Quyền được chăm sóc sức khỏe: thành tựu và thách thức

20/06/2013

 

Quyền được chăm sóc sức khỏe: thành tựu và thách thức

                                                                                          Nguyễn Thị Anh Đào *

 

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền được chăm sóc sức khỏe (CSSK) và phát triển con người (PTCN) gắn kết với nhau đã được nêu rõ trong các phát biểu tại Hội nghị quốc tế: “Nhận thức Quyền về sức khỏe và phát triển cho mọi người”[1] - hội nghị xem xét cách tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản, những thách thức đối với y tế công cộng, như đại dịch HIV/AIDS và sốt rét, mối đe dọa từ biến đổi khí hậu và toàn cầu hóa kinh tế. Đây là hội nghị quốc tế đầu tiên được tổ chức ở châu Á về y tế, nhân quyền và phát triển, nhằm thông qua cách tiếp cận dựa trên quyền đưa ra các giải pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng về sức khỏe, nhân đạo và phát triển đang đe dọa hàng tỷ người thuộc nhóm xã hội dễ bị tổn thương, nhất là phụ nữ, trẻ em, người nghèo.

Vấn đề sức khỏe, phát triển và quyền con người là một nội dung quan trọng trong mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh của Việt Nam[2]. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là làm tất cả, từ những việc nhỏ nhất để chăm lo cho sức khỏe con người, đặt cơ sở để con người có cơ hội phát triển toàn diện, thực hiện đầy đủ nhất quyền quyết định đối với vận mệnh của mình và quyền làm chủ xã hội, làm chủ đất nước.

Về mặt pháp lý quốc tế, quyền được chăm sóc sức khỏe được nhắc tới lần đầu ở Điều 25 Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền (UDHR), trong quyền được có mức sống thích đáng, và được cụ thể hóa ở Công ước quốc tế về Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) trong các Điều 7, 11, 12, Công ước quốc tế về bình đẳng giới (CEDAW) trong Điều 10, 12, 14, Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC) với Điều 24, Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965 với Điều 5, Tuyên bố Viên và Chương trình hành động thông qua tại Hội nghị Thế giới về Quyền con người lần thứ hai năm 1993[3]. Trong các quy định này, nổi bật có Điều 12 ICSCR quy định rõ về quyền của tất cả mọi người được hưởng một tiêu chuẩn sức khỏe về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể được, những biện pháp nhằm thực hiện đầy đủ quyền này bao gồm những biện pháp làm giảm bớt tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và trẻ em; cải thiện toàn diện vệ sinh môi trường, vệ sinh công nghiệp; ngăn ngừa, xử lý và hạn chế các dịch bệnh, bệnh ngoài da, bệnh nghề nghiệp và các loại bệnh khác; tạo các điều kiện để bảo đảm mọi dịch vụ và sự chăm sóc y tế khi ốm đau. Trong Bình luận chung số 14 (phiên họp thứ 22/2002), Ủy ban về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của Liên hiệp quốc còn giải thích một cách khá toàn diện và chi tiết về quyền này, đặc biệt đề cập đến quyền được CSSK được hiểu là “quyền được thụ hưởng những cơ sở vật chất, hàng hóa, dịch vụ và điều kiện cần thiết để đạt được tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể”; quyền được chăm sóc sức khỏe phụ thuộc vào những yếu tố cơ bản là: (a) Khả năng sẵn có về cơ sở chăm sóc sức khỏe và y tế công, các loại hàng hoá và dịch vụ, cũng như các chương trình chăm sóc sức khỏe của quốc gia thành viên, (b) Khả năng có thể tiếp cận của mọi người với các cơ sở chăm sóc sức khỏe, hàng hoá và dịch vụ y tế; đặc biệt đề cập tới nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệthực hiện[4] quyền của các quốc gia thành viên, trong đó nghĩa vụ thực hiện đòi hỏi những điều sau:  

  • Phải công nhận đầy đủ quyền được CSSK trong hệ thống pháp luật và chính trị quốc gia, thích hợp nhất là thông qua hình thức thực hiện lập pháp và ban hành chính sách y tế quốc gia với kế hoạch chi tiết để thực hiện quyền được CSSK.
  • Phải đảm bảo việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, bao gồm cả các chương trình tiêm chủng chống các bệnh truyền nhiễm cơ bản và đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng những yếu tố quyết định cơ bản đến sức khỏe cho tất cả mọi người, chẳng hạn như lương thực an toàn, đủ dinh dưỡng và nước uống sạch, điều kiện vệ sinh cơ bản, điều kiện sống và nhà ở đầy đủ. Cơ sở hạ tầng y tế công cần đảm bảo cung cấp các dịch vụ CSSK tình dục và sức khỏe sinh sản, bao gồm cả kỹ năng làm mẹ an toàn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
  • Phải đảm bảo đào tạo thích hợp đội ngũ bác sĩ và cán bộ y tế khác, cung cấp đủ số bệnh viện, trạm y tế và các cơ sở khác liên quan đến CSSK và thúc đẩy, hỗ trợ thiết lập các viện nghiên cứu và dịch vụ y tế phân bố đều trên toàn quốc.
  • Phải có trách nhiệm xây dựng hệ thống bảo hiểm y tế tư nhân và nhà nước có thể đáp ứng được mọi đối tượng, thúc đẩy nghiên cứu và giáo dục y tế cũng như tuyên truyền thông tin, đặc biệt là về HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản và giới tính, thói quen truyền thống, bạo lực gia đình, lạm dụng rượu và thuốc lá, thuốc gây nghiện và các chất có hại khác,…[5]

Trong bài viết này[6], để đánh giá thực trạng quyền CSSK vì PTCN, chúng tôi dựa trên những văn bản pháp luật của quốc tế và trong nước coi quyền được CSSK là quyền mà người dân được hưởng các dịch vụ CSSK do nhà nước cung cấp thông qua các chủ trương, biện pháp chính sách, và hệ thống y tế từ cơ sở đến trung ương (sau đây gọi là hệ thống CSSK) nhằm mục tiêu: làm giảm bớt tỷ lệ tử vong, cải thiện toàn diện vệ sinh môi trường, vệ sinh công nghiệp; ngăn ngừa, xử lý và hạn chế các loại bệnh tật, dịch bệnh, tạo điều kiện bảo đảm mọi dịch vụ, chăm sóc y tế khi đau ốm. Hệ thống CSSK về cơ bản sẽ được xác định theo nội dung của nghĩa vụ thực hiện nêu ở trên, đó là hệ thống pháp luật, dịch vụ chăm sóc y tế, đội ngũ bác sĩ và hệ thống bảo hiểm. Thêm vào đó, quyền được CSSK vì mục tiêu PTCN ở đây sẽ được đánh giá theo các tiêu chí tương thích với các tiêu chí đánh giá PTCN, cụ thể là tính sẵn có hay mức độ bao phủ của hệ thống (tương đương với tính công bằng của PTCN), tính có thể tiếp cận hệ thống (tương đương với tính tham gia của PTCN), tính có thể chấp nhận (tương đương với tính hiệu quả của PTCN) và tính có thể thích ứng đối với những thay đổi (tương đương với tính bền vững của PTCN).

