Bảo đảm An sinh xã hội- một phương thức bảo đảm quyền con người ở Việt Nam hiện nay

16/03/2020

BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI- MỘT PHƯƠNG THỨC BẢO ĐẢM

QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

NGUYỄN TIẾN HÙNG*

 

 1. Quyền con người - những nội dung cơ bản

Với sự phát triển của xã hội, vai trò của con người ngày càng được đề cao và được khẳng định như là trung tâm, động lực và mục tiêu của phát triển. Trong đó, quyền có việc làm, thu nhập, nhà ở, được học hành, được chăm sóc sức khỏe, dùng nước sạch, được sống trong môi trường an toàn, được tạo mọi điều kiện mưu cầu hạnh phúc,… đã trở thành các quyền cơ bản, thiết thực, và có ý nghĩa cao nhất đối với con người trong quan niệm phổ cập, toàn diện về nhân quyền. Kể từ khi ra đời năm 1945 đến nay, Liên hợp quốc đã thông qua rất nhiều văn kiện quốc tế về quyền con người, trong đó, quyền được hưởng an sinh xã hội (ASXH) được quy định tại Điều 25, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền; Điều 9, Công ước Quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội, Văn hóa; Điều 26, Công ước về quyền trẻ em; Điều 11, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, và nhiều điều ước quốc tế khác… Đó cũng là nguyên nhân để ASXH trở thành một trong những trách nhiệm của Nhà nước, là thước đo, chỉ báo tập trung, tin cậy, cũng như thiết thực nhất về trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia nói chung, về quyền con người nói riêng.

Quyền con người (hay Nhân quyền) là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc: “Nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, sự được phép và tự do cơ bản của con người”1.

Theo quan điểm của các nhà Triết học thời đại Khai sáng thế kỷ XVII - XVIII thì các quyền không thể tước bỏ được là các quyền tự nhiên do Tạo hóa ban cho họ. Các quyền này không bị phá hủy khi xã hội dân sự được thiết lập và không một xã hội hay một chính phủ nào có thể xóa bỏ hoặc “chuyển nhượng” các quyền này. Các quyền không thể tước bỏ bao gồm quyền được sống, quyền tự do (các quyền tự do ngôn luận và thể hiện, quyền tự do tín ngưỡng và nhận thức, quyền tự do lập hội), quyền mưu cầu hạnh phúc, và quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật. 

Ngày 10/12/1948, tại Palais de ChaillotParis, Pháp, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, trong đó nêu ra các quyền cơ bản của con người.

Điều 22 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã nêu: “Mọi người, như một thành viên của xã hội, có quyền được hưởng ASXH và được quyền thực hiện, thông qua nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế và phù hợp với tổ chức và các nguồn lực của mỗi quốc gia, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa không thể thiếu cho nhân phẩm của mình và sự phát triển tự do nhân cách của mình”. Nói một cách đơn giản, điều này có nghĩa là các bên tham gia ký kết thỏa thuận rằng, xã hội trong đó một người sinh sống có thể giúp họ phát triển và tận dụng tối đa tất cả những lợi thế (văn hóa, công việc, phúc lợi xã hội) được cung cấp cho họ trong quốc gia đó. Con người có quan hệ với quyền của mình là nhằm xác lập những hành động phù hợp với ý chí của họ, tác động làm thay đổi thế giới mà họ đang tồn tại và phát triển, đồng thời là yếu tố cần thiết để xác lập vị trí và đặc tính xã hội của con người.

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là một khuôn mẫu chung cần đạt tới của mọi quốc gia và mọi dân tộc. Tinh thần của bản Tuyên ngôn này có tác động như một điều ước quốc tế vì được viện dẫn trong hầu hết các hoạt động về quyền con người của Liên hợp quốc, được coi là nguồn cơ bản trong việc xây dựng các văn kiện quốc tế khác về quyền con người, thậm chí, được đề cập trong Hiến pháp của một số quốc gia…

Theo Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền của Liên hợp quốc, con người có ba nhóm quyền cơ bản, bao gồm: Quyền dân sự; Quyền chính trị; và Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

