Tái định cư và sự thay đổi đời sống văn hóa- xã hội của người Đan Lai ở Tân Sơn và Cửa Rào, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An

20/06/2013

 

TÁI ĐỊNH CƯ VÀ SỰ THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG VĂN HÓA- XÃ HỘI CỦA NGƯỜI ĐAN LAI Ở TÂN SƠN VÀ CỬA RÀO, XÃ MÔN SƠN, HUYỆN CON CUÔNG, TỈNH NGHỆ AN

      Bùi Minh Thuận*

Dự án tái định cư cho cộng đồng người Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát ra hai bản Tân Sơn và Cửa Rào năm 2002 đã dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trên mọi mặt trong đời sống văn hoá - xã hội của đồng bào nơi đây. Sự thay đổi dễ nhận ra nhất là cơ sở hạ tầng ở khu tái định cư được cải thiện hơn trước trên nhiều lĩnh vực như giao thông, điện, nước, giáo dục, y tế,… Đây là những thay đổi tích cực, có ảnh hưởng lâu dài tới cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, ngoài những thay đổi tích cực này vẫn còn những tồn tại đã ảnh hưởng tới đời sống văn hoá - xã hội của tộc người Đan Lai.

Vườn quốc gia Pù Mát là khu rừng đặc dụng ở phía Tây Nghệ An, có vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường ở Bắc Trung Bộ và Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 174/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/11/2001. Pù Mát cũng như hàng loạt các khu bảo tồn khác ở Việt Nam đang gặp phải những vấn đề nan giải đe doạ đến sự tồn tại của nó. Khu vực vùng đệm của Vườn có một số lượng lớn dân cư sinh sống, chủ yếu là các dân tộc Kinh, Thái, Hmông. Đặc biệt, trong vùng lõi có 169 hộ với 956 người Đan Lai sống trong tình trạng vô cùng khó khăn. Đời sống của họ chủ yếu phụ thuộc vào việc khai thác các nguồn lợi của rừng (UBND huyện Con Cuông, 2001, tr.3).

Trước tình hình đó, năm 2001, UBND tỉnh Nghệ An đã lập dự án: “Thực hiện tái định cư đồng bào dân tộc Đan Lai 3 bản Cò Phạt - Khe Cồn - Bản Búng xã Môn Sơn - huyện Con Cuông - tỉnh Nghệ An” di rời cộng đồng người Đan Lai ra khỏi vùng lõi của Vườn quốc gia một mặt là nhằm mục đích nâng cao đời sống kinh tế, tạo điều kiện cho người Đan Lai hòa nhập với cộng đồng và hưởng thụ những thành quả của sự phát triển kinh tế đất nước, và mặt khác là để bảo vệ nguồn tài nguyên Vườn quốc gia Pù Mát. Đặc biệt, từ khi có Quyết định của của Thủ tướng Chính phủ số 280/2006 QĐ-TTg ngày 19/12/2006 phê duyệt Dự án: “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An”. Theo kế hoạch, sẽ di chuyển 146 hộ ra khỏi vùng lõi đến nơi ở mới và để lại 30 hộ. Năm 2002, đã tổ chức di dân tái định cư cho 36 hộ với 195 nhân khẩu ra tái định cư tại hai bản Tân Sơn, Cửa Rào xã Môn Sơn, huyện Con Cuông.

Người Đan Lai có mặt bằng dân trí thấp, đời sống vô cùng khó khăn, bao đời nay các hoạt động kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác các nguồn lợi của rừng. Chính điều đó đã đặt ra những thách thức thực sự trong việc tiến hành tái định cư và đảm bảo đời sống cho đồng bào sau khi định cư tại địa bàn mới. Việc thay đổi địa bàn cư trú chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến đời sống của cộng đồng.

Sau 8 năm, kể từ khi thực hiện tái định cư tại hai bản Tân Sơn và Cửa Rào đã có nhiều sự thay đổi cơ bản trong đời sống văn hoá - xã hội của cộng đồng người Đan Lai. Điều đó được thể hiện trong cách bố trí, tổ chức làng bản, trong kết cấu nhà cửa và quan hệ với các cộng đồng cư dân khác.