1. Hệ thống biện pháp chính sách thể hiện ở các văn bản luật quy định về quyền được chăm sóc sức khỏe

Ở Việt Nam, các biện pháp chính sách của nhà nước nhằm thực thi quyền được CSSK thể hiện tập trung nhất ở rất nhiều văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp và gián tiếp, có thể kể ra một số văn bản chủ yếu sau.

- Hiến pháp 92 (Điều 6[7])

- Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân (1989)[8]

- Chỉ thị số 06/CT/TW của Ban bí thư về việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng và đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân (2001)

- Pháp lệnh người cao tuổi do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành (2000)

- Pháp lệnh Dân số (2003)

- Luật Bảo hiểm y tế (2009)

- Luật Khám bệnh, chữa bệnh (23/11/2009, có hiệu lực từ 1/1/2011)

- Quyết định số 139 của Thủ tướng về khám chữa bệnh cho người nghèo, tạo điều kiện để mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe 

- Chiến lược quốc gia về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân (2001-2010)

- Chiến lược Dân số (2001-2010)

- Chương trình mục tiêu quốc gia về Dân số và kế hoạch hóa gia đình đến 2010

- Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến 2010 định hướng 2020

- Chiến lược phòng chống HIV/AIDS cho đến 2010 và phương hướng tới 2020 (2004).

Để đánh giá một cách khái quát hệ thống luật liên quan tới quyền được CSSK, có thể dẫn ra đây lời nhận xét đối với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bộ luật trực tiếp và tiêu biểu nhất cho hệ thống luật này, của TS., bác sĩ Dương Quang Trung - chủ tịch Hội Y học Tp.Hồ Chí Minh: Nước ta đã có luật khám chữa bệnh, nhưng luật này còn chung chung, chưa đủ sức đảm bảo phòng ngừa được những sai sót về trách nhiệm, tai biến về chuyên môn xảy ra. Ở các nước trên thế giới, để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân và thầy thuốc, người ta xây dựng nghĩa vụ luật với hàng trăm điều quy định chi tiết, chặt chẽ trong hành nghề. Nghĩa vụ luật quy định những gì bác sĩ được và không được làm. Đồng thời họ còn có bộ phận theo dõi, quản lý, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ luật mà một số nước gọi là y sĩ đoàn, bác sĩ đoàn hay hội đồng y khoa quốc gia, hội đồng quản lý hành nghề,... để quản lý việc hành nghề của thầy thuốc. Hội đồng quản lý hành nghề gồm những người có uy tín, đạo đức, thâm niên, hiểu biết để phân xử khách quan, công bằng. Còn ở ta, trong một số bệnh viện, nhiều trường hợp thầy thuốc vi phạm y đức mới dừng lại ở việc nhắc nhở, khiển trách, mất thi đua, cắt thưởng,...[9]

2. Khái quát tình hình thực thi Quyền được chăm sóc sức khỏe: thành tựu và thách thức

2.1) Thành tựu đạt được trong việc thực thi quyền được chăm sóc sức khỏe

Việt Nam tạo điều kiện để mọi người dân thụ hưởng quyền được CSSK, ưu tiên các đối tượng phụ nữ, trẻ em và người dân tộc thiểu số. Các chương trình, chính sách có tính chiến lược như tiêm chủng cho trẻ em, hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT), khám chữa bệnh (KCB) miễn phí cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi, phòng chống lao, phòng chống HIV/AIDS,... đã mang lại hiệu quả tích cực. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 58‰ (1990) xuống còn 25,9‰ (2007), dưới 1 tuổi từ 31‰ (2001) xuống còn 16‰ (2007); tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em chỉ còn 21,2% (2007); tỷ lệ tử vong ở phụ nữ sau sinh giảm từ 233/100.000 trẻ đẻ sống (1990) xuống 75/100.000 trẻ (2007). Hầu hết các xã đặc biệt khó khăn tại các vùng dân tộc thiểu số đã có trạm y tế; đa số thôn, bản có y tế cộng đồng, góp phần cơ bản ngăn chặn các bệnh dịch xã hội hiểm nghèo, nâng cao sức khỏe, cải thiện đời sống đồng bào[10].

Trước hết, hệ thống CSSK đã hình thành được một mạng lưới bệnh viện ngày càng mở rộng: từ 741 cơ sở KCB và 13.000 giường bệnh (1940) đã tăng lên thành 1.557 cơ sở (1976), 13.149 cơ sở và 136.590 giường bệnh (2005). Số giường bệnh bình quân trên 10.000 dân là 24[11] so với Pháp là (77), Canada (37), Mỹ (36) thì khiếm tốn, song so với các nước trong khu vực thì đứng thứ 3 trong khối ASEAN, sau Singapore (29), Bruney (26), trên Thái Lan (22), Malaysia (19), Philipin (10) Campuchia (5),…

Hệ thống CSSK ban đầu là hệ thống trạm y tế xã, phường đã được rải đều khắp, tính đến năm 2005, cả nước có 11.305 trạm y tế xã, phường, cơ quan, xí nghiệp (tăng 1.063 trạm so với 1986) với 52.800 giường bệnh, thêm vào đó là 100% các huyện, tỉnh trong cả nước đều có bệnh viện huyện, tỉnh. Hệ thống bệnh viện các cấp này đã đáp ứng nhu cầu KCB của người dân trong cả nước, góp phần tuyên truyền, hướng dẫn người dân kiến thức bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh tật, thực hiện hiệu quả các chương trình chăm sóc sức khỏe nhân dân do nhà nước tổ chức. Kết quả điều tra khảo sát của đề tài cấp Bộ: “Một số vấn đề cơ bản về quyền văn hóa, xã hội và điều kiện thực thi tại Việt Nam giai đoạn 2011-2020 vì mục tiêu phát triển con người” (sau đây gọi tắt là Đề tài) tại một số tỉnh, thành phố ở ba miền bắc - trung - nam[12] cũng cho thấy, tại tất cả các điểm khảo sát đều có trạm y tế xã và bệnh viện tỉnh.

Thứ hai là đội ngũ thầy thuốc cũng không ngừng gia tăng: năm 2004 cả nước có 99.300 y, bác sĩ (tăng 35.600 người so với 1986), 49.000 y tá, 17.500 nữ hộ sinh (so với 1986 tăng 2.400 người), 14.700 dược sĩ trung, cao cấp (so với 1986 tăng 2.600 người). Bình quân 10.000 dân có gần 12 y, bác sĩ. Số xã, phường có 2.413 bác sĩ (1977) tăng lên thành 5.366 (2000), đưa tỷ lệ này tăng từ 24% lên 51%. Tỷ lệ xã, phường có y sĩ sản nhi hay nữ hộ sinh là 74,5% (7.691 người) vào năm 1977 đã tăng lên thành 87.9% (9.240 người) năm 2000. Tính đến 2005, số cán bộ y tế tuyến trung ương là 31.668 người (12% cả nước) trong đó 7,5% có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ, 37% trình độ đại học; cán bộ y tế tuyến tỉnh là 79.759 người, trong đó 2% có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ, 28% trình độ đại học, 48% trình độ cao đẳng và trung cấp, 5% trình độ sơ cấp.

Thứ ba là hệ thống BHYT, với Quyết định 139, cấp phát thẻ BHYT cho người nghèo, việc bảo đảm quyền KCB của người nghèo đã tạo được bước đột phá: năm 2003, số người nghèo tiếp cận dịch vụ y tế là 13,5 triệu, trong đó người nhận thẻ BHYT là 3,7 triệu, đến năm 2005 đã tăng lên thành 14, 3 triệu (4,4 triệu người được cấp thẻ BHYT). Tổng chi từ quỹ cũng tăng từ 224,9 tỷ đồng (2003) lên 664,3 tỷ đồng (2005). Tính đến năm 2005 có 8 triệu người nghèo được cấp thẻ BHYT hoặc giấy KCB miễn phí với tổng kinh phí là 205 tỷ đồng. Ngân sách y tế cũng liên tục tăng kể từ 1986 đến nay, riêng 5 năm (1999 - 2004), tổng chi ngân sách ngành y tế tăng từ 3.610 tỷ đồng lên 6.276 tỷ đồng.

Kết quả của việc gia tăng hệ thống KCB và nguồn nhân lực ngành y tế nêu trên đã đưa đến kết quả đáng ghi nhận, thể hiện ở một vài con số khả quan như:

- Tỷ lệ tử vong vì bệnh sốt rét giảm 10 - 15% hằng năm, vì bệnh bướu cổ giảm 2 - 3% và 90% trong số họ được tiếp cận dịch vụ y tế. Số lượng người tham gia BHYT năm 1993 chỉ có 3,8 triệu người (5,4% dân số) đã tăng lên thành 16 triệu người (15% dân số). Bệnh bại liệt đã bị xóa bỏ hoàn toàn từ năm1996, các bệnh dịch mới cũng kịp thời được dập dịch và ngăn chặn bùng phát hiệu quả (SAR, H5N1).

- Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch tăng lên hàng năm, từ 45,19% (1995) lên 51,8% (2001); tỷ lệ hộ gia đình sử dụng hố xí hợp vệ sinh từ 27,33% (1995) lên 44,07% (2000), đó là kết quả của việc Chính phủ thực hiện một số Chương trình cung cấp nước sạch, vệ sinh nông thôn như là những biện pháp nâng cao sức khỏe cộng đồng, ngăn ngừa bệnh tật từ trước.Tuy nhiên, vẫn còn có sự khác biệt rõ ràng giữa thành thị và nông thôn về hai tỷ lệ này: 61,4% và 37,8% về nước sạch, 81,77% và 32,49% về hố xí hợp vệ sinh.

- Tiêm chủng, hỗ trợ BHYT, KCB miễn phí, phòng chống lao, HIV; đầu tư 782 tỷ đồng (2005) để thực hiện KCB miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi… Năm 2000, Việt Nam được thế giới công nhận đã thanh toán bệnh bại liệt; tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 5,8% (1990) xuống 3,28% (2003) và 2,59% (2007); tỷ lệ trẻ tử vong dưới 1 tuổi giảm từ 3,1% (2001) xuống 1,6% (2007); năm 2004, trẻ em dưới 5 tuổi được uống dung dịch bù nước khi bị tiêu chảy đạt 97%, tỷ lệ không thiếu vitamin A đạt 100%, tỷ lệ mắc sởi giảm 82,1% so với năm 1986, tỷ lệ chết sởi giảm 97,3% so với 1986, tỷ lệ sơ sinh có cân nặng thấp dưới 2.500 gram giảm từ 14% xuống 7,1%, tỷ lệ thiếu máu phụ nữ có thai chỉ còn 30%. Cũng vào năm 2004, 70% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc giúp đỡ tại cộng đồng, 100% trẻ em hồi hương hợp pháp được chăm sóc tái hòa nhập, 80% trẻ em bị sứt môi được phẫu thuật nụ cười (từ 1997 đến 2001 có tất cả 7.228 em). Một số chỉ tiêu khác cũng giảm đáng kể (tuy chưa đạt mục tiêu) như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi từ 42% (1993) xuống 28,4% (2003), tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi giảm từ 43,3% (1995) xuống 21% (2003), tỷ lệ chết mẹ liên quan đến thai sản giảm từ 110/100.000 ca đẻ (1995) xuống 85/100.000 ca (2004).

- Các tỉnh đều có trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, các trạm y tế đều được cung cấp thiết bị cơ bản, quỹ thuốc và phương tiện chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình (trong đó 37% đạt tiêu chuẩn quốc gia), 76% thôn bản có y tế cơ sở thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, riêng vùng duyên hải miền Trung đạt 90%. Đến năm 2002 đã thanh toán tình trạng “trắng” về cán bộ y tế cấp cơ sở, số xã có bác sĩ tăng từ 33,8% (1999) lên 61,5% (2002), 93,2% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Tại 61 trung tâm bảo vệ sức khỏe bà mẹ - trẻ em và kế hoạch hóa gia đình có 321 bác sĩ chuyên khoa sản, 60 bác sĩ chuyên khoa nhi , 228 y sĩ sản nhi và 367 nữ hộ sinh[13]. Kết quả là, tỷ lệ tử vong bà mẹ khi sinh đã giảm từ 1% (1997) xuống 0,9% (1999), 0,85% (2003). Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi, dưới 1 tuổi và bà mẹ khi sinh là thấp hơn nhiều so với các quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương. Chính phủ còn thực hiện trên quy mô rộng khắp nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ các lứa tuổi, nhất là lứa tuổi làm mẹ (“Làm mẹ an toàn”), vì vậy chỉ tính riêng 1998 đã có 7,4 triệu phụ nữ được khám phụ khoa, 1,2 triệu phụ nữ có thai được khám đủ 3 lần, 95,8% phụ nữ khi sinh được cán bộ y tế chăm sóc (2003), phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván 2 mũi tăng từ 66% (1996) lên 92% (2005); Số lần khám thai trung bình tăng dần, từ 1,6 lần (1998) lên 3,1 lần (2005). Nhờ đó, tỷ lệ tai biến sản khoa của phụ nữ nói chung và phụ nữ nông thôn nói riêng đều giảm đáng kể: theo niên giám thống kê của Bộ Y tế từ 9.879 người (1995) xuống 3.275 người (2005).