Quyền dân sự bao gồm: Quyền không bị phân biệt đối xử, được thừa nhận là con người và bình đẳng về nhân cách và quyền lợi; Quyền sống, tự do và an toàn thân thể, không bị bắt làm nô lệ hay nô dịch; Quyền không bị tra tấn hay chịu hình phạt hoặc những đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp nhân phẩm; Quyền được công nhận là con người trước pháp luật; Quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ bình đẳng; Quyền yêu cầu tòa án can thiệp chống lại những hành động vi phạm những quyền căn bản; Quyền được bảo vệ khỏi bị bắt, giam giữ hay lưu đày tùy tiện; Quyền được xét xử công khai, công bằng bởi tòa án độc lập, không bị kết án và trừng phạt vượt quá khuôn khổ pháp luật; Quyền được suy đoán là vô tội cho đến khi có đủ bằng chứng phạm pháp; Quyền tự do đi lại, cư trú trong lãnh thổ quốc gia; Quyền rời khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả quốc gia của mình, và có quyền hồi hương; Quyền tự do tôn giáo, tự do thay đổi tôn giáo, tín ngưỡng, tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng; Quyền được bảo vệ đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, danh dự; Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo; Quyền kết hôn với sự thuận tình hoàn toàn tự do của hai bên và bình đẳng trong hôn nhân;...

Quyền chính trị bao gồm: Quyền tìm nơi tị nạn và được hưởng quyền tị nạn tại các quốc gia khác khi bị đàn áp; Quyền có quốc tịch và không bị tước quốc tịch; Quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do quan niệm và phát biểu quan điểm; Quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hòa bình, không bị cưỡng ép gia nhập hội; Quyền tham gia chính quyền của quốc gia mình trực tiếp hoặc qua các đại biểu do mình tự do lựa chọn; Quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước; Quyền biểu lộ ý nguyện thông qua những cuộc tuyển cử có định kỳ và trung thực, theo phương thức phổ thông đầu phiếu kín, hay theo các thủ tục tuyển cử tự do tương tự.

Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa bao gồm: Quyền được hưởng ASXH và được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cần thiết; Quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi, và được bảo vệ chống thất nghiệp; Quyền được trả lương ngang nhau, không phân biệt đối xử cho những công việc ngang nhau; Quyền được trả lương đủ để bảo đảm cho bản thân và gia đình một đời sống xứng đáng với nhân phẩm, và nếu cần, sẽ được bổ sung bằng những biện pháp bảo trợ xã hội khác; Quyền thành lập nghiệp đoàn hay gia nhập nghiệp đoàn; Quyền nghỉ ngơi và giải trí, hạn chế số giờ làm việc hợp lý và được hưởng những ngày nghỉ định kỳ có trả lương; Quyền được hưởng một mức sống khả quan về phương diện sức khỏe và an lạc cho bản thân và gia đình; Quyền được hưởng ASXH trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tật nguyền, góa bụa, già yếu, hay thiếu phương kế sinh nhai do những hoàn cảnh ngoài ý muốn; Quyền của sản phụ và trẻ em được đặc biệt săn sóc và giúp đỡ, các con (chính thức hay ngoại hôn) đều được hưởng bảo trợ xã hội như nhau; Quyền được hưởng giáo dục, được hưởng chế độ giáo dục miễn phí mang tính cưỡng bách ít nhất ở cấp sơ đẳng và căn bản; Quyền được phổ cập giáo dục kỹ thuật, chuyên nghiệp và cao đẳng trên căn bản bình đẳng, lấy thành tích làm tiêu chuẩn; Quyền được hưởng một nền giáo dục phát huy đầy đủ nhân cách, tăng cường sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản; đề cao sự thông cảm, bao dung và hữu nghị giữa các quốc gia, các cộng đồng sắc tộc hay tôn giáo; Quyền ưu tiên lựa chọn giáo dục cho các con; Quyền tự do tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng, thưởng ngoạn nghệ thuật, được hưởng các tiến bộ khoa học và lợi ích của những tiến bộ ấy; Quyền được bảo vệ những quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ những sản phẩm khoa học, văn học hay nghệ thuật của mình; Quyền được hưởng một trật tự xã hội và trật tự quốc tế trong đó những quyền tự do có thể được thực hiện đầy đủ.

