QUYỀN ĐƯỢC CHĂM SÓC SỨC KHỎE: ĐÁNH GIÁ TỪ GÓC ĐỘ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI
Nguyễn Thị Anh Đào*
Việc thực thi quyền được chăm sóc sức khỏe (CSSK) ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua mặc dù đã thu được những thành tựu đáng ghi nhận song cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, nhất là về các điều kiện đảm bảo thực thi. Xét từ góc độ phát triển con người[1], có thể rút ra bốn vấn đề cơ bản sau đây làm cơ sở cho việc tìm ra các giải pháp nhằm hoàn thiện việc thực thi quyền này - một điều kiện cơ bản cho phát triển con người.
1) Tính sẵn có của hệ thống chăm sóc sức khỏe
Các nhân tố cung, cầu nói chung đều tác động đến tiếp cận dịch vụ xã hội (y tế, giáo dục) nhưng nói riêng về nhân tố cung thì có thể kể ra là sự sẵn có và dễ dàng tiếp cận các dịch vụ, chất lượng dịch vụ và thái độ của nhân viên. Cụ thể là hệ thống y tế cơ sở và trung ương, đội ngũ nhân viên ngành y với năng lực và thái độ phục vụ, cuối cùng là trang thiết bị y tế trong hệ thống y tế. Về phía cầu là khả năng tiếp cận, nhận thức và mức độ hài lòng của người hưởng dịch vụ hay chủ thể của quyền CSSK.
Về cơ bản, hệ thống văn bản pháp luật cụ thể hóa chủ trương chính sách và hệ thống y tế từ cơ sở đến trung ương nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực thi quyền CSSK cho người dân đã sẵn có và khá đầy đủ theo nghĩa khi ốm đau người dân có nơi đến để có thể được thăm khám và chữa trị, đồng thời tiếp cận các dịch vụ dự phòng ngăn ngừa các loại bệnh tật.
Năm 2008, 100% phường xã có cán bộ y tế, 65% xã có bác sĩ, 93,3% có bà đỡ hoặc hộ lý sản/nhi, 87% thôn bản có cán bộ y tế. Các phòng khám công bao gồm 12.000 trung tâm (trạm) y tế xã hiện diện ở mọi xã hoặc khu dân cư làm nên xương sống của hệ thống y tế dự phòng, vì chăm sóc y tế dự phòng chủ yếu do nhà nước cung cấp. Bổ sung cho hệ thống y tế này, số lượng các phòng khám và bệnh viện ngoài công lập cũng đang tăng nhanh chóng cùng với các loại hình dịch vụ y tế đa dạng được cung cấp trên cơ sở thương mại (trả tiền) ở phòng khám và bệnh viện công[2] cùng các nhà thuốc nhỏ của tư nhân.
Về số lượng giường bệnh trong bệnh viện công là 163.900 giường (2009), số lượng y tá, bác sĩ ở bệnh viện tăng 46%, trung tâm y tế tăng 41% trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2008.
Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm thiếu khuyết trong hệ thống khiến cho mức độ sẵn có chưa được hoàn hảo:
- Thứ nhất là hệ thống pháp luật khá đầy đủ song văn bản cụ thể hóa chi tiết nhằm thực hiện được thuận lợi thì lại chưa thể gọi là đủ, điều này gây khó khăn cho việc triển khai và khâu giám sát thực hiện.
- Thứ hai là đội ngũ bác sĩ và y tá còn thiếu trầm trọng, đặc biệt là những người có năng lực và kinh nghiệm. Về số giường bệnh, kể cả công và tư, trung bình có khoảng 20 giường bệnh/10.000 dân, thấp đáng kể so với con số 140 giường bệnh của Nhật, 86 giường của Hàn Quốc và 22 giường của Thái Lan.
