CHÍNH SÁCH CỦA CHÍNH PHỦ NGA VỀ VIỆC ĐẢM BẢO QUYỀN AN SINH XÃ HỘI CỦA NGƯỜI DÂN TRONG THỜI KỲ KHỦNG HOẢNG- MỘT KINH NGHIỆM TỐT ĐỐI VỚI VIỆT NAM
Trịnh Thị Kim Ngọc*
Đặt vấn đề
Trong hoàn cảnh xã hội toàn cầu đầy biến động, an sinh xã hội (ASXH) được phát huy không chỉ với tư cách là một “giá đỡ đa tầng” bảo vệ sự an toàn về thu nhập và đời sống cho người dân, mà còn là cơ sở quan trọng để góp phần đảm bảo cho sự ổn định kinh tế - xã hội (KT-XH) của mỗi quốc gia. Với ý nghĩa quan trọng đó, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp từ chính sách ASXH của Liên bang Xô-viết trước đây, Chính phủ Nga đã vận dụng những chính sách ASXH nhân văn hướng tới xây dựng một nước Nga hiện đại, hùng cường, giàu truyền thống nhân đạo cao cả. Trong bức tranh thế giới vài năm gần đây, chỉ khi đặt nền kinh tế nước Nga trong sự so sánh với siêu cường Mỹ đang ngập lụt trong nợ nần và nhiều nước châu Âu đang chìm đắm trong nợ công, thì mới thấy hết tầm quan trọng của hệ thống ASXH nước này cùng những chỉ số xã hội đáng được học tập.
1. Một số vấn đề xã hội điển hình của nước Nga làm cơ sở cho việc xây dựng các chính sách ASXH đặc thù
Nga là một quốc gia rộng lớn với diện tích 1,7 triệu kilômét vuông, hiện có dân số lớn thứ 9 thế giới (142,9 triệu người). Trong bối cảnh luôn chịu nhiều tác động từ những biến động KT-XH trong và ngoài nước, Liên bang Nga là một trường hợp khá điển hình về việc xây dựng hệ thống ASXH theo hướng vì mục tiêu phát triển bền vững với việc gia tăng tiến bộ và công bằng xã hội là tiên quyết. Trước hết, chính phủ đề ra mục tiêu bảo đảm cuộc sống ổn định và bình yên cho mọi người dân, đặc biệt là bảo đảm đời sống cho những người đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
1.1. Những đặc trưng về dân số và nguồn lực
Tình trạng suy giảm dân số đang là một thách thức lớn về KT-XH đối với nước Nga
Trên lãnh thổ nước Nga hiện nay có 142,9 triệu người sinh sống. Kết quả điều tra dân số do Ủy ban Thống kê nhà nước công bố đầu năm 2012 cho thấy, dân số của Nga trong 10 năm trở lại đây liên tục suy giảm, với mức trung bình 0,5% mỗi năm. So với kết quả điều tra dân số tiến hành năm 2002, số dân Nga đã giảm 2,3 triệu người (chiếm 1,6%). Nhìn lại thập niên 60, không tính các nước cộng hòa khác thuộc Liên Xô cũ, Nga đứng thứ 4 trên thế giới về số dân. Nhưng năm 2010, Nga tụt xuống vị trí thứ 9, nhường chỗ cho Braxin, Pakistan, Bangladesh và Nigieria. Theo đà này, dự báo đến giữa thế kỷ 21, nước Nga sẽ mất thêm 30 triệu người và không còn đứng trong top 10 quốc gia đông dân nhất thế giới. Nước này sẽ nhường chỗ cho Ethiopia, Philippines, Ai Cập và Mexico vượt lên (Xem bảng sau).
Mười nước đông dân nhất 2009 và 2050
2009
|
|
2050
|
Nước
|
Dân số
(triệu người)
|
Nước
|
Dân số
(triệu người)
|
Trung Quốc
|
1.331
|
Ấn Độ
|
1.748
|
Ấn Độ
|
1.171
|
Trung Quốc
|
1.437
|
Mỹ
|
307
|
Mỹ
|
439
|
Indonesia
|
243
|
Indonesia
|
343
|
Brazil
|
191
|
Pakistan
|
335
|
Pakistan
|
181
|
Nigeria
|
285
|
Bangladesh
|
162
|
Bangladesh
|
222
|
Nigeria
|
153
|
Brazil
|
215
|
Nga
|
142
|
CHDC Côngô
|
189
|
Nhật Bản
|
128
|
Philippines
|
150
|
Nguồn: Carl Haub và Mary Mederios Kent, 2009, World Population Data Sheet.
Tình trạng này đã đặt ra nhiều thách thức về kinh tế và xã hội cho nước Nga, đặc biệt là tại những vùng có mật độ dân cư thưa thớt như Siberia hay miền Viễn Đông.
Nguyên nhân chủ yếu làm cho dân số Nga giảm nhanh là do tỷ lệ sinh nhìn chung thấp, trong khi đó tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là nam giới, khiến tỷ lệ nam - nữ trong cơ cấu dân số càng ngày càng mất cân đối (46,6% nam - 53,4% nữ). Nghiên cứu Những hậu quả nghiêm trọng của khủng hoảng dân số ở Nga, do Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) chủ trì công bố tháng 6/2011 vừa qua, cho biết: “Cứ 3 người đàn ông Nga có một người chết trong độ tuổi từ 20 đến 60. Nếu không giải quyết được vấn đề suy giảm dân số nam, số dân nước Nga sẽ còn giảm nhanh hơn nữa”, “siêu tử vong” của đàn ông Nga chủ yếu là do các thói quen xấu: ăn uống không vệ sinh, nghiện thuốc lá và rượu,… Đây là nguyên nhân của các căn bệnh hiểm nghèo: ung thư, cao huyết áp, xơ cứng động mạch.
Theo báo cáo của Phòng công dân Nga do Thông tấn xã Novosti công bố, sự lạm dụng rượu vodka đã là nguyên nhân khiến 500.000 người đàn ông Nga chết mỗi năm, và so sánh với những người đàn ông đã mất quyền công dân thì “dịch nghiện rượu khiến tỷ lệ tử vong của đàn ông Nga đang được tự do cao hơn gấp ba lần so với đàn ông cùng lứa tuổi nhưng đang ngồi tù”[1].
Nạn nghiện rượu không chỉ là nguyên nhân của “siêu tử vong” đàn ông, mà còn là nguyên nhân của tội phạm và mất an ninh - an toàn xã hội. Cũng theo báo cáo nói trên, khoảng 40% những vụ tự tử và 80% những vụ giết người thường xảy ra trong khi say rượu.
Tình trạng “siêu tử vong đàn ông” dẫn tới tuổi thọ trung bình của đàn ông Nga đã giảm từ 63,8 vào những năm 1960 xuống 61,8 (2010), không những thua xa các nước phát triển (hiện là 75 tuổi, Nhật là 83 tuổi) mà còn thấp hơn cả một nước rất nghèo như Bangladesh. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ Nga là 73 tuổi, thấp hơn phụ nữ Pháp đến 12 tuổi. Người Nga có tuổi thọ ngắn hơn người Ba Lan 10 năm, thấp hơn người Brazil 6 năm và chết sớm hơn người Indonesia 2 năm. Như vậy, Nga đang giữ các kỷ lục của "tỉ lệ sinh đẻ châu Âu" vào loại thấp (trung bình một phụ nữ/1.5 trẻ) và "tỉ lệ tử vong châu Phi" (là khá cao), đặc biệt ở đàn ông đang ở độ tuổi lao động.
Biểu đồ về dân số nước Nga trong 2 thập kỷ gần đây

Xu hướng già hóa dân số ở Nga tác động tiêu cực đến thị trường lao động
Giống như nhiều nước châu Âu khác, nước Nga đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Hiện nay, độ tuổi trung bình của dân số Nga là 37,7 tuổi, dự báo vào năm 2040, độ tuổi trung bình của dân số Nga sẽ đạt 44,9 tuổi, xếp dân số Nga vào danh sách già nhất thế giới. Theo đánh giá, trong 10 năm tới, dân số trong độ tuổi lao động sẽ có thể giảm từ 7 đến 8 nghìn người. Việc giảm những người độ tuổi từ 18-35 cũng có tác động lớn đối với lớp tuổi và đặc biệt là thị trường lao động. Theo TS. Andrei Korovki, chuyên gia kinh tế của Viện Dự báo kinh tế Matxcơva, việc dân số liên tục sụt giảm thời gian gần đây đã đẩy nước Nga đứng trước nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực cùng nhiều vấn đề xã hội khác, đặc biệt là nguồn nhân lực trong tương lai. Ước tính trong ba năm từ 2011-2013, trung bình mỗi năm thị trường lao động Nga sẽ mất khoảng 1 triệu người.
Trước sức ép không nhỏ từ hiện tượng già hóa dân số, thị trường lao động Nga phụ thuộc chủ yếu vào lực lượng lao động nhập cư, chủ yếu đến từ các quốc gia Đông Âu và châu Á. Năm 2010, chính phủ Nga đã thông qua hạn ngạch về số lượng nhân công lao động nước ngoài tùy theo nhu cầu của mỗi khu vực, và đang áp dụng thủ tục đăng ký đơn giản nhất để họ có thể có giấy phép lao động hợp pháp ở Nga một cách dễ dàng. Chỉ với mức lệ phí 1.000 rúp (tương đương 35 USD), một lao động nước ngoài có thể nhận được giấy phép lao động.
Ngoài các vấn đề của thị trường lao động, các nhà nhân khẩu học cũng cảnh báo hiện tượng dân số giảm hiện nay có thể làm mất dần kết cấu đa dân tộc của nước Nga, thậm chí một số dân tộc ít người ở nước này cũng đang có nguy cơ biến mất. Ngoài ra, chi phí dành cho công tác bình ổn dân số sẽ tăng cao, tốn kém một khoản không nhỏ từ ngân sách mà trước đây chưa phải chi phí.
Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề suy giảm và già hóa dân số, chính phủ Nga đã đưa ra nhiều chương trình nhân khẩu học để giải quyết vấn đề này. Một trong những chương trình đã mang lại hiệu quả khá rõ rệt là việc chính phủ hỗ trợ khi các cặp vợ chồng sinh con lần thứ hai, người mẹ sinh con thứ 2 sẽ được nhận 325.000 rúp (tức khoảng 185 triệu đồng hoặc hơn 9.000 USD). Nhờ chính sách này, số phụ nữ sinh đẻ đã tăng 4,2% vào quý 1/2009 so với quý 1/2008. Tuy nhiên, số lượng phụ nữ Nga trong tuổi sinh đẻ không cao, nên những bước cải thiện chưa thể hiện tính ổn định và bền vững.
1.2. Về lao động việc làm và thu nhập của người dân Nga
Thiếu hụt lao động trầm trọng tại một số lĩnh vực và tại địa phương
Nước Nga là một trường hợp điển hình cho thấy các vấn đề của dân số dẫn tới các hệ lụy làm suy giảm trầm trọng về nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Giai đoạn 2000-2008, nước Nga đã thiếu khoảng 800.000-900.000 lao động do tình trạng nghỉ hưu. Năm 2006, có tới 50% các doanh nghiệp Nga thiếu lao động, trong đó có tới 60% thiếu nhân lực trình độ cao. Trước đây, chuyên gia Nga được cử đi làm việc với tư cách là cố vấn cho các lĩnh vực quan trọng ở hàng chục quốc gia, hiện nay việc một chuyên gia viễn thông hay giáo dục từ một quốc gia nào đó đến Nga làm việc là một việc hết sức bình thường.
Xu hướng chung của nguồn nhân lực trẻ Nga là chỉ tập trung vào những lĩnh vực mang lại lợi ích kinh tế tài chính. Mặt khác, hệ thống giáo dục đại học chưa chú trọng đào tạo những chuyên gia cho các lĩnh vực xã hội, vì vậy nhiều vấn đề xã hội còn đang bỏ ngỏ với nhiều chính sách mà với tiềm năng kinh tế của mình, nếu chú trọng quan tâm nước Nga có thể khắc phục được.
Ở Nga, những nghề như bốc vác, thợ xây dựng, nhân viên vệ sinh, lái tàu điện và ôtô buýt,.... có nhu cầu nhiều hơn cả, nhưng người dân Nga nói chung và người dân thủ đô thực thụ lại ít sẵn sàng đảm nhiệm, chỉ có các “thợ ngoại”, chủ yếu là những người đến từ các nước Cộng hòa Trung Á. Riêng từ Tadjikistan - nước Cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ, theo thống kê chính thức đã có tới nửa triệu lao động ở Nga. Lao động từ Trung Á đến luôn đồng ý làm việc với bất kỳ điều kiện nào, miễn là được nhận vào làm và trả lương đúng hạn.
Thủ đô Matxcơva hiện nay đang có gần 6,15 triệu việc làm, trong đó khoảng 4 triệu việc làm do người dân thủ đô đảm nhiệm. Hơn 2 triệu việc làm còn lại do các lao động nhập cư đảm trách, trong đó có các lao động đến từ ngoại ô Matxcơva. Lao động nhập cư đến Nga và Maxcơva kiếm việc làm, chủ yếu là những công dân thuộc các nước thuộc khối SNG - “nước ngoài gần Nga” như người Ukrain, Moldavi, Tadjik, Belarus, Uzbek,... Còn di dân lao động từ những “nước ngoài xa Nga” thì không đông lắm, chỉ chiếm khoảng 15-20% tổng số này.
Viễn Đông là một vùng dân cư Nga thưa thớt, chỉ cần nhìn số dân ở bờ bắc và bờ nam của sông Amur hay Hắc Long Giang, biên giới tự nhiên dài 1.600km giữa Trung Quốc và Nga sẽ thấy ngay sự tương phản rất lớn giữa một nước quá đông dân và một nước đất rộng người thưa. Có vùng phía Nga chỉ là 7,5 triệu dân, nhưng phía Trung Quốc có đến 148 triệu, nhiều gấp gần 20 lần. Để duy trì các hoạt động, nhất là trong nông nghiệp, phía Nga phải cần đến nhân lực Trung Quốc, họ chủ yếu được dùng trong hoạt động tiểu thủ công, thương mại và nông nghiệp. Dọc theo con đường từ Vladivostok đến biên giới Trung Quốc, ngoài các khu rừng sồi, thông bá hương, bulô,… bạt ngàn, còn có các vùng đất hoang mênh mông và nhất là 40 triệu hecta đất bị bỏ hoang từ cuối những năm 1990, vì nghề nông không hấp dẫn dân Nga ở vùng này nữa. Bà Natalia Viktorovna, người có trách nhiệm ở tòa thị chính Pogratchny, thị trấn 13.000 dân gần biên giới Nga - Trung, đã giải thích: “Làng Boïskoe tìm một người lái máy kéo với mức lương khá tốt là 20.000 rúp (khoảng 500 euro), nhưng không ai trong số người địa phương đăng ký, vì đó là một việc đòi hỏi phải nỗ lực, trong khi dân Trung Quốc thì lại không ngại khổ. Chính vì vậy nên ngày càng xuất hiện nhiều công ty Nga nhưng với vốn và nhân công Trung Quốc”.
