XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH HỌC BỔNG CHO SINH VIÊN VIỆT NAM: TỪ PHÂN TÍCH BẤT BÌNH ĐẲNG TRONG TIẾP CẬN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ BẤT BÌNH ĐẲNG VỐN VĂN HÓA
Trịnh Văn Tùng*
Đặt vấn đề
Chính sách học bổng cho sinh viên nước ta hiện nay đang được thực hiện như thế nào? Ai là những người có đủ quyền tiếp cận được học bổng ấy? Những tiêu chuẩn đang áp dụng trong chính sách học bổng hiện nay dành cho sinh viên đã thực sự thuyết phục chưa? Liệu chính sách học bổng dành cho sinh viên nước ta đã dự báo được đầy đủ loại học bổng để sinh viên có hướng phấn đấu đạt được hay chưa? Tại sao cần có tiếp cận khác trong hoạch định chính sách học bổng cho sinh viên? Đó là một số câu hỏi mà bài viết này cố gắng lí giải thông qua phân tích xã hội học về bất bình đẳng văn hoá trong giảng đường đại học.
-
Bất bình đẳng trong “đại diện” của các tầng lớp xã hội ở giảng đường đại học
Ở bậc giáo dục đại học, dường như ai cũng có thể nhận thấy sự bất bình đẳng đầu tiên là con em “đại diện” cho các tầng lớp xã hội khác nhau có tỉ lệ ngồi trên giảng đường đại học cũng rất khác nhau. Thực tế, ở Việt Nam chưa có một cuộc điều tra nào về cơ hội vào học ở giảng đường đại học theo các thành phần xã hội khác nhau. Nhưng căn cứ vào phương pháp phân chia “nguồn gốc xã hội” của các thành phần thuộc nền kinh tế quốc dân, theo đó, dựa vào thu nhập chính từ nghề, chúng ta có thể có những thành phần cơ bản như sau: con em thành phần xã hội làm nghề nông (nói tắt là con em nông dân), con em của những người làm nghề dịch vụ, con em công nhân, con em nhân viên văn phòng, con em doanh nghiệp thương mại (kể cả tiểu thủ công), con em cán bộ có thu nhập trung bình, con em cán bộ cao cấp, con em những người làm nghề tự do (luật sư, tư vấn,…), con em của những người làm nghề tài chính (ngân hàng, bảo hiểm,…), con em của những người làm nghề trong các tổ chức có yếu tố nước ngoài. Trong khi những người làm nghề nông chiếm tỉ lệ cao nhất trong cấu trúc dân số Việt Nam (> 73% dân số, Kết quả điều tra dân số 2009), thì chắc chắn trên các giảng đường đại học của cả nước, không phải con em nông dân chiếm tỉ lệ cao nhất, mà là thấp nhất so với tỉ lệ đỗ đại học, so với con em các thành phần khác. Xếp sau đó là tỉ lệ đỗ đại học của con em công nhân. Tương ứng, tỉ lệ đậu đại học của một trường trung học phổ thông trung bình ở thành phố cao hơn nhiều so với tỉ lệ đậu đại học của một trường phổ thông trung học trung bình ở nông thôn.
Ở Pháp cũng như một số nước có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao, theo điều tra của hai nhà xã hội học hiện đại (Pierre Bourdieu và Jean-Claude Passeron) về cơ hội học đại học, người ta cũng thấy rằng, xét về khách quan, chỉ có 0,7% con em nông dân[1] và 1,4% con em công nhân có cơ hội vào học đại học, trong khi đó, tỉ lệ này ở con em tầng lớp trung lưu và địa vị cao hoặc làm nghề tự do lần lượt là 29,6% và 58,5% (Bourdieu và Passeron, 2006: 13).
Kết quả trên có thể là một gợi ý cho chúng ta về sự cần thiết phải điều tra xem liệu con em nông dân, con em công nhân và con em của các giai tầng khó khăn khác ở nước ta hiện diện trên giảng đường đại học được bao nhiêu phần trăm. Rõ ràng là, trong kết quả tiếp cận giảng đường đại học thông qua thi tuyển là phương thức chủ đạo (khác với một số ít trường hợp cử tuyển), chúng ta thấy đây thực sự là một sự tuyển chọn gay gắt trong suốt hành trình học đường. Bản chất của sự tuyển chọn này là loại trừ, mà con em nông dân, công nhân và con em của các gia đình nghèo bị loại trừ với tỉ lệ cao nhất. Ở Pháp, con em tầng lớp trung lưu và địa vị cao có cơ hội vào đại học lớn hơn so với con em nông dân lần lượt là 40 lần và 80 lần (Bourdieu và Passeron, 2006: 14). Ở Việt Nam, cơ hội vào trường đại học của con em nông dân được bao nhiêu phần trăm so với các thành phần xã hội khác, mặc dù gần 3/4 dân số chủ yếu sống bằng nghề nông và ở nông thôn là chính?
Rõ ràng, cuộc điều tra cơ hội học đại học của con em các thành phần xã hội khác nhau ở Pháp làm cho chúng ta suy ngẫm nhiều hơn về cơ hội tiếp cận giảng đường của con em các thành phần xã hội khác nhau ở Việt Nam. Một khi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Pháp (hoặc ở Đức), ứng viên có thể ghi danh vào học ở một trường đại học công (tất nhiên theo tiêu chí đầu vào rộng và đầu ra hẹp). Thế mà tỉ lệ con em nông dân hoặc công nhân được học đại học vẫn rất thấp. Trong khi đó, ở Việt Nam, để vào học đại học (nhất là hệ chính quy), người ta phải vượt qua một kì thi vô cùng khó khăn. Do vậy, ngay cả khi có nhiều trường đại học như hiện nay, câu ca “cổng trường đại học cao vời vợi, 100 người muốn tới thì 99 người lui” vẫn đúng với con em nông dân, công nhân và giai tầng khó khăn ở nước ta. Tính tuyển chọn hay tính loại bỏ quá cao này thể hiện qua chính sách “phân luồng” học sinh mà bản chất của nó là “ai không có khả năng học được đại học xin mời đi học nghề”. Về mặt lí thuyết, chúng ta nên đặt một câu hỏi rằng, những người bị xếp vào mức “có khả năng không đậu đại học” và được phân luồng học nghề thì có cơ hội tiếp cận những vị trí xã hội cao hay không? (Và sau khi học nghề, bản thân công việc của những người ấy có mang được hàm lượng chất xám cao hay không?). Việc phân luồng đồng nghĩa với một giả thuyết chưa được chứng minh như sau: các ngành học đại học hiện nay chưa gắn với nghề. Do vậy, mới có cụm từ “thừa thầy thiếu thợ”. Đúng hơn, chính do việc thi tuyển đại học quá gay gắt ở nước ta đã gây ra tình trạng “thiếu cả thầy và thiếu cả thợ”. Đồng thời, nó càng đào sâu thêm hố ngăn cách giữa con em nông dân, công nhân, con em của các giai tầng khó khăn và con em các giai tầng “thuận lợi”.
Xét về khía cạnh ngành học ở bậc đại học, chúng ta thử quan sát và thống kê xem, trong các giảng đường đại học như y dược chẳng hạn, con em nông dân, công nhân và giai tầng tầng khó khăn chiếm tỉ lệ bao nhiêu phần trăm so với tổng số nông dân, công nhân và các giai tầng khó khăn ấy (> 60 triệu nông dân và công nhân, Tổng điều tra dân số 2009). Rõ ràng là, với mức thu nhập khiêm tốn, con em nông dân và công nhân không thể dám mơ tới những trường đại học “quá cao sang” như vậy vì “lỡ may” đỗ vào đó, gia đình lấy đâu ra tiền để chu cấp cho con ăn học ở đô thị trong suốt mấy năm liền, đấy là chưa kể đến giấc mơ “chuyên khoa” đối với ngành y. Thông thường, ở một trường trung học phổ thông nông thôn, may ra chỉ có 1-2 em dám dự thi vào đại học y dược. Và cũng chưa có nhà nghiên cứu nào lần theo “nguồn gốc xã hội” của cha mẹ những “học sinh liều” này xem có phải là con em nông dân, công nhân hay không.
