Thực trạng tiếp cận với giáo dục của trẻ em huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai
Nguyễn Vũ Quỳnh Anh
Cơ hội tiếp cận với giáo dục của trẻ em ở khu vực miền núi luôn thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền, các nhà nghiên cứu và toàn xã hội. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra thực trạng tiếp cận với giáo dục của trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những rào cản hạn chế cơ hội đến trường của các em. Nghiên cứu này tìm hiểu thực trạng cơ hội tiếp cận giáo dục của hai nhóm đối tượng cụ thể, đó là nhóm học sinh mầm non 5 tuổi và nhóm học sinh lớp 9 trên một số tiêu chí như tính sẵn có, khả năng tiếp cận và khả năng phát triển. Phương pháp phân tích được sử dụng trong bài viết là phân tích tài liệu, phân tích số liệu định lượng và dữ liệu phỏng vấn định tính. Địa bàn nghiên cứu là một thị trấn và một xã vùng biên thuộc tỉnh Lào Cai, trong khuôn khổ đề tài cấp Bộ “Bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận với giáo dục của trẻ em ở Lào Cai hiện nay”, thực hiện năm 2017. Đề tài tiến hành khảo sát bằng bảng hỏi 401 trường hợp, trong đó có 251 phụ huynh (bao gồm 101 phụ huynh có con 5 tuổi và 150 phụ huynh có con học lớp 9) và 150 học sinh lớp 9. Nguồn dữ liệu định tính gồm 20 phỏng vấn sâu, với các nhóm đối tượng: cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh, và học sinh.
Kết quả nghiên cứu chính
Tính sẵn có
Việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được Lào Cai xác định là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng giáo dục. Tính đến hết năm học 2015 – 2016, toàn tỉnh có 301/657 trường chuẩn quốc gia, đạt 45,8%, tăng 46 trường so với năm học 2014 – 2015 (mầm non: 74 trường, đạt 36,8%; tiểu học: 150 trường, đạt 64,9%; THCS: 68 trường, đạt 36,0%; THPT: 9 trường, đạt 25%; trong đó có 9 trường mầm non và 29 trường trung học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2) (UNICEF, UBND tỉnh Lào Cai, 2016). Điều này cho thấy rõ nỗ lực đầu tư của Lào Cai trong việc phát triển quy mô mạng lưới trường, lớp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của tỉnh.
Riêng đối với huyện Bát Xát, đến nay 100% các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đã có lớp học kiên cố tại trường chính, diện tích trường đã được mở rộng hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập và vui chơi của học sinh. Thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng được nhu cầu cho các hoạt động giáo dục của nhà trường. Các trường đã có nguồn nước hợp vệ sinh, có điện lưới quốc gia và được kết nối Internet” (UBND huyện Bát Xát, 2017).
Kết quả phân tích số liệu cũng cho thấy, tại các điểm khảo sát, ý kiến phụ huynh và học sinh cho rằng hệ thống trường lớp, trang thiết bị phục vụ giảng dạy học sinh khá đầy đủ. Cụ thể, có 94,4% phụ huynh cho biết trường học của con họ có đủ lớp học, 89,6% phụ huynh cho rằng trường học có đủ giáo viên. Các ý kiến từ phía học sinh lớp 9 cũng tương đồng như trên. Tuyệt đại đa số các em cho biết trường học có đủ lớp học, trang thiết bị phục vụ học tập như thiết bị chiếu sáng, quạt điện, thư viện, phòng thí nghiệm, sân chơi, nước sạch, nhà vệ sinh.
Tuy nhiên, theo ý kiến của giáo viên cũng như quan sát của đoàn nghiên cứu thì nhìn chung trường học có đủ những điều kiện cơ sở vật chất cơ bản phục vụ việc dạy và học nhưng về một số phòng chức năng còn thiếu thốn, điều này phần nào làm giảm chất lượng giáo dục, nhất là cơ hội thực hành, rèn luyện các kỹ năng và hoạt động thể chất của học sinh.
Về đội ngũ giáo viên, đại đa số học sinh được hỏi cho biết trường học của các em có đủ giáo viên, chất lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy, phương thức giảng dạy phù hợp với cách thức truyền tải dễ hiểu. Ý kiến từ cán bộ quản lí và giáo viên cho rằng, “xét về cơ cấu bộ môn thì vẫn còn thiếu giáo viên, nhiều giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều bộ môn, tuy nhiên chất lượng vẫn đạt yêu cầu” (PVS nữ, cán bộ phòng GD huyện Bát Xát). “Cứ hè là tất cả giáo viên được tham gia lớp bồi dưỡng chuyên môn. Về nội dung thì giáo viên tự đề xuất, thấy cần bồi dưỡng nội dung gì thì đề xuất. Tổ trưởng chuyên môn được đi tập huấn, thường là 1-2 lần/năm, sau đó sẽ về tập huấn chung cho các giáo viên” (PVS nữ, giáo viên trường mầm non thị trấn Bát Xát).
Khả năng tiếp cận
Về học phí, đáp ứng được các chi phí học tập của con cái là một vấn đề được các gia đình hết sức quan tâm. Trong 54,4% phụ huynh cho biết họ có gặp khó khăn trong việc cho trẻ đến trường có 55,6% phụ huynh cho rằng khó khăn về học phí là khó khăn lớn nhất. “Học càng lên cao, chi phí càng nhiều nên khó khăn cho các cháu và gia đình” (PVS nam, 53 tuổi, PHHS lớp 9, trường THCS thị trấn Bát Xát). “Chúng tôi còn khó khăn hơn người dân tộc vì học sinh dân tộc được miễn, giảm 50 – 70% học phí, được hỗ trợ tiền ăn trưa nhưng vì là người Kinh nên con tôi chỉ được giảm 10% học phí, không được tiền ăn trưa” (PVS nam, 35 tuổi, DT Kinh, PHHS trường mầm non thị trấn Bát Xát).
Chính vì vậy, các khoản chi về học tập cho con cái như học phí chính khóa, phí học thêm và các khoản thu khác là mối bận tâm không nhỏ của các phụ huynh tại địa bàn khảo sát. Phân tích số liệu cho thấy, 21,5% phụ huynh cho rằng học phí hiện nay cao (6,7% học sinh học sinh lớp 9 đồng ý với điều này). 77,7% phụ huynh đánh giá mức học phí hiện thu là bình thường, nhận định này từ phía học sinh là 92,6%. Những con số chênh lệch giữa ý kiến của cha mẹ và học sinh trong vấn đề này có thể do trẻ em không nắm rõ các khoản chi học tập của các em chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng thu nhập của gia đình bằng cha mẹ mình – những người trực tiếp cân đối chi tiêu.
Ngoài học phí, trường học còn thu thêm các khoản phụ thu khác. Tại 2 điểm khảo sát, có 74,8% phụ huynh cho biết họ phải đóng tiền nước uống cho con ở trường, tiền đồng phục: 29,6%, tiền điện: 18,4%, tiền hoạt động ngoại khóa: 7,6%, tiền nâng cấp trang thiết bị học tập: 6,4%.
Về khoảng cách từ nơi ở đến trường học của học sinh nhóm học sinh lớp 9 tại địa bàn khảo sát khá gần, phần lớn dưới 3 km. Cụ thể là, có 46,7% học sinh cho biết khoảng cách từ nơi ở đến trường học của các em dưới 1 km, 28% học sinh ở gần trường trong phạm vi từ 1 - 3 km, chỉ có 10% các em ở xa trường trên 5 km. Vì khoảng cách khá gần nên có tới 52,7% học sinh đi bộ tới lớp, 34,7% em lựa chọn đi xe đạp và có 12,7% học sinh đi xe máy. Thời gian đi lại khoảng dưới 30 phút, cá biệt có 9 trường hợp học sinh mất hơn 1 tiếng trở lên để đi từ nơi ở đến trường.
