TỪ MỘT ĐỊNH NGHĨA KHÁI NIỆM VĂN HÓA MANG ĐẬM BẢN CHẤT NHÂN VĂN ĐẾN TRIẾT LÝ VĂN HÓA LÃNH ĐẠO TRONG TƯ DUY VĂN HÓA HỒ CHÍ MINH
Thành Duy*
Bất cứ một quan điểm mới nào xuất hiện cũng phải trên cơ sở lý luận nhất định. Cơ sở lý luận của việc hình thành triết lý văn hóa lãnh đạo trong tư duy văn hóa Hồ Chí Minh ra đời trong quá trình Người trải nghiệm cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Người đã thể hiện rõ ý tưởng triết lý đó từ một định nghĩa nổi tiếng về khái niệm văn hóa, đồng thời xác định rõ ý nghĩa sâu xa của nó trong xã hội loài người.
Định nghĩa về khái niệm văn hóa, Hồ Chí Minh không chỉ cho ta thấy văn hóa theo nghĩa rộng bao quát hết thảy mọi lĩnh vực cuộc sống con người mà còn cho thấy rõ mối quan hệ sâu sắc, toàn diện và tiềm ẩn giữa văn hóa với mọi con người và xã hội loài người nói chung. Từ đó, Người đúc kết một cách hết sức sâu sắc chức năng văn hóa trong cụm từ văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi và văn hóa lãnh đạo quốc dân, để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ.
Cụm từ mang tính triết lý ấy đã giải đáp tiến trình con người từ hình thái sinh tồn tự nhiên trở thành CON NGƯỜI viết hoa, như chúng ta thường khẳng định, khi con người biết sử dụng cái gọi là văn hóa vào nhu cầu cuộc sống và mục đích của sự sinh tồn. Rõ ràng, do nhu cầu cuộc sống và mục tiêu sinh tồn đã đòi hỏi con người phải nghĩ ra chữ viết, các nhu cầu cần thiết về ăn, mặc, ở, đi lại, và cả việc tạo ra cung cách, phương thức sử dụng nó ngày càng tiến triển, để trên cơ sở đó con người hình thành xã hội loài người từ hình thức đơn sơ theo nhóm người, tộc người đến xã hội loài người ngày càng phong phú, phức tạp; từ chỗ còn sơ khai, mông muội đến việc hình thành xã hội loài người ngày càng văn minh như ngày nay… Quá trình đó phải trải qua thời gian hàng triệu triệu năm, gắn liền với sự tiến triển không ngừng của văn hóa hết sức đa dạng và phong phú, như Hồ Chí Minh quan niệm trong một định nghĩa mở đầu về khái niệm văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[1].
Với định nghĩa nêu trên, Hồ Chí Minh không chỉ thấy rõ văn hóa gắn liền với nhu cầu cuộc sống và đòi hỏi của sự sinh tồn, mà hơn thế, Người còn khẳng định rõ ý nghĩa nhân văn sâu xa, tiềm ẩn của văn hóa. Chính văn hóa, và chỉ có văn hóa, mới mang lại cho con người niềm hạnh phúc thật sự cũng như toàn bộ giá trị cuộc sống, khiến cho bản thân con người như một sản phẩm chủ yếu của văn hóa trong vô vàn sản phẩm khác sinh ra từ vũ trụ. Có thể nói, định nghĩa về khái niệm văn hóa của Hồ Chí Minh là một trong những định nghĩa đúng đắn nhất, dễ hiểu nhất và cũng mang bản chất nhân văn sâu sắc nhất, cho dù nhân loại đã có hàng trăm định nghĩa khác nhau về văn hóa.
Không chỉ có định nghĩa về khái niệm văn hóa, Hồ Chí Minh còn đề cập đến năm điểm lớn trong xây dựng nền văn hóa dân tộc, bao gồm: 1) Xây dựng tâm lý: lý cách, tinh thần độc lập tự cường. 2) Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 3) Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội. 4) Xây dựng chính trị: dân quyền. 5) Xây dựng kinh tế. Năm điểm lớn ấy phản ánh mối quan hệ giữa văn hóa với mọi mặt của xã hội, gắn liền với xã hội văn minh, một xã hội trong đó con người là tâm điểm, là hạt nhân của văn hóa và do văn hóa mang lại. Năm điểm lớn ấy cũng là bốn vấn đề cơ bản của xã hội loài người, như có lúc Người nói đến. Đó là kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, phải được quan tâm như nhau trong một xã hội phát triển bền vững.