Về tỷ lệ thất nghiệp và tình trạng thất nghiệp theo vùng miền
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới cũng đã tác động tiêu cực đến thị trường lao động Nga. Tuy nhiên, theo Bộ Phát triển kinh tế Nga, Chính phủ đã kịp thời đưa ra các gói kích thích kinh tế giúp cho tỷ lệ thất nghiệp được cải thiện, giảm từ 11% năm 2008 xuống còn khoảng 6,2-6,5% năm 2011. Nền kinh tế đang từng bước phục hồi đã tạo ra ngày càng nhiều việc làm mới. Tới đầu năm 2012, tỷ lệ này đã giảm chỉ còn 1 nửa (khoảng 6%), trong thời gian 2008-2011, số người thất nghiệp ở Nga đã được cải thiện, nhưng số người có thu nhập dưới mức nghèo đã tăng 6,3% và đạt 20,2 triệu người, chiếm 14,3% tổng dân số Nga.
Hộp 1. Thất nghiệp ở thủ đô Matxcơva .
Theo thống kê giai đoạn 2008-2009, cứ mỗi tuần ở thủ đô Nga lại có thêm gần 2.000 người lao động bị mất việc làm. Nếu vào thời điểm nửa đầu năm 2008, trong đăng ký chính thức tại Matxcơva có khoảng 23.000 người thất nghiệp, thì chỉ sau một tháng con số này có thể tăng gấp rưỡi, tức là lên đến 35.000 người[2]. So với tỷ lệ trung bình của toàn Liên bang, mức độ thất nghiệp tại thủ đô Nga thấp hơn đến 10 lần. Do khủng hoảng, chỉ tiêu lao động giành cho người nước ngoài ở Matxcơva đã bị cắt giảm một nửa[3].
Con số lao động nhập cư tại Nga và tại thủ đô Nga hiện vẫn luôn gia tăng. Ngay trong những tháng quý đầu năm 2008, “đội quân thất nghiệp người nước ngoài“ ở Matxcơva có thể sẽ tăng thêm gấp 4 lần, góp thêm phần đông đảo cho những người lao động thất nghiệp ở Nga.
Nguồn. Báo Novowsti. 03.3.2010
|
1.3. Tiền lương và thu nhập của người dân Nga
Tiền lương và thu nhập
Nhìn chung, so với nhiều nước khác trong khu vực, tiền lương và thu nhập của người dân Nga chưa phải là cao, hiện nay thu nhập bình quân đầu người/năm là khoảng gần 8.000$ (PPP). Nhưng mức đó cũng là “mơ ước” đối với nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Mức lương quy chuẩn PPP trung bình của người dân Nga trong năm 2007 là 13.593 rúp, còn trong năm 2011 đã lên tới là 23.693 rúp, tăng 75%[4].
Tuy nhiên khoảng cách thu nhập của người dân Nga giữa các giai tầng và các lĩnh vực mà họ đảm nhiệm là rất lớn. Xét về mức thu nhập hàng tháng giai đoạn từ tháng 1 - tháng 9/2011, dân số Nga được chia thành 8 nhóm. Nhóm đông nhất (chiếm 24,5%) gồm những người có thu nhập hàng tháng từ 15.000 đến 25.000 rúp, trong năm vừa qua số lượng người của nhóm này tăng lên 1,5%. Nhóm ít người nhất (3,1%) gồm những người dân Nga nghèo nhất có mức thu nhập hàng tháng dưới 3.500 rúp. So với năm ngoái, số người có thu nhập quá thấp như vậy đã thuyên giảm hơn 1,1%. Cải thiện nhiều nhất trong thu nhập giai đoạn này là nhóm có thu nhập hàng tháng trên 35.000 rúp, số người này tăng từ 10,2% lên 12,3% vào năm 2011.
Mức chênh lệch về thu nhập của người dân Nga theo giai tầng và vùng miền
Là một đất nước rộng lớn, nhiều miền tự nhiên khác nhau, trong quá trình phát triển kinh tế có sự phân công lao động theo lãnh thổ nên Liên bang Nga hình thành 12 vùng kinh tế, những vùng này không đồng đều về tiềm năng kinh tế, trình độ phát triển và dân số cũng như thu nhập của họ. Tính theo vùng miền, thì ở Matxcơva, lương trung bình của người dân là cao hơn cả. Theo số liệu của Sở Chính sách và phát triển kinh tế Matxcơva, năm 2011, mức lương trung bình của người lao động vào khoảng 40.000 rúp/tháng, mức lương trung bình ở thủ đô tăng lên đáng kể do tính cả thu nhập của cán bộ, nhân viên thuộc chính quyền liên bang.
Sơ đồ phân chia dân số Nga theo mức thu nhập tiền mặt
bình quân đầu người năm 2010-2011

(Nguồn: Rosstat)
Ở Matxcơva, số lượng triệu phú và tỷ phú nhiều hơn cả ở New York hoặc London và họ đã phát huy tích cực các mối quan hệ và nguồn tài chính thông qua các quỹ xã hội. Chẳng hạn, tốc độ tăng GDP của Nga năm nay đạt gần 4,5%, số người thất nghiệp giảm một nửa, từ 1/1/2012 lương của quân nhân tăng gấp 2-3 lần trong khi lương hưu cũng tăng dù đã tính đến yếu tố lạm phát, nhà ở được xây dựng khắp các vùng miền,… Bên cạnh đó thì những vùng Viễn Đông Nga và một số nước tự trị của Liên bang Nga vẫn còn là các vùng nghèo nhất. Do những đặc thù tự nhiên cũng như môi trường xã hội luôn tác động tới các hoạt động sinh kế, thu nhập của người dân ở đây chỉ đạt khoảng 30% mức thu nhập trung bình của người dân thành phố, tức khoảng dưới 5.000 rúp/tháng. Ngoài ra, cơ hội tiếp cận của người dân tới cơ sở hạ tầng thiết yếu và các dịch vụ giáo dục, y tế,… của nhà nước vẫn còn hết sức hạn chế.
Mức chênh lệch tiền lương giữa các thành phần xã hội ở Nga rất lớn. Tại các lĩnh vực sản xuất và sự nghiệp, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Nga, trong tháng 10/2011, lương ở khu vực nông nghiệp luôn thấp hơn cả, người nông dân Nga chỉ nhận được chưa đầy 10.000 rúp/tháng [gần 31 rúp đổi 1 USD]. Nhân viên ngành giáo dục có mức lương trung bình 13.800 rúp/tháng; lương của các nhân viên ngành dịch vụ (nhà hàng, khách sạn) là 14.500 rúp/tháng; các nhân viên ngành thương mại có lương cao hơn một chút là 15.300 rúp/tháng. Tiền công trung bình của những người làm ở ngành dầu mỏ là khá cao, tới 40.700 rúp/tháng. Trong khi đó các nhân viên tài chính ngân hàng thường nhận lương trung bình là 45.500 rúp/tháng.
Trong khi đó, tại các cơ quan công quyền, cũng theo cơ quan thống kê Nga thông báo, năm 2011, trong số cán bộ, công chức - những người có chức vụ thấp nhất trong số các cơ quan chính quyền Liên bang, thì Cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự Nga (Rosoboronpostavka) là đơn vị nhận lương cao nhất - trung bình 103.300 rúp/tháng (ss. 29,37 rúp = 1 USD). Ở bộ máy của Chính phủ, năm 2011, các quan chức lĩnh lương trung bình là 102.100 rúp/tháng. Chiếm vị trí thứ ba về thu nhập là các nhân viên ngành kiểm toán. Năm 2011, họ nhận trung bình là 91.300 rúp/tháng (tăng 2,5% so với năm 2010). Còn ở Văn phòng Tổng thống, lương trung bình của cán bộ, nhân viên là 90.300 rúp/tháng, cao hơn 5,2% so với năm 2010.
Đặc biệt trong những năm gần đây, khoảng cách giàu nghèo khá lớn khi thu nhập của những người được bảo đảm nhất vẫn cao gấp 16 lần so với những người ít được bảo đảm nhất và khoảng cách này cho đến nay vẫn chưa được thu hẹp lại. Chính quyền Nga cũng đang quan tâm tới vấn đề này, bởi chính khoảng cách thu nhập và giàu nghèo luôn ẩn chứa những bất trắc to lớn, cả về xã hội, chính trị lẫn kinh tế,…
Khoảng cách giàu nghèo thái quá giữa giới giàu có ít ỏi và đa số dân chúng nghèo còn lại ở Nga đang tạo nên những lớp sóng ngầm. Trong bảng xếp hạng năm 2011 của các quốc gia đánh giá về mức độ tham nhũng, Nga chiếm vị trí thứ 143 trong số 182 nước. Nước Nga là một trong những nước có làn sóng tội phạm cao thứ ba sau Nam Phi và Columbia. Cứ trên 100 ngàn dân thì có 30 vụ giết người. Tỷ lệ giết người ở Nga cao gấp 4 lần so với Mỹ. Năm 2001, 33.500 người đã bị giết hại. Tổng cộng năm 2011, có hơn 3 triệu tội phạm được báo cáo. Từ trộm cắp thông thường đến tham nhũng, cướp và buôn lậu đã khiến làn sóng tội phạm ngày càng gia tăng. Chính phủ Nga đã cam kết mạnh tay với vấn đề tội phạm trong thời gian tới.
Tóm lại, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và những mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh trong mô hình quản trị đất nước, nước Nga cần đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực ASXH nhằm tạo một nền tảng xã hội vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
2. Một số chính sách xã hội của Chính phủ Nga nhằm đảm bảo quyền ASXH của người dân Nga ngay trong khủng hoảng
Tư tưởng chỉ đạo nhân văn của chính quyền Xô viết trước kia: xây dựng CNXH với mục tiêu vì sự tiến bộ xã hội và cuộc sống ổn định, hạnh phúc của người dân đã làm thay đổi một cách căn bản xu hướng phát triển của nhân loại. Phát huy tinh thần đó, Chính phủ Nga hiện nay đã coi ASXH là một “chiến lược con” nằm trong “chiến lược mẹ” là chiến lược phát triển KT-XH chung của quốc gia. Tư duy này đã được thể hiện đầy đủ và sinh động trong Thông điệp Liên bang năm 2010 của Tổng thống Nga D. Medvedev khi ông còn đương nhiệm. Đây là sự đúc kết kinh nghiệm từ sau gần một thập niên cầm quyền của Tổng thống V.Putin - Người đã có công lao to lớn trong việc phục hồi và phát triển nước Nga sau khi Liên Xô tan rã. Theo đó, việc đẩy mạnh thực thi các chính sách ASXH luôn là sự lựa chọn ưu tiên trong các chiến lược phát triển của Chính phủ Nga.
2.1. Một số chủ trương, chính sách ưu tiên của Chính phủ nhằm tạo cơ sở vật chất cho ASXH và một số thành tựu
Trong Thông địêp Liên bang tháng 11/2008, Tổng thống D.Mevedev khẳng định Nga đã thực hiện những biện pháp linh hoạt nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của khủng khoảng tài chính thế giới tới nền kinh tế Nga. Tổng thống cho rằng “khủng khoảng kinh tế - không nên ảo tưởng, còn lâu mới kết thúc”. Bất chấp những hệ lụy không tránh khỏi từ bối cảnh này, mặc dù phải điều chỉnh nhiều thay đổi về chính sách, Tổng thống Medvedev không hề lơ là các giải pháp xã hội. Ông nói: "Sự ổn định và đời sống no ấm của người dân trong mọi trường hợp không thể đặt đối kháng với tự do và các quyền chính trị" cho nên bên cạnh việc cải thiện dân chủ là việc đẩy mạnh từng bước những vấn đề dân sinh.
Trong Chiến lược phát triển cũng như trong Thông điệp Liên bang năm 2010, Tổng thống Medvedev đã nhiều lần trình bày rõ về chiến lược phát triển nước Nga là: dựa trên các giá trị dân chủ và ưu việt, nước Nga sẽ không ngừng hiện đại hóa nền kinh tế, trên cơ sở đó tạo động lực phát triển trên tất cả các lĩnh vực, nuôi dưỡng và giáo dục tốt các thế hệ công dân Nga mới, có tư duy sáng tạo, nâng cao từng bước mức sống của người dân Nga. Ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống Medvedev đã nỗ lực chủ trương thực hiện các nhiệm vụ về KT-XH nhằm chấn hưng nền kinh tế, nhờ đó, nước Nga đã có những nỗ lực vượt bậc trong việc đảm bảo thu nhập cho người dân, kể cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính khu vực và thế giới. Nga đã đạt kết quả phát triển đáng ghi nhận là:
Năm 2011, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga tăng khoảng 4% và số nợ của nhà nước được duy trì ở mức tối thiểu. Liên bang Nga đã vươn lên trở thành cường quốc thứ 6 về kinh tế của thế giới. Năm 2012, lạm phát ở Nga thấp và đạt khoảng 6-7%, mặc dù số người nghèo khó ở Nga vẫn còn nhiều. Số người thất nghiệp trong 2 năm qua đã giảm gần 2 triệu người và Nga hiện là một trong những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.
Bên cạnh đó, toàn bộ cam kết về xã hội đã được thực hiện triệt để. Tiền lương và trợ cấp hưu trí của đại đa số công nhân-viên chức thuộc lĩnh vực hưởng ngân sách đã tăng cao hơn mức dự trù trước khủng hoảng. Mặc dù chưa thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu của những người cần hỗ trợ, nhưng có một hiện tượng chưa từng có là ngay trong bối cảnh khủng hoảng với những hệ lụy của nó, thu nhập thực tế của người Nga tính trung bình không những không bị giảm đi mà còn được tăng lên. Trong suốt 4 năm qua, kể cả trong năm phức tạp nhất là 2009, thu nhập của người dân Nga vẫn tăng với mức tăng lớn nhất so với các năm trước đó. Sau khi đã trừ đi tỷ lệ lạm phát, mức độ tăng thu nhập thực tế của các công dân Nga trong năm 2008 là 2,4%, năm 2009 là 3,1%, năm 2010 là 5,1%, năm 2011 có ít hơn một chút, chỉ khoảng gần 1%. Đầu năm 2012, tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Nga đã vượt mức trước khủng hoảng, tăng 4,3-4,8% trong hai tháng 1-2, cho thấy nền kinh tế Nga đã hoàn toàn khắc phục được các hậu quả của thời kỳ khủng hoảng 2008-2010.
Về mức lương trung bình tính theo kinh tế thì trong giai đoạn từ năm 2008 tới 2011 đã tăng thêm 18%. Tỉ lệ này tính theo giá trị thực tế thì mức tăng lương quy chuẩn PPP đã là 75%, trong đó mức lương quy chuẩn trung bình PPP trong năm 2007 là 13.593 rúp, còn trong năm 2011 là 23.693 rúp[5]. Theo số liệu sơ bộ của Rosstat, mức lương trung bình hàng tháng của công dân Nga trong tháng 9/2011 là 23.628 rúp, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2010. Lương hưu trung bình trong tháng 9/2011 đã tăng lên thành 8.276 rúp, tức là tăng 8,8% so với tháng 9/2010. Như vậy, cứ sau một năm người dân Nga lại giàu thêm khoảng 1600 rúp.
Năm 2011, Chính phủ Nga tăng lương cho công chức nhà nước, thực hiện chương trình mục tiêu cho cựu chiến binh và quân nhân Nga, tiếp tục tăng lương cho người nghỉ hưu; bảo đảm cho tất cả những người về hưu có thu nhập không thấp hơn mức sống tối thiểu của người dân Nga.
2.2. Chủ trương đẩy mạnh 4 chương trình mục tiêu quốc gia mới về ASXH và một số chương trình xã hội đặc biệt khác
Các Tổng thống nước Nga đều khẳng định: “Một cường quốc không để người dân nghèo, thất học, vô gia cư và ốm đau bệnh tật”. Chính vì vậy, Chính phủ Nga đã đề xuất triển khai 4 chương trình quốc gia lớn về khoa học, giáo dục, sức khỏe và nhà ở. Từ 2010, Chính phủ đã dành khoảng 5 tỷ USD từ ngân sách nhà nước (tương đương với 70% ngân sách) cho các lĩnh vực xã hội nhằm nâng cao đời sống của người dân và thực hiện 4 chương trình quốc gia về ASXH: cải thiện nhà ở và cơ sở hạ tầng, cải cách giáo dục, mở rộng đầu tư cho y tế và khoa học.
Chương trình cải thiện về nhà ở và cơ sở hạ tầng cho người dân
Nhà ở là một trong những vấn đề đáng quan tâm của lĩnh vực ASXH. Khi nhà ở quá cũ nát sẽ không chỉ làm xấu bộ mặt đô thị, kìm hãm sự phát triển hạ tầng kỹ thuật, mà còn có nguy cơ tai nạn rình rập, gây lo ngại cho người dân. Chính phủ phối hợp với các địa phương áp dụng chế độ cấp đất miễn phí để xây dựng nhà ở hoặc chung cư cho những gia đình có con thứ ba, và những đứa con tiếp theo. Tổng thống Nga D. Medvedev đã đề xuất thành lập “Quỹ người mẹ” và từ năm 2008, Nhà nước Nga đã có luật cho phép sử dụng “Quỹ người mẹ” này để thanh toán tín dụng về nhà ở đối với các gia đình trẻ mua nhà trả góp.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nga đã đưa ra sáng kiến “Chương trình cải tạo nhà lắp ghép tấm lớn 5 tầng và nhà cũ nát” trên nguyên tắc cả người dân và các nhà đầu tư cùng có lợi, bằng cách, nhà nước hỗ trợ cho nhà đầu tư một phần, chủ đầu tư bỏ ra và sau lấy lại từ việc chuyển nhà cho người sử dụng. Nhà nước đã dành 80 tỷ rúp cấp kinh phí sửa chữa cơ bản các chung cư và bố trí chỗ ở cho các cư dân tại những khu nhà bị hư hỏng, đồng thời thông qua chương trình mục tiêu liên bang mới về nhà ở; Chính phủ còn có chính sách hỗ trợ giúp đỡ các gia đình đông con và những người mới lập gia đình, trước hết giải quyết một trong những vấn đề bức xúc là nhà ở. Sáng kiến nêu trên bước đầu đã hỗ trợ cho khoảng 250.000 công dân Nga, đặc biệt là các gia đình trẻ có chỗ ở ổn định để yên tâm làm ăn.
Đặc biệt, Chính phủ Nga còn đẩy mạnh những dự án trong lĩnh vực nhà ở cho các cựu chiến binh, quân nhân Bộ Quốc phòng, mở rộng phạm vi chương trình xây dựng nhà giá rẻ trên các khu đất thuộc sở hữu nhà nước liên bang.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng có thể thấy, một trong những dự án cơ sở hạ tầng quy mô nhất dưới thời Thủ tướng Putin là việc phát triển khu vực Viễn Đông, đặc biệt là khu vực Primorye và Vladivostok - nơi sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào tháng 9/2012. Tổng mức đầu tư để chuẩn bị cho sự kiện này là khoảng 600 tỷ rúp. Phần lớn số tiền được đầu tư vào việc xây dựng những cây cầu đặc biệt qua vịnh Sừng Vàng tới Hòn đảo Nga, nơi sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC. Ngoài ra, trên đảo còn xây dựng các tòa nhà thuộc Trường Đại học Liên bang Viễn Đông. Trường này sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học của toàn khu vực.
Chương trình mở rộng cơ hội tiếp cận về y tế toàn dân
Trước thực trạng dân số suy giảm, Tổng thống mới đắc cử Vladimir Putin khẳng định các chính sách thúc đẩy dân số tăng sẽ là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ tới của mình, theo đó đặt mục tiêu đưa dân số lên mức 154 triệu người trong 5 năm tới. Ông Putin nhấn mạnh các chính sách phát triển kinh tế sẽ là chìa khóa trong nỗ lực tăng dân số của nước Nga.