- Thứ ba là sự thiếu đồng bộ của hệ thống y tế về trang thiết bị và đội ngũ nhân viên y tế, điều này thể hiện rõ rệt ở sự tương phản giữa bệnh viện trung ương được quyền tự chủ về kinh phí nên ngày càng có điều kiện hơn cả về trang thiết bị và nhân lực. Hệ thống bệnh viện và trạm y tế cơ sở ngày càng yếu kém và khó khăn trong việc sẵn sàng đáp ứng với nhu cầu KCB của người dân. Cơ sở y tế có 3 nguồn thu: nhà nước (29%), tiền túi của dân (59,4%) và quỹ BHYT. Bệnh viện trung ương quá tải nên thu được từ bệnh nhân nhiều hơn tuyến dưới, điều đó cho phép họ cung cấp dịch vụ tốt hơn cũng như thu hút được người giỏi hơn. Các bệnh viện này cũng có quyền tự chủ cao trong quyết định điều trị, áp đặt giá thuốc và hưởng lợi nhiều hơn từ thu viện phí. Quyền này càng được tăng cường theo Nghị định 10 và 43. Trong khi đó, các bệnh viện huyện lại không sử dụng hết công suất, ít được đầu tư, nhân viên có năng lực và bằng cấp cũng thấp hơn. Việc điều trị, thuốc thang, trang thiết bị ở các trạm y tế xã khác nhau đáng kể, lại thường thiếu nhân viên, nguồn lực và trang thiết bị. Việc sử dụng dịch vụ y tế công đã lấy mất nguồn thu của hệ thống y tế công, đặc biệt ở cấp cơ sở. Hành vi người bệnh cũng đóng góp một phần khi người nghèo thường tự mua thuốc uống hay đến khám ở phòng khám tư khi bệnh không trầm trọng, chỉ sử dụng điều trị công ở bệnh viện khi bệnh nặng. Tóm lại, cơ chế cung cấp tài chính trong hệ thống y tế Việt Nam không hỗ trợ cho việc cung cấp dịch vụ dựa trên nhu cầu y tế, tức là ảnh hưởng không tốt tới tính sẵn có của hệ thống nhằm đáp ứng nhu cầu KCB, quyền hưởng dịch vụ CSSK của người dân.
- Cuối cùng, việc chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các yếu tố tác động tiêu cực tới sức khỏe của người dân như ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể nói là rất thiếu và yếu trong tính sẵn có các cơ chế và năng lực giải quyết vấn đề, vì vậy ít đóng góp giảm thiểu được nguy cơ, trên thực tế, tình hình dường như càng ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
2) Tính có thể tiếp cận của hệ thống chăm sóc sức khỏe
Như là một hệ quả của tính sẵn có, có thể nói với hệ thống y tế tương đối trải đều, bao phủ khắp các khu vực trong cả nước nhằm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu KCB của người dân, nhìn chung đa số người dân, nhất là những người sống ở khu vực thành thị, đồng bằng đều có thể tiếp cận được với hệ thống y tế khi có nhu cầu. Phỏng vấn sâu một số đối tượng ở cả ba vùng Bắc Trung Nam[3] cho thấy, về mặt không gian, hầu hết những người trả lời đều nói rằng bệnh viện có ở gần nơi dân cư và có thể tiếp cận được. Tuy nhiên, tính có thể tiếp cận vẫn chưa đạt mức hoàn hảo thể hiện ở sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp dân cư trong mức độ có thể tiếp cận dễ dàng hay quá vất vả.
- Trước hết, nói về mặt không gian, chủ yếu bệnh viện, nhất là bệnh viện lớn và bệnh viện trung ương chỉ tập trung ở các vùng đô thị, vì vậy người dân nông thôn khi mắc bệnh nặng phải rất vất vả để có thể tiếp cận được hệ thống bệnh viện trung ương, điều này khiến cho chi phí y tế cũng bị đội lên làm hạn chế cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế của họ. Còn một số không nhỏ những người dân sống ở vùng sâu vùng xa, chưa nói tới việc tiếp cận hệ thống y tế trung ương, ngay cả y tế địa phương cũng không dễ dàng tiếp cận vì muốn đến được bệnh viện, họ phải vượt qua một quãng đường mà đi bộ có thể mất hàng ngày trời, điều này đã hạn chế rất lớn khả năng tiếp cận dịch vụ y tế mà họ có quyền được hưởng.
- Thứ hai là về mặt thời gian, tình trạng quá tải quá lớn ở các bệnh viện tuyến trên khiến cho tính có thể tiếp cận của hệ thống y tế rõ ràng là chưa hoàn chỉnh, bởi để được thăm khám 40 phút, thì việc bệnh nhân phải chờ đợi 3 - 400 phút là phổ biến, còn để được nhập viện điều trị thì chuyện bệnh nhân phải nằm ghép 2, 3 người một giường (không phải là nằm viện mà là ngồi điều trị) là chuyện mọi người đều dự tính khi phải vào viện, điều này khiến cho việc tiếp cận bệnh viện trở thành “nỗi hãi hùng” không chỉ đối với bệnh nhân mà cả người nhà bệnh nhân, thậm chí cả người làm ở vị trí cao trong bệnh viện.
- Thứ ba là sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp cư dân có thu nhập khác nhau về khả năng kinh tế có thể tiếp cận với dịch vụ y tế trong bối cảnh thương mại hóa đã làm suy giảm tính phổ quát của quyền hưởng CSSK của mọi người dân. Y tế tư nhân đang trên đà phát triển song chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị, nơi có nhiều người có khả năng chi trả hơn khiến cho họ có thể kiếm được lợi nhuận, còn người nghèo thì hoàn toàn phụ thuộc vào y tế công. Kết quả là, hệ thống dịch vụ hai cấp ra đời, người có tiền có thể tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt hơn, còn người không có tiền, gồm người hưởng trợ cấp và người hưởng dịch vụ sẵn có tại địa phương, không thể tiếp cận dịch vụ đó mà phải chấp nhận, hay chỉ có thể tiếp cận những gì họ có. Chính vì vậy nên mới có những dự án như Dự án hỗ trợ hệ thống y tế 6 tỉnh Bắc Trung Bộ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ KCB và y tế dự phòng, đặc biệt là ở tuyến huyện, đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng y tế của người dân có khó khăn về kinh tế, góp phần nâng cao sức khỏe của nhân dân trong vùng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của dân nghèo và cận nghèo[4].
3) Tính có thể chấp nhận của hệ thống chăm sóc sức khỏe
Về cơ bản, hệ thống y tế được nhà nước nỗ lực đầu tư không ngừng nhằm nâng cao chất lượng đã đáp ứng quyền được CSSK của người dân với mức chi phí và chất lượng có thể chấp nhận đối với những người đã có BHYT, chỉ cần chi trả 20% chi phí y tế, hoặc đối với những đối tượng được hưởng chế độ miễn phí hoàn toàn.
Tuy nhiên, có một điều mà tất cả mọi người khi tiếp cận dịch vụ y tế công đều phàn nàn và cho là khó có thể chấp nhận, đó là sự tồn tại dai dẳng và có vẻ như ngày một trầm trọng thêm của những tiêu cực làm suy giảm chất lượng trong KCB ở bệnh viện công. Có thể kể ra rất nhiều những điều bất cập, khó chấp nhận trong hệ thống y tế nhằm triển khai thực hiện quyền được CSSK của người dân này, những tồn tại, bất hợp lý chưa giải quyết được thấu đáo và phần nhiều đều có liên quan đến vấn đề chi tiêu y tế.
Bất hợp lý lớn nhất đó là mặc dù so với các nước trong khu vực, tỷ trọng chi tiêu cho y tế trong GDP của Việt Nam vào loại cao song chiếm đa phần của tổng chi tiêu này không phải là của nhà nước mà là của tư nhân. Vì vậy, mặc dù tỷ trọng chi tiêu y tế trong GDP của Việt Nam vượt lên nhiều so với các nước trong khu vực thì tỷ lệ đóng góp từ ngân sách nhà nước của các nước vẫn cao hơn Việt Nam, trừ Philippines. Việc chi tiêu tư nhân đóng vai trò lớn trong tổng chi thực chất là các khoản chi từ tiền túi của người dân, điều đó có nghĩa là người Việt Nam đang phải chi trả tiền túi cho các dịch vụ y tế (và cả giáo dục) ở mức cao nhất so với các nước khác trong khu vực.
Sở dĩ có sự bất hợp lý này là do xu hướng thương mại hóa đang ngày càng trở nên mạnh mẽ trong hệ thống dịch vụ xã hội ở Việt Nam mà đứng đầu là dịch vụ y tế và giáo dục. Xu hướng này đã tác động tiêu cực tới giá cả dịch vụ, trước hết là đẩy chi phí lên cao, vượt quá mức mà người nghèo và người bị thiệt thòi có thể chi trả. Rất nhiều bệnh nhân nghèo đã phải ngậm ngùi chia tay với bệnh viện vì không đủ tiền điều trị tiếp tục. Hệ thống thu phí dịch vụ y tế đã làm xuất hiện chế độ dịch vụ hai cấp, tức là hiện tượng có tiền thì hưởng dịch vụ chất lượng cao, và không có tiền thì hoàn toàn lệ thuộc vào hệ thống dịch vụ y tế công đang bị cho là “quá tải” ở mức trầm trọng (khủng) vì thế chất lượng dịch vụ y tế nói chung thường ở mức khó chấp nhận. Đây là một thực tế khiến cho tính phổ quát của quyền được hưởng CSSK của người dân bị biến dạng trở thành hình thức thụ hưởng có kèm điều kiện.