1. Sự thay đổi trong bố trí, tổ chức làng bản

Làng bản của người Đan Lai thường cư trú theo lối mật tập, nằm trong các thung lũng tương đối bằng phẳng, kín đáo, ở vùng đầu nguồn và bên cạnh các khe suối. Việc chọn đất lập bản bên cạnh các khe suối ngoài mục đích tiện lợi cho dùng nước, vận chuyển lâm thổ sản còn nhằm bảo đảm yêu cầu kiếm cá, là sinh hoạt kinh tế không thể thiếu trong đời sống của đồng bào.

Trước cách mạng tháng Tám, cộng đồng người Đan Lai chưa có pháp luật, văn tự và bộ máy hành chính. Để duy trì trật tự, luật tục mỗi bản có một ông Trùm. Trùm bản do dân bầu ra chứ không phải cha truyền, con nối. Người đó thường là trưởng dòng họ, hoặc người nhiều tuổi, có uy tín và hiểu biết phong tục tập quán. Nhiệm vụ của trùm bản là quán xuyến các công việc hành chính, đảm bảo sự yên ổn và duy trì trật tự nhất định trong bản (Bùi Minh Đạo, 1978, tr. 46).

Đơn vị hành chính duy nhất của người Đan Lai là bán (bản). Trước khi tái định cư, tổng số hộ gia đình Đan Lai ở ba bản vùng Khe Khặng là 169 hộ với 956 nhân khẩu. Tình hình phân bố như sau: Bản Cò Phạt có 79 hộ, 444 nhân khẩu; Bản Khe Cồn 36 hộ, 208 nhân khẩu; Bản Búng 54 hộ, 304 nhân khẩu (UBND huyện Con Cuông, 2001, tr. 11).

Mọi người gắn bó với nhau và duy trì cộng đồng chủ yếu bằng những phong tục tập quán, ít có sự thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các gia đình có quan hệ họ hàng, dòng tộc với nhau. Dưới bản còn có một tổ chức nhỏ hơn là chòm, mỗi chòm từ 10 - 15 hộ hoặc có thể hơn, tùy thuộc vào số hộ của các bản nhiều hay ít.

Hàng năm, người Đan Lai thường cúng ma bản ba lần vào ngày 15 (Âm lịch) các tháng 1, 3 và 6 tại Đền ở bản Cò Phạt để cầu mong sự thịnh vượng và củng cố sự đoàn kết trong cộng đồng. Cúng ma bản là hình thức sinh hoạt cộng đồng lớn nhất, long trọng nhất của người Đan Lai. Điều khiển lễ cúng là Trùm bản. Đồ vật để tiến hành lễ cúng bao gồm hai con lợn, một trăm kẹp cá mát, một đầu trâu. Ngày cúng, cả bản nghỉ việc nương rẫy, tổ chức một bữa ăn tập thể ngoài trời. Đó là một bữa tiệc tương đối linh đình, mọi người trong bản cùng uống rượu và nhảy múa vui vẻ.

Về tâm lý, người Đan Lai sống rất vô tư, sôi nổi và thẳng thắn. Mặc dù cuộc sống thiếu thốn, khó khăn trăm bề nhưng họ ít biết đến sự tính toán và thủ đoạn, khi lao động thì hết mình, lúc ăn uống thì thoải mái. Họ sẵn sàng nấu ăn dư thừa để rồi sau đó có thể ăn không hết phải đổ đi, ngày mai lại lo những thứ mới. Thậm chí là ngày mai không còn gì thì vào rừng đào củ mài, củ nâu hoặc kiếm thứ khác để ăn. Thái độ đối với khách thể hiện rõ ràng, sống thật thà chất phác. Đời sống rất nghèo nhưng quan hệ láng giềng lại rất đoàn kết, nhìn vào đời sống kinh tế của một hộ là có thể đoán biết đời sống của cả bản làng. Nổi trội nhất trong đức tính của người Đan Lai là có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu, khi gia đình này khó khăn về cái ăn, cái mặc mà gia đình khác có đầy đủ hơn thì họ sẵn sàng chia sẻ để cứu giúp đồng loại.

