AN TOÀN THỰC PHẨM VỚI SỨC KHỎE VÀ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI
Nguyễn Vũ Quỳnh Anh
An toàn thực phẩm với phát triển con người
Phát triển con người, theo quan niệm của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), là sự mở rộng tự do của con người để sống cuộc sống trường thọ, khỏe mạnh và sáng tạo, nhằm đạt được các mục tiêu khác mà họ cho là có giá trị. Một trong ba tiêu chí cơ bản, quan trọng để đánh giá sự phát triển con người, đó là vấn đề chăm sóc sức khỏe, bên cạnh thu nhập và giáo dục. Cũng như giáo dục, y tế được coi là một dịch vụ xã hội cơ bản. Trong các chiến lược phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực quốc gia, người ta luôn đề cao vai trò của y tế trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Việc đảm bảo chất lượng chăm sóc y tế tốt cho người dân được xem là giải pháp căn bản cho sự phát triển. Để có được sức khỏe tốt, điều đầu tiên là phải đảm bảo người dân được hưởng quyền có đủ lương thực, có đủ lương thực cả về mặt số lượng và chất lượng.
Từ năm 1948, trong Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu đã đề cập đến một quyền cơ bản của con người, đó là Quyền có lương thực thỏa đáng: “Tất cả mọi người đều có quyền có một mức sống thoả đáng cho bản thân và gia đình, bao gồm lương thực, quần áo, nhà ở, chăm sóc sức khoẻ và một số dịch vụ xã hội cần thiết khác, và quyền được bảo đảm trong một số trường hợp như thất nghiệp, ốm đau, tàn tật, goá bụa, tuổi già hoặc thiếu sinh kế ngoài tầm kiểm soát của bản thân” (Điều 25). Nói đến các nhu cầu cơ bản của con người, trước tiên phải kể đến nhu cầu về lương thực. Vấn đề lương thực luôn là vấn đề được ưu tiên cao nhất. Quyền có lương thực thỏa đáng được coi là nhân quyền.
Nội hàm của Quyền có Lương thực thỏa đáng được giải thích như sau: “Quyền có Lương thực thỏa đáng không nên diễn giải theo nghĩa hẹp là quyền có một lượng tối thiểu về năng lượng, về chất đạm và các chất dinh dưỡng đặc thù khác mà bao gồm các khía cạnh: (i) sự sẵn có lương thực về số lượng và chất lượng đủ thoả mãn nhu cầu ăn của các cá nhân, không có chất độc có hại và được chấp nhận trong bối cảnh tập tục văn hoá; (ii) tiếp cận lương thực thông qua những biện pháp bền vững và không ảnh hưởng đến việc thụ hưởng các quyền con người khác”. Như vậy, nội hàm của Quyền có lương thực thỏa đáng đã nhấn mạnh đến việc không chỉ có đủ lương thực về mặt số lượng mà còn phải đảm bảo về mặt chất lượng, đặc biệt là không có chất độc có hại, có nghĩa là phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Luật An toàn Thực phẩm năm 2010 của Việt Nam có quy định về quyền của người tiêu dùng thực phẩm tại Điều 9 của luật này:
a) Được cung cấp thông tin trung thực về an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, lựa chọn, sử dụng thực phẩm phù hợp; được cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn, cách phòng ngừa khi nhận được thông tin cảnh báo đối với thực phẩm;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật;
c) Yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
d) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật;
đ) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra.
Thực tế trong thời gian gần đây, một trong những nguyên nhân đe dọa tới tính mạng và sức khỏe con người nhiều nhất, đó chính là tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam
Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách Đổi mới và hội nhập quốc tế, y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, chất lượng dịch vụ và sức khỏe người dân đã được cải thiện rõ rệt. Nhiều bệnh tật đã được đẩy lùi, hệ thống y tế được mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng của người dân.
Mặc dù chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh đã được cải thiện nhiều, sức khỏe và tuổi thọ của người dân tăng lên rõ rệt nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều những khó khăn và thách thức đối với ngành y tế. Một trong những khó khăn khách quan đó là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, gây ra những hiểm họa mới cho sức khỏe, biến đổi khí hậu, thiên tai cũng gây ra các dịch bệnh đe dọa tính mạng con người. Bên cạnh đó, chính lối sống, hành vi của con người cũng trực tiếp gây ra những nguy hại cho chính sức khỏe bản thân mình và sức khỏe cộng đồng. Tình trạng vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm bẩn hiện nay đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe con người.
Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội cho biết, quản lý ATTP đối với rau, quả, thịt, sản phẩm thịt tươi sống, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật còn là khâu yếu. Tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47% đối với rau. Qua kiểm tra đối với 54.750 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đã phát hiện 9.056 hộ vi phạm (chiếm 16,54%); kiểm tra 2.064 đợt với 63.230 lượt cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc BVTV, phát hiện và xử lý trên 7.434 cơ sở vi phạm (chiếm 11,7%).
Phần lớn lượng gia súc, gia cầm tiêu thụ trong nước được giết mổ tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chiếm 97%. Tình trạng chung là các cơ sở này không khai báo, không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ; điều kiện cơ sở vật chất không bảo đảm, không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải và nước thải gây ô nhiễm môi trường và mất ATTP. Nhiều cơ sở giết mổ nằm ngay trong khu dân cư nên gây ô nhiễm nghiêm trọng về tiếng ồn, không khí, chất thải lỏng, chất thải rắn.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội cho biết, vi phạm trong quá trình vận chuyển, bày bán thịt gia súc, gia cầm vẫn diễn ra khá phổ biến. Việc vận chuyển thịt gia súc, gia cầm trong nội tỉnh, hay từ chỗ giết mổ tới các chợ truyền thống để kinh doanh chủ yếu được thực hiện bằng các phương tiện thô sơ, thịt tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, mất vệ sinh ATTP; thịt gia súc, gia cầm thường được bán tươi ngoài chợ, dụng cụ chứa đựng bày bán không bảo đảm vệ sinh; kiểm soát nguồn gốc sản phẩm hầu như không được thực hiện. Việc kiểm soát ATTP theo chuỗi còn hạn chế. Số lượng cơ sở thực phẩm được kiểm soát đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh chiếm tỷ lệ còn thấp, hiện chỉ chiếm 33,6% trong tổng 408.821 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Theo báo cáo giám sát, tình trạng vi phạm quy định về ATTP khá phổ biến trong nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là trong sản xuất, kinh doanh rượu, bia và nước giải khát. Nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai chưa bảo đảm vệ sinh, chất lượng nguồn nước chưa được kiểm soát tốt.
Ô nhiễm thực phẩm do hóa chất vẫn là một vấn đề nhức nhối chưa có biện pháp giám sát và kiểm soát có hiệu quả. Tình trạng sử dụng các hóa chất, phụ gia thực phẩm không đúng quy định trong quá trình nuôi trồng, sơ chế, chế biến thực phẩm vẫn còn khá phổ biến.
Trong những năm qua, trung bình hàng năm xảy ra gần 200 vụ ngộ độc có trên 30 người mắc/vụ. Nguy cơ ngộ độc tại các bếp ăn tập thể vẫn luôn hiện hữu. Vệ sinh an toàn thức ăn đường phố vẫn chưa được kiểm soát. Chi phí nhân lực do các bệnh lây truyền qua thực phẩm, thiệt hại về năng suất lao động do bệnh tật và thiệt hại thị trường liên quan vượt quá con số 1 tỷ đô la mỗi năm (tương đương 2% GDP).
Thực tế này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng mà còn dẫn đến nguy cơ mất cân bằng trong cơ cấu phát triển nông nghiệp, công nghiệp, gây kém hiệu quả cả về giá trị kinh tế và ý nghĩa nhân văn. Hiện nay, Việt Nam đang là quốc gia nằm trong vùng nóng về vệ sinh an toàn thực phẩm với số ca ngộ độc thực phẩm ngày càng gia tăng.
Về công tác thanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, theo báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong năm 2017, cả nước đã thành lập 22.441 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 625.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, chiếm 19,8%; xử lý hành chính 35.759 cơ sở với số tiền trên 61 tỷ đồng, 611 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, trên 5.000 cơ sở phải tiêu hủy sản phẩm. Việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe. Việc thanh tra, kiểm tra tuy có tăng theo hàng năm nhưng chưa bao quát đối với tất cả loại hình sản xuất, chế biến thực phẩm (chỉ đạt khoảng 40% năm). Việc xử lý vi phạm còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, chưa quyết liệt, chủ yếu là xử phạt hành chính, khắc phục lỗi; việc đình chỉ hoạt động đối với cơ sở vi phạm hoặc xử lý hình sự còn ít nên chưa bảo đảm tính răn đe; kiểm tra, xử lý về vệ sinh ATTP chưa thực sự triệt để, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công…
Hiện nay, tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Các vi phạm về VSATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến do ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật còn hạn chế, doanh nghiệp vì lợi nhuận nên kinh doanh, sử dụng chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi, chế biến thực phẩm, trong khi chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Việc đấu tranh với các hành vi sai phạm trong ATTP còn nhiều khó khăn, kéo dài bởi các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Công tác truyền thông tại địa phương mặc dù đã được tăng cường so với các năm trước, tuy nhiên các nội dung truyền thông còn hạn chế, các tỉnh chưa chủ động xây dựng các nội dung tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tình hình ngộ độc thực phẩm còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đối với các vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn trường học, ngộ độc thực phẩm ở đám cưới, ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên (nấm độc, cá nóc, cóc…) và đặc biệt là ngộ độc methanol trong rượu. Ngộ độc tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp trường học vẫn có xu hướng tăng và khó kiểm soát. Kinh phí do ngân sách nhà nước tạm ứng lần 1 năm 2016 để thực hiện hoạt động bảo đảm ATTP ở cả 3 ngành, ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương là quá eo hẹp so với nhu cầu thực tế.
Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đã trực tiếp gây nên những hệ quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Trong thời gian qua, tình trạng thực phẩm không an toàn từ khâu nguyên liệu đến quy trình chế biến, bảo quản và tiêu thụ thực sự đang trở thành vấn đề xã hội nhức nhối. Theo Báo cáo giám sát của Quốc hội năm 2017, cả nước có hơn 5.000 người bị ngộ độc thực phẩm mỗi năm. Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5.065,8 người mắc/năm và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm mỗi năm. Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, việc kiểm soát ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm còn không ít tồn tại, yếu kém. Giai đoạn 2011–2016, đã ghi nhận bảy bệnh truyền qua thực phẩm làm mắc 4.012.038 ca bệnh với 123 người chết, trung bình mỗi năm có 668.673 ca bệnh và 21 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70 nghìn người chết và hơn 200 nghìn ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được. Nguyên nhân được xác định là xuất phát từ thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (33%), thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất (27%), thực phẩm vốn hàm chứa các chất độc tự nhiên (37,5%), thức ăn bị nhiễm thuốc trừ sâu (phun hàm lượng cao, không cách ly với ngày thu hoạch) hay các chất phụ gia (hàn the, màu công nghiệp, đường hóa học) với dư lượng độc tố cao.
Từ tình hình vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm nêu trên, cần có các giải pháp hữu hiệu phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần giúp người tiêu dùng hạn chế tối đa dư lượng độc tố, chủ động trong việc lựa chọn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm là một vấn đề đáng báo động và đang gây bức xúc cho người dân hiện nay. Mất vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người, làm tăng chi phí khám chữa bệnh, hệ lụy của nó dẫn tới làm giảm thu nhập, sinh kế của người dân, giảm cơ hội tiếp cận với giáo dục có nghĩa là làm giảm trình độ phát triển con người. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có cơ chế và biện pháp để giải quyết một cách triệt để vấn nạn này. Nếu không giải quyết tốt được vấn đề này thì không thể nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe của người dân, đảm bảo phát triển con người một cách bền vững.
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo giám sát của Quốc hội. Hơn 5.000 người bị ngộ độc thực phẩm mỗi năm. (http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/33069202-hon-5-000-nguoi-bi-ngo-doc-thuc-pham-moi-nam.html).
2. Bộ Y tế. Báo cáo chung tổng quan ngành y tế năm 2015 “Tăng cường y tế cơ sở hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”.
3. Bộ Y tế. Báo cáo Tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2017.
4. Đại học Quốc gia Hà Nội. Quyền kinh tế, xã hội, văn hoá trong pháp luật và thực tiễn Việt Nam. Nxb Lao động xã hội, 2011.
5. Hàn Giang. Mỗi năm Việt Nam có từ 7.000 – 10.000 nạn nhân ngộ độc thực phẩm. (http://enternews.vn/moi-nam-viet-nam-co-7-000-10-000-nan-nhan-ngo-doc-thuc-pham-104619.html).
6. Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
7. Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
8. Thế Công. Năm 2017, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm nhưng số người tử vong tăng gấp đôi. (https://baomoi.com/nam-2017-so-vu-ngo-doc-thuc-pham-giam-nhung-so-nguoi-tu-vong-tang-gap-doi/c/24294739.epi).
Nguyễn Vũ Quỳnh Anh