Tác động của nghèo đói, biến đổi khí hậu tới phụ nữ[1]
Việt Nam là một quốc gia có nền nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Với vị thế địa lý đặc biệt, địa hình đa dạng, đường bờ biển dài và rộng lớn, nên hoạt động sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những thay đổi của khí hậu, cũng như các thảm họa thiên nhiên, bão, lụt, hạn hán. Từ năm 1994 đến 2013, theo thống kê rủi ro lâu dài do biến đổi khí hậu, Việt Nam đứng thứ 7 trên toàn cầu với trung bình mỗi năm có 392 người chết và thiệt hại hơn 1% GDP do các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu. Báo cáo tháng 10/2015 của Ủy ban liên quốc gia về BĐKH (10/2015) khẳng định, thông qua hậu quả của các dạng thiên tai (bão, lũ lụt, hạn hán), BĐKH có thể gián tiếp gây ra tử vong và bệnh tật cho người dân.
Trong những năm qua, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, nhưng cùng với thành tựu đó là những đe dọa, hệ lụy cho con người bởi tác động của biến đổi khí hậu. Theo tính toán, nếu biến đổi khí hậu không được giảm thiểu một cách hiệu quả, thì đến cuối thế kỷ 21 này, Việt Nam sẽ mất đi ít nhất 12.2% diện tích đất, hiện đang là nơi cư trú của 23% dân số, và thậm chí là mất đi một con số lớn hơn diện tích đất màu mỡ bao gồm một nửa khu vực châu thổ trũng thấp, cũng chính là một trong những vựa lúa quan trọng nhất của thế giới do lũ lụt và xâm thực mặn[2]. Theo quan điểm của AFAP, biến đối khí hậu cũng đồng nghĩa với sự gia tăng mức độ tổn thương và rủi ro trước thiên tai, tác động tiêu cực đến an ninh lương thực, gây bất bình đẳng xã hội và đói nghèo. Không những thế, ảnh hưởng của biến đối khí hậu lên người nghèo còn đặc biệt nghiêm trọng, rất nhiều tác động trong số đó đã và đang trút xuống nhóm người dễ bị tổn thương nhất ở các nước đang phát triển, dù rằng những nỗ lực quốc tế để giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã bắt đầu được định hình. Người nghèo và những người thiệt thòi trong xã hội thường phụ thuộc rất lớn hoặc gần như hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp vốn rất dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết để duy trì cuộc sống. Những người này không có hoặc có rất ít các khoản tiết kiệm để có thể chống chọi lại những cú sốc kinh tế, cũng như không thể chủ động đưa ra quyết định, và thiếu tiếp cận đến những dịch vụ xã hội thiết yếu, cơ sở hạ tầng và thông tin cần thiết để giúp họ thích ứng với sự biến đổi khí hậu, dù bằng cách phòng tránh hay tăng cường khả năng thích ứng với những tác động mà nó mang lại.
Thêm vào đó, biến đổi khí hậu sẽ tác động mạnh mẽ nhất đến các nhóm nghèo nhất bao gồm phụ nữ nông thôn và các nhóm dân tộc thiểu số. Đó là những nhóm bị phụ thuộc nhiều vào tài nguyên và khí hậu cho những hoạt động sinh kế hàng ngày. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, Việt Nam là một trong những nước dễ bị thiên tai nhất, đồng thời cũng sẽ là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới [18]. Biến đổi khí hậu đã có những tác động tiêu cực đến sinh kế của con người và an ninh lương thực đặc biệt phụ nữ nghèo tại Việt Nam [9]. Do vậy, cần có những nỗ lực cụ thể để đảm bảo rằng các ứng phó về biến đổi khí hậu và an ninh lương thực có tính đến sự nhạy cảm về giới.
Tình trạng nghèo đói và mất an ninh lương thực ở khu vực miền núi phía Bắc
Việt Nam đã đạt được mục tiêu giảm nghèo đáng kể - một trong những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Tỷ lệ nghèo quốc gia giảm từ 58% năm 1993 xuống dưới 3% vào năm 2015 và đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới [18]. Mặc dù kết quả giảm nghèo khá ấn tượng ở cấp độ vĩ mô thì thực tế là khoảng cách giảm nghèo giữa các khu vực lại không đồng đều với nhau [2]. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi và hộ gia đình Hmông vẫn cao, tương ứng là 29,4% và 48,7% so với cả nước [4]. Trong khi chính phủ rất nỗ lực trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo và an ninh lương thực ở vùng cao, thì không có nhiều chính sách xem xét đến kiến thức bản địa và cách tiếp cận dựa trên quyền. Kết quả là, có khoảng 6,2 triệu người ở vùng cao bị mất an ninh lương thực hoặc có nguy cơ mất an ninh lương thực. Trong số đó, người dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc của Việt Nam được xem là nhóm nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất về an ninh lương thực ở Việt Nam [8].
