Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility- CSR) đang trở thành mối quan tâm của quốc tế. Hội đồng kinh doanh Thế giới vì sự phát triển bền vững (World Bussiness Council for Sustainable development) đưa ra định nghĩa: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng, đảm bảo chất lượng sản phẩm... theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như sự phát triển chung của xã hội”. Định nghĩa này được sử dụng khá phổ biến, được coi là hoàn chỉnh, rõ ràng.
Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững thông qua các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và thành viên gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội theo cách có lợi nhất cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội. Các yếu tố cấu thành bao gồm: Nghĩa vụ kinh tế; Nghĩa vụ pháp lý; Nghĩa vụ đạo đức; Nghĩa vụ nhân văn. Nghĩa vụ kinh tế là nghĩa vụ đầu tiên và cơ bản nhất của doanh nghiệp thực hiện CSR liên quan đến cách thức phân bổ trong hệ thống xã hội, các nguồn lực được sử dụng để làm ra sản phẩm dịch vụ. Nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp là thực hiện đầy đủ những quy định về pháp lý chính thức đối với những người hữu quan, trong cạnh tranh đối với môi trường tự nhiên do pháp luật hiện hành quy định. Nghĩa vụ đạo đức của doanh nghiệp được định nghĩa là những hành vi hay hoạt động được xã hội mong đợi nhưng không được quy định thành các nghĩa vụ pháp lý. Nghĩa vụ đạo đức chính là nền tảng của nghĩa vụ pháp lý. Nghĩa vụ nhân văn (lòng bác ái) của doanh nghiệp bao gồm những hành vi và hoạt động mà xã hội muốn hướng tới và có tác dụng quyết định chân giá trị của tổ chức hay doanh nghiệp. Nghĩa vụ nhân văn thể hiện những mong muốn hiến dâng của doanh nghiệp cho xã hội.
Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là "Một phương pháp quản lý con người nhằm làm gia tăng sự bền vững" và được chia làm 7 chủ đề chính.. Thứ nhất là môi trường với các tiêu chí nội dung: Phòng ngừa ô nhiễm; Sử dụng tài nguyên bền vững; Giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và phục hồi môi trường tự nhiên. Thứ hai là Lao động với các tiêu chí nội dung: Việc làm và mối quan hệ lao động; Điều kiện làm việc và bảo trợ xã hội; Đối thoại xã hội; Sức khỏe và an toàn nơi làm việc; Phát triển nhân lực và đào tạo nghề. Thứ ba là Kinh doanh trung thực với các tiêu chí nội dung: Chống tham nhũng; Tham gia chính trị có trách nhiệm; Cạnh tranh công bằng; Tăng cường trách nhiệm xã hội trong chuỗi giá trị; Tôn trọng các quyền sở hữu. Thứ tư là Những vấn đề người tiêu dùng, bao gồm các tiêu chí nội dung: Tiếp thị công bằng, thông tin trung thực và không thiên vị, thực hiện hợp tác công bằng; Bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng; Tiêu dùng bền vững; Dịch vụ người tiêu dùng, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, tranh chấp; Bảo vệ dữ liệu cá nhân và sự riêng tư của người tiêu dùng; Tiếp cận các dịch vụ thiết yếu; Giáo dục và nhận thức. Thứ năm là Quản trị tổ chức và nhân quyền, bao gồm các tiêu chí nội dung: Quản trị tổ chức; Kiểm soát rủi ro; Các tình huống rủi ro nhân quyền; Phòng tránh sự đồng lõa; Giải quyết khiếu nại; Phân biệt đối xử và các nhóm dễ bị tổn thương; Quyền dân sự và chính trị; Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; Các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc. Chủ đề về Quản trị tổ chức và Nhân quyền được hợp nhất để nhấn mạnh sự phù hợp của việc tích hợp quyền con người vào quá trình quản lý chủ chốt của doanh nghiệp. Cuối cùng là Sự tham gia và phát triển cộng đồng, với các tiêu chí nội dung: Sự tham gia cộng đồng; Giáo dục và văn hóa; Tạo công ăn việc làm và phát triển kỹ năng; Phát triển và tiếp cận công nghệ; Tạo ra của cải và thu nhập; Y tế; Đầu tư xã hội.
Trước áp lực xã hội, hầu hết các công ty lớn đã chủ động đưa CSR vào chương trình hoạt động của mình một cách nghiêm túc hoặc xây dựng các bộ quy tắc ứng xử mang tính chuẩn mực áp dụng với các nhân viên và đối tác làm ăn của mình trên khắp thế giới. Các bộ quy tắc này xuất hiện từ đầu năm 1990, cho đến nay có khoảng 1000 bộ, tiêu biểu là SA8000 do Tổ chức quốc tế về Trách nhiệm xã hội của Mỹ xây dựng. Các bộ quy tắc chủ yếu tập trung vào các tiêu chuẩn của Tổ chức lao động quốc tế (ILO). Một số bộ tiêu chuẩn hoặc quy tắc khác đáng kể đến như WRAP; Bộ quy tắc mậu dịch đạo đức (EIT); tiêu chuẩn EMAS, ISI 14001; PA 26.000; Global Compact; ISO 26.000 v.v...
Lợi ích từ việc áp dụng các cam kết này đã được ghi nhận: doanh nghiệp đã nâng tầm thương hiệu của mình, cải thiện quan hệ với đối tác và nhân viên của mình, thêm cơ hội tiếp cận các thị trường mới. Nói chung thực hiện CRS, các doanh nghiệp sẽ thu được nhiều lợi ích dài hạn trong tương lai. Mặc dù trước mắt thì những chi phí để thực hiện CRS có thể làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Ở khía cạnh quốc gia, CRS góp phần xóa đói giảm nghèo thông qua những chương trình từ thiện do các doanh nghiệp đóng góp.
Tại Việt Nam, vấn đề TNXH của doanh nghiệp mặc dù còn tương đối mới mẻ nhưng đang trở thành một nội dung được doanh nghiệp quan tâm và thực hiện. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và có hướng tránh né TNXH của mình do thiếu sót trong nhận thức hoặc gặp khó khăn khi áp dụng các chuẩn mực quốc tế để thực hiện TNXH và nhiều vấn đề khác liên quan đến đạo đức kinh doanh, liên quan việc giám sát thực hiện, liên quan đến lợi nhuận trước mắt của doanh nghiệp, nguồn tài chính và kỹ thuật cũng như trình độ các chuyên gia; quản lý nhà nước còn lỏng lẻo, hệ thống chính sách và pháp luật thiếu đồng bộ v.v...Tuy nhiện các doanh nghiệp càng ngày càng gặp nhiều thuận lợi hơn trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.do ngày càng có nhiều công ty lớn thuộc các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia tham gia vào thị trường Việt Nam; Hơn nữa, bên cạnh hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức công đoàn và các hiệp hội,... các tổ chức phi chính phủ cũng đã vào cuộc nhằm đẩy mạnh quyền lợi của người lao động tại Việt Nam
Thu Hà
Tài liệu tham khảo
Trương Văn Dũng/ Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhìn từ góc độ bảo đảm thực thi quyền con người tại Việt Nam: một số vấn đề lý luận
Nguyễn Đình Tài/ Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các vấn đề đặt ra hôm nay và giải pháp. http://www.vnep.org.vn/Upload/Doanh%20nghiep%20xa%20hoi.pdf
http://www.csr-vietnam.eu/index.php?id=4&L=1
https://prezi.com/9o_gxfdnoheu/khai-quat-ve-trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep/