AN NINH LƯƠNG THỰC VÙNG TÂY BẮCTRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY
Nguyễn Vũ Quỳnh Anh
An ninh lương thực là một trong bảy chiều cạnh của an ninh con người. Ngày nay, khi vấn đề an ninh con người ngày càng thu hút được sự quan tâm của giới học giả cũng như các chính khách ở khắp nơi trên thế giới thì vấn đề an ninh lương thực càng được quan tâm hơn bao giờ hết. Mặc dù đã bước sang thế kỷ 21 với những tiến bộ của cách mạng khoa học công nghệ được áp dụng vào phát triển nông nghiệp nhưng ở nhiều vùng, nhiều nơi, việc đảm bảo có đủ lương thực cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, các vùng khó khăn chưa phải đã hoàn toàn thực hiện được. Bài viết tập trung tìm hiểu thực trạng sản xuất nông nghiệp cũng như an ninh lương thực tại vùng Tây Bắc, một vùng nghèo nhất cả nước hiện nay; tìm hiểu những khó khăn cũng như giải pháp để phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp vùng một cách bền vững.
An ninh lương thực
Tiếp cận về an ninh con người được giới thiệu lần đầu tiên trong Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 1994. Đến năm 2012, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một định nghĩa chung về an ninh con người. Tiếp cận an ninh con người đã mở rộng phạm vi phân tích về an ninh và chính sách an ninh từ an ninh lãnh thổ sang an ninh con người. Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhấn mạnh vai trò của “các quốc gia thành viên trong việc xác định và giải quyết những thách thức phổ biến đối với sự sống còn, sinh kế và nhân phẩm của con người”. Nói cách khác, những mối đe dọa đối với cuộc sống con người là điểm quan trọng cần lưu ý. An ninh con người liên quan đến rất nhiều vấn đề, không chỉ là an ninh xuất phát từ bạo lực và tội phạm mà còn là an ninh sinh kế của con người như là an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh môi trường, an ninh sức khỏe...
Báo cáo Phát triển Con người Toàn cầu năm 1994 đã liệt kê bảy chiều cạnh của an ninh con người và an ninh lương thực là một trong bảy chiều cạnh đó.Theo định nghĩa của Chương trình lương thực thế giới, an ninh lương thực là một trạng thái mà không lúc nào con người bị đói - nghĩa là họ có đủ các chất dinh dưỡng cho một cuộc sống hiệu quả, hoạt bát và khỏe mạnh. Tuy nhiên sẵn có nguồn lương thực chưa phải một điều kiện để bảo đảm an ninh, bởi vì con người vẫn có thể bị chết đói khi lương thực dồi dào. Vấn đề chủ yếu ở chỗ việc phân phối lương thực kém hiệu quả và con người thiếu khả năng mua hàng. Qua đó có thể thấy ngoài nhân tố ảnh hưởng của thiên tai đối với khả năng sản xuất lương thực, các chính sách và trình độ quản lý kinh tế của các chính phủ cũng đóng góp một phần không nhỏ vào việc bảo đảm nguồn cung cấp lương thực cũng như thu nhập cho người dân.
An ninh lương thực vùng Tây Bắc hiện nay
Tây Bắc với diện tích 5,64 triệu ha là vùng có xuất phát điểm thấp của Việt Nam. Các tỉnh thuộc vùng này gồm Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái và Hòa Bình. Phần lớn các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao so với các vùng khác trong cả nước (31,2%). Tại Tây Bắc, 80% dân số nói chung sống dựa vào nông nghiệp, nông thôn.Tây Bắc có ưu thế lớn trong phát triển kinh tế nông lâm nghiệp với tiềm năng dồi dào về tài nguyên rừng và các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ cũng như thế mạnh trồng các cây ăn quả, cây công nghiệp, cây thức ăn gia súc, các loại lúa đặc sản địa phương, cây dược liệu, các loại rau quả nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới và chăn nuôi gia súc, phát triển du lịch và kinh tế cửa khẩu. Tuy nhiên, nông nghiệp Tây Bắc chưa có nhiều bứt phá so vớikỳ vọng do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu cũng như những hạn chế trong quá trình xây dựng, triển khai các chính sách phát triển.
Kết quả phát triển nông lâm nghiệp Tây Bắc gần đây cho thấy tỷ trọng nông lâm nghiệp toàn vùng chiếm 24,15% trong tổng cơ cấu kinh tế. Giá trị sản xuất năm 2015 đạt 83.176 tỷ đồng, tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt trên 65,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,72% so với cùng kỳ, tổng diện tích cây lương thực có hạt đạt 985 nghìn ha, sản lượng ước đạt 4,2 triệu tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 465 kg, an ninh lương thực cơ bản được đảm bảo. Đối với lĩnh vực chăn nuôi cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện Tây Bắc đang từng bước chuyển dịch theo hướng mô hình trang trại, gia trại và chế biến công nghiệp.Tổng đàn gia súc toàn vùng khoảng 7,6 triệu con, tăng bình quân 2,1%/năm (đàn trâu 1,34 triệu con, đàn bò 0,8 triệu con, đàn lợn 5,3 triệu con); đàn gia cầm 507 triệu con. Nuôi trồng thuỷ sản có bước phát triển; diện tích ước đạt 37,5 nghìn ha, sản lượng ước đạt 70 nghìn tấn, tăng bình quân 12%/năm. Đặc biệt nhiều mô hình trang trại chăn nuôi và nuôi cá nước lạnh (như cá hồi, cá tầm) đang được phát triển mạnh ở Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong lâm nghiệp, vùng cũng chú trọng quy hoạch lại ba loại rừng theo hướng tăng tỷ trọng rừng sản xuất, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; diện tích có rừng toàn vùng hiện vào khoảng 6 triệu ha, tỷ lệ che phủ năm 2015 đạt 51,8%, tăng 1,4% so với năm 2011. Một số tỉnh có độ che phủ cao như Bắc Kạn 70,8%, Tuyên Quang 64,7%, Yên Bái 60%. Diện tích trồng rừng mới các loại hàng năm đạt trên 100 nghìn ha [1].
Chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Bộ NN&PTNT ban hành và thực hiện từ năm 2013. Theo định hướng này, các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi đều xây dựng các kế hoạch hành động tái cơ cấu tiểu ngành từ năm 2014 đến năm 2020. Song song với đó, các địa phương cũng xây dựng và ban hành Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trong năm 2014, 2015 như Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Sơn La được ban hành năm 2014, tập trung vào việc phát triển các cây công nghiệp như: mía, cà phê, sắn; cây ăn quả ôn đới; rau an toàn; chăn nuôi đại gia súc; Đề án phát triển nông nghiệp của tỉnh Điện Biên đến năm 2020 định hướng đến 2025 tập trung vào quản lý, khai thác rừng bền vững; cải thiện thủy lợi; thúc đẩy sản xuất đại gia súc; hình thành liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đối với một số mặt hàng chủ lực như lúa, gạo, cà phê, chè, cao su… Đáng tiếc là hiện chưa có chính sách hay đề án tái cơ cấu nông nghiệp chung cho toàn vùng nên bức tranh nông nghiệp Tây Bắc vẫn khá manh mún, rời rạc.
Nhìn chung, sau thời gian thực hiện chính sách tái cơ cấu, nông nghiệp Tây Bắc cũng đã đạt được một số kết quả nhất định, giúp hình thành nhiều vùng liên kết sản xuất hàng hóa chuyên canh lớn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như: vùng mía đường ở Hòa Bình; vùng cây ăn quả ở Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình; vùng chè Yên Bái; vùng cà phê Sơn La, Điện Biên; vùng rau, hoa, cây dược liệu ôn đới chất lượng cao (Sa Pa, Mộc Châu); vùng rừng nguyên liệu giấy Yên Bái. Ngoài ra, một số mô hình chuỗi giá trị thành công cũng đang tiếp tục được mở rộng như: chuỗi rau an toàn Mộc Châu; chuỗi giá trị mận Mộc Châu (Sơn La), Bắc Hà (Lào Cai)… Một số sản phẩm đặc sản địa phương cũng đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công như: cam Cao Phong (Hòa Bình), hồng không hạt (Bắc Kạn), xoài Yên Châu (Sơn La)… Các mô hình này đang khẳng định được vị thế của mình trong bức tranh tái cơ cấu nông nghiệp toàn vùng, dần thay thế một số mô hình sản xuất tự phát thiếu bền vững cả về sinh thái lẫn thị trường.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của vùng là việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản. Tây Bắc hiện có gần 22.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có khoảng 3-4% trong số này đầu tư vào nông nghiệp, thấp hơn mức bình quân 10% của cả nước, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (có vốn dưới 10 tỷ đồng) với số lao động bình quân làm việc thường xuyên trong một doanh nghiệp nông nghiệp chỉ vào khoảng vài chục người hoặc chủ yếu làm theo thời vụ[2]. Lý do nông nghiệp Tây Bắc chưa hấp dẫn doanh nghiệp bởi tỷ lệ sinh lời trong sản xuất nông nghiệp ở khu vực này còn tương đối thấp và hay gặp rủi ro thiên tai, đặc biệt khả năng tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế. Thêm vào đó, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn mới chỉ dừng ở chủ trương là chính chứ chưa hiện thực hóa bằng các mô hình và hoạt động cụ thể tại địa phương. Mặt khác, doanh nghiệp cũng chưa mặn mà với nông nghiệp do phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại liên quan đến cơ chế chính sách nông nghiệp, nông thôn như vấn đề đất đai, tiếp cận vốn. Ngoài ra, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nông nghiệp trong vùng còn ở mức nhỏ bé, rất khó trong việc mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh và thị trường; chất lượng sản phẩm nông sản còn thấp so với tiêu chuẩn xuất khẩu, khối lượng sản phẩm sản xuất chưa nhiều; trình độ khoa học công nghệ lạc hậu, tay nghề công nhân thấp nên khả năng cạnh tranh yếu.
Để đạt được những thành quả nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực của nhà nước trong việc tái cơ cấu nông nghiệp của vùng thì trong những năm gần đây, sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài cũng đã giúp nông nghiệp Tây Bắc có những bước tiến mới. Trong mười năm qua, chính phủ Úc đã hỗ trợ và chia sẻ những nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn từ Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) một số dự án về phát triển nông nghiệp cho khu vực Tây Bắc. Thông qua các dự án này để tăng cường năng lực nghiên cứu, mang lại các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, góp phần giảm nghèo và cải thiện thu nhập của nông dân. Các dự án này hướng tới giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm; sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên bền vững, liên kết với thị trường, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Sau hơn mười năm thực hiện, nhiều mô hình canh tác nông nghiệp thân thiện, nhiều ứng dụng nghiên cứu, các chuỗi sản xuất, cung ứng nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu như canh tác trên đất dốc, bảo tồn độ phì nhiêu của đất, cải tạo đất đã được thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Một số chuỗi giá trị nông sản được hình thành và đang tiếp tục được mở rộng như chuỗi rau an toàn Mộc Châu; chuỗi giá trị mận Mộc Châu, Bắc Hà, thịt bò Điện Biên.Hay một ví dụ như tỉnh Lào Cai, là một trong những tỉnh tham gia các mô hình của ACIAR, hiện nay Lào Cai đã tham gia dự án phát triển cây ăn quả gắn với du lịch cũng như các dự án nhỏ gắn với phát triển sinh kế. Các dự án này đã đem lại kinh nghiệm cho Lào Cai trong việc tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực cho nông dân, giúp cho nông dân vùng này có thêm kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, đặc biệt là sản xuất theo chuỗi cũng như giới thiệu quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm.ACIAR cũng đã giúp đồng bào H’mông ở khu vực vùng núi Tây Bắc nâng cao chất lượng sản xuất rau bản địa, nâng cao giá trị để người nông dân có thể bán được ở các thị trường cao cấp hơn như thị trường Hà Nội hay những thị trường lớn khác. Bên cạnh đó, trong hơn 10 năm qua, ACIAR đã có nhiều dự án lâm nghiệp với diện tích lớn khoảng 1 triệu ha rừng, những cây được trồng trong khu rừng mới này rất hiệu quả và mang lại hiệu quả cao gấp 10 lần so với việc người dân khai thác gỗ tràn lan trước đây.
Một số khó khăn để đảm bảo an ninh lương thực
Với một vị trí địa chính trị, kinh tế, sinh thái và văn hóa đặc biệt quan trọng, vùng Tây Bắc luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tây Bắc có một số lợi thế cạnh tranh như: sự đa dạng, phong phú, độc đáo về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên (rừng, khoáng sản, năng lượng, kỳ quan địa chất, khí hậu), văn hoá dân tộc phong phú đậm bản sắc và hấp dẫn. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển và hội nhập, Tây Bắc đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó có các thách thức không dễ vượt qua như: nguồn nhân lực tại chỗ thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu, năng lực để tiếp thu, sử dụng tri thức, sử dụng công nghệ và phát triển các năng lực khoa học - công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh và đời sống; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và nhiều yếu kém; an ninh chính trị, tôn giáo và trật tự an toàn xã hội vẫn còn ẩn chứa nhiều nhân tố phức tạp, dễ gây bất ổn; thiên tai, biến đổi khí hậu cùng với việc khai thác và sử dụng tài nguyên bất hợp lý; tình trạng nghèo đói, dân trí hạn chế, xung đột môi trường trong sử dụng tài nguyên đang đe dọa sự phát triển bền vững của vùng Tây Bắc.
Về phát triển sản xuất nông nghiệp, mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, thổ nhưỡng phong phú và khí hậu tương đối mát mẻ, có điều kiện thuận lợi để phát triển nông lâm nghiệp, dịch vụ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng cây ăn quả, vùng chè, vùng cà phê... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhìn chung điều kiện của đồng bào ở Tây Bắc còn gặp nhiều khó khăn. Tây Bắc chưa có nhiều bứt phá trong phát triển nông nghiệp do gặp một số khó khăn về hạ tầng, địa hình núi cao hiểm trở, dân cư thưa thớt, mức sống của dân cư còn thấp, trình độ văn hóa và khoa học kỹ thuật yếu kém, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại, vẫn còn tình trạng thiếu lương thực ở các dân tộc ít người. Do tình trạng thiếu lương thực và điều kiện tự nhiên khó khăn dẫn đến việc canh tác của bà con đồng bào dân tộc để lại nhiều hậu quả như chặt cây, phá rừng, làm suy giảm nguồn nước, diện tích đất trống, đồi núi trọc tăng nhanh và lũ lụt ngày càng khốc liệt, đe dọa không chỉ đất đai, cơ sở hạ tầng mà cả tính mạng con người.
So với các vùng trong cả nước thì Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao (25,6%)[3]. Trong những năm qua, bộ mặt nông thôn miền núi Tây Bắc đã có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng được cải thiện, chất lượng đời sống người dân dần được nâng lên nhưng tốc độ phát triển kinh tế nông lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và chưa tạo được bước đột phá. Một trong những nguyên nhân chính của thực trạng này là do Tây Bắc luôn phải đối mặt với những biến đổi bất thường của thiên tai, khí hậu với tần suất và cường độ ngày càng tăng các hiện tượng cực đoan như: sạt lở, lũ lụt, giá rét, hạn hán, sương muối. Mặc dù sở hữu các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp với tính đa dạng sinh học cao nhưng nhiều khu vực tại Tây Bắc lại đang bị xói mòn nghiêm trọng, diện tích đất có thể canh tác nông nghiệp tương đối ít và manh mún, chủ yếu canh tác trên đất dốc, phương pháp canh tác lạc hậu, thiếu bền vững nên hiệu suất không cao, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương chưa kết nối được với thị trường và chưa gây dựng được thương hiệu. Việc ứng dụng khoa học công nghệ cao cũng còn khá hạn chế, nhất là trong sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGap. Các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nhìn chung quy mô còn nhỏ, phân tán. Các hình thức tổ chức, liên kết trong sản xuất chưa phát triển, mới ở bước manh nha. Đặc biệt, số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp rất khiêm tốn, nhất là các hoạt động liên quan đến chế biến nông sản hay ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt. Riêng với lĩnh vực chăn nuôi, quy mô cũng còn khá nhỏ lẻ, nặng về tập quán thả rông, chưa chủ động được thức ăn và nguồn giống. Mặc dù chăn nuôi đại gia súc (như trâu và bò) là thế mạnh nhưng phát triển chưa bền vững, tỷ lệ trâu, bò chết rét, chết dịch hàng năm vẫn khá nhiều. Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở một số địa phương cũng còn nhiều yếu kém, chất lượng rừng nhìn chung còn thấp, người làm rừng chưa thực sự sống được nhờ nghề rừng. Lĩnh vực thủy sản cũng vẫn sử dụng giống và nuôi theo phương pháp truyền thống là chủ yếu nên hiệu suất không cao.
Thay cho lời kết
Mặc dù có nhiều ưu thế về phát triển kinh tế, phát triển nông lâm nghiệp nhưng bên cạnh đó Tây Bắc cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về mặt địa hình cũng như cơ sở hạ tầng. Những năm qua với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, Tây Bắc đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tái cơ cấu nông nghiệp, về cơ bản cũng đã đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực cho người dân trong vùng. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp bền vững, còn rất nhiều khó khăn mà chính quyền cũng như người dân Tây Bắc phải nỗ lực vượt qua để nâng cao năng suất, chất lượng giá trị sản xuất hàng hóa nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực một cách bền vững.
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Quang Toản. Các giải pháp đảm bảo an ninh lương thực ở vùng cư trú của đồng bào dân tộc ít người. (http://caev-vietdhrra.org.vn/n/cong-bo-ket-qua-cong-trinh/cac-giai-phap-dam-bao-an-ninh-luong-thuc-o-vung-cu-tru-cua-dong-bao-dan-toc-it-nguoi).
3. Chung tay phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Bản tin số 262 – 263 – VNU Media.(https://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C2597/N14245/Chung-tay-phat-trien-ben-vung-vung-Tay-Bac.htm)
4. Des Gasper, Oscar A. Gómez. Evolution of Thinking and Research on Human and Personal Security 1994 – 2013. Occational Paper. 2014 UNDP Human Development Report Office.
5. Des Gasper, Oscar A. Gómez. Human Security – A Thematic Guidance Note for Regional and National Human Development Report Teams. UNDP Human Development Report Office.
6. Des Gasper, Oscar A. Gómez. Human Security – Twenty years on.
7. Đào Thế Anh. Tái cơ cấu nông nghiệp Tây Bắc: Thực trạng và giải pháp. (https://www.thiennhien.net/2017/09/07/tai-co-cau-nong-nghiep-tay-bac-thuc-trang-va-giai-phap/)
8. Tạ Minh Tuấn. An ninh con người và những mối đe dọa toàn cầu. (nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 13/5/2008).
9. Tái cơ cấu nông nghiệp vùng Tây Bắc và việc phát triển doanh nghiệp nông nghiệp.(https://kinhtetrunguong.vn/web/guest/nghien-cuu-trao-doi?p_p_id=101&p_p_lifecycle=0&p_p_state=pop_up&p_p_mode=view&_101_struts_action=%2Fasset_publisher%2Fview_content&_101_assetEntryId=610805&_101_type=content&_101_urlTitle=tai-co-cau-nong-nghiep-vung-tay-bac-va-viec-phat-trien-doanh-nghiep-nong-nghiep).
10. UNDP. Human Development Report 1994.
11. UNDP. Human Development Report 2013.
[3] Thông báo số 61/TB-VPCP. Kết luận của Thủ tướng chính phủ về hội nghị tổng kết công tác năm 2012 của Ban chỉ đạo Tây Bắc.
Nguyễn Vũ Quỳnh Anh