Thứ hai, trong nhiều trường hợp, xu hướng thương mại hóa đã gián tiếp làm giảm chất lượng và tính sẵn có của các dịch vụ vì bên cung có xu hướng chỉ cung khi sinh lời cho người có khả năng chi trả, còn những nơi không hoặc ít sinh lời thì né tránh, dẫn tới tình trạng phân bổ dịch vụ thiếu đồng đều, chỗ thừa và chỗ thiếu, và cả tình trạng bất bình đẳng giữa KCB theo BHYT và KCB theo dịch vụ do người bệnh chi trả. Đây là một thực tế cản trở rất lớn việc mở rộng độ bao phủ của BHYT. Thực hiện BHYT 100% là mục tiêu phấn đấu của ngành bảo hiểm nhằm đem lại sự công bằng và an sinh cho mọi người dân khi tiếp cận dịch vụ y tế. Song trên thực tế, những người KCB theo chế độ BHYT thường cảm thấy mình phải hưởng chế độ chăm sóc có chất lượng và thái độ phục vụ kém hơn so với chế độ trả tiền dịch vụ không BHYT. Vì vậy, có nhiều người, mặc dù có BHYT nhưng nếu có điều kiện, vẫn đi khám dịch vụ trả tiền để được hưởng chế độ chăm sóc chất lượng tốt hơn. Rõ ràng, đây là một thực tế khó chấp nhận và nếu không giải quyết sẽ rất khó thực hiện chế độ BHYT 100% (mục tiêu hoàn thành vào năm 2014).
Thứ ba là những tiêu cực có liên quan đến vấn đề y đức, ví dụ như hiện tượng phong bì bôi trơn, kê đơn hoặc điều trị quá mức cần thiết, ép mua thuốc giá cao,… tất cả khiến cho chi phí y tế bị đội lên một cách bất hợp lý, đồng thời đem lại những bất an không đáng có cho các chủ thể quyền khi hưởng quyền CSSK. Hệ thống thu phí dịch vụ y tế đã tạo động lực cho nhà cung cấp dịch vụ bổ sung nhiều hơn mức cần thiết, như kéo dài ngày nằm viện, kê thêm thuốc không cần thiết. Hay nói khác đi là, xu hướng thương mại hóa đã tạo động lực theo hướng tiêu cực làm suy giảm đạo đức và tư cách nghề nghiệp của bên cung cấp dịch vụ. Mặc dù nhà nước tập trung cung cấp mạng lưới an sinh xã hội (ASXH) cho nhóm nghèo và thiệt thòi thông qua các chương trình giảm nghèo và ASXH nhưng bị đánh giá là phức tạp, chồng chéo, khó tiếp cận, khó hỗ trợ được cho những người đang cần nhất. Các khoản chi không chính thức đóng vai trò quan trọng cũng đẩy chi phí y tế lên cao. Nạn phong bì trở nên quen thuộc và nhân viên y tế có động lực tìm kiếm cơ hội có thêm thu nhập ở khoản thu này. Hầu hết các hộ gia đình đều đề cập tới nạn tham nhũng trong ngành y tế. Trong 4 người được hỏi thì có 1 người cho rằng tham nhũng là trầm trọng trong cơ sở y tế trung ương, 22% cho rằng tham nhũng hoành hành trong giai đoạn 2006-2008. Đây là một điều khó có thể chấp nhận, là gánh nặng bất công cho người ít có khả năng chi trả nhất, làm giảm lòng tin và sự tôn trọng của dân đối với cơ sở y tế công và nhân viên y tế.
Thứ tư là những bất cập trong khâu quản lý hệ thống y tế, ví dụ chế độ phân quyền trong cung cấp tài chính, chế độ quản lý hệ thống y tế cấp cơ sở,… Quy định phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế khiến cho các bệnh viện ở các tuyến khác nhau có phạm vi khám chữa bệnh khác nhau. Điều này gây giới hạn (ở mức tối thiểu) cho các đơn vị cơ sở không thể chọn lựa phát huy năng lực bởi những kỹ thuật họ đủ khả năng thực hiện nhưng chiểu theo phân tuyến kỹ thuật thì họ không được phép làm. Như vậy, bệnh nhân bắt buộc phải lên tuyến trên, làm tình trạng quá tải gia tăng. Đã thế, theo quy định của luật BHYT, cùng một bệnh nhưng có sự phân biệt rõ rệt về mức thanh toán giữa các tuyến. Có những bệnh ở tuyến trung ương thì được BHYT thanh toán toàn bộ nhưng ở tuyến tỉnh, tuyến huyện thì bệnh nhân không được thanh toán đến mức như vậy. Vì thế, bệnh nhân đương nhiên muốn bỏ lên bệnh viện tuyến trung ương để khám làm tăng quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Sự phân quyền trong cung cấp tài chính khiến cho bệnh viện trung ương được tự chủ về tài chính, có điều kiện thu hút người giỏi và trang thiết bị tốt nên thu hút được nhiều bệnh nhân hơn, còn bệnh viện tuyến dưới vốn đã thua kém về chất lượng nên không thu hút được khách hàng vì thế ngày càng hạn chế về tài chính, không có điều kiện cải thiện chất lượng. Đây là điều bất hợp lý liên quan đến một thực tế khó chấp nhận thứ năm.
Thứ năm là tính bất hợp lý trong sự phân bổ mạng lưới hệ thống y tế cả về số lượng và chất lượng, cả về đội ngũ chuyên môn và trang thiết bị,… Các bệnh viện trung ương với đội ngũ chuyên môn giỏi và đầy đủ hầu hết đều tập trung ở các vùng đô thị, đông dân cư, còn ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa vốn đã ít bệnh viện mà đội ngũ chuyên môn và trang thiết bị lại kém về chất lượng, điều này đã tạo nên một thực tế khó chấp nhận là sự thua thiệt trong việc hưởng quyền CSSK của những cư dân ở đây. Mặc dù chi tiêu y tế có tăng lên nhưng phần lớn lại để đảm bảo duy trì dịch vụ và trợ cấp cho bên cung cấp dịch vụ còn chi cho BHYT gồm cả trợ cấp cho người nghèo, người thiệt thòi thì ít hơn nhiều. Hơn nữa, cho dù tăng liên tục nhưng chi tiêu quốc gia lại thể hiện sự kém cỏi hoặc không gắn kết với các ưu tiên nâng cao thành quả y tế. Báo cáo chung y tế thường niên năm 2008 cho thấy sự không phù hợp với ưu tiên của chính phủ về chăm sóc dự phòng, chăm sóc ở cấp địa phương và hỗ trợ cho các vùng khó khăn. Nguyên nhân là do kinh phí cho phát triển tập trung vào cấp quốc gia và cấp tỉnh, phần lớn chi tiêu dành cho KCB hơn là dự phòng (28% năm 2007, ít hơn con số 30% trong Nghị quyết 18).
4) Tính có thể thích ứng của hệ thống chăm sóc sức khỏe
Một mặt, có thể đánh giá rằng, trong bối cảnh kinh tế phát triển đi lên, hệ thống y tế thực thi quyền được CSSK đã có những biến chuyển nhất định nhằm thích ứng hơn với nhu cầu ngày càng tăng, đòi hỏi chất lượng ngày càng cao của chủ thể quyền được CSSK. Các biện pháp chính sách và văn bản pháp luật được sửa đổi và ban hành mới, nhiều dự án được triển khai nhằm nâng cao chất lượng KCB và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho các đối tượng yếu thế trong xã hội cũng như các đối tượng có khả năng chi trả đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao.
Tuy nhiên, mặt khác, cần phải nói rằng, hệ thống y tế CSSK người dân còn chậm thay đổi nhằm thích ứng với yêu cầu mới, thể hiện tiêu biểu ở một số hiện tượng sau:
-
Những tồn tại và tiêu cực khiến cho chất lượng dịch vụ y tế không bảo đảm, rất chậm được cải thiện nếu không nói là tồn tại dai dẳng và có vẻ như ngày càng trầm trọng hơn. Đơn cử hiện tượng quá tải ở bệnh viện được dư luận xã hội cho là bài toán tìm mãi vẫn không tìm được lời giải, và cứ mở thêm cơ sở nào thì lập tức cơ sở đó lại ngay lập tức quá tải, trong khi đó tình hình ở tuyến dưới tuy có nơi không quá tải nhưng lại không cải thiện được tình trạng yếu kém về chất lượng, vì thế không góp phần giải quyết được tình hình quá tải của tuyến trên.