* Một số giải pháp CSSK cộng đồng và thúc đẩy tăng dân số được thực hiện
Một là, tạo điều kiện cho mọi người dân, đặc biệt là người mẹ và trẻ em có khả năng tiếp cận hệ thống trợ giúp y tế và xã hội có chất lượng cao; phát triển chương trình khuyến khích sinh đẻ và hệ thống điều trị phục hồi trong 3 năm đầu đời cho trẻ em sinh thiếu tháng, có cân nặng thấp; tăng cường sự hỗ trợ của nhà nước đối với hoat động điều trị cho những người vô sinh. Nhờ có chính sách khuyến khích sinh con thứ hai, thứ ba, dân số Nga không ngừng tăng lên và trong 4 năm qua đã có hơn 6 triệu trẻ em ra đời. Trong năm 2010, lần đầu tiên sau 15 năm, Nga đã đạt được mức tăng trưởng dân số. Thủ tướng V.Putin tuyên bố, Nga sẽ chi 1,5 ngàn tỉ rúp (tương đương 53 tỉ USD) để tăng số trẻ em sinh ra lên 25% đến 30% và tuổi thọ trung bình của nước này cho đến năm 2015; thành lập nhiều quỹ như “Quỹ Người mẹ”, “Đề án sức khỏe Quốc gia” và nhiều biện pháp xã hội khác đã giúp đỡ có hiệu quả cho các gia đình. Nhờ đó, tuổi thọ của người dân cũng đã tăng lên: nữ giới đạt gần 75 tuổi và của nam giới đạt gần 69 tuổi (2011).
Hai là, hiện đại hóa cơ sở công nghệ cho các bệnh viện và các thiết bị điều trị cho trẻ em, đồng thời không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ y tế. Trong năm 2011, Nga tăng cường đầu tư theo các chương trình y tế khu vực, ít nhất đã dành 25% ngân sách y tế cho việc hiện đại hóa hệ thống máy móc thiết bị hỗ trợ cho trẻ em. Chính phủ Nga cũng đặc biệt chú ý hệ thống phòng bệnh và điều trị dự phòng cho trẻ sơ sinh và trẻ vị thành niên, phát hiện sớm các bệnh: lao, sởi, bệnh đường ruột, ung thư và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác mới xuất hiện dưới tác động của biến đổi khí hậu. Với chính sách này, Chính phủ Nga đã đưa vào hoạt động hơn 2.000 cơ sở sản xuất dược liệu mới, 30 trung tâm y tế công nghệ cao và 5 nghìn công trình thể thao mới, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực nước này.
Ba là, tăng mạnh số lượng các gia đình có ba con trở lên bằng nhiều hình thức giáo dục, tuyên truyền và khuyến khích vật chất. Gần đây trên mạng Intenet đăng nhiều thông tin thú vị về những người mẹ nổi tiếng đã có ba con trở lên, như anh hùng vũ trụ Y.Gagarin, đại văn hào Nga A.Sêkhốp, nhà văn A.Akhmatova. Tổng thống Nga D. Medvedev cho rằng, đây là một ý tưởng hay khi biểu dương các gia đình có ba con trong số những người nổi tiếng. Do đó, đối với những gia đình nổi tiếng mà đông con cần phải có một chế độ khuyến khích đặc biệt.
Bốn là, đối với những gia đình có từ ba con trở lên đã thực hiện chế độ ưu tiên, thí dụ tăng trợ cấp ưu đãi lên 3.000 rúp hàng tháng cho mỗi trẻ em là con thứ ba trở lên,….
Năm là, biểu dương nhiều quỹ mới ở Nga dành cho trẻ em bị bệnh hiểm nghèo. Lần đầu tiên ở Nga đã hoàn thiện bộ luật về Hoạt động từ thiện và Duma quốc gia sẽ thông qua các đạo luật cần thiết trong thời gian sớm nhất để tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức này hoạt động có hiệu quả.
* Đồng thời với các bước đi để triển khai các chương trình y tế, liên quan đến vấn đề dân số có năm sáng kiến được đề xuất
Đầu tiên, đầu tư cho khoa học cơ bản, trong đó có nghiên cứu liên ngành cả khoa học công nghệ và khoa học xã hội, tạo ra những kết quả thực tiễn mới giúp cho việc gia tăng dân số cả về số lượng và chất lượng.
Thứ hai, gia đình là tế bào xã hội, cần quảng bá quan niệm rằng một gia đình lớn thường mạnh mẽ hơn gia đình nhỏ. Trong tương lai gần, khuyến khích tối đa một nửa số gia đình toàn quốc cần có ba con. Trong 15 năm tới, phấn đấu hỗ trợ và động viên để mỗi phụ nữ cần có 2.7 con hoặc nhiều hơn nữa. Nhà nước cần khuyến khích viễn cảnh này bằng cách giúp đỡ các bà mẹ (cung cấp nhà giá rẻ, chuyển quyền sở hữu đất, tôn vinh niềm tự hào xã hội trong họ khi làm mẹ, dành cho họ và các con họ những dịch vụ xã hội tốt nhất,...).
Thứ ba, đất nước cần một cuộc công nghiệp hóa mới. Thị trường nội địa cần được khuyến khích tăng trưởng mạnh trong 20 năm tới. Và thị trường lao động cũng đang cần mở ra cho ít nhất một nửa dân số nam có công việc chất lượng cao và lương ổn định. Nga cần thoát khỏi nền kinh tế dựa vào tài nguyên - chính là một trong các lý do của khủng hoảng dân số hiện nay. Một số kinh tế gia hàng đầu tin rằng gần một nửa dân số hiện thời của Nga đã không còn cần đến việc khai thác dầu và khí đốt.
Thứ tư, đất nước Nga cũng cần xóa bỏ xu hướng đô thị hóa hiện nay. Thanh niên Nga thường muốn chuyển đến sống ở 12 thành phố lớn nhất. Cần khuyến khích phát triển các thành phố với các quy mô dân số khác nhau với những chức năng xã hội đa dạng.
Điều cuối cùng, đất nước cần khuyến khích dân chúng sống ở mọi khu vực, và giảm dân số của Matxcơva cùng 11 thành phố lớn nhất. Ưu tiên cần dành cho việc khuyến khích người dân đến sống ở vùng Viễn Đông và các vùng biên ải.
Cuối tháng 3/2012, Bộ Y tế và Phát triển xã hội Nga cho biết, Chính phủ đã quyết định dành hơn 200 tỷ rúp (khoảng 7 tỷ USD), một nửa trong số đó là từ ngân sách liên bang trong 5 năm tới để khuyến khích gia tăng tỷ lệ sinh tại nước này. Đây được cho là một trong những biện pháp mạnh mẽ nhất của Matxcơva nhằm cải thiện tình trạng giảm dân số đáng báo động trong những năm gần đây. Theo đó, mỗi gia đình Nga khi sinh con thứ hai sẽ nhận được khoản trợ cấp 10.000 USD. Mới đây, Thủ tướng Putin đã cam kết sẽ trợ cấp khoảng 7.000 rúp (tương đương 240 USD)/tháng/trẻ em cho những gia đình sinh con thứ ba trở lên cho đến khi các em được 3 tuổi. Mức hỗ trợ mới này sẽ được áp dụng từ đầu năm 2013.
Chương trình mở rộng cơ hội giáo dục và khoa học vì mục tiêu xây dựng một nước Nga hiện đại, hùng cường
Giáo dục, giáo dưỡng trẻ em vì mục tiêu tăng trưởng dân số được coi là ưu tiên số một trong chính sách ASXH của Liên bang Nga. Việc hỗ trợ phát triển lĩnh vực giáo dục được coi là một trong những phương hướng hoạt động chính của Chính phủ Nga trong 4 năm qua. Cũng trong Thông điệp Liên bang năm 2010, Tổng thống Nga D. Medvedev khẳng định, Chính phủ Nga đặc biệt chú trọng chăm lo thế hệ tương lai và coi đây là chiến lược đầu tư tin cậy nhất, thông minh nhất và nhân đạo nhất. Theo Meveđev, một xã hội mà trong đó mọi người dân đều chú trọng bảo vệ quyền trẻ em, tôn trọng nhân cách của trẻ em không chỉ là nhân đạo hơn và thân thiện hơn mà còn là một xã hội phát triển nhanh hơn và bền vững hơn. Nhà nước Nga đang thực hiện một cách có hiệu quả chính sách chăm sóc trẻ em. Đây cũng là một nội dung quan trọng của chính sách hiện đại hóa, đáp ứng lợi ích phát triển của toàn quốc gia trong hiện tại và tương lai.