Định nghĩa văn hóa theo nghĩa rộng, mang đậm bản chất nhân văn và năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc của Hồ Chí Minh, không chỉ đưa ra nội dung chính xác về khái niệm văn hóa đã từng được bàn luận trong nhiều thập kỷ, mà còn nói rõ một triết lý phát triển xã hội hiện đại, trong đó văn hóa được xem là nền tảng tinh thần hay văn hóa phi vật thể, bao gồm đạo đức, lối sống,… cả toàn bộ hình thái ý thức xã hội; cùng với nền tảng vật chất được xem là văn hóa vật thể, bao gồm toàn bộ những công cụ sản xuất, những hình thái công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cả những phương thức sử dụng ngày càng phong phú, phức tạp, văn minh, thậm chí cả trong thế giới ảo của hệ thống thông tin đại chúng, tạo nên những bước đột biến về sức mạnh mềm của văn hóa. Văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể là những điều kiện sinh tồn và nhu cầu cuộc sống của xã hội loài người trong suốt chiều dài lịch sử, cho đến ngày nay vẫn tiếp tục phát triển.
Cần phải khẳng định khái niệm triết lý trong mối quan hệ với quan điểm văn hóa lãnh đạo, bởi lẽ, những nội dung trong khái niệm văn hóa cũng như năm điểm lớn ấy vốn gắn liền với mục tiêu phát triển con người và xã hội loài người trong mọi thời đại từ thấp đến cao, trải qua bốn cấp độ tư duy cơ bản, phản ánh quá trình tồn tại và phát triển của nền văn minh trí tuệ trong xã hội hiện đại ngày nay; đó là: 1) Cấp độ đầu tiên gắn văn hóa với mục tiêu cuộc sống và điều kiện sinh tồn của từng con người, mỗi người cụ thể. Có thể nói, đó là cấp độ đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, phổ cập nhất, đồng thời quan trọng nhất, vì nó gắn liền với mỗi con người cụ thể ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần, mọi đặc điểm của con người. 2) Cấp độ thứ hai gắn liền văn hóa với sự hình thành xã hội mới, nhằm xây dựng tâm lý, luân lý, kinh tế, chính trị và xã hội văn hóa cao. Cấp độ tư duy này đã bao quát văn hóa với xã hội loài người, mang tính trừu tượng hóa ngày càng cao, đồng thời văn hóa đã trở thành nhân tố trung tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển xã hội loài người từ thấp lên cao. 3) Cấp độ thứ ba gắn liền văn hóa với ý thức con người và xã hội có văn hóa cao, tạo nên chức năng văn hóa phải chỉ đường, văn hóa có thể khiến người ta chống những mặt trái của con người tự nhiên, chống tiêu cực, “nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ” như Hồ Chí Minh nói. Đến đây, văn hóa không chỉ trở thành tư duy trừu tượng mà còn tạo ra một hình thái ý thức hệ, ngọn nguồn phát triển tư duy sáng tạo của con người, khiến cho con người có thể coi văn hóa như phương tiện phát triển bền vững. 4) Cuối cùng là cấp độ văn hóa lãnh đạo quốc dân, tức văn hóa không chỉ đạt trình độ trừu tượng cao mà còn có khả năng điều tiết và điều khiển hành động con người tiến tới phát triển cao; Từ đó, văn hóa trở thành văn hóa lãnh đạo quốc dân, xây dựng xã hội mới theo yêu cầu phát triển xã hội có văn hóa cao, xã hội văn minh thật sự. Tóm lại, văn hóa không chỉ là nhu cầu cuộc sống và đòi hỏi của sự sinh tồn mà còn trở thành trung tâm, nổi trội của xã hội loài người.
Điều này cũng phù hợp với một dự báo khá thú vị của Juquin[2] về các xã hội loài người phải trải qua những giai đoạn nổi trội khác nhau mà giai đoạn hiện nay chính là vị trí nổi trội của văn hóa. Trong tác phẩm Những điều tự phê bình, ông viết: “Nhìn một cách sơ lược, trong xã hội Hy Lạp cổ đại, tính nổi bật là chính trị, trong xã hội trung cổ, tính nổi bật là tôn giáo, trong xã hội tư bản, tính nổi bật là kinh tế. Phải chăng, có thể khái niệm chủ nghĩa xã hội là sự kéo dài của tính nổi bật đó? Hay đúng hơn là nó phải đáp ứng một tính hợp lý khác? Tính nổi bật của xã hội xã hội chủ nghĩa không còn là kinh tế, mà là văn hóa”[3]. Nói rõ hơn quan điểm của mình, Juquin còn viết: “Cái cho phép giai cấp công nhân trở thành một lực lượng lịch sử, đó là văn hóa”[4]. Đó là nền văn hóa của sự đoàn kết, là nền văn hóa được thiết lập trên cơ sở một hình thái xã hội cao hơn, một xã hội trong đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” như Mác, Ăngghen nói trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Một xã hội văn hóa cao được mệnh danh là sức mạnh mềm từ khi loài người bước vào nền văn minh mới - văn minh trí tuệ.
