Mặc dù bình đẳng là nội dung được hầu hết luật pháp quốc tế và các quốc gia thừa nhận nhưng tình trạng bất bình đẳng dường như đang có xu hướng gia tăng trong thế giới hiện đại. Bất bình đẳng dường như trở thành hệ quả khó tránh khỏi của sự phát triển kinh tế thị trường. Bất bình đẳng có thể diễn ra giữa các quốc gia (nước giàu và nước nghèo) nhưng cũng có thể diễn ra ngay trong bản thân mỗi quốc gia - đó là bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo; giữa phụ nữ và nam giới; giữa nông thôn và đô thị hoặc giữa các nhóm tôn giáo và nhóm xã hội khác nhau.
Về nội dung, bất bình đẳng không chỉ đơn thuần là sự không công bằng về mặt thu nhập, chi tiêu mà có thể là bất bình đẳng về các cơ hội xã hội (ví dụ như việc làm), bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ phục vụ sự phát triển con người (bất bình đẳng về y tế, về giáo dục). Amartya Sen trong Báo cáo phát triển con người 1990 của UNDP cho rằng hầu hết tất cả mọi người ngày nay tin vào sự bình đẳng ở một số khía cạnh như: con người có quyền công bằng như nhau trước pháp luật, con người có các quyền tự do công dân như nhau, con người được bình đẳng về cơ hội v.v.. Hầu hết mọi người cũng chấp nhận sự thật rằng không phải tất cả sự bất bình đẳng đều là không đúng, đều là bất công. Ví dụ, tình trạng bất bình đẳng về thu nhập là điều không thể tránh được trong nền kinh tế thị trường (nhưng cũng cần phải tính đến mức độ có thể chấp nhận được của tình trạng này). Tuy nhiên, sự bất bình đẳng về cơ hội do sự khác biệt về giới, về sắc tộc hay những sự rủi ro khác khi sinh ra mà các cá nhân không thể kiểm soát được (ví dụ như khuyết tật bẩm sinh) lại là điều không thể chấp nhận được. Báo cáo phát triển con người 2005 của UNDP coi bất bình đẳng là vấn đề cơ bản của phát triển con người và đã xem xét mối quan hệ giữa bất bình đẳng với phát triển con người. Báo cáo này đã chỉ ra rằng những sự bất bình đẳng cực độ về cơ hội và trong đời sống xã hội có thể ảnh hưởng trực tiếp tới việc con người ta có thể là ai và có thể làm gì - đó chính là khả năng con người. Ví dụ, có những đứa trẻ phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao do chúng sinh ra trong những hộ gia đình nghèo khổ hoặc ở những vùng khó khăn.
Đối với hình thức bất bình đẳng khó có thể tránh khỏi, ví dụ như về thu nhập, các quốc gia bên cạnh các chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế còn cần có các chính sách tái phân bổ thu nhập và có sự ưu tiên, bảo trợ xã hội cần thiết để khoảng cách giàu nghèo không bị quá chênh lệch giữa các nhóm. Điều chúng ta cần quan tâm hơn khi đề cập tới bất bình đẳng của xã hội hiện đại trong mối quan hệ với quyền con người ở đây là tập trung vào những bất bình đẳng dưới dạng là hình thức của sự xâm hại quyền con người, điển hình là sự phân biệt đối xử đối với các cá nhân và các nhóm xã hội khác nhau. Hành vi phân biệt đối xử ở đây được xác định là tình trạng mà một cá nhân hoặc một nhóm người đối xử thiếu thiện cảm hoặc miệt thị với một cá nhân hoặc một nhóm người khác vì lý do tuổi tác, chủng tộc, màu da, dân tộc hay nguồn gốc sắc tộc, giới tính, tình trạng hôn nhân, tình trạng khuyết tật, tôn giáo, nguyện vọng về giới tính hoặc vì một số đặc tính khác. Phân biệt đối xử xảy ra khi một người bị từ chối cơ hội tham gia một cách tự do và đầy đủ trong các sinh hoạt thường ngày. Nó có thể bao gồm việc sách nhiễu hay trở thành nạn nhân tại nơi làm việc, không thể ra vào các toà nhà vì những nơi này không có phương tiện tiếp cận, bị từ chối trong lĩnh vực cung cấp hàng hoá và dịch vụ, không có được nơi cư ngụ và nhà cửa thích hợp... Các hành vi phân biệt đối xử đó đều là hình thức của sự vi phạm quyền con người bởi lẽ “không bị phân biệt đối xử” (Freedom from discrimination) đã được công nhận là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế về quyền con người.
Với việc thừa nhận không bị phân biệt đối xử là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế về quyền con người, bên cạnh các điều luật quy định về bình đẳng, Liên Hợp Quốc cũng ban hành các công ước nhằm ngăn chặn các hình thức phân biệt đối xử như : Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) ; Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD). UNDP trong Báo cáo phát triển con người 2000 khi đề cập tới những nội dung mà phát triển con người và quyền con người cần đảm bảo thì có tới hai trong số bảy nội dung đó đề cập tới vấn đề bình đẳng, đó là :
(1) Bình đẳng chính là thoát khỏi mọi sự phân biệt như phân biệt về giới, dân tộc, chủng tộc, nguồn gốc và tôn giáo. Nguyên tắc về bình đẳng là yếu tố cần thiết để hướng tới việc đảm bảo quyền con người. Nó cũng là một trong những trụ cột chính của phát triển con người, nhấn mạnh đến sự bình đẳng về cơ hội và lựa chọn. Sự đa dạng về dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc… phải được xem như một điểm mạnh chứ không phải là điểm yếu bởi sự đa dạng văn hoá và đoàn kết của nhân loại là vấn đề cần được đề cao.
(2) Con người được luật pháp thừa nhận tự do, không bị gánh chịu những sự bất công. Bình đẳng, công bằng là điều luôn được mọi người đánh giá cao. Bởi vậy, các điều khoản của luật pháp được gắn kết mật thiết với sự tự do của con người bởi nếu không có những quy định về mặt luật pháp và sự quản lý một cách công bằng thì luật pháp về quyền con người chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết mà không có ý nghĩa trên thực tiễn.
Có thể thấy, bất bình đẳng là một trong những biểu hiện sự xâm phạm về quyền con người – quyền được bình đẳng. Việc đảm bảo quyền con người cần đi liền với việc đảm bảo bình đẳng để mọi nhóm xã hội đều có cơ hội, khả năng cũng như nhận được những sự trợ giúp cần thiết để có thể phát huy bản thân và được tham gia vào đời sống cộng đồng xã hội.
Vũ Thanh
Tài liệu tham khảo:
Liên Hợp Quốc, Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ
Liên Hợp Quốc, Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc
UNDP, 1990, Human development report 1990: Concept and Measurement of Human Development
UNDP, 2000, Human development report 2000: Human Rights and Human Development
UNDP, 2005, UNDP (2005). Human development report 2005: International cooperation at a crossroads. Aid, trade and security in an unequal world.