- Bên cạnh chế độ ưu đãi do nhà nước trợ cấp và nuôi dưỡng thương, bệnh binh nặng, người bị di chứng chất độc da cam, mạng lưới chăm sóc sức khỏe phục hồi chức năng cho người khuyết tật cũng được thiết lập từ trung ương đến cơ sở. Riêng đối với nạn nhân chất độc màu da cam, nhà nước cùng nhiều tổ chức cá nhân khác đã chung tay trợ giúp hàng chục tỷ đồng để các nạn nhân ổn định cuộc sống và có thể tham gia sản xuất. Ngoài ra, đã có hơn 300.000 người được chỉnh hình, phục hồi chức năng, được cung cấp dụng cụ chỉnh hình miễn phí, phương tiện trợ giúp như xe lăn, xe đẩy, hàng trăm nghìn người được cấp thẻ BHYT trong vòng 10 năm qua...

Những thành tựu về thực thi quyền CSSK trên đây của Việt Nam đã được quốc tế đánh giá và công nhận: Ngân hàng kinh tế thế giới nhận định rằng, các chỉ số y tế của Việt Nam khá hơn điều có thể trông đợi ở một nước có mức độ phát triển tương tự. Ông Anand Grover, báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về Quyền được chăm sóc sức khỏe cũng đưa ra nhận xét như sau: “Tôi cũng ghi nhận những nỗ lực đáng hoan nghênh của Việt Nam trong vòng hai thập kỷ vừa qua nhằm cải thiện hệ thống y tế nói chung, cũng như cam kết của Việt Nam nhằm đảm bảo tất cả mọi người dân đều được tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe. Một hệ thống chăm sóc sức khỏe hoạt động tốt là cơ sở cho việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe, và các số liệu cho thấy đã có những tiến bộ đáng ngưỡng mộ trong nhiều lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trọng yếu, trong đó có sức khỏe bà mẹ và trẻ em”[14].

2.2. Những khó khăn thách thức trong việc thực thi quyền được chăm sóc sức khỏe 

Biến đổi môi trường toàn cầu

Những biến đổi về khí hậu, môi trường trái đất nói chung đã gây ra những dịch bệnh mới đe dọa sức khỏe và mạng sống của con người ở khắp nơi trên thế giới, và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Nhiều dịch bệnh mới đã được Việt Nam nỗ lực đẩy lùi trước đây như SARS ("Severe acute respiratory syndrome")[15], H5N1[16] hiện vẫn còn nguy cơ tái phát. Thêm vào đó, đang đe dọa sức khỏe của người dân, nhất là trẻ em là nạn dịch “chân tay miệng” (CTM), “bệnh da lạ”,... Từ cuối năm 2011, bệnh bùng phát nhanh chóng, lây nhiễm ra khắp 53 tỉnh, thành trong cả nước. Từ đầu năm đến nay đã có khoảng 30.000 ca mắc bệnh, số tử vong đã lên tới 18 cháu. Theo Bộ Y tế, nước ta có số trẻ em bị mắc bệnh CTM tính trên 10.000 dân, cao thứ tư trong khu vực châu Á[17]. Bộ Y tế đã phải tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề tìm biện pháp đối phó nhưng cho đến nay vẫn chưa dập tắt dịch được hoàn toàn.

Suy giảm chất lượng môi trường trong nước

Môi trường ở Việt Nam ngày càng ô nhiễm, trở thành nguyên nhân gia tăng các căn bệnh hiểm nghèo, thậm chí làm sống lại một số căn bệnh đã được đẩy lùi như lao, sởi và ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả nỗ lực của nhà nước trong việc thực thi quyền được CSSK cho người dân.

Nói riêng về môi trường nước, một nghiên cứu được đăng tải trên tờ Proceedings của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ cho biết, thạch tín và nhiều hóa chất độc hại khác đang gây ô nhiễm nguồn nước ở Đồng bằng sông Hồng, trong đó có Hà Nội, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của khoảng 7 triệu người (Dân trí)[18]. Nguyên nhân của việc nhiễm độc do người dân bơm nước từ các tầng ngậm nước sâu trong suốt hơn một thế kỷ nay, khiến asen ở trong nước trên mặt đất ngấm xuống dưới.

Từ nhiều năm trước đây, thực trạng nước nhiễm asen ở nước ta đã ở mức báo động tại hai khu vực là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, đã được Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn báo cáo. Kết quả một số nghiên cứu do Unicef tiến hành tại hai khu vực này đã đưa đến nhận định: mức độ ô nhiễm asen trong nguồn nước ngầm ở Việt Nam rất nghiêm trọng (TS. Nguyễn Duy Bảo, Viện Lao động và Vệ sinh môi trường, Bộ Y tế). Kết quả phân tích mẫu nước của 512 giếng ở Việt Nam từ tháng 5/2005 - 1/2007 do Michael Berg và các đồng nghiệp thuộc Viện Công nghệ và khoa học về nước của Thụy Sỹ tiến hành cho thấy: 27% giếng trong vùng nghiên cứu bị nhiễm asen và khoảng 1 triệu người dùng nước với hàm lượng nhiễm gấp 5 lần tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế thế giới. Theo quy định của quốc tế và cộng đồng châu Âu, nồng độ asen trong nước chỉ được phép dưới 0,01 mg/l, nhưng tại khu vực Đồng bằng sông Hồng như Hà Nội, Hà Tây, Hưng Yên, Nam Định, mức nhiễm asen thường cao gấp hàng chục lần mức này, trong đó nhiễm nặng nhất là tỉnh Hà Nam, có tới 80% giếng khoan ở tỉnh này nhiễm asen ở mức nguy hiểm, gấp 100 đến 500 lần mức cho phép.

Vệ sinh an toàn thực phẩm 

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong cả nước đang là một trong những vấn đề gây bất an hàng đầu cho cuộc sống của người dân. Thực chất, nhiều sự kiện như việc tiếp tục sử dụng những hoá chất cấm dùng trong nuôi trồng, chế biến nông thủy sản, thực phẩm, việc sản xuất một số sản phẩm kém chất lượng hoặc do quy trình chế biến hoặc do nhiễm độc từ môi trường, đang gây ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và tiêu dùng. Các vụ ngộ độc thực phẩm do một số bếp ăn tập thể cung cấp, nhiều thông tin liên tục về tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm ở trong và ngoài nước, cộng thêm dịch cúm gia cầm tái phát, bệnh heo tai xanh ở một số nơi càng làm bùng lên sự lo âu trong cộng đồng. Gần đây một số vấn đề liên quan đến quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, sự khác biệt giữa các kết quả phân tích kiểm tra chất lượng sản phẩm vừa gây không ít khó khăn cho người sản xuất vừa tạo thêm lo lắng cho người tiêu dùng. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, Bệnh viện Thủ Đức (Tp.HCM) cho biết, tình trạng bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc thực phẩm diễn ra phổ biến thời gian qua. Sau khi xét nghiệm, đối thoại với bệnh nhân, bệnh viện phát hiện những người này đã ăn phải các chất độc hóa học trong các loại thực phẩm được bán tràn lan trên thị trường. Đó là các chất bảo vệ, bảo quản thực phẩm tươi lâu hay chống nấm. Kết quả phỏng vấn sâu (PVS) của Đề tài cũng cho thấy, hầu hết người trả lời đều nêu vấn đề an toàn thực phẩm vào hàng đầu danh sách những bất an trong cuộc sống hiện nay.

