Chỉ số phát triển con người vùng Trung Bộ

08/04/2020

CHỈ SỐ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI VÙNG TRUNG BỘ 

 

Chỉ số Phát triển con người (HDI)

Năm 1990, cùng với sự ra đời của Báo cáo Phát triển Con người, UNDP cũng đồng thời đưa ra Chỉ số Phát triển con người (HDI) để đo trình độ phát triển con người thể hiện trên ba khía cạnh: thu nhập, tuổi thọ và giáo dục. Chỉ số HDI được xây dựng để nhấn mạnh rằng con người và khả năng của họ phải là tiêu chí cơ bản để đánh giá sự phát triển của một quốc gia chứ không chỉ là tăng trưởng kinh tế. Chỉ số HDI cũng có thể được sử dụng để nghiên cứu những lựa chọn chính sách của quốc gia, và xem xét hai quốc gia với mức GNI trên đầu người giống nhau có thể có trình độ phát triển con người khác nhau như thế nào.

HDI là một chỉ số tổng hợp đánh giá tiến bộ về lâu dài ở ba khía cạnh cơ bản của phát triển con người:

·      Sống lâu và sống khỏe mạnh, được đo bằng tuổi thọ kỳ vọng trung bình;

·      Kiến thức, được đo bằng số năm đi học kỳ vọng và số năm đi học trung bình; và

·      Mức sống bền vững, được đo bằng phép biến đổi lô-ga-rít của tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người theo đồng đô la Mỹ (theo sức mua tương đương PPP$).

Chỉ số HDI đơn giản hóa và chỉ là một phần của những thứ cấu thành nên phát triển con người. Nó không phản ánh được các chiều cạnh về bất bình đẳng, nghèo đói, an ninh con người, sự trao quyền, v.v… Đến nay, rất nhiều các chỉ số đã được bổ sung để làm rõ hơn, cụ thể hơn, chính xác hơn trình độ phát triển con người. Tuy nhiên, do sự phức tạp và không sẵn có về mặt số liệu ở tất cả các quốc gia nên về cơ bản người ta vẫn sử dụng chỉ số HDI để đánh giá sự phát triển của mỗi quốc gia.

Chỉ số HDI vùng Trung bộ

Vùng Trung bộ ở đây bao gồm Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. So sánh giữa các vùng trong cả nước thì chỉ số HDI của vùng Trung bộ có sự khác biệt, thể hiện sự khác nhau trong thành tựu phát triển con người giữa các vùng.

Sự khác biệt trong thành tựu phát triển con người theo vùng, 2012

 

Giá trị HDI

Tuổi thọ kỳ vọng (năm)