Người Hmong và Dao là nhóm dân tộc thiểu số đứng thứ năm và thứ bảy về số lượng tại Việt Nam, gồm 1,8 triệu người, sống chung với người Kinh ở miền núi thấp [12]. Tại tỉnh Lào Cai, một trong những tỉnh miền núi phía Bắc ở Việt Nam, Hmông và Dao là những nhóm dân tộc thiểu số lớn nhất cùng với người Tày. Chính thức ước tính có khoảng 60% dân số dễ bị tổn thương do mất an ninh lương thực tại Lào Cai [10]. Người Hmông và Dao duy trì vườn sản xuất nhỏ để sử dụng hàng ngày, một số còn phụ thuộc vào canh tác nương rẫy đã chính thức bị cấm và một số phụ thuộc vào việc thu hái lâm sản để thu thập thêm thực phẩm như mật ong và dược liệu [15]. Họ cũng tham gia vào giao dịch thương mại quy mô nhỏ, thu được tiền mặt thông qua việc bán cây thuốc bản địa, dệt may, chăn nuôi, sản xuất gạo và làm rượu [13].
Mất an ninh lương thực phản ánh sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận, sản xuất và phân phối thực phẩm. Mất an ninh lương thực có thể diễn ra ở nhiều cấp độ như cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng. Mất an ninh lương thực là hậu quả của bất bình đẳng kinh tế xã hội như thiếu giáo dục và tiền lương, thiếu tiếp cận với thông tin y tế và sức khỏe, và tiếp xúc với điều kiện sống không an toàn. Những yếu tố này đều có liên quan mật thiết tới đói nghèo.
Tác động của biến đổi khí hậu tới phụ nữ tại Lào Cai, Việt Nam
Nghiên cứu thực địa cho thấy người dân có nhận thấy sự thay đổi đáng kể về khí hậu, và sự ảnh hưởng bất lợi của thời tiết đến việc canh tác lúa và các hoạt động nông nghiệp khác. Ví dụ, một người phụ nữ được phỏng vấn nói rằng: "Trong 5 năm gần đây, thời tiết nóng hơn, nắng nhiều, mưa nhiều và bất thường nên khó dự đoán được thời tiết.Nếu chúng tôi cấy vào thời điểm thời tiết không thuận lợi, bị mất mùa thì coi như mất trắng." (chị Lù Thị Sinh - xã Bản Qua, dân tộc Dao).
Việc thay đổi thời tiết dẫn tới việc lạm dụng thuốc trừ sâu và hóa chất cho cây trồng vật nuôi. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất nông nghiệp, an toàn thực phẩm mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người trực tiếp làm việc trên đồng ruộng: “Thời tiết thay đổi nhiều đấy, như tháng 3 này nóng rồi rét đột ngột nuôi lợn gà bị dịch nhiều… Rét xong rồi nắng lên, kiểu mưa thế này thì lúa rất hay bị bệnh, chị phải đi phun thuốc.Có bệnh kiểu gì phải đi phun thuốc kiểu đấy.Thời tiết thay đổi thì lợn gà hay chết. Năm vừa rồi chết mấy con liền. Thời tiết thay đổi thì chị mua thuốc dịch về cho uống… Như mấy hôm nay nắng xong rồi mưa thì rầy nâu rất nhiều.Phải đi mua thuốc 1 tuần phải phun 2-3 lần mới đỡ được, lợn gà cũng thế.” (chị Hoàng Thị Ngò – xã Mường Vi, dân tộc Giáy).
Với việc biến đổi khí hậu, sản xuất lương thực đã trở nên khó lường hơn, và gây nguy hại tới sức khỏe của người trực tiếp lao động sản xuất. Điều đặc biệt đáng lo ngại là phụ nữ không những chỉ bị ảnh hưởng nặng nề bởi tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra mà việc tham gia vào các nỗ lực thích ứng biến đổi khí hậu của họ cũng gặp nhiều trở ngại mặc dù là một phần không thể thiếu trong các hoạt động nông nghiệp ở Lào Cai.
“…Bây giờ thì khác lắm. Trước kia mình không phải phun sâu bọ này thì mấy năm nay không có thuốc phun thì chả được ăn, lúa cũng thế. Bây giờ chỉ có sống vào đồng tiền, không có đồng tiền thì sống khổ lắm…” (Chị Tần Mùi Lai, dân tộc Dao đỏ)
Tác động của biến đổi khí hậu đến phụ nữ có những sự khác biệt hơn so với nam giới mặc dù biến đổi khí hậu nhìn chung tác động tiêu cực đến sức khỏe, làm tăng khối lượng công việc và giảm năng suất nông nghiệp cho cả hai phái. Tuy nhiên, phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả về mặt thể chất lẫn tinh thần bởi họ thường bất đắc dĩ trở thành người chăm sóc duy nhất cho các thành viên trong gia đình trong khi đàn ông đi làm ăn xa. Đặc biệt phụ nữ trong những hộ nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất do thiếu vốn sản xuất, thiếu sự đầu tư, chiến lược thích ứng trong nông nghiệp và do vậy mất nhiều thời gian để khắc phục những tổn thất do thiên tai, mất mùa gây ra.
[1] Dựa trên kết quả nghiên cứu thực địa tại Bát Xát, Lào Cai
[2] http://www.afap.org/afap-vietnam-vietnamese/afap-viet-nam-climate-change/