Chính sách bảo hiểm y tế chưa hiệu quả

Chính sách BHYT chưa hiệu quả có thể nhận thấy trước hết thể hiện ở tình hình thực hiện Luật BHYT - đã được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2008, có hiệu lực từ ngày 1/7/2009. Theo đánh giá của Bộ Y tế, sau 2 năm thực hiện, Luật BHYT đã từng bước đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến chính sách BHYT tại Việt Nam, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Tống Song Hương, trong quá trình triển khai Luật BHYT vừa qua cũng đã xuất hiện nhiều khó khăn và vướng mắc. Nhiều bệnh viện quá tải, nhất là ở các cơ sở tuyến tỉnh, tuyến trung ương và tình trạng bệnh nhân khi KCB theo bảo hiểm phải chờ đợi lâu, nằm chung giường bệnh còn khá phổ biến khiến nhiều người ngại tham gia và sử dụng các dịch vụ do BHYT chi trả. Đặc biệt, tại nhiều vùng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực y tế còn nhiều hạn chế, nhất là ở tuyến y tế cơ sở và tại các vùng sâu, vùng xa (tỷ lệ các trạm y tế xã có bác sĩ hiện mới đạt khoảng 70%). Bên cạnh đó, chế tài xử phạt hành vi vi phạm pháp luật BHYT chưa có, cơ quan BHXH không có chức năng thanh tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật mà phải thông qua các cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan chức năng, cho nên số vụ việc được thanh tra, xử lý còn ít, có nhiều trường hợp không được thực hiện.

Về mức độ bao phủ của BHYT, có thể nói một trong những rào cản đối với việc mua và sử dụng BHYT là chất lượng dịch vụ và sự chậm trễ trong điều trị, thái độ của nhân viên cung cấp dịch vụ bất kể là miễn phí hay thanh toán qua BH. Những người có khả năng chi trả thường chọn dịch vụ không nằm trong danh mục bảo hiểm để tránh phác đồ điều trị “hạng hai”. Người không có khả năng chi trả thường trì hoãn việc thăm khám cho đến khi vấn đề sức khỏe trầm trọng. Mức phúc lợi từ bảo hiểm thường thấp, đặc biệt là bảo hiểm thuộc diện giảm nghèo và an sinh xã hội. Kết quả, 30% người nghèo có BHYT vẫn phải đối mặt với các khoản chi lớn cho CSSK. Độ bao phủ của BHYT ở Việt Nam duy trì ở mức cứ 5 người thì vẫn có 2 người chưa có, trong đó có rất nhiều người và hộ gia đình thuộc diện nghèo và cận nghèo.

 Vấn đề y đức bác sĩ

 Một trong những vấn đề bức xúc nhất của người bệnh khi đến bệnh viện là nạn phong bì, lót tay cho nhiều khâu, bắt đầu từ khâu lấy số thứ tự cho đến khâu chăm sóc, điều trị,… Cũng vì y đức của một bộ phận bác sỹ xuống cấp, nên việc đi viện với người bệnh trở thành nỗi ám ảnh. Mỗi khi vào viện, người bệnh phải "bôi trơn" nhiều khâu để đổi lấy cái mà họ có quyền và xứng đáng được hưởng. Đầu tiên là đối với nhân viên y tế làm công tác hành chính để có thể được khám chữa nhanh chóng, tiếp đến, khi vào khám hoặc nằm điều trị, rất nhiều bệnh nhân khẳng định họ đã phải “lót tay” cho bác sỹ, điều dưỡng (y tá) để nhận được sự thăm khám, chăm sóc nhiệt tình (một người trả lời PVS khẳng định: muốn con mình không bị tiêm đau phải có phong bì. Một người khác đi trông người nhà nằm viện thì cho rằng muốn yên tâm thì mỗi đêm trong suốt thời gian người nhà nằm viện đều phải có “phong bì” cho ca trực, nếu không, lỡ có việc gì phải đi gọi thì có thể phải chờ...đến sáng!). Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận, vấn đề bị phàn nàn nhiều nhất trong ngành y hiện nay là thái độ giao tiếp, việc gây khó dễ cho người bệnh, nhận phong bì,… Chính mắt Bộ trưởng cũng đã từng chứng kiến chuyện người nhà bệnh nhân phải bỏ tiền vào túi điều dưỡng để nhân viên này thay drap mới cho người bệnh! “Cần phải có các lớp đào tạo lại về y đức cho nhân viên y tế. Y đức truyền thống là bảo mật thông tin người bệnh, ân cần chăm sóc người bệnh nhưng y đức của thời cơ chế thị trường còn phải là: kê đơn, là chỉ định, chẩn đoán, xét nghiệm”. Ngoài hình thức “truyền thống” là “trao tay” trực tiếp, trong ngành y còn tồn tại những hình thức “ngấm ngầm” móc túi người bệnh một cách tinh vi, kín đáo, khôn ngoan của bác sỹ. Đó là chuyện kê đơn thuốc một cách “có chủ đích” để được hưởng hoa hồng từ hãng dược phẩm; lạm dụng thuốc, lạm dụng các xét nghiệm, chụp chiếu để nhanh chóng “khấu hao” máy móc (do bác sỹ góp vốn đầu tư),… Đó chính là “y đức", trên báo Thanh niên, Bộ trưởng Y tế bức xúc nói trong ngày làm việc đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng[19].

     Trình độ đội ngũ chuyên môn và điều kiện trang thiết bị ngành y

Một trong những nguyên nhân của tình trạng quá tải bệnh viện được nêu ra là sự yếu kém về trình độ của đội ngũ y, bác sĩ và điều kiện trang thiết bị của hệ thống y tế cấp cơ sở làm mất lòng tin của người dân, khiến họ dồn hết về các bệnh viện lớn, nhiều khi quá mức cần thiết (có người trả lời PVS rằng chữa mãi không khỏi, cuối cùng vẫn phải lên tuyến trên nên thà lên trước còn đỡ tốn kém thời gian và tiền bạc). Để giải quyết vấn đề này, y tế Tp.HCM đã thực hiện chủ trương cử bác sĩ bệnh viện lớn luân phiên về hỗ trợ xây dựng phòng khám vệ tinh tại tuyến dưới. Chiều 3/5/2012, gần 100 bác sĩ của các bệnh viện lớn tại Tp.HCM đã được biệt phái đến làm việc tại các phòng khám vệ tinh ở 12 bệnh viện quận, huyện, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến dưới và giảm tải tuyến trên.