-
Mặc dù kinh tế tăng trưởng tạo ra lớp người có thu nhập cao, có nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng hơn song hệ thống y tế lại không đáp ứng được nhu cầu chính đáng này, gây nên hiện tượng chảy máu kinh phí KCB ra nước ngoài mỗi năm lên tới hàng tỷ USD do việc nhiều người Việt Nam chọn ra nước ngoài KCB trả tiền dịch vụ y tế mà họ tin tưởng và có khả năng chi trả.
-
Mặc dù các văn bản pháp luật được ban hành mới song còn chậm được cụ thể hóa bằng các văn bản dưới luật hoặc văn bản phụ trợ khác như quy chế giám sát thực hiện, khiến cho việc triển khai kém hiệu quả, ví dụ Luật BHYT, trong hai năm triển khai đã xuất hiện nhiều khó khăn và vướng mắc. Nhiều bệnh viện quá tải, chất lượng KCB không bảo đảm khiến nhiều người ngại tham gia và sử dụng các dịch vụ do BHYT chi trả. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt hành vi vi phạm pháp luật BHYT chưa có, cơ quan BHXH không có chức năng thanh tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật mà phải thông qua các cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan chức năng, cho nên số vụ việc được thanh tra, xử lý còn ít, có nhiều trường hợp không được thực hiện.
Cũng liên quan đến tính thích ứng, có thể trích dẫn lời của chuyên gia Liên hiệp quốc đánh giá như sau: Cam kết của Việt Nam trong việc giải quyết nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương khác là rất đáng ngưỡng mộ. Chính phủ đã đề ra một số sáng kiến nhằm giải quyết các mối quan ngại này, ví dụ như Luật BHYT và quỹ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo. Tuy nhiên, cả hai chương trình này đều vấp phải những trở ngại đáng kể trong việc đạt được mục tiêu đề ra. BHYT chỉ chi trả cho những dịch vụ y tế cơ bản, mà chất lượng của các dịch vụ này cũng cần phải được cải thiện một cách cơ bản. Điều này có nghĩa là, người bệnh phải trả các chi phí tốn kém cho các dịch vụ không nằm trong phạm vi chi trả của BHYT. Mặc dù BHYT chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo và 50% cho đối tượng cận nghèo, cũng như thực hiện hoàn trả trực tiếp cho các cơ sở y tế, nhưng hầu hết các chi tiêu cho y tế của người dân là chi bằng tiền cá nhân, và trên 30% người dân sống trong các gia đình đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ việc phải chi trả bằng tiền túi cho dịch vụ y tế.
Thay cho lời kết
Nhìn chung, điều kiện thực thi quyền được CSSK đã có thể đáp ứng được cả 4 tiêu chí (đặc trưng) là tính sẵn có, tính có thể tiếp cận, tính có thể chấp nhận và tính thích ứng. Tuy nhiên, sẵn có nhưng không đồng đều dẫn tới tình trạng quá tải cục bộ buộc đa số người bệnh phải rất vất vả mới có thể tiếp cận. Hơn nữa, trong hệ thống CSSK còn tồn tại khá nhiều điều bất hợp lý khó có thể chấp nhận, nhất là về chất lượng và thái độ phục vụ, bất hợp lý trong chi phí, giá cả,… Đánh giá tương tự cũng có thể nói về tính thích ứng, tức là hệ thống CSSK chưa thích ứng linh hoạt đáp ứng yêu cầu của chủ thể hưởng quyền CSSK, thể hiện ở một hiện tượng tiêu biểu là ngày càng đông người có điều kiện đã tìm cách ra nước ngoài khám chữa bệnh do hệ thống y tế trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu CSSK của họ. Và ngược lại, hệ thống này cũng chưa đáp ứng tốt với việc CSSK cho những người kém có khả năng chi trả, biểu hiện ở chi phí y tế của người dân cũng ngày một tăng cao, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng chi phí y tế.