Về cơ bản, điều mà ai cũng nhận thấy khi đến với người Đan Lai đó là tính cộng đồng và ý thức tự giác trong ứng xử với môi trường tự nhiên, xã hội và con người. Phẩm chất ấy xuyên suốt trong đời sống, nó trở thành nếp sống định hình như một nguyên tắc ứng xử, là chuẩn mực, là giá trị đạo đức và nhân cách của cộng đồng không bị hạn chế bởi không gian địa lý. Đây là yếu tố cơ bản giúp người Đan Lai cùng tồn tại và phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác. Sức mạnh nội lực âm thầm, lặng lẽ được lưu truyền và phát huy thông qua cách thức tổ chức cuộc sống của mỗi gia đình, dòng họ (Hoàng Kim Khoa, 2008, tr. 90).

Bản quy hoạch và thiết kế dự án đã dựa trên diện tích đất đai cụ thể của từng vùng để bố trí nơi ở và sản xuất cho người dân tái định cư. Bản Tân Sơn bố trí 16 và bản Cửa Rào 20 hộ gia đình. Các hộ gia đình trong bản được bố trí dọc theo tuyến đường chính và đường nội bản nên không gian toàn bản trở nên thông thoáng hơn so với nơi ở cũ. Mỗi hộ gia đình được phân chia một diện tích đất ở và đất vườn rộng rãi hơn nhiều so với khi còn ở trong vùng khe Khặng, thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp và bố trí các công trình phụ trợ trong gia đình. Mỗi bản tái định cư đều có một đội trưởng đội sản xuất đứng đầu để đại diện và phụ trách các công việc chung.

Trước khi tái định cư, làng bản của người Đan Lai chỉ thuần nhất một cộng đồng tộc người sống quây quần bên nhau trong cánh rừng nguyên sinh Pù Mát. Từ khi tái định cư, sự thuần nhất về cộng đồng tộc người đã bị phá vỡ. Làng bản của người Đan Lai giờ đây được bao quanh bởi người Thái, người Kinh. Sự giao lưu tiếp xúc đã trở nên cởi mở hơn, tạo điều kiện để người Đan Lai có thể học hỏi được nhiều điều tiến bộ hơn trong cuộc sống hàng ngày và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, bản tính mặc cảm, tự ti và thu mình của người Đan Lai đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình giao lưu và hội nhập của họ.

Khi thực hiện tái định cư, các hộ gia đình đều còn có mối quan hệ anh em họ hàng gần gũi nên phần nào vẫn duy trì được những đặc điểm cơ bản trong quan hệ cộng đồng nơi ở cũ. Đó là sự chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày. Dù hoàn cảnh kinh tế còn rất nhiều khó khăn, phần lớn các gia đình phải lo từng bữa ăn nhưng họ vẫn sẵn sàng chia sẻ cho nhau từng miếng bí, cái măng hay những nắm rau rừng,… để cùng nhau vượt qua những ngày tháng khó khăn trong quá trình tái định cư. Tuy nhiên, hiện nay do những tác động của đời sống và môi trường mới nên mối quan hệ cộng đồng cũng có những rạn nứt nhất định. Sự quan tâm giúp đỡ nhau đã trở nên hạn chế hơn. Một vài gia đình có điều kiện kinh tế ổn định hơn đã không còn vô tư giúp đỡ người khác như trước, họ đã có những hình thức khác nhau để bóc lột sức lao động chính những người thân của mình.