Khía cạnh giới tính cũng rất đáng để chúng ta quan tâm: cơ hội vào đại học có thể như nhau giữa nam và nữ, nhưng học ngành gì thì lại hoàn toàn khác nhau. Ở các ngành khoa học xã hội, tỉ lệ nữ sinh chiếm cao hơn hẳn so với nam sinh và tỉ lệ nữ giảng viên cũng chiếm đến trên 60%[2]. Quan sát cho chúng ta thấy, khi nghỉ giải lao, ở sân trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) hay Đại học Văn hoá, bóng dáng nam sinh “bị chìm nghỉm” trong những bóng dáng nữ sinh. Trong khi đó, ở Đại học Y dược hay Đại học Khoa học Công nghệ, Đại học Bách khoa, cho chúng ta thấy điều ngược lại. Thoạt nhìn, chúng ta tưởng rằng ở bậc đại học có sự bình đẳng giữa nam và nữ, nhưng để lý giải hiện tượng này, có lẽ chúng ta nên đặt câu hỏi, tại sao nữ sinh lại có mặt nhiều ở trong các trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, đại học giáo dục hay đại học văn hoá? theo chúng tôi, cần trở lại với nguồn đầu tư cho học tập của các giai tầng xã hội ngay từ bậc phổ thông trung học và phổ thông cơ sở, bởi vì đây là hai mức học bắt đầu phải đóng học phí. Ngoài học phí phải đóng cho con em của mình, liệu những gia đình nông dân và công nhân có đủ tiền để cung cấp cho các con học thêm ở những ngành học mà họ mong muốn hay không? Nếu không thì những thành phần xã hội ấy sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu “cần” của con em và để con em họ xoay xở thi vào các trường điểm chuẩn trung bình và thấp. Và một khi tư tưởng “trọng nam kinh nữ” vẫn còn khá cao ở nước ta, nhất là ở nông thôn thì “sự hy sinh” trong đầu tư bao giờ cũng thuộc về phái nữ. Hay nói cách khác, mô hình tư duy truyền thống đã định hướng cho nữ thi vào các ngành khoa học xã hội và nhân văn nhiều hơn nam. Kết quả là, mô hình quan niệm truyền thống đã xác lập cho nữ làm các nghề như dạy học, văn thư, nhân viên hành chính - các nghề thu nhập thấp. Rõ ràng là sự xoá bỏ bất công trong tiếp cận đại học theo nguồn gốc xã hội của bố mẹ và theo giới tính là một quá trình rất lâu dài, cam go.
Để có thể đề xuất xây dựng phương pháp tiếp cận chính sách học bổng, thiết nghĩ chúng ta nên đặt câu hỏi tại sao con em nông dân, con em công nhân hay các giai tầng khó khăn khác, khi đã vào đại học, lại có kết quả học tập không thua kém gì con em các giai tầng khác? Như trên đã phân tích, “khoảng cách” mà con em nông dân cũng như công nhân đi từ “hoàn cảnh gia đình khó khăn” đến trường đại học xa hơn nhiều so với khoảng cách mà con em các giai tầng khác đã vượt qua. Theo các nhà xã hội học người Pháp (Bourdieu và Passeron), con em các giai tầng khá giả “có tâm thế hành vi” (“habitus”) vào đại học thuận lợi hơn gấp bội so với “tâm thế hành vi” của con em nông dân hoặc công nhân cũng như con em các giai tầng khó khăn. Hay nói cách khác, ngồi ở giảng đường đại học đối với con em các giai tầng khá giả được coi là “bình thường” thì với con em nông dân, công nhân và các giai tầng khó khăn coi việc học đại học là “sự nghiệp” hay “biểu tượng”. Và hơn thế nữa, họ phải vượt qua quá nhiều đối thủ cạnh tranh cơ bản cũng xuất phát từ hoàn cảnh như họ hoặc khá hơn họ để bước chân vào cổng trường đại học. Hiện tượng xã hội này được Bourdieu gọi là “siêu tuyển dụng” (“sursélection”), còn con em nông dân, công nhân và các giai tầng khó khăn đậu đại học cũng có thể được xếp vào hàng “siêu nhân”[3] là vì thế (Bourdieu và Passeron, 2006: 14, 154).
-
Bất bình đẳng về “vốn văn hóa” theo thuật ngữ “habitus” của Bourdieu
-
“Habitus văn hóa” là gì?
Tập hợp tâm thế hành vi văn hóa đạt được là nhờ một hình thức học tập căn bản mang tính vô thức. Theo Pierre Bourdieu, đó là một “quá trình học tập thông qua cơ thể”. Hay nói cách khác, tập hợp tâm thế hành vi trước hết là một quá trình nhập tâm các khả năng hành vi gắn với điều kiện khách quan (trong trường hợp này, chúng ta bàn đến khả năng tiếp cận vốn văn hóa). Quá trình nhập tâm này được thực hiện hệt như quá trình tích luỹ vốn sống thông qua trải nghiệm. Một khi đã nhập tâm, tập hợp tâm thế hành vi sản sinh ra các thực hành thích hợp trong các hoàn cảnh khác nhau và hoàn cảnh mới. Như vậy, tập hợp tâm thế hành vi có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hành động trong mọi lĩnh vực. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến quá trình tích luỹ vốn văn hóa được thể hiện rất khác nhau ở con em các giai tầng khác nhau ngay trong trường đại học. Từ đó, mọi thực hành văn hóa của sinh viên đều được sáng tỏ và được hiểu, bởi vì chúng là kết tinh của một quá trình.