Có thể nói, việc thực hiện được các quyền của con người là thể hiện sự tiến bộ của mỗi quốc gia, mỗi nhà nước và trên phạm vi toàn thế giới. Do vậy, hiện nay, mỗi chính phủ trên thế giới đều nỗ lực thực hiện các quyền cơ bản của con người thông qua hệ thống chính sách cụ thể của mình góp phần xây dựng một xã hội tiến bộ, hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ và phát triển bền vững. Trong các quyền nêu trên, việc thực hiện tốt ASXH sẽ là cơ sở, phương thức hữu hiệu để thực hiện tốt quyền kinh tế, xã hội, và văn hóa,…

Ở Việt Nam, từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013, luôn ghi nhận và chế định các quyền của con người. Tại khoản 1, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Hiến pháp năm 2013 đã nâng tầm chế định quyền con người, quyền công dân thành một chương. Hiến pháp đã dành 36 điều ở Chương II trên tổng số 120 điều cho việc chế định trực tiếp các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ngoài ra, Hiến pháp năm 2013 còn dành một số điều chế định sự bảo hộ hay bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản hợp pháp, sử dụng đất, lao động và việc làm (Điều 51, 54, 57). Không chỉ củng cố các quyền đã được hiến định trong Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 còn chế định một số quyền mới, như quyền sống (Điều 19); các quyền về nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó (Điều 40); quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41); quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 42); quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43); quyền không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác (khoản 2, Điều 17);…

Như vậy, Hiến pháp năm 2013 đã khắc phục được sự không rõ ràng giữa quyền con người với quyền công dân, cũng như chuyển được cách thức thiết lập quyền ASXH từ chỗ quy định quyền này dưới dạng Nhà nước “quyết định” quyền cho công dân và mọi người sang việc xác định công dân và mọi người được hưởng các quyền đó một cách mặc nhiên và Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm các quyền ASXH cho người dân. Đây là cơ sở pháp lý cho ASXH được thực hiện. Đến lượt nó, ASXH là cơ sở để đảm bảo cho các quyền được thực thi có hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống.

2. An sinh xã hội với thực hiện quyền con người ở Việt Nam

Sau 30 năm đổi mới đất nước, quán triệt quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc giải quyết mối quan hệ giữa ASXH với thực hiện quyền con người trong quá trình đổi mới và hội nhập thế giới, đến nay, công tác bảo đảm ASXH đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, được nhân dân đồng tình, quốc tế đánh giá cao. Trong quá trình đổi mới và phát triển, tỉ lệ hộ nghèo ở Việt Nam liên tục giảm. Theo chuẩn nghèo của Ngân hàng Thế giới (WB) tính cho Việt Nam, tỉ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống 11,76% cuối năm 2011 (giảm 2,24%), 9,6% cuối năm 2012 (giảm 2,16%), 7,8% cuối năm 2013 (giảm 1,8%), cuối năm 2014 còn 5,97% (giảm 1,83%). Dự kiến đến cuối năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015. Tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,97% cuối năm 2011 xuống còn 38,2% cuối năm 2013; tiếp tục giảm 32,59% cuối năm 2014, bình quân giảm trên 5%/năm. Tỉ lệ hộ nghèo bình quân chung cả nước giảm 2%/năm; tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo bền vững từ năm 2011 - 2020 và Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 phê duyệt nội dung chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 20152.

 Chỉ tính trong 15 năm (2000 - 2015) đã có 43 triệu người dân Việt Nam thoát khỏi nghèo đói. Điều này không chỉ chứng tỏ Việt Nam là một hình mẫu trong xóa đói giảm nghèo mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam, đồng thời khẳng định câu chuyện thành công của một quốc gia đang phát triển trong bức tranh chung của thế giới nhằm đạt được mục tiêu không còn nạn đói, phát triển vì con người, cho con người và thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH): Trong 30 năm đổi mới, BHXH đã thể hiện rõ vai trò bảo đảm an toàn cho đời sống của các thành viên xã hội, vì sự phát triển hài hòa, bền vững, vì tiến bộ xã hội. Bảo hiểm xã hội đã bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, nhằm góp phần bảo đảm an toàn đời sống của người lao động cũng như của toàn xã hội.