Trong quá trình sống và làm việc tại hai bản tái định cư, chúng tôi rất ít gặp những người đàn ông Đan Lai (trừ hai lần tổ chức đám cưới). Trong bản chỉ toàn thấy người già, phụ nữ và trẻ em, họ thường tụ tập ngồi trước cửa nhà uống nước chè, ăn trầu và nhìn về phía đầu bản để trông ngóng những người con, người chồng và người cha đi kiếm tiền, lương thực mang về cho gia đình. Nếu như còn người đàn ông nào ở trong bản thì họ đều vừa đi khe (rừng) về và phần lớn đang cùng nhau ngồi uống rượu hoặc đã say xỉn. Có lẽ, đây là một thực trạng đã trở nên quen thuộc trong đời sống của cộng đồng người Đan Lai nơi đây.     

2. Sự thay đổi trong kết cấu nhà cửa

Cũng như nhiều tộc người khác, nhà cửa của người Đan Lai là một không gian nhân tạo, một dạng thức cụ thể của văn hoá và là môi trường cư trú, sinh hoạt cho các thành viên của một gia đình. Trước đây, người Đan Lai có thói quen sống du canh du cư, nay đây mai đó. Do vậy, trước kia nhà chỉ là những túp lều tạm bợ, được dựng lên theo chiều dài của quá trình du cư, nó như những vết tích đánh dấu sự có mặt ở những nơi mà họ đã đến (Bùi Minh Đạo, 1978, tr. 92).

Khi thực hiện định canh định cư, ngôi nhà trở thành một biểu tượng văn hóa của tộc người, nơi sinh sống của nhiều thế hệ người Đan Lai. Do vậy mà kiến trúc nhà, vật liệu làm nhà cũng đã được quan tâm để ý. Dựng nhà là một sự kiện trọng đại, do đó, họ phải chọn ngày, chọn giờ tốt, làm các lễ cúng bái tổ tiên. Trước khi dựng nhà còn phải chọn mảnh đất tốt và hướng nhà phù hợp thì gia chủ mới được khỏe mạnh và sung túc khi ở trong ngôi nhà đó. Khi vào ở trong ngôi nhà mới mà các thành viên trong gia đình ốm đau, làm ăn không được thuận lợi, gia súc nuôi bị chết thì phải tiến hành dựng lại nhà.  Nếu vẫn không được thì gia đình phải chuyển đến một nơi ở mới.

Cũng như nhiều dân tộc khác, nhà của người Đan Lai được làm theo kiến trúc nhà sàn. Các ngôi nhà nhỏ thường là cột chôn. Nhà sàn cột kê thường là của những gia đình đông người và có điều kiện kinh tế. Vật liệu làm nhà là những thứ sẵn có trong rừng như gỗ, mét, nứa, tre, cọ, tranh,… Cấu trúc cơ bản trong ngôi nhà sàn của người Đan Lai thường được chia làm ba gian, gọi là gian một, gian hai (gian giữa) và gian ba (gian bếp). Giữa các gian trong nhà thường không có vách ngăn cách làm cho không gian trong nhà rộng rãi và thoáng đãng hơn.

Sơ đồ 1: Cấu trúc không gian ngôi nhà truyền thống

 Nguồn: Điều tra thực địa tháng 10/2009

Chú thích: 1. Bàn thờ tổ tiên, 2. Nơi trải chiếu ngủ, 3. Buồng ngủ phụ nữ/vợ chồng mới cưới,

4. Bếp, 5. Cửa ra vào, 6. Cầu thang, 7. Sàn phía sau

Gian 1: Nơi đặt bàn thờ tổ tiên, nơi ngủ của các thành viên trong gia đình. Khi nhà có khách, có thể trải thêm chiếu ở đây để làm nơi nghỉ; Gian 2: Nơi đặt buồng ngủ cho phụ nữ/vợ chồng mới cưới. Đây là gian chỉ giành riêng cho các thành viên trong gia đình. Nếu người lạ bước vào sẽ bị phạt. Phía trên của gian giữa có trạn[1]; Gian 3: Nơi nấu nướng của gia đình, nơi các thành viên quây quần với nhau mỗi khi đến bữa ăn. Xưa kia, tục ngủ ngồi[2] còn phổ biến, thì gian bếp còn là nơi mọi người quây quần để sưởi ấm và ngủ.