Trong quá trình tích luỹ vốn sống, những hành vi nhập tâm của sinh viên đang ở trong tình trạng “bị động”. Chỉ khi được chuyển sang tập hợp tâm thế hành vi (“habitus”) thì chúng mới thực sự mang tính chủ động (chuẩn bị hành động): sở thích, xu hướng và lựa chọn hành động. Như vậy, tập hợp tâm thế hành vi chuyển “cái quá khứ” hay “cái đã trải nghiệm” thành “cái tương lai” hay đúng hơn là “cái sắp phải xảy ra” gần như mang tính “tự nhiên”. Cuộc quan sát của chúng tôi trong vòng một tuần (từ 21/11/2011 đến 25/11/2011) tại thư viện của Đại học Quốc gia Hà Nội, kèm theo phỏng vấn với ba câu hỏi: 1)“Thu nhập của bố mẹ em từ nghề nào là chính?”; 2)“Lúc học ở PTTH, bố mẹ có thường mua sách ngoài sách giáo khoa cho các em hay không?” và 3)“Mức độ thường xuyên tìm sách, đọc sách ở thư viện của em như thế nào?” Kết quả cho thấy, hầu hết những sinh viên đã tạo được một tâm thế “tìm sách” và “đọc sách” không thuộc con em nông dân, công nhân hay các giai tầng khó khăn. Trong suốt một tuần quan sát và hỏi, hầu hết con em nông dân, công nhân và các giai tầng khác nhau đến thư viện để “mượn sách về nhà đọc”, hoặc đọc báo, nói chuyện với người bên cạnh nhiều hơn. Mức độ tập trung đọc một cuốn sách dài của họ là chưa cao. Bourdieu cho rằng, ở bất kì vị thế văn hóa nào, mỗi tác nhân đều phải chịu “một sức cưỡng đặc biệt” là duy trì hay cải thiện vốn văn hóa của mình bằng cách sử dụng các cơ hội có được. Ví dụ, các giai tầng khá giả có vốn văn hóa trong xã hội có xu hướng sử dụng lợi thế này để cải thiện văn hóa đọc sách: họ đọc chăm chú hơn và tìm đến những cuốn sách mới xuất bản,… Trong khi đó, qua tâm thế hành vi văn hóa, các giai tầng bình dân thì sử dụng cơ hội của mình để chuyển nó thành một dạng “đoàn kết cộng đồng” hay chính xác hơn là một sự liên kết (sinh viên đến thư viện để gặp bạn bè hay nói chuyện nhiều về một chủ đề bình dân như bóng đá).
-
Bất bình đẳng vốn văn hóa trong sinh viên theo giai tầng xã hội
Vốn văn hóa theo quan niệm của Pierre Bourdieu
Vốn văn hóa có thể được thể hiện qua ba dạng khác nhau: văn hóa nhập tâm, vốn “của cải văn hóa” hay “vốn văn hóa được vật chất hóa” và văn hóa thiết chế hóa.
Trong tình trạng nhập tâm, vốn văn hóa của sinh viên là một tập hợp tâm thế hành vi văn hóa ổn định và bền vững mà sinh viên của các giai tầng xã hội khác nhau đã trải nghiệm: ví dụ, hệ thống tâm thế hành vi tìm học liệu của sinh viên cho chúng ta biết được rằng, con em nông dân, công nhân và các giai tầng khó khăn, do chưa có thói quen đọc sách trong quá trình được nuôi dưỡng ở gia đình (vì ở các gia đình ấy không có sách hoặc rất ít sách), nên những tiêu chí về chất lượng sách (tác giả, năm xuất bản, nhà xuất bản, ngôn ngữ xuất bản,…) đều không được quan tâm hoặc không được quan tâm đúng mức, họ chỉ chăm chăm mượn đúng cuốn sách “cần thiết” theo yêu cầu của giảng viên.
Trong tình trạng nhập tâm, vốn văn hóa còn là “sự nhạy cảm” đối với một tác phẩm nghệ thuật, mà không nhất thiết phải có kĩ năng đặc biệt. Tác nhân đạt được dạng vốn văn hóa này là nhờ sự gần gũi hay tiếp xúc rất sớm từ trong gia đình. Quá trình “đồng hóa văn hóa” hay “nhập tâm văn hóa” ấy đòi hỏi mất nhiều thời gian.