Có thể khẳng định rằng, dưới giác độ cấu thành của ASXH, BHXH từng bước được hoàn thiện, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người lao động trong điều kiện kinh tế thị trường và rủi ro xã hội khác trong các trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, mất sức lao động lúc tuổi già và chết. Đảng ta quan niệm rằng, chính sách BHXH là một trong những chính sách đảm bảo công bằng xã hội và hướng vào phát triển con người, đáp ứng mục tiêu phát triển con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở nước ta.

Do tính ưu việt của BHXH, hiện nay số người tham gia BHXH ngày càng tăng lên, góp phần ổn định và phát triển xã hội. Bảo hiểm xã hội có nhiều loại hình và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các cá nhân trong xã hội. Hiện có 3 loại hình BHXH là: BHXH bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, phạm vi, đối tượng tham gia BHXH được mở rộng. Nếu như trước đây, đối tượng BHXH của nước ta chỉ bó hẹp trong phạm vi công nhân, viên chức Nhà nước và lực lượng vũ trang thì hiện nay BHXH được mở rộng tới mọi đối tượng trong toàn xã hội. Năm 2014, số người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc là 11.451.531 người; tham gia BHXH tự nguyện là 196.254 người; tham gia BHYT là 53.218.416 người3. Đặc biệt, những năm qua, Việt Nam đã thực hiện chính sách BHYT miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, một số đối tượng chính sách, người nghèo và hỗ trợ BHYT cho các hộ cận nghèo. Điều này đã tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn về y tế cho các tầng lớp dân cư trong xã hội.

Từ những phân tích trên, cùng với những thay đổi tích cực của BHXH, vai trò của ASXH đối với sự phát triển xã hội cũng được thể hiện rất rõ. An sinh xã hội đã tạo ra một lưới an toàn bảo vệ cuộc sống của các cá nhân trong xã hội, bảo đảm sự thụ hưởng, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp (BHTN): Bảo hiểm thất nghiệp được hiểu là biện pháp để giải quyết tình trạng thất nghiệp, nhằm trợ giúp kịp thời cho những người thất nghiệp trong thời gian chưa tìm được việc làm và tạo cơ hội cho họ học nghề, tìm kiếm công việc mới. Bảo hiểm thất nghiệp có vai trò giúp đỡ ổn định cuộc sống của người lao động khi bị mất việc làm thông qua việc trả trợ cấp thất nghiệp, đồng thời tạo cơ hội để họ có thể tiếp tục tham gia thị trường lao động. Tạo ra chỗ dựa về vật chất và tinh thần cho người lao động khi lâm vào tình trạng mất việc làm. Ngoài ra, đối với người sử dụng lao động, gánh nặng tài chính của họ sẽ được san sẻ khi những người lao động tại doanh nghiệp bị mất việc làm, họ không phải bỏ ra một khoản chi lớn để giải quyết chế độ cho người lao động, đặc biệt là trong những thời kỳ khó khăn, buộc phải thu hẹp sản xuất, nhiều lao động bị thất nghiệp. Đối với nhà nước, ngân sách nhà nước cũng sẽ giảm bớt chi phí khi nạn thất nghiệp gia tăng trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, tạo sự chủ động về tài chính cho nhà nước.

Bảo hiểm thất nghiệp kết hợp chế độ trợ cấp tạm thời với chế độ giải quyết việc làm cho người thất nghiệp. Điều này thể hiện tính xã hội vô cùng sâu sắc, phù hợp với đường lối phát triển kinh tế kết hợp hài hòa với chính sách về việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, BHTN phải vừa bù đắp thu nhập, vừa tạo động lực tích cực cho người thất nghiệp chủ động tìm cơ hội trở lại làm việc. 