Ý nghĩa của triết lý ấy là ở chỗ, nếu không có cái gọi là văn hóa làm nền tảng tinh thần và cả phương tiện để tạo ra những công cụ cho con người có ăn, có mặc, có chỗ ở, có đi lại và lưu giữ nó thông qua việc học hành thì làm sao có xã hội loài người. Khi đã có xã hội loài người văn hóa cao thì tự nhiên văn hóa chi phối mọi lĩnh vực cuộc sống, văn hóa phải chỉ đường cho quốc dân đi. Đến lúc này thì khái niệm lãnh đạo trùng hợp với khái niệm văn hóa và thực chất là văn hóa lãnh đạo chứ không phải một thế lực nào có quyền lực hơn văn hóa. Cho nên, nói rằng văn hóa là thế giới thứ hai phản ánh thế giới loài người là hoàn toàn chính xác. Thậm chí, còn có thể nói, văn hóa với con người cùng hình thành, cùng đồng hành, tồn tại và tiến triển cho đến ngày nay và mãi mãi.
Hơn nữa, nếu con người là sản phẩm của tự nhiên thì văn hóa là sản phẩm của con người. Mặt khác, nếu nói văn hóa là sản phẩm của con người thì nhân tính là sản phẩm của văn hóa. Như vậy, vấn đề cần nói ở đây không chỉ là mối quan hệ giữa văn hóa với con người mà còn là mối quan hệ giữa văn hóa với nhân tính, tức không phải con người nói chung mà là con người trong bản chất nhân văn, nhân tính của nó. Cũng chính vì vậy, viện sĩ Rausenbác (Liên Xô) nói: “Nếu con người là thước đo vạn vật thì văn hóa là thước đo nhân tính của thế giới”. Điều đó cho thấy giữa văn hóa và con người chẳng những có mối quan hệ khăng khít mà còn phụ thuộc vào nhau trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Song, chỉ đến khi con người có ý thức sử dụng văn hóa vào mục đích sinh tồn và nhu cầu cuộc sống, nghĩa là biến văn hóa từ thụ động đến chủ động, văn hóa mới mang ý nghĩa triết lý văn hóa lãnh đạo, trở thành mục tiêu và động lực phát triển trong mọi lĩnh vực cuộc sống xã hội loài người như một triết lý duy nhất gắn liền với phát triển các nền văn minh.
Chính vì điều đó, Ăngghen mới khẳng định một quan điểm hết sức quan trọng trong buổi lễ an táng Các Mác mà trong thời của mình Mác chưa có điều kiện nói rõ. Mặc dù toàn bộ sự nghiệp của Mác, từ sự phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư đến hình thức đấu tranh giai cấp để hình thành một xã hội mới, đều mang ý nghĩa của quan điểm mà Ănghen cho rằng nó ngang với điều Darwin phát hiện ra quy luật của sự sống.
Đó là quan điểm con người trước hết phải có ăn, mặc, ở,… rồi mới nghĩ đến làm chính trị... Điều đó cũng đồng nghĩa với việc con người chỉ tạo ra thế giới loài người trên cơ sở tạo ra văn hóa. Không có văn hóa, không có con người theo đúng nghĩa của con người. Và cũng vì vậy, văn hóa không chỉ tồn tại với ý nghĩa thụ động mà còn với ý nghĩa chủ động, khi con người biết sử dụng nó vào mục đích của sự sinh tồn và nhu cầu cuộc sống. Từ đó xuất hiện chức năng lãnh đạo của văn hóa như Hồ Chí Minh quan niệm là lẽ đương nhiên. Có điều là, khi đề cao chức năng lãnh đạo của văn hóa, Hồ Chí Minh không chỉ coi văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu của phát triển kinh tế - xã hội, mà còn coi văn hóa có vị thế cao hơn là phải chỉ đường, lãnh đạo cho quốc dân đi, như một quy luật quan trọng nhất của xã hội loài người.