Từ bao đời nay, trong cuộc sống nơi rừng sâu, núi thẳm, ngôi nhà truyền thống đã giúp đồng bào vượt qua những khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên, chống lại thú dữ. Nó vừa là một yếu tố vật thể lại vừa thể hiện những đặc điểm phi vật thể mang tính phổ biến của một cộng đồng. Chính điều đó đã tạo nên các đặc trưng riêng biệt, phổ biến, tương đối bền vững trong tâm thức của mỗi người dân Đan Lai. Đó chính là bản sắc văn hóa riêng của họ.

Hiện nay, các bản vùng khe Khặng đã xuất hiện nhiều ngôi nhà nền đất. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn và nguyên vật liệu (gỗ) đã trở nên khan hiếm hơn trước, các gia đình không có đủ điều kiện để làm nhà sàn.

Dự án tái định cư cho đồng bào Đan Lai do UBND huyện Con Cuông làm chủ đầu tư đã xây dựng mới hoàn toàn hệ thống cơ sở hạ tầng. Mỗi hộ được chia một căn nhà cấp bốn theo hình thức bốc thăm để lựa chọn địa điểm. Tính bình quân mỗi hộ có 6 nhân khẩu nên quy mô xây dựng nhà ở trên tổng diện tích 61m2 (nhà ba gian, kề bên là một gian bếp, phía sau bếp là giếng nước) với tổng số tiền theo dự toán là 48 triệu đồng (UBND huyện Con Cuông, 2001, tr. 114).

Sơ đồ 2: Cấu trúc không gian ngôi nhà tái định cư

 

Nguồn: Điều tra thực địa tháng 3/2010

Chú thích: 1. Bàn thờ tổ tiên, 2. Nơi đặt giường/chiếu ngủ, 3. Cửa ra vào, 4. Bếp,

 5. Giếng nước, 6. Sân

Gian 1: Phòng khách, nơi đặt bàn thờ tổ tiên; Gian 2: nơi ngủ của các thành viên trong gia đình. Khi nhà có khách, có thể trải thêm chiếu để làm nơi nghỉ; Gian 3: Gian buồng, nơi đặt giường/chiếu ngủ cho vợ chồng, đồng thời là nơi để lương thực, thực phẩm của gia đình; Gian 4: Gian bếp, nơi nấu nướng và ăn uống của gia đình.

Như vậy, từ khi tái định cư người Đan Lai không còn được sống trong những ngôi nhà sàn truyền thống. Cấu trúc không gian cũng gần như đã thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Phải mất một thời gian khá dài đồng bào mới quen sinh hoạt trong các ngôi nhà tái định cư. Thời gian đầu, những sinh hoạt trong gia đình bị xáo trộn, đồng bào đã bỡ ngỡ ngay chính trong ngôi nhà của mình. Nhà ở khu tái định cư vừa không phù hợp với phong tục như bàn thờ đặt chính giữa nhà, đối diện với cửa ra vào, không có căn buồng riêng,… lại không thỏa mãn về nhu cầu sử dụng của người dân. Hơn nữa, cho đến nay, các công trình phụ trợ đáp ứng nhu cầu cuộc sống của đồng bào như chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhà tắm vẫn không được chủ đầu tư xây dựng do thiếu nguồn kinh phí.

3. Quan hệ với các cộng đồng cư dân khác

Môn Sơn là một xã vùng biên, có đường biên giới giáp với nước CHDCND Lào. Cùng cải tạo thiên nhiên và tạo lập cuộc sống nơi đây có người Thái, người Đan Lai và người Kinh (Đảng bộ huyện Con Cuông, 2004, tr. 12). Mối quan hệ tộc người nơi đây không chỉ diễn ra trên địa bàn xã, huyện mà còn bao gồm cả quan hệ với các tộc người sinh sống bên kia biên giới. Tính đến tháng 3/2010, toàn xã có 1.883 hộ với 8.504 khẩu, trong đó người Tháí 79,9%, người Đan Lai 13,4% và người Kinh 6,7% (UBND xã Môn Sơn, 2010, tr.1).

