Từ thời cổ đại, Quyền con người đã được một số triết gia bàn luận đến. Họ coi quyền là tài sản tự nhiên của con người. Tuy nhiên, vấn đề về Quyền con người chỉ được đặt ra trước nhân loại; công cuộc đấu tranh đòi quyền con người chỉ thực sự bắt đầu khi xã hội xuất hiện giai cấp, nhà nước và có sự vi phạm, xâm hại đến quyền con người.
Ở Châu Âu thời cổ đại, sự phát triển của nền dân chủ chủ nô đã đẩy nhiều người trong xã hội sống trong cảnh nô lệ. Họ không được tôn trọng như một con người theo đúng nghĩa mà bị coi như tài sản của chủ nô và do chủ nô quyết định. Họ có thể bị trao đổi, mua bán, bị xâm hại cả về thân thể và nhân phẩm. Trong bối cảnh đó, nhu cầu tự do cho cá nhân đã được đặt ra.
Mặc dù ở thời kỳ cổ đại, nền dân chủ đã được thiết lập (như ở Hy Lạp, La Mã cổ đại) và có sự đấu tranh đòi tự do cho con người nhưng tư tưởng về Quyền con người vẫn chưa được xây dựng thành những học thuyết hay những tư tưởng lớn. Đến tận thời phục hưng, nhất là thời kỳ khai sáng, vấn đề về Quyền con người mới bắt đầu được thảo luận sâu rộng. Ở thế kỷ XVII, XVIII, vấn đề Quyền con người đã được nhiều đại biểu tư tưởng của giai cấp tư sản (như Rút-xô, Lốc-cơ, Spin-nô-da…) đề cập đến như một học thuyết, coi Quyền con người là đặc quyền tự nhiên của con người. Sự ra đời của Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776) và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp (1789) ở thế kỷ XVIII được xem là những văn bản chính thức đầu tiên nói về Quyền con người của nhân loại. Đến xã hội hiện đại, vấn đề về nhân quyền và bảo vệ quyền con người được đề cao hơn bao giờ hết. Dấu ấn của nó là sự ra đời Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc năm 1948. Sau tuyên ngôn này, nhiều điều luật, công ước quốc tế cũng được ban hành. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng, làm nền tảng cho việc thực hiện và đảm bảo Quyền con người trên thế giới.
Về mặt khái niệm, Quyền con người được hiểu là những đặc quyền (nhân phẩm, nhu cầu, lợi ích và năng lực vốn có của con người) được thừa nhận và bảo hộ bằng pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế về giá trị con người; Quyền con người là quyền của tất cả mọi người (Trung tâm nghiên cứu Quyền con người, 2003). Về mặt nội dung, khái niệm về quyền con người có ba nhóm phạm trù cơ bản, đó là: (1) Các quyền Dân sự và chính trị; (2) Các quyền Kinh tế, văn hóa và xã hội và (3) Các quyền về Đoàn kết thống nhất.
Thứ nhất, đối với các quyền Dân sự và chính trị, nhóm quyền này đề cao quyền bất khả xâm phạm của các cá nhân. Các quyền đó được luật pháp thừa nhận để đảm bảo khả năng cho con người có thể tự do tham gia vào đời sống kinh tế, chính trị. Các quyền dân sự bao gồm các quyền như Quyền được sống, Quyền tự do, Quyền An ninh cá nhân, Quyền bình đẳng trược pháp luật, Quyền được bảo vệ không bị bắt giữ, tra tấn; Quyền được đối xử công bằng, Quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng. Các Quyền chính trị bao gồm Quyền tự do ngôn luận, Quyền được hội họp, liên kết; Quyền được bầu cử và tham gia chính trị. Các Quyền chính trị đảm bảo quyền cho các cá nhân được tham gia vào các công việc của cộng đồng và nhà nước. Về mặt lịch sử và lý thuyết, các quyền Dân sự và chính trị được xem là các quyền cơ bản của con người mà tất cả các nhà nước dân tộc phải có trách nhiệm, nghĩa vụ xác nhận và ủng hộ (Todd Landman, 2006, tr.9).
Thứ hai, đối với các Quyền Kinh tế, văn hóa và xã hội, nhóm quyền này bao gồm: Quyền có gia đình, Quyền được giáo dục, Quyền có sức khỏe, Quyền được làm việc và trả công xứng đáng; Quyền được thành lập các liên hiệp thương mại và các hiệp hội tự do; Quyền có thời gian nghỉ ngơi; Quyền được đảm bảo an ninh xã hội. Các quyền này được thực hiện nhằm thúc đẩy sự phát triển của các cá nhân cũng như sự phát triển kinh tế, văn hóa và sự tôn trọng đối với con người. Các Quyền văn hóa bao gồm các quyền như Quyền được hưởng lợi ích về văn hóa; Quyền được có văn hóa bản địa và được thực hành các nghi lễ văn hóa; Quyền được nói bằng ngôn ngữ riêng và được truyền dạy ngôn ngữ đó (Todd Landman, 2006, tr.9).
Thứ ba, nhóm quyền về Đoàn kết, thống nhất bao gồm: Quyền có tài sản chung như sự phát triển và môi trường, Quyền đảm bảo các cá nhân và các nhóm được chia sẻ những lợi ích chung có từ nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất cũng như các tài sản, hàng hóa được tạo ra từ quá trình phát triển kinh kinh tế và sáng tạo. Nhìn chung, nhóm quyền này có tính tiến bộ rất cao, ở chừng mực nào đó nó phản ánh sự phản ứng đối với những ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa và sự huy động xã hội xung quanh những mối quan tâm vì sự phát triển của hành tinh (Todd Landman, 2006, tr.10)
Vũ Thanh
Tài liệu trích dẫn:
Todd Landman, Studying Human Rights, Routledge, 2006
Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người, Quyền Con người ở Trung Quốc và Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, 2003