Với nỗ lực của chính phủ, hệ thống CSSK của Việt Nam trong thời gian qua đã có những tiến bộ được thế giới ghi nhận trong việc đáp ứng ngày càng nhiều hơn quyền CSSK của người dân, tuy nhiên đó mới chỉ là những đánh giá khái quát dựa trên những con số thống kê. Xét trên những tiêu chí cụ thể về PTCN, Việt Nam còn cần nỗ lực hơn rất nhiều mới có thể đáp ứng tốt hơn nữa quyền được CSSK như là một điều kiện cần của PTCN - mục tiêu lớn nhất mà chúng ta đang theo đuổi.
Có thể dẫn ra đây một nhận định liên quan đến chủ đề quyền được CSSK và PTCN của giáo sư Đại học New South Wales, chuyên gia về Y tế và Nhân quyền, Daniel Tarantola rằng, mặc dù những tiến bộ vượt bậc từ 1990 đã góp phần đưa 600 triệu người ở châu Á thoát khỏi nghèo khó, song quyền được CSSK vẫn bị đe dọa và tương lai không hề chắc chắn. “Quyền con người cơ bản được chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế là không tách rời, do đó chúng ta phải hiểu được mối quan hệ phức tạp này nếu định biến sự thịnh vượng đang phát triển tại châu Á thành sức khỏe tốt hơn cho mọi người”.
Nhìn vào thực tế Việt Nam, rõ ràng là sau hơn 20 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên cả ba mặt: đảm bảo sức khỏe, phát triển và quyền con người. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh chưa dồi dào về tài chính, kinh nghiệm quản lý và cơ sở vật chất kỹ thuật đều còn hạn chế, việc thực thi quyền con người cơ bản trong đó có quyền được CSSK, đảm bảo cơ hội PTCN ở Việt Nam còn phải trải qua một quá trình phấn đấu lâu dài và gian khổ.
Tài liệu tham khảo
-
Báo cáo Quốc gia về Phát triển con người năm 2011 “Dịch vụ xã hội phục vụ phát triển con người.”
-
Giáo trình Lý luận và pháp luật về Quyền con người, Khoa Luật - ĐHQGHN, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2009.
-
Bài phát biểu của Anand Grover, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên hiệp quốc về Quyền chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. un.org.vn, ngày 05/12/2011.
-
Báo cáo Quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người 2009. Cổng thông tin điện tử Bộ Ngoại giao.
* TS.; Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
[1] Đây là phần tiếp theo của bài viết đã đăng trên Tạp chí NCCN số 1/2012. Tham khảo phần này với bốn tiêu chí cơ bản của PTCN thường được nêu ra là tính bình đẳng, hiệu quả, bền vững và sự tham gia có sự tương thích với bốn điều kiện thực thi quyền CSSK là tính sẵn có (bình đẳng), tính có thể chấp nhận (hiệu quả), tính có thể tiếp cận (tham gia) và tính có thể thích ứng (bền vững).
[3] Đề tài đã tiến hành phỏng vấn sâu cán bộ và người dân (90 người) ở các tỉnh Hà Nội, Huế, Tp. Hồ Chí Minh và Bến Tre về quyền văn hóa và quyền xã hội (trong đó có quyền được CSSK).
[4] Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ với nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới (WB), cơ quan chủ quản và chủ dự án là Bộ Y tế; Thời gian thực hiện dự án là 6 năm kể từ ngày dự án có hiệu lực 23/8/2010 đến năm 2016. Địa điểm thực hiện dự án tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế). Tổng vốn dự án là 75 triệu USD trong đó vốn vay WB là 65 triệu USD, vốn đối ứng 180 tỷ VNĐ. Hình thức cung cấp ODA vay ưu đãi. Mục tiêu cụ thể của dự án là:
- Hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ KCB và y tế dự phòng huyện thông qua việc cung cấp trang thiết bị y tế, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế, đầu tư cơ sở hạ tầng cho trung tâm y tế, trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện và tăng cường năng lực quản lý.
- Hỗ trợ để phát triển và triển khai tốt các chính sách BHYT cho người cận nghèo, giúp người cận nghèo tăng cường khả năng tiếp cận đến các dịch vụ tế có chất lượng, góp phần đảm bảo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nguyễn Thị Anh Đào