Một trong những vụ việc tiêu biểu thể hiện thái độ và năng lực làm việc của nhân viên y tế là các trường hợp được báo chí đưa tin gần đây, từ ngày 20/04/2012 đến tháng 5/2012 có 9 trường hợp tai biến sản khoa (trong đó có 6 trường hợp chết cả mẹ và con, 3 trường hợp chỉ cứu được con) xảy ra tại các cơ sở y tế cả nhà nước và tư nhân trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố là Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh[20].

Tình trạng quá tải ở bệnh viện

Theo thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế, hầu hết công suất sử dụng giường bệnh ở các bệnh viện tuyến trung ương đều vượt trên 100%. Tình trạng quá tải cao nhất tập trung vào các chuyên khoa như tia xạ, ngoại, nội tiết, tim mạch, sơ sinh. Về nguyên nhân quá tải bệnh viện được người trong ngành lý giải với nhiều lý do được đưa ra như, do nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, mô hình bệnh tật thay đổi, đầu tư cho y tế thấp, năng lực y tế cơ sở hạn chế. Trong đó, một trong số các lý do là chi kinh phí cho y tế ở Việt Nam thấp, mới đạt 53,3 USD/người, thấp hơn so với Thái Lan (136,5 USD/người) và Malaysia (307,2 USD/người). Tỷ lệ giường bệnh trung bình của Việt Nam trên 1 vạn dân so với tỷ lệ trung bình của các nước trong khu vực tây Thái Bình Dương là khá thấp (24 so với 33) và còn rất xa so với các nước phát triển trong khu vực (Nhật là 140 giường/1 vạn dân; Hàn Quốc là 86 giường/1 vạn dân).

Trước tình trạng này, GS. Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn (phía Bắc) Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên môn toàn quốc Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương đánh giá: “Người bệnh Việt Nam hiện không được khám và điều trị theo cách mà họ xứng đáng được có”. Còn theo PGS.TS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương thì những quyền chính đáng, tối thiểu mà bất kỳ một người bệnh nào cũng phải được hưởng, đó là quyền được thăm khám cẩn thận, chính xác; quyền được cung cấp thông tin và tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh, được nằm điều trị trong điều kiện tốt (như một mình một giường), được chăm sóc chu đáo, đầy đủ, kịp thời;… nhưng trong bối cảnh một bác sĩ phải khám 100 bệnh nhân/ngày như hiện nay thì chuyện khám “siêu tốc” là khó tránh khỏi, khiến người bệnh mất đi quyền được cung cấp thông tin và tư vấn từ bác sĩ.

Điều kiện phòng ốc chật chội, xuống cấp đã đẩy người bệnh vào thế bắt buộc phải chấp nhận điều trị trong điều kiện không thể tồi tệ hơn. Kể từ năm 1983 đến nay, Hà Nội chưa có thêm một bệnh viện Nhi nào ra đời. Nỗ lực lắm thì các bệnh viện đa khoa thuộc Tp.Hà Nội mới có thêm khoa nhi với quy mô nhỏ. Trong khi đó, dân số Việt Nam tăng mỗi năm gần bằng dân số một tỉnh! Sự chênh lệch quá lớn này đã tất yếu khiến toàn bộ người dân “khốn khổ” mỗi lần phải đi viện. Bản thân ông Hải cũng thú nhận mỗi khi bị ốm hoặc người nhà bị ốm phải đi viện, thì ông cũng bị “ám ảnh” và rất sợ hãi![21]

Chi tiêu cho y tế và bất cập trong tính giá viện phí

Ngân sách dành cho y tế tăng lên một cách đều đặn theo các năm trong giai đoạn 2002-2008 và Chính phủ cam kết tăng với tốc độ cao hơn tăng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, phần lớn mức tăng này nhằm vào việc đảm bảo duy trì dịch vụ và trợ cấp cho bên cung cấp dịch vụ, còn chi cho BHYT gồm cả trợ cấp cho người nghèo, người thiệt thòi ít hơn nhiều[22]. Điều đó hàm nghĩa rằng, tỷ trọng chi tiêu cho y tế so với GDP có xu hướng tăng lên nhưng chi tiêu tư nhân đóng vai trò lớn trong tổng chi với các khoản chi từ tiền túi của người dân. Hay nói khác đi, mặc dù tăng liên tục nhưng chi tiêu quốc gia lại thể hiện sự kém cỏi hoặc không gắn kết với các ưu tiên nâng cao thành quả y tế.

Hiện nay ở Việt Nam, chi tiêu từ hộ gia đình đang chiếm khoảng 60% tổng chi tiêu y tế, trong đó 55% từ tiền túi người dân. Tỷ lệ này được coi là rất cao trong số các nước có thu nhập thấp và trung bình và cao hơn nhiều so với mức lý tưởng để đạt mục tiêu phổ cập y tế tối đa là 30%. Nếu vượt quá mức này nghĩa là các gia đình sẽ thường xuyên phải đối mặt với các chi tiêu y tế quá khả năng chi trả. Một nghiên cứu của WHO và Đại học Y Hà Nội về gánh nặng tài chính ở các khoản chi cho y tế cho thấy 5,7% số hộ gia đình dành hơn 40% thu nhập cho y tế và 3,7% đã bị bần cùng hóa vì khoản chi này[23].   

Báo cáo chung y tế thường niên năm 2008 cho thấy sự không phù hợp với ưu tiên của chính phủ về chăm sóc dự phòng, chăm sóc ở cấp địa phương và hỗ trợ cho các vùng khó khăn. Nguyên nhân là do kinh phí cho phát triển tập trung vào cấp quốc gia và cấp tỉnh và phần lớn chi tiêu dành cho KCB hơn là dự phòng (28% năm 2007, ít hơn con số 30% trong Nghị quyết 18). Chi tiêu thấp ở các cấp huyện, xã khiến cho hệ thống y tế ở đây (như trạm y tế xã) bị hạn chế về chất lượng cơ sở hạ tầng, về việc thu hút và giữ chân nhân viên và về ngân sách thấp cho chi thường xuyên. Tất cả những điều này khiến chất lượng dịch vụ nhìn chung thấp. Từ tình trạng chất lượng thiếu đồng bộ này, Bộ Y tế đã đưa ra quy định phân tuyến kỹ thuật, bệnh viện ở các tuyến khác nhau có phạm vi khám chữa bệnh khác nhau. Quy định này mặt khác đã dẫn tới tình trạng: mặc dù về kỹ thuật, tuyến dưới có đủ khả năng thực hiện nhưng chiểu theo phân tuyến kỹ thuật thì lại không được phép, vì thế bệnh nhân buộc phải lên tuyến trên, khiến cho tình trạng quá tải ở tuyến trên càng gia tăng.

