẳng về cơ hội và sự hưởng thụ kết quả.

Từ những phát hiện và hạn chế được nêu ra, báo cáo đã có những gợi ý quan trọng cho những vấn đề về cải cách thể chế, chủ yếu là thúc đẩy cải thiện vấn đề phân phối thu nhập; các chính sách về nâng cao năng lực, cung cấp mạng lưới an toàn xã hội cho người nghèo và những nhóm kém phát triển ở Malaysia; cải cách chính sách giáo dục, cụ thể là đầu tư vào giáo dục để cải thiện điều kiện tiếp cận với giáo dục chất lượng cao, điều sẽ mang lại kết quả lớn đối với phúc lợi cho người nghèo và cơ hội cải thiện cuộc sống của họ để đạt được mục tiêu cuối cùng là Tăng trưởng Bao trùm.

Quỳnh Anh

 

Tham khảo: Malaysia Human Development Report 2013: Redesigning an Inclusive Future. UNDP, 2014.