Trong tình trạng được “vật chất hóa”, vốn văn hóa chính là sự sở hữu các của cải văn hóa (tranh ảnh, sách, từ điển, nhạc cụ, đồ cổ,…). Quan sát xã hội học về vốn văn hóa được vật chất hóa của sinh viên có thể được tiến hành dễ dàng: hãy đến các khu nhà trọ của sinh viên hoặc kí túc xá sinh viên, chúng ta thấy có bao nhiêu sinh viên sở hữu nhiều loại sách? Chắc chắn rằng, sinh viên con em nông dân, công nhân và giai tầng khó khăn may ra chỉ có tiền photocopy những học liệu quá cần thiết (bắt buộc). Tuy dạng vốn văn hóa được vật chất hoá này ít mang tính thừa kế hơn, nghĩa là khi giàu lên, ai cũng có thể mua được các của cải văn hóa này, nhưng ở đây chúng ta có thể đặt câu hỏi là “tiền ăn và tiền thuê nhà còn thiếu thì sinh viên con em nông dân, công nhân và các giai tầng khó khăn lấy đâu ra tiền để mua sách hay các ấn phẩm văn hóa khác?” Đây thực sự là một sự bất bình đẳng về vốn văn hóa xét theo thành phần xã hội của sinh viên, mà thoạt nhìn chúng ta lầm tưởng rằng, họ đều là sinh viên nên giống nhau.
Trong tình trạng được thiết chế hóa, vốn văn hóa thường được đo bằng “trình độ học vấn” thể hiện qua số bằng cấp và các chứng chỉ khác nhau. Pierre Bourdieu còn gọi dạng vốn văn hóa này là “vốn văn hóa học đường”. Cần phải thống kê để thấy rằng, những sinh viên có điều kiện ghi danh học văn bằng kép, bằng hai hoặc các chứng chỉ khác ngoài bằng chính thức thuộc thành phần xã hội nào. Chúng tôi cho rằng, hầu hết không thuộc con em nông dân, công nhân và các giai tầng khó khăn khác.
Rõ ràng là, chỉ xét theo thành phần xã hội, chúng ta cũng thấy rõ một điều rằng, sinh viên là con em nông dân, công nhân và các giai tầng xã hội khó khăn (các thành phần xã hội chiếm đa số trong cơ cấu dân số Việt Nam hiện nay) cũng có vốn văn hóa rất thua thiệt so với con em các giai tầng khá giả, biết rằng vốn văn hóa ở đây được đo và được quan sát cả ba hợp phần: 1/ văn hóa được vật chất hóa (của cải văn hóa do sinh viên các giai tầng khác nhau sở hữu); 2/ tập hợp tâm thế hành vi của sinh viên và 3/ bằng cấp cũng như số lượng bằng cấp, chứng chỉ mà sinh viên theo đuổi trong một thời gian như nhau.
-
Bước đầu phân tích chính sách học bổng cho sinh viên Việt Nam
Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/5/2010 quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm 2010 đến năm học 2014 – 2015 và Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15/11/2010 là những văn bản pháp quy hiện hành điều chỉnh vấn đề học phí và học bổng cho sinh viên các trường đại học công lập Việt Nam[4].
Về mặt kĩ thuật, nếu như Nghị định là văn bản quy phạm pháp luật (văn bản dưới luật) có chức năng đưa ra những quy định chung nhất về vấn đề học phí, học bổng, thì Thông tư liên tịch mà chúng ta đang bàn tới có chức năng hướng dẫn rất cụ thể[5]. Ở đây, câu chuyện không phải là ở số trang của các loại văn bản đang được phân tích mà ở chỗ hai đoạn trích trên gây ra sự mập mờ cho những người “ngoại đạo” qua hai hướng câu hỏi sau: 1) “Các văn bản pháp quy liên quan đến học phí, học bổng trước hai văn bản này đều bị bãi bỏ?” hay 2) “Chỉ những quy định thuộc các văn bản pháp quy trước đây về học phí, học bổng trái với văn bản hiện hành thì mới bị bãi bỏ?”. Có lẽ những người “trong đạo” (làm văn bản pháp quy) sẽ thấy rằng, sao lại có những câu hỏi “ngây ngô” đến thế? Chúng ta hãy lần lượt phân tích theo hai hướng của những người ngoại đạo.
Theo hướng một, nếu như các văn bản pháp quy trước đây quy định về học bổng và học phí trong các trường đại học và giáo dục chuyên nghiệp bị bãi bỏ, thì tất nhiên Nghị định 45/2005/NĐ-CP và Quyết định 44/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 15/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ phải bị bãi bỏ. Trong điều kiện đó, chúng ta thấy rằng, ở Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Thông tư liên lịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH - những văn bản pháp quy đang hiện hành - có những vấn đề sau đây cần xem xét:
Thứ nhất, hệ tiêu chí để xác định miễn, giảm học phí căn cứ cơ bản vào thành phần xã hội (con em dân tộc thiểu số miền núi, con em xã nghèo, con thương binh, liệt sĩ,…). Đây là một sự tiến bộ đặc biệt mà chúng ta vẫn tiếp tục duy trì. Nhưng trong hai văn bản đang hiện hành này, hệ tiêu chí xác định học bổng cho học sinh nói chung và cho sinh viên đại học công nói riêng lại hầu như vắng bóng các tiêu chí về thành phần xã hội. Tương tự như vậy, tại mục 1, điều 12 quy định học phí đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, tiêu chí ngành học lại thắng thế và là tiêu chí duy nhất để xác định học phí. Rõ ràng, chúng ta thấy rằng, các tiêu chí đang mâu thuẫn với nhau khi xét miễn, giảm học phí và xét học bổng cho sinh viên đại học công ở nước ta.