Một bất cập nữa là hiện nay theo quy định của Luật BHYT, cùng một bệnh nhưng có sự phân biệt rõ rệt về mức thanh toán giữa các tuyến. Có những bệnh ở tuyến TW thì được BHYT thanh toán toàn bộ nhưng ở tuyến tỉnh, tuyến huyện thì bệnh nhân không được thanh toán đến mức như vậy. Vì thế, bệnh nhân đương nhiên muốn bỏ lên bệnh viện tuyến TW để khám. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đồng tình cho rằng hai điểm này cần được xem xét, sửa đổi để tạo điều kiện cho y tế tuyến tỉnh, huyện phát huy năng lực, năng động và chủ động hơn trong khám, chữa bệnh, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Bất cập trong quản lý hệ thống y tế tuyến cơ sở

Về quản lý hệ thống y tế cấp cơ sở cũng còn nhiều vấn đề đáng phải bàn, điển hình là trường hợp của Tp.Hà Nội. Từ tháng 12/2008 đến nay, UBND thành phố đã ban hành liên tiếp 3 quyết định thay đổi đơn vị quản lý khiến cho nhiều cán bộ y tế cơ sở cảm thấy bất an và không rõ lý do vì sao?

Gần 3 năm, 3 quyết định thay đổi: “Dù quận, huyện hay sở y tế quản lý trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện, thị xã thì đều là phục vụ nhân dân, nhưng phía cán bộ y tế chúng tôi rất cần sự ổn định. Việc thay đổi đơn vị quản lý liên tục đã và đang làm xáo trộn tư tưởng cán bộ tuyến cơ sở”, ông Trần Minh Sơn, Giám đốc TTYT huyện Phúc Thọ (Hà Nội) phản ánh. Ngay bản thân ông cũng không rõ vì sao trong một thời gian ngắn mà có nhiều quyết định về việc thay đổi đơn vị quản lý TTYT đến vậy. Tháng 12/2008, tại Quyết định (QĐ) 51, UBND Tp.Hà Nội quy định quận, huyện quản lý TTYT (bao gồm phòng khám đa khoa quận, huyện và trạm y tế phường, xã)... Sau đó, tháng 7/2009, UBND thành phố lại có QĐ 79 sửa đổi, bổ sung một số điều của QĐ 51, việc quản lý TTYT lại thuộc thành phố, tức là Sở Y tế Hà Nội trực tiếp quản lý. Đến nay, mới có khoảng 2 năm thực hiện QĐ 79 thì ngày 2/3/2011, UBND thành phố lại có QĐ 11, chuyển TTYT về quận, huyện quản lý.

3. Tình trạng chăm sóc sức khỏe một số đối tượng đặc biệt

Trước những thách thức nói trên, việc CSSK cho người dân, nhất là một số đối tượng đặc biệt như người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, người nghèo đã vấp phải nhiều vướng mắc, hạ thấp kết quả công tác y tế.   

Người cao tuổi

Ở Việt Nam hiện có 69% người cao tuổi vẫn sống với con cháu, nhưng theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc thì con số này giảm nhiều trong thời gian qua, từ hơn 80% vào năm 1993 giảm xuống chỉ còn khoảng 70% sau 15 năm. Đây là kết quả nghiên cứu quốc gia lần đầu về người cao tuổi công bố sáng 4/5/2012 tại Hà Nội. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam và các đơn vị khác đã tiến hành cuộc điều tra từ tháng 10 đến tháng 12/2011, tại 12 tỉnh thành ở cả ba miền, với sự tham gia của 4.000 người từ 50 tuổi trở lên. Trong số những người cao tuổi phải trả tiền cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, gần 50% không đủ tiền để chi trả. Ngoài ra, tỷ lệ người cao tuổi có cảm giác buồn hoặc thất vọng hầu như cả tuần là 7-8%, sau đó tăng lên gần gấp hai ở nhóm người cao tuổi trên 80 tuổi. Có gần một phần ba trả lời không thể chia sẻ với ai khi cảm thấy không vui hoặc buồn.

Các thống kê và nghiên cứu gần đây cho thấy, người cao tuổi vẫn thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương và nghèo nhất. Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch thường trực Hội Người cao tuổi cho biết, dân số thế giới đang già hóa nhanh ở hầu hết các nước. Dù mới chỉ là nước có mức thu nhập trung bình thấp, nhưng dân số Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa khi chưa tích lũy được gì. Điều này đặt ra thách thức rất lớn trong công tác chăm sóc người cao tuổi trong thời gian tới[24].

Người nghèo

Điều tra mức sống hộ gia đình (VHLSS) cho biết các con số của năm 2008: 51,6% số người được hỏi đã từng bị ốm, 10% cần năm điều trị, 34% người dân có tiếp cận các dịch vụ y tế. Trong giai đoạn 2002-2008, tỷ lệ sử dụng dịch vụ y tế đã tăng đáng kể. Việc sử dụng dịch vụ y tế chủ yếu là dưới hình thức khám chữa bệnh tại cơ sở y tế nhà nước, dịch vụ y tế tư nhân cung cấp chỉ chiếm 38%. Những con số này cho thấy ngày càng có nhiều người sử dụng dịch vụ y tế, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt. Xét theo nhóm thu nhập thì người nghèo ít sử dụng các dịch vụ y tế. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ y tế của người có BHYT là cao hơn (BHYT là lý do khiến người dân quyết định sử dụng hay không dịch vụ y tế), người thành thị sử dụng dịch vụ phòng bệnh nhiều hơn so với nông thôn. Số liệu từ Điều tra Đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ (MICS) năm 2006 cho thấy, trẻ em độ tuổi 2-4 không được tiêm phòng là 31%, đô thị là 20% và nông thôn là 35%, 25% trẻ em người Kinh và người Hoa, 58,5% người dân tộc thiểu số. Sự khác biệt trong tiếp cận dịch vụ y tế bị ảnh hưởng bởi chi phí dịch vụ gia tăng và sự sẵn có của BHYT là biện pháp làm tăng sử dụng và giảm chi tiêu cá nhân cho y tế.

Trẻ em

Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 58/1000 (1999) xuống 24,4/1000 (2009); tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh giảm từ 44,4/1000 (1999) xuống 16/1000 (2009). Tỷ lệ tử vong bà mẹ giảm từ 233/100.000 (1999) xuống 69 (2009), ở nông thôn cao gấp hai lần đô thị. Đa số trẻ đều được tiêm chủng (82%), 94,8% ca sinh có nhân viên y tế hỗ trợ (tỷ lệ này ở vùng Tây Bắc chỉ là 79,9% so với Đồng bằng sông Hồng là 100%). 83% dân số nông thôn được tiếp cận với nước uống sạch (2010) so với 30% (2000). Tỷ lệ trẻ em còi xương là 31,9% nhưng khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa cao gấp 2, 3 lần đồng bằng và thành thị. Chênh lệch này đòi hỏi cải thiện dịch vụ y tế bằng việc tăng cường sự sẵn có và chất lượng quy định giám sát hiệu quả của dịch vụ y tế.