Tỷ lệ người lớn biết chữ

Tỷ lệ nhập học chung

GDP bình quân đầu người

Cả nước

0.752

73.05

94.50

63.43

3,979.3

Trung du & miền núi phía Bắc

0.679

70.29

88.80

58.27

1,939.7

Đồng bằng sông Hồng

0.770

74.27

97.50

    72.50

3,593.5

Bắc Trung bộ & Duyên hải NTB

0.730

72.41

94.30

62.79

2,890.7

Tây Nguyên

0.704

69.40

92.10

59.80

2,853.8

Đông Nam bộ

0.811

75.69

96.90

63.55

8,020.5

Đồng bằng sông Cửu Long

0.746

74.39

93.10

59.29

3,572.9

Nguồn: Báo cáo Phát triển Con người Việt Nam 2015, tr. 33

          Bảng số liệu cho thấy vùng Trung du và miền núi phía Bắc có chỉ số HDI thấp nhất trong 6 vùng (0.679), Đông Nam bộ có chỉ số HDI cao nhất (0.811). Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ có chỉ số HDI ở mức trung bình (0.730), thấp hơn HDI trung bình của quốc gia (0.752), thấp hơn vùng Đông Nam bộ (0.811), đồng bằng sông Hồng (0.770) và đồng bằng sông Cửu Long (0.746), chỉ cao hơn Trung du và miền núi phía Bắc (0.679) và Tây Nguyên (0.704). Tương ứng, tuổi thọ trung bình của người dân, tỷ lệ người lớn biết chữ, tỷ lệ nhập học và GDP bình quân đầu người của vùng đều thấp hơn mức trung bình chung của cả nước. Tuy nhiên, theo Báo cáo Phát triển con người Việt Nam 2015, xét cả giai đoạn từ năm 1999 đến 2012 thì “Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ cùng với Đồng bằng sông Cửu Long dường như cho thấy những cải thiện có tính bền vững nhất trong chỉ số HDI cho cả giai đoạn. Tây Nguyên và Bắc Trung bộ - Duyên hải Nam Trung bộ, với điểm xuất phát thấp, đạt được mức tiến bộ lớn nhất từ năm 1999 đến năm 2012, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm tương ứng là 4,11% và 3,92%”[1].

                   Ngày nay, kinh tế của vùng Trung bộ ngày càng phát triển mạnh theo hướng tích cực với việc tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông – lâm – ngư nghiệp. Một trong những cực tăng trưởng mạnh đó là Đà Nẵng và Khánh Hòa, bên cạnh đó Bình Định với Quy Nhơn là một trung tâm kinh tế phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Du lịch của cả vùng đang phát triển rất mạnh với các trung tâm du lịch Cửa Lò, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Phan Thiết. Trong tương lai với sự phát triển mạnh của các trung tâm này với các ngành công nghiệp mũi nhọn sẽ tạo ra những đóng góp đáng kể cho GDP toàn vùng, tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, cần lưu ý là ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ nghèo cao hơn cả, đứng thứ hai ở Việt Nam, lại là nơi có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống. Do vậy, ở vùng này, bất bình đẳng về phân phối thu nhập tăng lên không có lợi cho giảm nghèo.

         Về giáo dục, tỷ lệ trẻ mầm non đi học còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng.  Vùng Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ trẻ đến lớp cao nhất (27% đối với nhà trẻ, 79% đối với mẫu giáo), thấp nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (3% đối với nhà trẻ, 45% đối với mẫu giáo) và Tây Nguyên (6% với nhà trẻ, 39% với mẫu giáo). Cùng với tình trạng tỷ lệ trẻ ra lớp không đồng đều, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các vùng, miền cũng có khoảng cách[2].

Một số yếu tố tác động đến Chỉ số HDI vùng Trung bộ

Vùng Trung Bộ có những đặc thù phát triển riêng dựa vào những ưu thế của vùng, đặc biệt vùng đã và đang tập trung đẩy mạnh khai thác các lợi thế do biển mang lại. Với lợi thế hàng trăm km đường bờ biển, vùng Trung bộ có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển, nhất là phát triển du lịch và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Với điều kiện tự nhiên và nguồn lực con người, vùng Trung Bộ có nhiều cơ hội phát triển trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, vùng cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Trước tiên đó là về mặt địa hình. Diện tích đất nông nghiệp trên đầu người thấp, đất trống, đồi trọc nhiều. Đất đai vùng Trung bộ nhìn chung có độ phì nhiêu thấp, đất nghèo chất dinh dưỡng.

Vùng Trung Bộ cũng là nơi chịu tác động mạnh về biến đổi khí hậu. Thiên tai ở khu vực này ngày càng trầm trọng hơn. Các tỉnh phải đối mặt với các cú sốc liên quan tới thời tiết, đặc biệt là bão. Thiên tai này gây thiệt hại về sinh mạng và sinh kế của người dân và sự phát triển kinh tế nói chung. “Trong khi thiên tai ảnh hưởng đến cả nước thì các vùng ven biển chịu nhiều khủng hoảng thường xuyên hơn và gây ra nhiều thiệt hại hơn – bình quân, thiên tai ven biển gây thiệt hại nhiều gấp 2 đến 3 lần so với ở những nơi khác (Noy và Vũ, 2009). Tần suất và tác động của thiên tai của chiều hướng gia tăng khi biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn”[3]. Số liệu cho thấy Duyên hải Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ là hai  khu vực hứng chịu số lượng thiên tai trung bình nhiều nhất mỗi năm, nhiều gấp từ 2 – 3 lần so với các vùng khác. Chính vì vậy, thiệt hại về người và của cũng như số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai là rất lớn, lớn nhất trong cả nước.