Theo cách hiểu thứ nhất là các văn bản pháp quy khác liên quan đến vấn đề này trước đây đều bị bãi bỏ, thì cả hai văn bản pháp quy đang hiện hành đều không nêu được các loại hình học bổng mà một sinh viên đại học được hưởng. Các trường đại học công điều chỉnh mối quan hệ giữa các loại học bổng mà trường có được như thế nào? Không hề có điều nào quy định điều chỉnh mối quan hệ này. Ví dụ: một trường có quỹ học bổng là n đồng, trong đó có n1 đồng là 15% học bổng được phép trích từ nguồn học phí, n2 là nguồn học bổng từ doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân trong nước và n3 đồng là nguồn học bổng có yếu tố nước ngoài mà nhà trường huy động được. Đã bao giờ chúng ta đặt ra câu hỏi, những loại trường đại học nào thì dễ huy động nguồn học bổng từ doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức nước ngoài và cá nhân hay chưa? Chúng tôi tin chắc rằng, doanh nghiệp thương mại (cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước) và các tổ chức có yếu tố nước ngoài thường thích trao quỹ học bổng cho những trường mà họ có thể tuyển dụng được lao động chất lượng cao trong ngành nghề mình xét về lâu dài. Như vậy, “nhà giàu lại giàu thêm”, trong khi đó “nhà nghèo lại nghèo thêm”.
Nếu theo cách hiểu thứ hai “chỉ những quy định thuộc các văn bản pháp quy trước đây về học phí, học bổng […]trái với văn bản hiện hành thì mới bị bãi bỏ?”, có nghĩa là những quy định thuộc các văn bản trước đây về vấn đề này không trái với văn bản này vẫn được thực hiện. Trong trường hợp đó, ai sẽ là người xác định những điều nào thuộc các văn bản pháp quy trước đây là “trái với các quy định này” trong văn bản sau? Hệ quả là, việc xét học bổng cho sinh viên đại học công cần phải có sự phối hợp giữa các văn bản trước đây như Nghị định 45/2005/NĐ-CP và Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ.
Khi phân tích vấn đề học bổng của sinh viên đại học công với phương pháp phối hợp như vậy, chúng ta vẫn thấy có hai sự “khiếm khuyết” đã nêu trên của chính sách học bổng. Hơn nữa, Nghị định 45/2005/NĐ-CP về học phí và học bổng, điều 33, lại phân rõ ràng hơn các tiêu chí xét học bổng khuyến khích cho sinh viên đại học, theo đó, hệ tiêu chí kết quả học tập từ loại khá trở lên và đạo đức loại tốt lại thắng thế và là những điều kiện “cần”, chứ không phải là những điều kiện “đủ”. Vì quỹ học bổng khuyến khích học tập theo văn bản ấy được trích từ ngân sách nhà nước và cũng chỉ chiếm 15% so với học phí do sinh viên đóng góp, trong khi đó, số lượng sinh viên đạt tiêu chí “cần” lại rất cao, nên quỹ học bổng này trở nên quá nhỏ nhoi mà nhất là khi nhiều trường đại học công gặp khó khăn trong việc huy động các loại quỹ học bổng khác do tính chất ngành nghề đào tạo. Tuyệt nhiên, các văn bản pháp quy về phân phối quỹ học bổng khuyến khích học tập không đề cập rõ ràng hệ tiêu chí thành phần xã hội - nghề nghiệp mà theo chúng tôi phải là hệ tiêu chí chủ đạo thì mới tương ứng với hệ tiêu chí xét miễn, giảm học phí (con em thuộc diện chính sách xã hội, con em dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, con em nông dân, con em công nhân, con em các giai tầng khó khăn khác). Điều này càng làm tăng thêm khó khăn cho con em các giai tầng chiếm số đông trong xã hội Việt Nam hiện nay.