Trước đây, trong xã hội cũ, người Đan Lai không có sự bình đẳng trong quan hệ dân tộc. Họ bị lệ thuộc vào các chúa đất người Thái. Do đó, họ thường mặc cảm, tự ti và bị cô lập trong quan hệ tộc người. Người Thái, người Kinh có tư tưởng kỳ thị và phân biệt đối với người Đan Lai. Tuy nhiên, do sinh sống trên cùng một địa bàn nên giữa các tộc người nảy sinh quan hệ giao lưu, trước hết là giao lưu kinh tế. Người Thái, người Kinh trao đổi và thu mua các mặt hàng lâm thổ sản của người Đan Lai như song mây, củ nâu, mật ong rừng, rễ hương,… Ngược lại, người Đan Lai sử dụng các loại giống cây trồng, công cụ sản xuất, vải và váy áo của người Thái. Các thương nhân người Thái, người Kinh cung cấp các mặt hàng thiết yếu như muối, dầu đèn, kim chỉ,... và lương thực, thực phẩm. Ảnh hưởng của văn hóa Thái trong đời sống của cộng đồng người Đan Lai là khá đậm nét. Xu hướng Thái hóa ở người Đan Lai là điều nhận thấy khá rõ nét.

Vài chục năm trở lại đây, mối quan hệ tộc người đã có những chuyển biến. Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước là bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và cùng phát triển giữa các dân tộc. Người Đan Lai đã được bình đẳng với các tộc người khác. Họ là đối tượng được quan tâm của các chương trình, dự án phát triển. Đồng bào Đan Lai đã bắt đầu hòa nhập để phát triển kinh tế - xã hội.

Sau những năm chiến tranh chống Mĩ, các bản Đan Lai vùng Khe Khặng có vai trò quan trọng và trở thành lực lượng chủ yếu trong khai thác gỗ cho Lâm trường Con Cuông. Trong sản xuất, ngoài việc được tập huấn kỹ thuật làm ruộng nước, làm vườn theo kiểu người Kinh, đồng bào còn học hỏi các kỹ thuật nông nghiệp tại địa phương của người Thái. Nhiều giống cây trồng và vật nuôi mới được bà con đưa vào sản xuất.

Trong vùng Khe Khặng, dân cư chủ yếu là người Đan Lai, chỉ có một số ít người Thái và người Kinh có quan hệ hôn nhân hỗn hợp trong những hoàn cảnh khác nhau đã trở thành những thành viên của cộng đồng này. Những người Thái vào vùng này thường rơi vào hoàn cảnh éo le. Nếu là nam giới, do quá nghèo khổ, không có điều kiện lấy được vợ cùng tộc người nên vào trong này để lấy vợ và ở rể. Còn phụ nữ, thường là những trường hợp “quá lứa, lỡ thì” hoặc đã trải qua một đời chồng. Ở bản Cò Phạt có chị Lê Thị Hương là người Kinh, hay vào vùng này để buôn bán và trao đổi hàng hoá rồi lấy chồng là người Đan Lai và định cư luôn ở đây.

Về cơ bản, cộng đồng người Đan Lai vùng Khe Khặng là một cộng đồng tương đối thuần nhất, điều đó chính là nền tảng để duy trì các đặc trưng văn hóa truyền thống, cùng đoàn kết và tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày.   

Từ khi tái định cư, đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong quan hệ dân tộc. Hai bản tái định cư của người Đan Lai nằm giữa các bản làng của người Thái và người Kinh. Bản Tân Sơn với 125 hộ, chủ yếu là dân tộc Thái, có 5 hộ dân tộc Kinh. Bản Cửa Rào có 70 hộ, có 66 hộ dân tộc Kinh và 4 hộ dân tộc Thái (UBND xã Môn Sơn, 2010, tr. 18). Chính điều này đã làm những dấu ấn văn hoá của người Đan Lai vốn đã nhạt nhòa trong những năm tháng vật lộn với cuộc sống khó khăn trong vùng khe Khặng ngày càng trở nên mờ nhạt hơn. Những ảnh hưởng của văn hóa người Thái và người Kinh ngày càng rõ nét đến mức khó có thể tìm thấy những dấu ấn văn hóa truyền thống của người Đan Lai ngoài sự đói khổ triền miên vẫn đang đeo bám họ từng ngày.