Đối với học sinh trường dân tộc nội trú, “trường có 500 học sinh, trong đó 280 em ở nội trú, còn lại 240 em không nội trú. Trong số 240 em thì có 40 em phụ huynh đưa đón đi học. Theo quy định, nếu khoảng cách từ nhà đến trường dưới 7 km thì các em phải tự đi, từ trên 7 km đến 20 km các em mới được ở nội trú. Vì vậy, với khoảng cách 7 km và địa hình đường dốc, gồ ghề, không đi được xe đạp, phải đi bộ, các em cũng mất khá nhiều thời gian để tới trường” (PVS phó hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Trịnh Tường). Đây là yếu tố thường được nhắc đến trong các nghiên cứu về tiếp cận giáo dục của trẻ em miền núi. Theo kết quả Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam (SAVY 2), để tiếp tục học lên bậc trung học, thanh thiếu niên DTTS phải đi học ở các trường phổ thông dân tộc nội trú xa nhà do tình trạng thiếu trường ở khu vực miền núi. Họ cũng ít có điều kiện chi trả các khoản chi phí phát sinh do học xa nhà (Bộ Y tế và các cơ quan khác, 2009). Đây là một rào cản đối với việc học lên các bậc học cao hơn của trẻ em miền núi vì “ở cấp tiểu học và mầm non vẫn còn tồn tại nhiều điểm trường vì có những xã xa trung tâm đến 20 km. Mặc dù đường sá ngày càng được nâng cấp nhưng nhiều thôn ở các xã như Sàng Ma Sáo, Y Tí, Lao Chải, các em học sinh vẫn phải đi học xa. Trong điều kiện thời tiết xấu, học sinh thường phải nghỉ học” (PVS, cán bộ huyện Bát Xát)
Trong khảo sát này, nhu cầu tiếp cận giáo dục của các gia đình là rất cao khi số liệu cho thấy 100% cha mẹ có con 5 tuổi trả lời cần thiết phải cho trẻ đi học mầm non trước khi vào lớp 1, tỷ lệ cha mẹ trẻ học sinh lớp 9 cho biết họ có định hướng giáo dục và nghề nghiệp cho con lần lượt là 94,6% và 80%.
Đối với trẻ 5 tuổi, tuyệt đại đa số phụ huynh đồng ý rằng tâm lý, sức khỏe là những yếu tố quan trọng nhất cần chuẩn bị cho trẻ trước khi bước vào lớp 1, tiếp theo đó là chuẩn bị đầy đủ sách vở (66%), đi học chữ (18%), đi học Toán (10%). Việc trẻ được học chương trình mầm non trước khi vào lớp 1 sẽ là bước chuẩn bị tốt về mặt sức khỏe, tâm lý cho việc sẵn sàng đi học, tạo điều kiện thuận lợi để trẻ có thể học tập đạt kết quả tốt ngay khi bước chân vào môi trường học tập mới.
Nhu cầu tiếp cận giáo dục ở trình độ cao đòi hỏi sự đầu tư thích đáng từ phía gia đình và điều này không phải dễ dàng đối với các gia đình có mức sống thấp, bởi điều kiện kinh tế gia đình có thể trở thành rào cản cơ bản cản trở khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục của trẻ em (Trịnh Thị Anh Hoa, 2014; Trần Quý Long, 2014). Phần lớn các gia đình được khảo sát có mức sống trung bình trở lên (72,7%), còn lại 27,3% gia đình có mức sống thấp. Theo kết quả phân tích, mức chi tiêu của gia đình cho việc học (gồm cả học chính khóa và học thêm) của các học sinh học sinh lớp 9 chiếm một phần không nhỏ trong tổng thu nhập gia đình. Có 53% phụ huynh cho biết họ dành gần 10% thu nhập gia đình cho việc học của con, 34,2% phụ huynh cho biết việc đó chiếm khoảng từ 10-20%, 12,7% phụ huynh dành từ 20% thu nhập trở lên cho việc học của con họ. Có 38,7% cha mẹ cho biết con họ có đi học thêm, các môn học thêm tập trung chủ yếu vào Toán, Tiếng Anh, Văn, Hóa học.
Chi phí dành cho việc học thêm chiếm từ 10 – 20% tổng chi phí giáo dục. Chủ yếu nhóm đi học thêm này là học sinh ở thị trấn Bát Xát. Kết quả khảo sát này cũng tương đồng với kết quả khảo sát SAVY 2: “Tỷ lệ học thêm cao hơn ở khu vực thành thị và thanh thiếu niên dân tộc Kinh (78% thành thị, 66% nông thôn; Kinh 74,3%, dân tộc thiểu số 31,7%). Lý do của sự khác nhau giữa thành thị và nông thôn, giữa thanh thiếu niên DTTS và thanh thiếu niên dân tộc Kinh trong việc học thêm có thể bao gồm các yếu tố kinh tế, sự sẵn có thày cô dạy thêm, và sự khác nhau trong mức độ ưu tiên và nhận thức về giá trị của học tập chính quy” (Bộ Y tế và các cơ quan khác, 2009).
Khả năng phát triển
Số liệu khảo sát cho thấy trình độ học vấn của phụ huynh học sinh tại địa bàn khảo sát tập trung chủ yếu vào nhóm có trình độ THPT trở xuống. Đáng chú ý là có tới 12,6% cha mẹ không đi học, điều này có thể hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ vì nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa trình độ học vấn của cha mẹ với mức độ quan tâm đến việc học của con (Đỗ Thị Bình, Lê Ngọc Văn, Nguyễn Linh Khiếu, 2002; Đỗ Thiên Kính, 2005; Đặng Bích Thủy và cộng sự, 2012, 2016). Các bậc cha mẹ ở địa bàn khảo sát có sự quan tâm đối với việc học tập của con, điều đó thể hiện ở một số khía cạnh sau đây:
Về mặt nhận thức, đại đa số phụ huynh học sinh biết trẻ em có những quyền gì. Ví dụ, 96,8% cha mẹ biết trẻ em có quyền được chăm sóc nuôi dưỡng, 96,4% cha mẹ biết trẻ em có quyền được học tập, 91,2% biết trẻ em có quyền được vui chơi.
Đại đa số cha mẹ tham dự đầy đủ các buổi họp phụ huynh (88%). Mức độ liên lạc của phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm của con phổ biến là hàng tuần: 43,4%, khi có việc cần: 38,6%, hàng tháng: 9,6%, khi họp phụ huynh: 7,2%, chỉ có rất ít phụ huynh (1,2%) không bao giờ liên lạc với giáo viên chủ nhiệm.
Tần suất kiểm tra việc học của trẻ học sinh lớp 9 là hàng ngày (27,5%), vài lần/tuần (26,8%), vài lần/tháng (8,1%). Đáng chú ý là có tới 36,9% cha mẹ cho biết họ không bao giờ kiểm tra con học. Xem xét lý do cha mẹ không kiểm tra con học thấy rằng việc cha mẹ không có thời gian là lý do chính. Kết quả này tương đồng với nhiều nghiên cứu khác (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan khác, 2008; Viện Gia đình và Giới, 2012; Đặng Bích Thủy và cộng sự, 2012, 2016). Việc thiếu thời gian nói chung dành cho con cái “là sự biểu hiện ở một mức độ nào đó tính chất của mô hình ứng xử thiếu quan tâm của cha mẹ đối với con cái tuổi vị thành niên. Sự thiếu thời gian quan tâm đến con cái do gánh nặng và trách nhiệm công việc, các mối lo toan về kinh tế làm cho mức độ gắn kết giữa cha mẹ và con cái bị giảm sút, hậu quả là một số chức năng của cha mẹ đã bị suy giảm, ví dụ như chức năng hướng dẫn và hỗ trợ phát triển về mặt nhận thức, kiến thức xã hội và chia sẻ tình cảm, và trẻ vị thành niên trở nên có mối quan hệ gắn kết hơn với nhóm bạn đồng trang lứa” (Đặng Bích Thủy và cộng sự, 2016).
Trường hợp không đủ tiền cho con đi học, đại đa số cha mẹ (90,4%) cho biết họ không có ý định cho con nghỉ học, đồng nghĩa với việc họ sẽ phải dùng nhiều cách để xoay xở cho con tiếp tục học hành, điều này cho thấy nỗ lực rất đáng ghi nhận của nhiều phụ huynh học sinh khi gần 1/3 số gia đình trong mẫu khảo sát là các gia đình nghèo.
Ngoài ra, một số quan niệm tích cực trong văn hóa địa phương cũng có thể góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy các gia đình cố gắng đầu tư giáo dục cho con cái.