-
Một vài đề xuất cho việc xây dựng chính sách học bổng cho sinh viên đại học
Từ những phân tích bất bình đẳng trong tiếp cận đại học và bất bình đẳng văn hóa cũng như các văn bản pháp quy liên quan đến việc miễn, giảm học phí, thu học phí và sử dụng học phí, phân chia học bổng, chúng tôi xin đưa ra một vài khuyến nghị sau đây:
Thứ nhất, chúng ta nên xây dựng một hệ tiêu chí thống nhất về thu học phí, miễn, giảm học phí và sử dụng học phí theo một thang điểm ưu tiên các tiêu chí về thành phần xã hội của sinh viên vì qua hệ tiêu chí ưu tiên này, chúng ta cũng đã biết được khá chính xác thu nhập của các hộ gia đình này. Hệ tiêu chí thu học phí phải gắn kết chặt chẽ và thống nhất với hệ tiêu chí phân phối học bổng. Theo chúng tôi, những sinh viên thuộc thành phần xã hội là con em diện chính sách, con em nông dân, con em công nhân, con em vùng sâu, vùng xa, được Chính phủ xếp vào các xã nghèo, và con em các giai tầng khác như cha mẹ làm nghề tự do (xe ôm, làm việc theo mùa,…) là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hơn nữa lại nằm trong số các thành phần xã hội khó khăn chiếm đa số (gần 3/4) dân số (Tổng cục thống kê, 2009).
Thứ hai, 15% quỹ học bổng mà các trường đại học công được phép trích từ học phí hiện nay nên tự động dành cho con em nhà nghèo có hệ tiêu chí thắng thế về thành phần xã hội. Còn các loại học bổng khác mà nhà trường huy động được từ cá nhân, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân nước ngoài mới dành cho loại khuyến học, nghĩa là cạnh tranh theo đúng tiêu chí của “người cho”. Như vậy, chính sách này đảm bảo không triệt tiêu tính cạnh tranh trong học tập và rèn luyện của sinh viên. Vả lại, nó thôi thúc các trường đại học năng động hơn nữa trong việc giao lưu, tìm kiếm các nguồn học bổng cạnh tranh để thu hút người học giỏi.
Thứ ba, nếu như tất cả các trường đại học công đều được trích từ học phí 15% để làm học bổng, thì Nhà nước nên bổ sung từ ngân sách để bù đắp thêm một phần học bổng nữa dành cho các trường đại học công, ở đó, số đông sinh viên là con em thuộc các thành phần xã hội khó khăn. Hay nói cách khác, giả định rằng, quỹ học bổng n đồng (15%) là như nhau thì trường nào có nhiều sinh viên nghèo sẽ khó phân chia hơn rất nhiều, trong khi đó, tiêu chuẩn “học khá trở lên và đạo đức tốt” chỉ là tiêu chuẩn cần chứ không phải tiêu chuẩn đủ, vì có rất nhiều sinh viên con em thuộc diện chính sách, con em nông dân, con em công nhân và nhiều giai tầng khác đạt được tiêu chuẩn cần ấy, trong khi đó 15% học bổng được trích từ học phí lại quá ít ỏi so với số lượng sinh viên gặp khó khăn là quá đông.
Kết luận và bình luận
Phân tích bất công bằng về vốn văn hóa và bất bình đẳng trong tiếp cận giảng đường đại học công cho ta thấy rằng, về mặt phương pháp luận, vốn văn hóa và bất bình đẳng trong tiếp cận giảng đường đại học là hai nhóm chỉ báo rất quan trọng để cho phép chúng ta hiểu được bản chất của sự phân tầng xã hội diễn ra ngay trong giảng đường đại học. Con em nhà nghèo thường thuộc các thành phần xã hội như con gia đình chính sách, con em thương binh, liệt sĩ, con em nông dân, con em công nhân và con em những giai tầng làm việc bấp bênh, thời vụ,… là những người để được học trong giảng đường đại học công đã là một sự nỗ lực vượt bậc. Dù nỗ lực thế nào đi nữa thì họ đã đi một quãng đường dài hơn nhiều so với quãng đường mà con em các giai tầng khá giả đã đi để vào được đại học. Họ là những “siêu nhân” trong giảng dường đại học vì họ đã được “siêu tuyển dụng”.