Với tinh thần đó, Tổng thống D. Medvedev đã chủ trương phát động xã hội hóa toàn Liên bang, đầu tư cho hệ thống giáo dục cấp trước tiểu học tại các nhà trẻ, các trường mẫu giáo, kể cả các trường ngoài công lập trong khu vực. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã cam kết dành một tỷ lệ đáng kể từ nguồn ngân sách cho khoa học và giáo dục của nước này, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cũng như cải cách giáo dục cho cả hệ thống.
Trong 4 năm làm Thủ tướng, ông Putin đã cố gắng hiện thực hóa một số sáng kiến được đưa ra từ nhiệm kỳ tổng thống 2000 - 2008. Thứ nhất, đáng chú ý là việc thí điểm kỳ thi quốc gia thống nhất (CSE), đã được thực hiện trong 8 năm ở các khu vực của Nga và được ghi nhận là mang lại hiệu quả. Từ ngày 1/1/2009, CSE đã trở thành hình thức chủ yếu để nhà nước xác nhận kết quả học tập đối với tất cả học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông của Nga. Thứ hai là áp dụng các chương trình giáo dục tổng hợp cho học sinh lớp trên kết hợp với nội dung hướng nghiệp. Theo Tổng thống D. Medvedev, trường học không chỉ là nơi cung cấp kiến thức mà còn là một trung tâm lao động sáng tạo, giải trí, thông tin, thể thao của học sinh. Vì thế, cần có các dự án xây dựng khu học đường thông minh, hiện đại, có công nghệ giáo dục tăng cường cả thể chất, dinh dưỡng cũng như tri thức và kỹ năng cho học sinh.
Ngoài ra, Tổng thống đề xuất lắp đặt mạng internet băng thông rộng áp dụng trên toàn lãnh thổ Nga và coi đó như tiền đề để xây dựng xã hội dân sự dân chủ. Đồng thời, yêu cầu trong 5 năm tới cần lắp đặt trên toàn bộ lãnh thổ Nga mạng internet dải rộng và truyền hình số thế hệ thứ tư.
Với diện tích rộng bao la và dân số thưa thớt, trung bình chỉ vào khoảng 8 người/km2 nên việc đi lại của nông dân rất khó khăn; họ có rất ít khả năng tới các trung tâm đô thị, nơi có các trường cao đẳng và đại học để tiếp nhận kiến thức nghề nghiệp. Do đó, Chính phủ Liên bang và Chính phủ các nước cộng hòa đặc biệt chú ý phát triển hình thức đào tạo nghề cho nông dân tại các trung tâm thông tin - tư vấn. Với sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông, trước hết là mạng internet, hình thức đào tạo nghề cho nông dân thông qua hoạt động thông tin - tư vấn đã phát huy hiệu quả cao, góp phần quan trọng tạo ra đội ngũ nông dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp.
Để có được những người nông dân tương lai gắn bó với nghề trên đồng ruộng, Chính phủ Liên bang Nga cũng như Chính phủ các nước cộng hòa trong Liên bang đã chú ý phát triển nhiều hình thức đào tạo nghề khác nhau. Thời gian gần đây, ở Nga phát triển mạng lưới rộng khắp các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp sơ cấp để đào tạo công nhân nông nghiệp có tay nghề cao cho tổ hợp công-nông nghiệp. Do yêu cầu của kinh tế thị trường, trong hệ thống đào tạo chuyên nghiệp sơ cấp cho nông dân có 280 ngành nghề khác nhau, từ kỹ năng nuôi trồng sản phẩm nông nghiệp, tới thương mại, dịch vụ, kỹ thuật, giao thông trong nông nghiệp,...
Tại Matxcơva đã tổ chức các khóa học nhằm đào tạo các nông trại viên trẻ, thu hút thanh niên nông thôn ở nhiều khu vực ngoại ô tới học nghề. Chương trình đào tạo nghề cho nông trại viên mang tên “Tự mình trở thành nông dân có tay nghề cao” đã thu hút đông đảo thanh niên có nguyện vọng trở thành người lao động gắn bó với đất và rừng. Họ được đào tạo những kỹ năng cơ bản nhất về nghề nông để tạo thêm thu nhập từ nghề phụ gia đình trên chính mảnh đất của mình. Đây là hình thức đào tạo nghề nông hiệu quả nhằm đối phó với thách thức nước Nga đang phải nhập khẩu tới 1/3 lượng thịt tiêu thụ từ nước ngoài. Do một thời gian dài không chú trọng tới nghề nông nên vừa qua có tới 13.000 làng ở Nga gần như không có người ở, trung bình mỗi làng chỉ có 10 người sinh sống. Do đó, chương trình dạy nghề này đã thu hút đựơc đông đảo thanh niên theo học để sau đó trở về nông thôn lập nghiệp. Để thực hiện chương trình, ở Nga đã thành lập Quỹ Liên bang mang tên “Tương lai của quốc gia” và phát triển các khóa đào tạo nghề cho các nông trại viên trẻ tại nhiều vùng trên lãnh thổ Nga.
Kế thừa tư tưởng về tăng cường thông tin và cải thiện dân chủ thông qua mạng internet, tân Tổng thống Putin ngay sau khi nhậm chức đã đề nghị cải thiện triệt để các dịch vụ điện tử, đồng thời yêu cầu chính phủ đến ngày 1/9/2012 phải chuẩn y chủ trương "Sáng kiến xã hội Nga" nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân Nga được đưa ra các ý kiến đề xuất để thảo luận công khai rộng rãi trên mạng internet. Ông còn đề cập việc đơn giản hóa thủ tục công nhận học vị khoa học của các nước phương Tây tại Nga, vì hiện nay hai hệ thống này chưa tương hợp với nhau, đồng thời Tổng thống còn yêu cầu đơn giản hóa thủ tục cấp visa cho các nhà khoa học không phải là công dân Nga được làm việc ở Nga, nhằm thu hút chất xám vào việc hiện đại hóa nước Nga.
Để đẩy mạnh quá trình đổi mới và hiện đại hóa đất nước, Tổng thống D. Medvedev cho rằng, cần xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ, tương tự như “thung lũng Si-li-côn” ở Mỹ. Trong 4 năm qua, Chính phủ đã cho thành lập thêm 9 trường đại học thuộc Liên bang và 29 trung tâm nghiên cứu-đào tạo phối hợp. Tại đó, có các điều kiện tốt nhất cho sáng tạo của các nhà khoa học, kỹ sư, kiến trúc sư, các nhà quản lý, tài chính, các chuyên gia lập trình,...
