Các chỉ số và chỉ báo phát triển con người: Thống kê được cập nhật năm 2018 đã được UNDP công bố để đảm bảo tính liên tục trong việc báo cáo về những thống kê và chỉ số phát triển con người cơ bản. Báo cáo phân tích về thực trạng phát triển con người, về tình trạng hiện tại cũng như xu hướng về các chỉ báo phát triển con người.
Với một phụ lục thống kê toàn diện, các số liệu đã đưa ra một cái nhìn tổng thể về thực trạng phát triển con người trên toàn thế giới, xem xét xu hướng dài hạn về các chỉ báo phát triển con người theo hướng đa chiều và ở tất cả các quốc gia. Báo cáo số liệu cập nhật năm 2018 đánh dấu những tiến bộ đáng kể nhưng cho thấy vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng và đói nghèo dai dẳng.
Nhìn vào kết quả năm 2018, Na Uy, Thụy sỹ, Úc, Ireland và Đức dẫn đầu về xếp hạng chỉ số HDI trong tổng số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi Niger, Cộng hòa Trung Phi, Nam Su đăng, Chad và Burundi có số điểm thấp nhất trong các chỉ báo đo lường HDI thể hiện trên những thành tựu của quốc gia về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục và thu nhập.
Xu hướng chung toàn cầu là phát triển con người tiếp tục được cải thiện với nhiều quốc gia đang tiến bước trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển con người: hiện nay 59 quốc gia trong số 189 quốc gia được tính chỉ số HDI thuộc nhóm các quốc gia có chỉ số phát triển con người rất cao, chỉ có 38 quốc gia thuộc nhóm chỉ số HDI thấp. Chỉ cách đây 8 năm, năm 2010, con số tương ứng là 46 và 49 quốc gia.
Cụ thể, Ireland đã đạt được mức tăng cao nhất trong xếp hạng HDI từ 2012 đến 2017, xếp thứ 13, trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hòa Dominica và Botswana cũng có sự phát triển mạnh mẽ, tăng 8 bậc cho mỗi quốc gia. Ba quốc gia có sự sụt giảm lớn nhất trong xếp hạng chỉ số con người đều là các quốc gia đang có xung đột: Syria có mức giảm lớn nhất, giảm 27 bậc, tiếp theo là Libya (26 bậc), và Yemen (20 bậc).
Sự thay đổi của HDI là do sự thay đổi trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục và thu nhập. Chăm sóc sức khỏe đã có những cải thiện đáng kể như tuổi thọ trung bình đã tăng trên phạm vi toàn cầu trong suốt 7 năm qua, với tiến bộ lớn nhất thuộc về vùng phụ cận sa mạc Sahara Châu Phi và vùng Nam Á, tăng khoảng 11 năm kể từ năm 1990. Và số năm đi học của trẻ em kỳ vọng sẽ dài hơn 3,4 năm so với năm 1990.
Có một số vấn đề nổi bật trong Báo cáo cập nhật số liệu năm 2018 này. Đó là:
Sự chênh lệnh giữa và trong các quốc gia tiếp tục cản trợ sự tăng trưởng
Chỉ số HDI trung bình đã tăng đáng kể từ năm 1990 (20% cho toàn cầu và 51% cho các quốc gia phát triển) phản ánh xu hướng chung là con người đang sống lâu hơn, được học tập nhiều hơn và có mức thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt lớn về phát triển con người trên toàn thế giới.
Ngày nay, một đứa trẻ sinh ra tại Na Uy – quốc gia có chỉ số HDI cao nhất – có thể kỳ vọng sống trên 82 tuổi và có gần 18 năm đi học. Trong khi một đứa trẻ sinh ra tại Niger - quốc gia có chỉ số HDI thấp nhất – chỉ có thể hy vọng sống đến 60 tuổi và chỉ có 5 năm đi học. Những sự khác biệt như vậy có thể thấy lặp đi lặp lại nhiều lần trong thống kê này.
Xem xét kỹ hơn các thành phần của HDI cho thấy sự phân bổ thiếu bình đẳng trong giáo dục, tuổi thọ và thu nhập ở các quốc gia. Chỉ số Phát triển con người đã điều chỉnh bất bình đẳng (IHDI) cho phép chúng ta có thể so sánh mức độ bất bình đẳng trong các quốc gia, bất bình đẳng càng lớn thì chỉ số HDI càng giảm.
