Tự do con người và phát triển con người

25/02/2016

Báo cáo Phát triển con người 2000 của UNDP về chủ đề Quyền con người và phát triển con người đã chỉ ra một trong những tầm nhìn và mục đích chung mà quyền con người và phát triển con người đều hướng tới - đó là đảm bảo tự do của con người. Việc gắn kết sự tự do với phát triển con người là điều mà UNDP rất lưu tâm trong Báo cáo phát triển con người 2000. Họ cũng đã đưa ra các nội dung của tự do mà phát triển con người và quyền con người cần đảm bảo để thúc đẩy sự phát triển con người.

Theo quan điểm của UNDP (2000), tự do con người trong mối quan hệ gắn kết với phát triển con người được tập trung vào bảy nội dung cơ bản bao gồm:

Thứ nhất, thoát khỏi mọi sự phân biệt như phân biệt về giới, dân tộc, chủng tộc, nguồn gốc và tôn giáo - đó chính là sự bình đẳng. Nguyên tắc về bình đẳng là yếu tố cần thiết để hướng tới việc đảm bảo quyền con người. Nó cũng là một trong những trụ cột chính của phát triển con người, nhấn mạnh đến sự bình đẳng về cơ hội và lựa chọn. Sự đa dạng về dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc… phải được xem như một điểm mạnh chứ không phải là điểm yếu bởi sự đa dạng văn hoá và đoàn kết của nhân loại là những vấn đề rất được đề cao.

Thứ hai, tự do có các nhu cầu để tận hưởng một mức sống tốt. Quyền có một cuộc sống đầy đủ, được giáo dục và chăm sóc là điều đã được thừa nhận trong Tuyên bố toàn cầu về quyền con người. Để thực hiện được điều này, các cuộc hội thảo thế giới xác định giảm nghèo là một mục tiêu chính được phản ánh trong các kế hoạch, chính sách và chiến lược quốc gia. Hiện nay, các nước trên thế giới đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong việc cải thiện mức sống cho hàng triệu người.

Thứ ba, tự do phát triển và thừa nhận tiềm năng của mỗi người. Các quyền về lương thực, sức khoẻ, giáo dục và cá nhân là những quyền để xây dựng khả năng, năng lực cho con người. Giờ đây, sức khoẻ, dinh dưỡng và giáo dục được đánh giá cao không chỉ bởi nó có giá trị bên trong đối với mỗi con người mà bởi những tác động tích cực (trực tiếp hoặc gián tiếp) của chúng đối với việc tăng cường vốn con người, khả năng sản xuất và khả năng con người để tham gia và tương tác xã hội.

Thứ tư, thoát khỏi những sự sợ hãi như bị đe doạ đến an ninh cá nhân. Báo cáo Phát triển con người năm 2000 đã chỉ ra năm loại đe doạ chính - đó là đe doạ từ phía nhà nước (tra tấn về thể chất, bị bắt giữ tuỳ ý); đe doạ từ phía các quốc gia khác (chiến tranh, áp bức); đe doạ bởi những nhóm người khác (xung đột dân tộc, tội phạm, bạo lực trên đường phố); những đe doạ nhằm vào phụ nữ (bạo lực gia đình) và nhằm vào trẻ em (xâm hại trẻ em).

Thứ năm, được luật pháp thừa nhận tự do, không bị gánh chịu những sự bất công. Bình đẳng, công bằng là điều luôn được mọi người đánh giá cao. Bởi vậy, các điều khoản của luật pháp được gắn kết mật thiết với sự tự do của con người bởi nếu không có những quy định về mặt luật pháp và sự quản lý một cách công bằng thì luật pháp về quyền con người chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết mà không có ý nghĩa trên thực tiễn.  

Thứ sáu, tự do suy nghĩ, ngôn luận, tự do tham gia vào quá trình ra quyết định và thành lập các hiệp hội bởi lẽ con người không muốn là những người tham gia một cách bị động (ví dụ chỉ đi bỏ phiếu trong các cuộc tuyển cử) mà họ muốn tham gia tích cực vào các quyết định và vào các sự kiện có ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Vì thế, việc trao quyền cho con người là điều có ý nghĩa để huy động khả năng của con người cho sự phát triển xã hội và phát triển của chính bản thân con người.

Thứ bảy, tự do làm việc mà không bị bóc lột. Điều này đã được ghi nhận trong tuyên bố quốc tế về quyền con người thừa nhận con người có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và có các điều kiện làm việc tốt. Điều này cũng được khẳng định lại trong Hiệp ước quốc tế về Quyền kinh tế, văn hoá và xã hội, quy định bắt buộc các bên tham gia hiệp ước phải đảm bảo Quyền làm việc để mọi người đều có cơ hội mưu sinh.

Vũ Thanh

Tài liệu tham khảo

  1. Human development Report 2000, UNDP