Hiện nay, hiện tượng song ngữ và đa ngữ phổ biến ở người Đan Lai tái định cư. Đồng bào chỉ sử dụng tiếng Đan Lai trong sinh hoạt gia đình và thôn bản. Ngoài ra, người Đan Lai còn sử dụng thành thạo tiếng Thái và tiếng Kinh để giao tiếp. Đồng bào cho biết, tiếng Kinh và tiếng Thái rất thuận lợi cho họ mua bán, trao đổi hàng hoá, giao dịch với cơ quan nhà nước. Đặc biệt, tiếng Kinh giúp con em học hành, đồng bào nghe và hiểu được các phương tiện nghe nhìn để nâng cao nhận thức và nắm bắt những tiến bộ trong đời sống.

Tuy nhiên, trong quan hệ dân tộc, người Đan Lai tái định cư vẫn mang nặng tính tự ti, luôn mặc cảm mình có trình độ thấp kém, lạc hậu và đói khổ nhất trong vùng. Trong giao tiếp với người Kinh họ thường trốn tránh và tỏ ra dè dặt. Tâm lý lệ thuộc vào người Thái vẫn còn ảnh hưởng rất lớn. Mặt khác, những người Thái, người Kinh luôn cho họ là những người lười biếng, nghèo khổ và đói rách. “Đàn ông thì uống rượu còn đàn bà chẳng chịu làm gì, suốt ngày cùng nhau ngồi nhai trầu nên đói khổ là đương nhiên” (Ông Vi Văn Lanh, bản Tân Sơn). Các hiện tượng xấu đã xuất hiện trong đời sống của người Đan Lai như hiện tượng thanh niên gây gổ, đánh nhau, trộm cắp, cuối năm 2009, gia đình anh La Văn Bằm ở bản Tân Sơn bị mất trộm một con trâu. Đây là tài sản có giá trị kinh tế cao nhất trong gia đình. Điều này đã gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong cộng đồng người dân tái định cư và ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ với các tộc người Thái, Kinh trong vùng. 

Người Đan Lai thường đi làm thuê cho người Thái, người Kinh trong vùng. Khi không có lương thực, thực phẩm hay các loại giống (lúa, ngô) và phân bón,… họ thường đến các gia đình người Thái, người Kinh để vay. Đến khi thu hoạch hoặc có tiền thì thường phải trả gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với giá trị thực của sản phẩm hoặc bỏ sức đi làm thuê để trừ dần số nợ. Tình trạng nợ nần phổ biến trong hầu hết các gia đình Đan Lai tái định cư.

Trải qua một thời gian sinh sống, mặc dù còn có những mặc cảm nhưng do địa bàn cư trú gần nhau, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền nên quan hệ giữa các tộc người cũng đã rộng mở hơn. Đồng bào người Thái, người Kinh đã trao đổi, chỉ bảo cách làm ăn và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp,… cho người Đan Lai. Thanh niên người Thái đến bản tái định cư để chơi và tìm vợ. Năm 2010, chúng tôi đã trực tiếp tham gia hai đám cưới của hai cô gái người Đan Lai lấy chồng người Thái.  

Có thể nói kể từ khi thực hiện tái định cư, cuộc sống của người Đan Lai ở hai bản Tân Sơn và Cửa Rào đã thay đổi nhanh chóng trên tất cả các phương diện trong đời sống kinh tế - văn hoá - xã hội.

Sự thay đổi mạnh mẽ trong đời sống kinh tế đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống văn hóa - xã hội. Sự thay đổi dễ nhận ra nhất là cơ sở hạ tầng ở khu tái định cư được cải thiện hơn trước như giao thông, điện, nước, giáo dục, y tế,… Có thể nói, đây là những lĩnh vực mà sự thay đổi mang tính tích cực, có tác dụng tốt và ảnh hưởng lâu dài tới cuộc sống của đồng bào Đan Lai nơi đây.