Trong khi bất bình đẳng diễn ra tại rất nhiều quốc gia, bao gồm cả một số quốc gia giàu có, thì nhìn chung nó xảy ra nhiều hơn ở các quốc gia có mức độ phát triển con người thấp. Những nước có mức độ phát triển con người thấp và trung bình đã mất đi tương ứng 31% và 25% tiến bộ về phát triển con người do bất bình đẳng, trong khi các quốc gia có chỉ số phát triển con người rất cao chỉ mất khoảng 11%.
Khoảng cách giới trong những năm đầu đời đã được thu hẹp nhưng vẫn tiếp tục ở tuổi trưởng thành
Một trong những nguyên nhân chính gây bất bình đẳng tại các quốc gia chính là khoảng cách trong tiếp cận cơ hội, phân bổ kết quả và trao quyền giữa phụ nữ và nam giới. Chỉ số HDI trung bình của phụ nữ trên toàn thế giới thấp hơn nam giới 6%, do thu nhập và mức độ thụ hưởng giáo dục ít hơn tại rất nhiều quốc gia.
Mặc dù có sự tiến triển đáng khen ngợi về số lượng trẻ em gái đến trường, song vẫn còn những khác biệt lớn ở nhiều lĩnh vực chính trong cuộc sống của nam giới và nữ giới. Việc trao quyền cho phụ nữ vẫn là một thử thách lớn.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ trên toàn cầu thấp hơn so với nam giới - 49% so với 75%. Và khi phụ nữ tham gia vào thị trường lao động thì tỷ lệ thất nghiệp của họ cũng cao hơn 24% so với nam giới. Phụ nữ trên toàn thế giới cũng phải làm công việc nhà và công việc chăm sóc không được trả lương nhiều hơn so với nam giới.
Nhìn chung, sự tham gia của phụ nữ vào nghị viện/quốc hội vẫn còn thấp mặc dù có sự thay đổi ở nhiều khu vực, từ 17,5% và 18% ở Nam Á và các nước khối Arab, tương ứng với 29% tại Nam Mỹ, các nước vùng Caribbean và các nước thuộc OECD. Bạo lực với phụ nữ ảnh hưởng tới toàn xã hội, và ở một số khu vực, tỷ lệ tảo hôn và sinh sớm đã làm suy giảm cơ hội của nhiều phụ nữ và trẻ em gái. Ở Nam Á, 29% phụ nữ từ độ tuổi 20 đến 24 kết hôn trước sinh nhật lần thứ 18.
Tỷ lệ sinh cao, làm mẹ sớm và nghèo đói, thiếu công bằng trong tiếp cận đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước và sau sinh đã dẫn đến tỷ lệ tử vong của phụ nữ khi sinh cao. Có 101 ca tử vong/1.000 ca sinh, tỷ lệ này ở khu vực phụ cận sa mạc Sahara Châu Phi, cao hơn mức trung bình của thế giới là 44 ca/1.000 ca sinh. Tỷ lệ này ở các nước Nam Mỹ và Caribean là 62/1.000. Thậm chí, tại khu vực phụ cận Sahara Châu Phi tỷ lệ tử vong là 549/100.000 ca sinh, một số quốc gia trong khu vực như Cabo Verde đạt được thành tựu lớn trong việc giảm thiểu tỷ lệ tử vong mẹ thì chỉ còn 42/100.000 ca sinh.
Xem xét sâu hơn chỉ số HDI với chất lượng của sự phát triển
Có sự khác biệt rất lớn giữa các quốc gia về chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhiều lĩnh vực cơ bản khác trong cuộc sống.
Ở khu vực phụ cận sa mạc Sahara Châu Phi, trung bình có 1 giáo viên/39 học sinh tiểu học, tỷ lệ này ở Nam Á là 1/35. Nhưng tại các quốc gia OECD, Đông Á và Thái Bình Dương, châu Âu và Trung Á tỷ lệ trung bình là 1 giáo viên/16-18 học sinh. Và trong khi các quốc gia OECD và Đông Á, Thái Bình Dương có trung bình 28-29bác sỹ/10.000 dân, thì ở Nam Á chỉ có 8 bác sỹ, và tại khu vực phụ cận Sahara Châu Phi, thậm chí không được đến 2 bác sỹ.
Bên cạnh các chỉ số phát triển con người tiêu chuẩn thì các số liệu thống kê cũng hướng sự chú ý đến mối quan hệ giữa phát triển con người với 5 vấn đề: chất lượng phát triển con người, khoảng cách giới, trao quyền cho phụ nữ, bền vững về kinh tế xã hội và môi trường.
Quỳnh Anh
Tài liệu tham khảo:
UNDP, 2018. Human Development Indices and Indicators: 2018 Statistical Update.
Nguyễn Vũ Quỳnh Anh