Về bảo đảm thực hiện quyền lao động trong văn kiện đại hội XI của Đảng

20/06/2013

VỀ BẢO ĐẢM THỰC HIỆN QUYỀN LAO ĐỘNG TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XI CỦA ĐẢNG

Nguyễn Đình Tuấn*

1. Quyền lao động

Quyền lao động là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người (UDHR, 1948) và được cụ thể hoá trong Công ước Quốc tế về Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR, 1966). Trong Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người, quyền lao động được quy định ở Điều 23 và Điều 24. Tại Điều 23 UDHR, quy định: 

  1. Mọi người đều có quyền làm việc, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi và được bảo vệ chống lại nạn thất nghiệp;
  2. Mọi người đều có quyền được trả công ngang nhau cho những công việc như nhau mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào;
  3. Mọi người lao động đều có quyền được hưởng chế độ thù lao công bằng và hợp lý nhằm bảo đảm sự tồn tại của bản thân và gia đình, xứng đáng với nhân phẩm và được trợ cấp khi cần thiết bằng các biện pháp bảo trợ xã hội;
  4. Mọi người đều có quyền thành lập hoặc gia nhập công đoàn để bảo vệ các quyền lợi của mình. 

Tiếp đến Điều 24 UDHR quy định, mọi người đều có quyền nghỉ ngơi và giải trí, kể cả quyền được giới hạn hợp lý số giờ làm việc và thời gian nghỉ phép định kỳ có hưởng lương.

Còn trong ICESCR, quyền lao động được cụ thể hóa ở Điều 6 và Điều 7 về quyền làm việc và quyền được hưởng điều kiện làm việc thuận lợi và công bằng.

Theo Điều 6 Khoản 1, các quốc gia thành viên Công ước này thừa nhận quyền làm việc, trong đó bao gồm quyền của tất cả mọi người có cơ hội kiếm sống bằng công việc do họ tự do lựa chọn hoặc chấp nhận và các quốc gia phải thi hành các biện pháp thích hợp để đảm bảo quyền này. Điều 6 Khoản 2 quy định, các quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp để thực hiện đầy đủ quyền này, bao gồm việc triển khai các chương trình đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật và hướng nghiệp, các chính sách và biện pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo sự phát triển vững chắc về kinh tế, xã hội và văn hoá, tạo công ăn việc làm đầy đủ và hữu ích với điều kiện đảm bảo các quyền tự do cơ bản về chính trị và kinh tế của từng cá nhân.

Điều 7, ICESCR khẳng định về quyền của mọi người được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi, cụ thể như sau:

a) Thù lao cho tất cả mọi người làm công tối thiểu phải đảm bảo: 1) Tiền lương thỏa đáng và tiền công bằng nhau cho những công việc có giá trị như nhau, không có sự phân biệt đối xử nào; đặc biệt, phụ nữ phải được đảm bảo những điều kiện làm việc không kém hơn đàn ông, được trả lương ngang nhau đối với những công việc giống nhau; 2) Một cuộc sống tương đối đầy đủ cho họ và gia đình họ phù hợp với các qui định của công ước này;

b) Những điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh;

c) Cơ hội ngang nhau cho mọi người trong việc được đề bạt lên chức vụ thích hợp cao hơn, chỉ cần xét tới thâm niên và năng lực làm việc;

d) Sự nghỉ ngơi, thời gian rảnh rỗi, giới hạn hợp lý số giờ làm việc, những ngày nghỉ thường kỳ được hưởng lương cũng như thù lao cho những ngày nghỉ lễ.

Ngoài ra, Điều 8 ICESCR cũng khẳng định về quyền của mọi người được thành lập và gia nhập công đoàn do mình lựa chọn, tuân theo quy chế của tổ chức đó, để thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích kinh tế và xã hội của mình. Cùng với quyền thành lập và gia nhập công đoàn là quyền đình công với điều kiện là quyền này phải được thực hiện phù hợp với pháp luật của mỗi nước.

Ngoài các quy định trong UDHR và ICESCR, các quyền trong lĩnh vực lao động còn được ghi nhận và bảo vệ bởi các văn kiện do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khởi xướng.

Qua UDHR và ICESCR cho thấy, quyền lao động là một tập hợp các nhóm quyền liên quan đến việc làm, tự do lựa chọn nghề nghiệp, điều kiện làm việc, không phân biệt đối xử trong công việc, được hưởng mức lương xứng đáng với khả năng lao động,...