Một lối sống mới đã và đang hình thành trên nhiều mặt của đời sống xã hội. So với trước đây, làng bản và nhà cửa của đồng bào đã khang trang hơn. Đời sống sinh hoạt tại các làng bản và quan hệ cộng đồng với các tộc người xung quanh ngày càng cải thiện và mở rộng hơn trước. Trong giao lưu tiếp xúc tộc người có cả sự học hỏi và sự ảnh hưởng văn hóa lẫn nhau. Ngoài xu hướng Thái hóa trong văn hóa Đan Lai trước đây vẫn còn thì xu hướng Kinh hóa đang diễn ra phổ biến. Quan hệ huyết thống vẫn được duy trì nhưng đang mờ nhạt dần.

Các giá trị văn hóa truyền thống được nuôi dưỡng trong những bối cảnh đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương cụ thể. Sự thay đổi của các điều kiện sinh thái nhân văn và hoàn cảnh xã hội sẽ dẫn đến những thay đổi tất yếu của văn hóa. Sẽ không có gì đáng nói nếu sự biến đổi đó diễn ra tự nhiên, được cộng đồng thừa nhận và lựa chọn. Tuy nhiên, trong trường hợp tái định cư bắt buộc đã không cho người Đan Lai lựa chọn những gì họ mong muốn. Chính điều đó đã làm thay đổi sâu sắc đời sống văn hóa của cộng đồng, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội.

Nghiên cứu về tái định cư và sự thay đổi đời sống của người dân Đan Lai ở hai bản Tân Sơn và Cửa Rào cho thấy còn có rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải suy nghĩ và giải quyết, nhằm từng bước đưa người dân nơi đây thoát ra khỏi cảnh đói nghèo lạc hậu, dần ổn định đời sống và sản xuất trên quê hương mới, với sự hỗ trợ và chung tay của Nhà nước, sự nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ của người dân, sự năng động của chính quyền địa phương, tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, có thể kỳ vọng ở một tương lai không xa, cuộc sống của bà con người Đan Lai nơi đây sẽ trở thành một điểm sáng điển hình trong công cuộc tái định cư.                                                                                              

Tài liệu tham khảo

  1. Đảng bộ huyện Con Cuông (2004), Lịch sử Đảng bộ huyện Con Cuông, tập 1 (1931 - 2003), Nxb. Nghệ An.
  2. Bùi Minh Đạo (1978), Bước đầu khảo sát phong tục tập quán thời kỳ trước cách mạng tháng Tám của người Đan Lai, Ly Hà ở huyện Con Cuông, Nghệ Tĩnh. Luận văn tốt nghiệp đại học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp HN.
  3. Hoàng Kim Khoa (2008), Chuyển biến trong đời sống kinh tế - văn hóa của tộc người Đan Lai ở huyện Con Cuông - Nghệ An (từ năm 1973 đến năm 2007). Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, Trường Đại học Vinh.
  4. UBND huyện Con Cuông (10/2001), Báo cáo nghiên cứu khả thi Thực hiện tái định cư đồng bào dân tộc Đan Lai 3 bản Cò Phạt - Khe Cồn - Bản Búng xã Môn Sơn - huyện Con Cuông -  tỉnh Nghệ  An. Con Cuông.
  5. UBND xã Môn Sơn (3/2010), Báo cáo tình hình cơ bản xã Môn Sơn, Môn Sơn.

 



*Khoa Lịch sử - trường Đại học Vinh

 

[1]Trạn được ghép bằng nhiều tấm gỗ khác nhau là nơi cất giữ những vật dụng quan trọng, hoặc những gì chưa dùng đến, là nơi để cất giữ và bảo quản lương thực.

[2] Người Đan Lai dùng một cành cây để tì vào trán hoặc cằm và ngồi ngủ ngay bên bếp lửa.

 

Bùi Minh Thuận

The older news.............................