Cũng cần thấy bối cảnh những trải nghiệm của Hồ Chí Minh trong quá trình Người phát hiện ra chức năng văn hóa phải chỉ đường cho quốc dân đi. Đứng trước nguy cơ thực dân Pháp muốn chiếm lại nước ta một lần nữa sau Cách mạng Tháng Tám 1945 vừa thành công, nghĩa là khi đất nước còn vô vàn khó khăn, Hồ Chí Minh mới ý thức rõ hơn khả năng vô tận của văn hóa, khiến Người tìm thấy sức mạnh trong chính văn hóa khi đứng trước một kẻ thù vốn có tiềm năng quân sự hơn hẳn chúng ta.
Làm thế nào và bằng cách nào để nhân dân ta có niềm tin vào sự nghiệp chính nghĩa của mình trong lúc thù trong giặc ngoài đang bao vây tứ phía, nền độc lập vừa giành được trong cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Chính lúc này, Hồ Chí Minh đưa ra lời khẳng định: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”[5] tựa như một mệnh lệnh chiếu sáng vào cõi tâm linh sâu thẳm nhất của mỗi người Việt Nam có niềm tin chiến thắng vào cuộc kháng chiến không cân sức với bọn thực dân Pháp đang lăm le chiếm lại nước ta. Lời khẳng định đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nhân dân ta đã nhất tề đứng lên cùng Đảng và Nhà nước còn hết sức non trẻ, tổ chức cuộc kháng chiến thần thánh đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Sau đó, cũng trong bài phát biểu của mình, Hồ Chí Minh đưa ra kết luận: “Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân, để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”[6], một lần nữa khẳng định niềm tin vào sự tất thắng của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của nhân dân ta.
Ý nghĩa của triết lý văn hóa lãnh đạo quốc dân không chỉ có tác dụng trước đây trùng hợp với khái niệm văn hóa phải chỉ đường cho quốc dân đi mà còn vượt xa thời gian, mang giá trị thời sự nóng bỏng trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi đất nước ta hội nhập với thế giới toàn cầu hóa vô vàn thách thức như hiện nay. Với ý nghĩa đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chỉ có thể hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm tiến lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trong điều kiện thấm nhuần triết lý văn hóa lãnh đạo quốc dân trong tư duy văn hóa vô cùng sáng suốt của Hồ Chí Minh.
Vậy làm thế nào để văn hóa trở thành văn hóa lãnh đạo quốc dân theo ý nghĩa tích cực nhất, đúng đắn nhất, cách mạng nhất. Đó là tất cả những vấn đề mà ngày nay chúng ta cần làm rõ, không chỉ văn hóa gắn với con người nói chung mà là văn hóa gắn với Đảng cầm quyền, gắn với Nhà nước quản lý đúng tầm, gắn với công dân của một đất nước có văn hóa cao theo đúng nghĩa của khái niệm văn hóa hiện đại, văn hóa tiên tiến, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nghĩa là văn hóa lãnh đạo quốc dân theo tư duy văn hóa Hồ Chí Minh.
Mọi lý thuyết chỉ có giá trị khi nó được vận dụng vào thực tiễn và mang lại những hiệu quả thiết thực trong thực tiễn. Giá trị của quan điểm văn hóa lãnh đạo quốc dân chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi nó được vận dụng vào thực tiễn xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa. Trong thực tế, cũng chỉ có xã hội mới, xã hội chủ nghĩa thì triết lý văn hóa lãnh đạo quốc dân mới có ý nghĩa và mới có điều kiện trở thành hiện thực. Do đó, có thể nói, triết lý văn hóa lãnh đạo gắn liền với xã hội mới như chính bản thân học thuyết cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nếu lý tưởng giải phóng loài người của Mác là một ý thức hệ cách mạng và khoa học của giai cấp vô sản thì triết lý văn hóa lãnh đạo của Hồ Chí Minh là một công cụ hữu hiệu và vô cùng thiết yếu của những người lao động thực hiện lý tưởng giải phóng bản thân và xã hội. Cho nên, cần phải nói đến ý nghĩa và giá trị thực tiễn của triết lý văn hóa lãnh đạo trong Đảng cầm quyền, trong Nhà nước quản lý và cả trong xã hội công dân xã hội chủ nghĩa.
* PGS.TS.; Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, (xuất bản lần thứ hai), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, T. 3, tr. 431.
[2] Pierre Juquin, năm 1985 là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp.
[3] Juquin, Những điều tự phê bình, Nxb. Grosset, Paris, tr. 105.
[5] Xem: Danh ngôn Hồ Chí Minh, Nxb. Văn học, 2011, Hà Nội, tr. 203..
[6] Xem: Sđd trên, tr. 203.
Thành Duy