         Một nguyên nhân nữa ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động phát triển kinh tế của vùng, đó là hiện tượng sa mạc hóa ngày càng trầm trọng của các tỉnh ven biển. “Ở những vùng ven biển, mất rừng đã làm tăng sự dịch chuyển các cồn cát, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển và sông, gây suy thoái môi trường và ảnh hưởng xấu tới sản xuất và đời sống của người dân. Nguy cơ bị sa mạc hóa nghiêm trọng nhất là ở vùng ven biển Nam Trung bộ (với 0,4 triệu ha)[4]. Hoang mạc hóa cũng là một vấn đề đáng báo động. “Hoang mạc hóa xảy ra cục bộ, chủ yếu là dải đất dọc bờ biển miền Trung, tập trung ở 10 tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận với diện tích khoảng 419 nghìn ha”[5].

         Bên cạnh đó, nắng nóng, khô hạn làm giảm nguồn nước trên sông ngòi, kênh rạch khiến cho nước mặn lấn sâu vào đất liền, làm thiệt hại đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn chủ yếu tập trung ở các tỉnh ven biển. “Việc chuyển đổi từ đất canh tác nông nghiệp sang nuôi tôm và nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ làm cho hàng ngàn ha đất bị nhiễm phèn, mặn nghiêm trọng. Tình trạng này diễn ra ở nhiều địa phương ven biển, nhất là ở các vùng cửa sông của các tỉnh ven biển miền Trung[6].

Kết luận

Chỉ số phát triển con người của vùng Trung bộ đứng ở mức trung bình so với chỉ số HDI quốc gia. Cả ba vùng Duyên hải Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, và Tây Nguyên đều có chỉ số HDI thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, chỉ cao hơn Trung du và miền núi phía Bắc. Mặc dù vùng Duyên hải Nam Trung bộ cùng với Tây Nguyên là hai vùng có sự cải thiện HDI tốt nhất cả nước, tuy nhiên sự cải thiện chưa đủ nhanh cũng như sự cách biệt lớn về HDI trong nội vùng, tốc độ tăng trưởng HDI của các tỉnh trong vùng không đồng đều, có tỉnh tiến bộ nhanh, có tỉnh bị tụt lùi, do đó ảnh hưởng đến HDI chung của cả vùng. Bên cạnh những thuận lợi cho sự phát triển thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với sự phát triển bền vững và nâng cao chỉ số HDI của vùng. Đặc biệt, đất đai bị sa mạc hóa, thiên tai, bão lụt, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh kế và nơi cu trú của người dân và có tác động tiêu cực đến phát triển bền vững. Tình hình này đòi hỏi các tỉnh miền Trung phải có các chiến lược ứng phó, trong đó cần chú trọng đến hệ thống an sinh xã hội nhằm giúp các nạn nhân thiên tai và người dân có rủi ro cao có thể nâng cao khả năng chống chịu và đương đầu trước những tổn thất về mặt tài chính.

Quỳnh Anh

Tài liệu tham khảo

1.           UNDP. Báo cáo Phát triển con người toàn cầu 2010.

2.           UNDP – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Báo cáo Phát triển Con người Việt Nam 2015 “Tăng trưởng vì Mọi người”. Nxb Khoa học Xã hội, 2016.

3.           Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Báo cáo Phát triển Con người Việt Nam 2011. Nxb Thế giới, Hà Nội, 2012.

4.           http://vi.wikipedia.org/wiki

 



[1] Báo cáo Phát triển con người Việt Nam 2015, tr.33 - 34.

[2] Báo cáo Phát triển con người Việt Nam 2015, tr.22.

[3] Báo cáo Phát triển con người Việt Nam 2015, tr. 117.

[4] Báo cáo Phát triển con người Việt Nam 2011, tr. 82.

[5] Báo cáo Phát triển con người Việt Nam 2011, tr. 83.

[6] Báo cáo Phát triển con người Việt Nam 2011, tr. 84.

 

Nguyễn Vũ Quỳnh Anh