Chính sách học phí và học bổng là những quy định rất nhạy cảm và khó khăn vì nó liên quan đến quyền lợi mà bất kì sinh viên nào cũng chờ đợi, kì vọng. Hơn thế nữa, định hướng giáo dục quốc dân của chúng ta là “định hướng xã hội chủ nghĩa”, thì chính sách ấy nhất định phải được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu hệ tiêu chuẩn về điều kiện sống của các thành phần xã hội. Khi nghiên cứu như vậy, điều mà Nhà nước cần nắm rõ đó là, xét về thu nhập, thành phần xã hội nào cơ bản là khá giả? thành phần xã hội nào cơ bản là trung bình? và thành phần xã hội nào cơ bản là nghèo? theo chúng tôi, không nhất thiết phải theo hệ tiêu chí đối lập lâu nay giữa con em dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, con em các xã nghèo,… và con em các giai tầng khá giả vì trong thực tế, chúng ta vẫn thừa nhận rằng, ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, vẫn có những hộ gia đình khá hơn người nghèo đô thị. Do vậy, hệ tiêu chí thắng thế tuyệt đối ở đây là “dựa vào thu nhập” vì nó là cái gốc của mọi cái gốc, mà con em các gia đình chính sách, con em nông dân, công nhân và các giai tầng xã hội làm các việc thời vụ, bấp bênh chắc chắn có thu nhập thấp, xét về mặt bình quân trong xã hội.
Đây chỉ là một nghiên cứu bước đầu được giới hạn ở phân tích bất bình đẳng trong tiếp cận giảng đường đại học công và bất bình đẳng trong phân tích vốn văn hóa. Để đi đến một chính sách hoàn thiện về thu học phí và phân phối học bổng cho sinh viên đại học, cần thiết phải có một nghiên cứu liên ngành cấp quốc gia không chỉ giới hạn ở các trường đại học công. Thậm chí, nghiên cứu liên ngành ấy cần được so sánh với một nước nào đó có những bước hội nhập quốc tế “có thể so sánh được” với trường hợp Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
-
Akoun A., và Ansart P., Từ điển xã hội học (“Dictionnaire de Sociologie”), Paris, Nxb. Le Robert và Seuil, 1999, 587 trang.
-
Bourdieu P., Sự phân biệt xã hội. Phê bình xã hội về sự nhận định giá trị của người khác (“La Distinction. Critique sociale du jugement de l’autre”), Paris, Nxb. Minuit, 1979, 760 trang, tuyển tập “Ý nghĩa chung” (“Le Sens Commun”).
-
Bourdieu P., Các vấn đề xã hội học (“Questions de sociologie”), Paris, Nxb. Minuit, 1980, 268 trang.
-
Bourdieu P., Những điều được nói ra (“Les choses dites”), Paris, Nxb. Minuit, 1987, 229 trang, tuyển tập “Ý nghĩa chung” (“Le Sens Commun”).
-
Bourdieu P., (viết chung với Wacquant J.D), Những lời đáp (“Les réponses”), Paris, Nxb. Seuil, 1992, 268 trang.
-
Bourdieu P., Tư duy của Pascal (“La pensée de Pascal”), Paris, Nxb. Seuil, 1992, 316 trang.
-
Bourdieu P., “Nhãn quan đối chiếu về nhân học của Bourdieu” (“Regards croisés sur l’anthropologie de Pierre Bourdieu”, Kỉ yếu nghiên cứu trong khoa học xã hội và nhân văn (“Actes de recherche en sciences sociales et humaines”), Déc.2003, số đặc biệt 150.
-
Bourdieu P., Bản thảo dành cho việc phân tích chính mình (“Esquisse pour une analyse de soi-même”), Paris, Nxb. Lý do Hành động (“Raison d’Agir”), 2004, 142 trang.
-
Bourdieu P., et Passeron J-C., Những người thừa kế: sinh viên và văn hoá (“Les héritiers”: les étudiants et la culture), Paris, Nxb. Minuit, 2006, 189 trang.
-
Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị định 49/2010/NĐ-CP Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015 ngày 14 tháng 5 năm 2010.
-
Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị định 45/2005/NĐ-CP Quy định về học phí, học bổng ngày tháng năm 2005.
-
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thông tư liên tịch Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015.
[1] Hiện nay, nông dân Pháp chỉ chiếm trên 4% dân số.
[2] Ví dụ: trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, có tỉ lệ nữ giảng viên là trên 60% tính đến thời điểm tháng 12/2011.
[3] Từ “siêu nhân” do tác giả của bài báo này sử dụng.
[4] Ở đây, chúng tôi không bàn đến cụm từ rất khó hiểu của những nhà biên soạn ra nghị định, ví dụ: “Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2010. Các quy định trước đây về miễn, giảm học phí và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục quốc dân trái với quy định tại Nghị định này đều bãi bỏ” (Nghị định 49/NĐ-CP ngày 14/5/2010, điều 16) và “Những quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này đều bị bãi bỏ” (Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH, câu 2 Điều 8).
[5] Điều này thể hiện qua số trang A4: Nghị định 49/2010/NĐ-CP có 17 điều chứa đựng trong 10 trang A4 thì Thông tư liên tịch chỉ có 8 điều lại được chứa đựng trong 17 trang A4.
Trịnh Văn Tùng