2. Bảo đảm thực hiện quyền lao động trong Văn kiện Đại hội XI

Tôn trọng và bảo vệ quyền con người là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong suốt quá trình lãnh đạo và phát triển đất nước, nhất là từ khi đổi mới đến nay. Điều này được thể hiện rõ thông qua việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi các biện pháp cụ thể nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để mọi người dân có cuộc sống ngày càng đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần; xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Trong Văn kiện Đại hội XI, bên cạnh việc đưa ra quan điểm hoàn thiện hơn về quyền con người và quyền lao động, Đảng ta cũng đặt ra những mục tiêu và đưa ra những giải pháp nhằm bảo đảm và thúc đẩy thực hiện quyền con người nói chung và quyền lao động nói riêng. Điều đó cho thấy quyền con người ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong mọi chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Quan điểm của Đảng về bảo đảm thực hiện quyền lao động được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XI, đó là tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn. Có chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ tạo động lực để phát triển; điều tiết hợp lý thu nhập trong xã hội (ĐCSVN-2011, tr.79). Và để bảo đảm, thúc đẩy thực hiện quyền lao động, Đảng ta đã đặt ra một số nhiệm vụ, định hướng và giải pháp cụ thể.

Về nhiệm vụ, trong giai đoạn 5 năm (2011-2015), tập trung giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân (ĐCSVN-2011, tr.189). Phấn đấu giải quyết việc làm cho 8 triệu lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị xuống dưới 4%; và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55% (ĐCSVN-2011, tr.190).

Về định hướng và giải pháp, trước hết, Đảng ta cho rằng cần phải chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Chuyển dịch cơ cấu lao động hướng đến giải quyết việc làm cho người lao động; tạo điều kiện giải quyết ngày càng nhiều việc làm, đặc biệt là cho nông dân (ĐCSVN-2011, tr.227). Phát triển mạnh công nghiệp xây dựng và phát triển hợp lý công nghiệp sử dụng nhiều lao động, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động (ĐCSVN-2011, tr.194).

Thứ hai, phát triển đa dạng ngành nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc phát triển đa dạng ngành nghề sẽ tạo ra nhiều việc làm, còn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Đảng ta xác định cần phát triển đa dạng các ngành, nghề để tạo nhiều việc làm và thu nhập; khuyến khích, tạo thuận lợi để người lao động học tập, nâng cao trình độ, tay nghề, đồng thời có cơ chế, chính sách phát hiện, trọng dụng nhân tài (ĐCSVN-2011, tr.192) và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có đội ngũ lao động lành nghề (ĐCSVN-2011, tr.125-126). Phát huy tiềm năng và vai trò tích cực của đội ngũ doanh nhân trong phát triển sản xuất, kinh doanh; mở rộng đầu tư trong nước và nước ngoài; tạo việc làm, thu nhập cho người lao động,… (ĐCSVN-2011, tr.242). Tiếp tục phát triển phù hợp các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động (ĐCSVN-2011, tr.112-113).

Thứ ba, tạo môi trường thuận lợi cho các nguồn lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chính sách đào tạo nghề cho người dân nông thôn. Với đặc trưng là một quốc gia có hơn 70% dân số sống ở nông thôn nên các chính sách thu hút đầu tư và tạo việc làm cho người dân nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Văn kiện Đại hội XI một lần nữa khẳng định, tạo môi trường thuận lợi để khai thác mọi khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhiều lao động (ĐCSVN-2011, tr.198).

Thứ tư, chú trọng đến chính sách đào tạo nghề nhằm tạo cơ hội tiếp cận việc làm cho người dân và nâng cao tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn. Hoàn thiện pháp luật về dạy nghề; ban hành chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, đào tạo giáo viên, hỗ trợ cơ sở hạ tầng,... nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề (ĐCSVN-2011, tr.227-228). Trong đào tạo nghề và tạo việc làm, Đảng ta xác định cần quan tâm hỗ trợ nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lao động nông thôn và vùng đô thị hoá (ĐCSVN-2011, tr.125-126). Chú trọng đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt đối với người bị thu hồi đất (ĐCSVN-2011, tr.217). Triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm (ĐCSVN-2011, tr.198).

Thứ năm, quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế,…; sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cải thiện điều kiện nhà ở, làm việc,… để bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân (ĐCSVN-2011, tr.240-241).

Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển thị trường lao động. Văn kiện Đại hội XI xác định, tiền lương, tiền công phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Chế độ hợp đồng lao động được mở rộng, áp dụng phổ biến cho các đối tượng lao động. Đổi mới tổ chức và hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm của Nhà nước; khuyến khích tổ chức các hội chợ việc làm; phát triển các tổ chức dịch vụ tư vấn, sàn giao dịch, giới thiệu việc làm đi đôi với tăng cường quản lý của Nhà nước; ngăn chặn các hành vi lừa đảo và các hiện tượng tiêu cực khác (ĐCSVN-2011, tr.213).

Thứ bảy, thực hiện và giải quyết tốt các chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, thu nhập nhằm khuyến khích và phát huy cao nhất năng lực của người lao động. Bảo đảm quan hệ lao động hài hoà, cải thiện môi trường và điều kiện lao động (ĐCSVN-2011, tr.125). Khắc phục những bất hợp lý về tiền lương, tiền công, trợ cấp xã hội phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước (ĐCSVN-2011, tr.43).

Thứ tám, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động phải phát triển mạnh mẽ hệ thống bảo hiểm như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp,... Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm (ĐCSVN-2011, tr.125-126). Song song với phát triển cũng cần tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,... Tăng tỉ lệ người lao động tham gia các loại hình bảo hiểm và thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ chế độ quy định đối với mọi người (ĐCSVN-2011, tr.228-229).

Thứ chín, đề ra các cơ chế kiểm tra, giám sát luật lao động. Đây là một trong những khâu không thể thiếu đối với việc bảo đảm thực hiện quyền lao động. Đảng ta khẳng định, kiên quyết khắc phục những bất hợp lý về tiền lương, tiền công, trợ cấp xã hội phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; gắn cải cách tiền lương với sắp xếp, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của hệ thống chính trị. Gắn tiền lương của người lao động với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Chăm lo bảo hộ lao động; cải thiện điều kiện làm việc; hạn chế tai nạn lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật lao động, đưa việc thi hành pháp luật lao động vào nền nếp; xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa, tiến bộ (ĐCSVN-2011, tr.228).

Cuối cùng, để đảm bảo và thúc đẩy quyền lao động cần hoàn thiện, bổ sung các chính sách, luật pháp liên quan đến lao động, việc làm. Văn kiện Đại hội XI khẳng định, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tăng cường sự gắn bó giữa người sử dụng lao động và người lao động (ĐCSVN-2011, tr.111). Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các luật pháp, chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của mình (ĐCSVN-2011, tr.243). Bên cạnh đó cũng cần tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương vượt qua khó khăn hoặc các rủi ro trong đời sống (ĐCSVN-2011, tr.228).

3. Kết luận

Qua nghiên cứu, phân tích quan điểm của Đảng về bảo đảm thực hiện quyền lao động trong Văn kiện Đại hội XI có thể đưa ra một số nhận xét sau:

Văn kiện Đại hội XI một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về sự tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy thực hiện quyền con người nói chung và quyền lao động nói riêng ở nước ta từ trước đến nay.

Trên cơ sở kế thừa, bổ sung các văn kiện đại hội trước, Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã đưa ra những định hướng, giải pháp khá toàn diện liên quan đến vấn đề lao động, việc làm nhằm bảo đảm thực hiện quyền lao động. Đó là những định hướng, giải pháp về việc làm; nâng cao thu nhập; đào tạo nghề; điều kiện làm việc an toàn; công bằng trong công việc và hưởng lương; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp,... Ngoài ra, Văn kiện Đại hội XI cũng khẳng định sự cần thiết phải kiểm tra, giám sát, điều chỉnh và hoàn thiện chính sách, luật pháp liên quan đến lao động, việc làm.

Những quan điểm, định hướng và giải pháp về lao động, việc làm thể hiện trong Văn kiện Đại hội XI cho thấy sự cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm và thúc đẩy thực hiện quyền lao động theo Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người và Công ước Quốc tế về Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

Tài liệu tham khảo

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  2. Công ước Quốc tế về Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa  (ICESCR, 1966).
  3. Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu quyền con người và quyền công dân - CRIGHTS (2011), Quyền kinh tế, xã hội, văn hoá trong pháp luật và thực tiễn ở Việt Nam. Nxb. Lao động - Xã hội, Hà Nội.
  4. Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người (UDHR, 1948).

 



* ThS., Viện Nghiên cứu Con người

 

Nguyễn Đình Tuấn

The older news.............................