Bảo đảm bảo hiểm xã hội toàn dân và tăng cường bảo trợ xã hội đối với một số đối tượng đặc biệt
Từ năm 2010, Chính phủ Nga tiếp tục thực hiện các biện pháp khuyến khích kinh doanh và tạo việc làm mới, giải quyết vấn đề bảo hiểm y tế toàn dân,.... Hiện ở Nga có khoảng 6,4 triệu người thất nghiệp, hơn 2 triệu đăng ký tại thị trường lao động (tức cao hơn khoảng 2,5-3 lần mức thất nghiệp trước khủng hoảng), chiếm khoảng 8% số người trong độ tuổi lao động (so với khoảng 10% ở các nước châu Âu). Vì vậy, giải quyết vấn đề thất nghiệp, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách ASXH của Nga, thông qua việc hỗ trợ tài chính và hướng nghiệp, tạo việc làm mới cho người dân, chuyển người thất nghiệp đến những việc làm mới. Chính phủ Nga đã đề ra mục tiêu giải quyết 25 triệu việc làm mới cho người lao động trong giai đoạn 5 năm tới.
Chính sách hưu trí và nhà ở dành cho các cựu chiến binh
Một trong những cải cách quan trọng nhất trong lĩnh vực xã hội Nga dưới thời Thủ tướng Putin là chế độ hưu trí, đặc biệt là của các cựu chiến binh. Đây cũng được coi là cải cách nhân văn ở nước Nga thời hiện đại.
Ở Nga hiện có 4,7 triệu cựu chiến binh, trong đó có 474 người tham gia chiến tranh Ái quốc hiện còn sống và 3,1 triệu quân nhân và người lao động ở địa phương. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Chiến thắng Chủ nghĩa phát xít 9/5/1045 - 9/5/2010, để ghi nhớ công ơn của các cựu chiến binh - những người đã làm nên chiến thắng vĩ đại, cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa diệt chủng, Tổng thống Nga Medvedev đã ban hành Luật Liên bang về việc bảo đảm nhà ở cho những người có công với đất nước, bao gồm các cựu chiến binh, thương bệnh binh và gia đình của họ. Sau khi được Duma quốc gia Nga thông qua vào ngày 28/4/2010, Luật Cựu chiến binh đã được điều chỉnh cho phù hợp và đưa vào vận dụng. Trên cơ sở luật này, Chính phủ Nga đã chi 28,5 tỷ rúp để thực hiện chương trình nhà ở cho đối tượng trên. Nhờ đó, đã có 28.500 cựu chiến binh có nhu cầu nhà ở (đăng ký trước 1/3/2005), đã được nhận nhà ở mới.
Cũng theo đó, Chính phủ Nga còn tiến hành đánh giá lại các quyền lợi khi về hưu của những người đã có cống hiến trong thời kỳ Xô-viết, trả ngay 10% và 1% cho mỗi năm làm việc của cựu chiến binh tính đến năm 1991. Năm 2010, khoản tiền bổ sung cho trợ cấp hưu trí này là khoảng 1.100 rúp/tháng. Nhờ đó, hiện ở Nga không có người nhận trợ cấp hưu trí thấp hơn mức sống tối thiểu. Trong 4 năm qua, gần 1,5 triệu người Nga, trong đó có hơn 200 nghìn cựu chiến binh của cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại, đã được nhận nhà ở mới và khoảng 16 triệu người đã được cải thiện điều kiện nhà ở và nâng cao thu nhập.
Kết luận
Mặc dù nước Nga còn có những vấn đề lớn về KT - XH phải khắc phục như: cơ cấu kinh tế không cân đối, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nguyên, nhiên liệu (khoảng 50%), tỉ lệ thất thoát vốn còn lớn, lạm phát cao hai con số, an ninh xã hội chưa bảo đảm, tư tưởng bài ngoại và dân tộc cực đoan có dấu hiệu gia tăng, tệ quan liêu, tham nhũng phổ biến,… song Chính phủ Nga đã đề ra Chiến lược phát triển đến năm 2020 và kịp thời đưa ra hai Chương trình chống khủng hoảng và cải thiện ASXH cho người dân và nỗ lực trong việc ưu tiên cho các vấn đề xã hội. Đây là một kinh nghiệm tốt đối với lĩnh vực ASXH của Việt Nam. Có thể rút ra một số điểm cần được học tập và phát huy như sau:
-
Nhất quán trong chủ trương nhân văn là xây dựng một nước Nga hùng cường, trong đó có các công dân hiện đại, tiên tiến và nỗ lực thực hiện chủ trương đó trong mọi hoàn cảnh.
-
Linh hoạt trong việc đưa ra các gói kích thích kinh tế và đảm bảo ASXH ngay trong khủng hoảng như: chính sách lương cho người đi làm và người thất nghiệp; chính sách hỗ trợ giáo dục và y tế,…
-
Đẩy mạnh 4 Chương trình mục tiêu Quốc gia về ASXH, các chính sách khắc phục suy giảm dân số, chính sách nhà ở (đặc biệt cho cựu chiến binh), gia tăng ngân sách cho các hệ thống y tế, giáo dục, Chương trình bảo hiểm y tế toàn dân và bảo hiểm hưu trí nông thôn,…
-
Thành công trong việc phát huy các thế mạnh của nhiều tầng lớp doanh nhân trong xã hội để xây dựng các quỹ từ thiện và quỹ vinh danh người mẹ, nhằm hỗ trợ kịp thời cho các gia đình trẻ và gia đình có con thứ 3 trở lên,…
Mặc dù một số điều kiện KT-XH của hai nước có thể còn chưa tương đương, nhưng có thể coi những sáng kiến của Chính phủ Nga trong ASXH là một kinh nghiệm tốt đối với Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
-
Lê Chân. “Tái cấu trúc dân số thế giới”. Theo Tạp chí Chân trời chiến lược. Đăng tải trong web tamnhin.net
-
Cao Hiền. “Nhìn lại nước Nga dưới thời của Thủ tướng A.Putin”. Báo điện tử Vneconomy 9/5/2012.
-
Dạ Lan Hương. “Một số nét về chính sách an sinh xã hội của Liên bang Nga”. Tạp chí Cộng sản. Chuyên đề cơ sở số 61.2012. Tr. 75 - 79.
-
Sergei Mizerkin (đài Tiếng nói nước Nga). “Di dân lao động ở Nga thời khủng hoảng”. Theo diễn đàn nuocngatrongtoi.net ngày 03/3/2009.
-
Nguyễn Cảnh Toàn. Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Chuyên đề của đề tài cấp Bộ “Một số vấn đề kinh tế, chính trị nổi bật của Liên bang Nga giai đoạn 2010 - 2020 và tác động tới Việt Nam”. Hà Nội. 2011.
-
IMF. 2012. World Economic Outlook Update: Global Recovery Stalls, Downside Risks Intensify. Washington, D.C, January 2012.
-
WB. 2012. Global Economic Prospect: Uncertainties and Vulnerabilities. Volume 4, January 2012. Washington, D.C, January 2012.
-
“Ngân hàng Thế giới ước tính thu nhập và nghèo đói cho thế giới đang phát triển”
http://econ.worldbank.org/wbsite/external/extdec/extresearch/0,,contentmdk:2188216 pagePK:64165401~piPK:64165026~theSitePK:469382,00.html. Cập nhật ngày 17/2/2010