Người khuyết tật

Người khuyết tật cần được chăm sóc y tế nhiều hơn, khoảng 80% số người được hỏi đã từng bị ốm và tìm đến dịch vụ y tế, một số người được thăm khám tại nhà song đa phần tự chăm sóc và điều trị, khoảng 1/2 cho biết họ gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ và lý do chính là chi phí điều trị, thiếu phương tiện đi lại, khoảng cách địa lý xa, cơ chế quan liêu, thiếu dịch vụ phù hợp và phân biệt đối xử. Có một tỷ lệ lớn trả lời không có BHYT (28% ở Quảng Nam, Đà Nẵng và 60% ở Đồng Nai).

Việt Nam đã ký Công ước Liên hiệp quốc năm 2008 về Quyền của người khuyết tật và năm 2010 đã ban hành luật mới về người khuyết tật trong đó ghi rõ sự tham gia bình đẳng của người khuyết tật trong xã hội kể cả tiếp cận y tế, giáo dục. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có người khuyết tật phải gồng mình lên đối phó và thích nghi với dịch vụ sẵn có, còn người cung cấp dịch vụ thì chưa cảm thấy sức ép phải đảm bảo dịch vụ của họ dễ dàng tiếp cận đối với người khuyết tật và họ cần làm sao để đảm bảo cơ hội tiếp cận bình đẳng cho mọi người dân[25].

 

 

 

 


* TS.;  Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

[1] Hơn 200 chuyên gia quốc tế và quốc gia trong các lĩnh vực y tế, phát triển và quyền con người tham gia và đã đóng góp ý kiến vào cuộc trao đổi về những rào cản trong công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển. Hội nghị do “Tổ chức Sáng kiến về Y tế và Quyền con người” của Đại học New South Wales và Ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam đồng tổ chức, diễn ra từ 26 – 29/10 tại Hà Nội.

[2] Ông Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã khẳng định như  vậy tại hội nghị (VOV Online 10/2009).

[3] Ngoài ra, quyền được chăm sóc sức khỏe còn được ghi nhận trong một số văn kiện khu vực về quyền con người như Hiến chương xã hội châu Âu năm 1961 sửa đổi (Điều 11), Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền của các dân tộc năm 1981 (Điều 16), Nghị định thư bổ sung Công ước châu Mỹ về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá năm 1988 (Điều 10),…

[4] Giáo trình Lý luận và pháp luật về Quyền con người, Khoa Luật - ĐHQGHN, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2009, tr 272 - 277.

[5] Sđd.

[6] Bài viết trong phạm vi đề tài cấp Bộ “Một số vấn đề cơ bản về quyền văn hóa, xã hội và điều kiện đảm bảo thực thi tại Việt Nam giai đoạn 2011-2020 vì mục tiêu phát triển con người”. Đề tài đã tiến hành phỏng vấn sâu cán bộ và người dân (90 người) ở các tỉnh Hà Nội, Huế, Tp.Hồ Chí Minh và Bến Tre về quyền văn hóa và quyền xã hội (trong đó có quyền CSSK).

[7] Cụ thể như sau: “Công dân được hưởng chế độ bảo vệ sức khỏe. Nhà nước quy định chế độ viện phí, chế độ miễn giảm viện phí.”

[8] Cụ thể như sau: “Công dân có quyền được bảo vệ sức khỏe, nghỉ ngơi, giải trí, rèn luyện thân thể; được bảo đảm vệ sinh trong lao động, vệ sinh dinh dưỡng, vệ sinh môi trường sống và được phục vụ về chuyên môn y tế” (Điều 1); “Mọi người khi ốm đau bệnh tật, bị tai nạn được khám chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh nơi công dân cư trú, lao động, học tập. Người bệnh được chọn thầy thuốc hoặc lương y, chọn cơ sở khám bệnh. Trong trường hợp cấp cứu, người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào (Điều 23) .      

[9] Báo điện tử Dân trí ngày 17/10/201.

[10] Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người 2009. Cổng thông tin điện tử Bộ Ngoại giao.

[11] Có thông tin khác cho rằng con số này chỉ là 18 – Báo cáo PTCN quốc gia 2011 - hoặc 20.

[12] Đã chú thích ở trên về chi tiết cuộc khảo sát.

[13] Báo cáo thực hiện Công ước CEDAW lần 3, 4, 5, 6.

[14] Họp báo tại UNDP Việt Nam, ngày 05/12/2011 của ông Anand Grover, Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về Quyền con người tại Việt Nam.

[15] Tháng 3/2003, Dịch SARS tiếp tục lan rộng ở Trung Quốc, số người nhiễm lên đến 4000 người và gần 200 người tử vong. Bắc KinhHồng Kông là hai nơi dịch bệnh hoành hành nặng nhất. Nhiều trường học, khu vui chơi giải trí phải đóng cửa. Nhiều người nước ngoài tìm cách về nước, trong đó có du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc. Từ đó SARS bắt đầu lây truyền qua các nước khác trên thế giới, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á (như  Singapore).

[16] Tính đến ngày 28/2/2008, trên thế giới đã có 369 trường hợp người nhiễm virus này, trong đó 234 người đã tử vong. Quốc gia chịu tổn thất về người nặng nề nhất là IndonesiaViệt Nam.

[17] Tuấn Hà, Vietnamnet, 7/5/2012.

[18] Các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chulabhorn Thái Lan đã cảnh báo: nguồn nước nhiễm asen nặng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của bà mẹ có thai và trẻ sơ sinh cũng như sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ. Theo Bộ Y tế Việt Nam, người uống nước nhiễm asen lâu ngày sẽ có triệu chứng đầu tiên như có các đốm sẫm màu trên thân thể hay đầu các chi, đôi khi gây niêm mạc trên lưỡi hoặc sừng hoá trên bàn tay, bàn chân. Asen còn có thể gây ung thư gan, phổi, bàng quang và thận, gây bệnh tim mạch, cao huyết áp,...

[19] Thanh niên , số ra ngày 8/8/2011.

[20] Dân trí,  29/5/12 - Báo cáo của Bộ Y tế gửi Phó thủ tướng.

[21] Cẩm Quyên, Vietnamnet.vn, 24/8/2011.

[22] Báo cáo Quốc gia về Phát triển con người năm 2011, tr.96.

[23] Sđd, tr.99.

[24] Nam Phương, “Người già ngày càng ít sống với con cháu”, Vnexpress, 5/5/2012.

[25] Sđd, tr.78.

 

Nguyễn Thị Anh Đào

The older news.............................