Kết luận
Cùng với những thành tựu chung mà giáo dục Việt Nam đạt được trong những năm vừa qua, giáo dục của Lào Cai đã có những bước tiến đáng kể. Phân tích số liệu về tính sẵn có, khả năng tiếp cận và khả năng phát triển các cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em tại thị trấn Bát Xát và xã Trịnh Tường của tỉnh Lào Cai cho thấy một số điểm nổi bật sau:
Thứ nhất, về tính sẵn có, những năm gần đây Lào Cai rất chú trọng đến đầu tư cho giáo dục, tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục đã tăng mạnh, chủ yếu tập trung vào nâng cấp cơ sở trường lớp, phổ cập mầm non, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhìn chung, cơ sở vật chất trường lớp và đội ngũ giáo viên về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu học tập của trẻ 5 tuổi và học sinh lớp 9.
Thứ hai, về khả năng tiếp cận và phát triển cơ hội giáo dục của trẻ em 5 tuổi và học sinh lớp 9 ở địa bàn khảo sát tương đối thuận lợi. Tuy còn trở ngại về khoảng cách đi lại, khả năng đáp ứng về học phí và một số gia đình chưa dành thời gian sâu sát việc học tập của con, hầu hết các bậc cha mẹ đã thể hiện sự quan tâm đến việc nâng cao cơ hội giáo dục của con như tìm hiểu và tiếp cận các chương trình hỗ trợ học sinh, có nhận thức tốt về quyền được học tập của con, có các động thái tích cực trong liên lạc với giáo viên và kiểm tra việc học của con.
Tài liệu trích dẫn
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê, UNICEF, Viện Gia đình và Giới, 2008. Kết quả điều tra gia đình Việt Nam 2006.
2. Bộ Y Tế, Tổng cục Thống kê, WHO, UNICEF, 2009. Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2 (SAVY 2).
3. CECODES; VFF-CRT; UNDP, 2013. Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam, đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân.
4. Đặng Bích Thủy & cộng sự, 2016. Báo cáo tổng hợp về Quyền trẻ em trong gia đình ở Việt Nam: nghiên cứu trường hợp từ 10-17 tuổi. Đề tài cấp Bộ 2015-2016.
5. Đặng Bích Thủy và cộng sự, 2012. Báo cáo tổng hợp về Quan hệ cha mẹ - con cái VTN ở Việt Nam: thực trạng, vấn đề cần quan tâm. Đề tài cấp Bộ 2011-2012.
6. Đỗ Thị Bình, Lê Ngọc Văn, Nguyễn Linh Khiếu, 2002. Gia đình Việt Nam và người phụ nữ trong gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nxb KHXH. Hà Nội.
7. Đỗ Thiên Kính, 2005. Bất bình đẳng về giáo dục ở Việt Nam hiện nay (dựa trên cơ sở dữ liệu VLSS93, VLSS98 và so sánh với một số nước Tây Âu trong những năm 1960-1965). Tạp chí Xã hội học, số 1, trang 48-55.
8. Nguyễn Phương Thảo, 2009. Trẻ em dân tộc thiểu số: Rào cản tiếp cận giáo dục. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới số 1.
9. Pauline Rose and Benjamin Alcott (2015). How can education systems become equitable by 2030. The Health & Education Advice & Resource Team (HEART) and the UK’s Department for International Development (DFID) in 2015.
10. Phan Thị Lan, Nguyễn Thị Thanh Xuyên, 2015. Tìm hiểu vấn đề bất bình đẳng giới trong việc tiếp cận giáo dục bậc trung học phổ thông đối với học sinh dân tộc Cơtu ở Tây Giang, Quảng Nam. Tạp chí khoa học xã hội miền trung, số 4.
11. Trần Quý Long, 2014. Tiếp cận giáo dục của trẻ em Việt Nam và các yếu tố ảnh hưởng. Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 4.
12. Trịnh Thị Anh Hoa, 2014. Đánh giá khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục của người nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc trong điều kiện xã hội hóa các hoạt động giáo dục ở Việt Nam. Đề tài nghiên cứu cấp Bộ. Viện khoa học giáo dục.
13. UNICEF, UBND tỉnh Lào Cai, 2016. Phân tích tình hình trẻ em tỉnh Lào Cai. Hà Nội, 2016.
14. Viện Gia đình và Giới, 2012. Báo cáo tổng hợp về Sự phối hợp giữa Nhà trường và Gia đình trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trên địa bàn Hà Nội.
Nguyễn Vũ Quỳnh Anh