Ở Việt Nam, BHTN bắt đầu được triển khai thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2009. Sau một thời gian triển khai, số lượng người tham gia BHTN ngày càng tăng. Năm 2009 có 5.993 triệu người tham gia BHTN; năm 2010, số người tham gia BHTN là 7.206 triệu người, tăng 20,24% so với năm 2009; năm 2011, số người tham gia BHTN là 7.968 triệu người, tăng 10,06% so với năm 2010; năm 2012, số người tham gia BHTN là 8.304 triệu người, tăng 4,22 so với năm 2011; năm 2013 số người tham gia BHTN là 8.651.104 người; và năm 2014 có 9.213.302 người tham gia BHTN4.

Đối với lĩnh vực trợ giúp xã hội: Trong quá trình đổi mới đất nước, trợ giúp xã hội đã góp phần đảm bảo ASXH, vì tiến bộ xã hội. Trợ giúp xã hội với hai nhóm chính sách là trợ giúp đột xuất và trợ giúp thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thu nhập thường xuyên và đột xuất cho các đối tượng dễ bị tổn thương như người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,... góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao năng lực phòng chống rủi ro cho họ.

Sự khác biệt giữa hệ thống này với BHXH là ở chỗ, nếu quyền lợi của BHXH chỉ được đáp ứng đối với những người trước đó đã đóng góp BHXH, thì sự bảo trợ xã hội lại thực hiện đối với những đối tượng mà quyền lợi họ sẽ nhận được khi bản thân họ không tự lo được cuộc sống tối thiểu hay sức lực của họ không thể vượt qua những rủi ro xã hội. Đối tượng trợ giúp xã hội có thể là gia đình, có thể là cá nhân hoặc được thực hiện để giải quyết khó khăn cho cả một vùng, một địa phương gặp nạn. Trợ giúp xã hội được coi là “lưới đỡ cuối cùng” trong hệ thống ASXH. Vì vậy, nó là sự bảo vệ của cộng đồng, mang tính nhân đạo, nhân văn cao. 

Trợ giúp xã hội ở Việt Nam hướng vào trợ giúp nhóm xã hội yếu thế (người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người tàn tật,…) ổn định đời sống, từng bước cải thiện và tạo thuận lợi để họ tự vươn lên hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng. Theo đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng chính sách và bố trí nguồn tài chính để phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, đồng thời huy động cộng đồng chia sẻ trách nhiệm trong việc trợ giúp các đối tượng, nhất là phát triển các loại quỹ xã hội, quỹ tình thương tạo thêm nguồn lực cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đối tượng theo tinh thần xã hội hóa và động viên đối tượng nỗ lực phấn đấu vươn lên hòa nhập cộng đồng, góp phần xây dựng đất nước.

Hệ thống chính sách trợ giúp xã hội bao gồm trợ giúp đột xuất (cứu trợ đột xuất) do thiên tai và trợ cấp thường xuyên cho đối tượng đặc biệt khó khăn, không có người nuôi dưỡng. Trong nhiều năm qua, chính sách bảo trợ xã hội đã đi vào cuộc sống, góp phần ổn định và cải thiện từng bước đời sống các đối tượng. Đặc biệt, Nghị định 13/2010/NĐ-CP ngày 27/2/2010 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 về chính sách trợ giúp các đối tượng trợ giúp xã hội đã mở rộng tới các đối tượng tàn tật nặng không có khả năng lao động không chỉ ở các hộ nghèo.

 Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội, Việt Nam có số đối tượng trợ giúp xã hội rất lớn, cả nước có 9 triệu người cao tuổi, trong đó khoảng trên 200 ngàn người già cô đơn, trên 500 ngàn người từ 85 tuổi trở lên; hơn 5 triệu người tàn tật, trong đó khoảng 200 ngàn người tàn tật nặng và trên 100 ngàn người tâm thần. Trong số 27 triệu trẻ em, có 1,3 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trên 1,2 triệu trẻ em nghèo. Trong số đối tượng trên có khoảng 1,3 triệu đối tượng thuộc diện hưởng chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước. Từ năm 2000 đến nay, số đối tượng hưởng trợ cấp liên tục tăng lên. Năm 2000 chỉ có 175.355 người được hưởng trợ cấp xã hội (trong đó khoảng 25.000 người sống ở các cơ sở bảo trợ xã hội và 155.355 người sống ở cộng đồng), năm 2006 đã tăng lên 470.000 người, trong đó có 27.000 đối tượng sống ở cơ sở bảo trợ xã hội và 448.000 sống ở cộng đồng. Tính đến cuối năm 2014, trên địa bàn cả nước có khoảng 2,6 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Bên cạnh đó, cả nước có trên 1,5 triệu người cao tuổi đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, có 46/63 tỉnh, thành đã thành lập Khoa Lão khoa trong bệnh viện đa khoa cấp tỉnh, hàng năm có hàng triệu lượt người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ. Cả nước có 770 ngàn người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng…

Đối với lĩnh vực ưu đãi xã hội: Đối tượng được hưởng ưu đãi xã hội là: thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; liệt sĩ và thân nhân của họ; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lao động; người hoạt động trước Cách mạng tháng Tám năm 1945; người hoạt động kháng chiến, hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; người có công giúp đỡ cách mạng; người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Ngoài các đối tượng nêu trên, thanh niên xung phong cũng là đối tượng được hưởng ưu đãi xã hội.

Tính đến nay, cả nước có khoảng trên 8,8 triệu đối tượng người có công, chiếm khoảng gần 10% dân số. Trong đó, có 1.146.250 liệt sĩ, 49.609 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 781.021 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 185.000 thương binh hạng B, 1.253 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động trong kháng chiến, 101.138 người có công giúp đỡ cách mạng, 186.137 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 109.468 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, khoảng hơn 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc,… Hiện còn trên 1,47 triệu đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước.

Các phong trào tình nghĩa, xã hội hóa chăm sóc người có công với cách mạng ngày càng được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã huy động được gần 1.900 tỉ đồng, xây dựng mới 277.861 và sửa chữa 128.092 căn nhà tình nghĩa, 100% bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời, 95% xã, phường được công nhận là xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công, có 95% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú.5

Từ những số liệu nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng, chính sách ưu đãi xã hội (ưu đãi người có công) của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không chỉ là một chính sách hết sức đặc biệt nhằm ổn định, phát triển xã hội mà còn tiếp nối, phát huy đạo lý truyền thống cao quý của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “hiếu thảo, nhân hậu”, “Đền ơn, đáp nghĩa” góp phần cải thiện thêm một bước đời sống người có công và tạo điều kiện để các gia đình chính sách phát huy năng lực, sở trường của mình để có thể hòa nhập, xây dựng gia đình, đất nước ngày càng tươi đẹp.

Như vậy, thông qua những chính sách, chương trình về bảo trợ, cứu trợ và trợ giúp xã hội, ưu đãi xã hội trong 30 năm đổi mới đất nước, không chỉ phát huy bản chất, chức năng của hệ thống ASXH và chính sách ASXH mà còn thực sự góp phần đảm bảo công bằng xã hội, vì tiến bộ xã hội. Điều này khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với những người và gia đình có công với số lượng rất lớn ở Việt Nam, đặc biệt đề cao tính công bằng, góp phần ổn định tình hình của đất nước, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, vận động đi lên theo hướng tiến bộ, văn minh, hiện đại, giàu chất văn hóa.

Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống ASXH ngày càng đa dạng và toàn diện, có tính chia sẻ ngày càng hài hòa hơn giữa nhà nước, xã hội và người dân; đồng thời có sự tương thích, phù hợp hơn với quan niệm về quyền ASXH trong Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như theo quan niệm của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO),... Năm 2008, Việt Nam đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu Thiên niên kỷ đặt ra cho năm 2015. Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm và có mặt được cải thiện. Dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng, xã hội cởi mở và đồng thuận hơn. Các yếu tố đó cùng quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị - xã hội ổn định, đã làm cho diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, thế và lực của Việt Nam ngày càng thêm vững mạnh; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; tạo ra các tiền đề quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. An sinh xã hội đã và đang trở thành một phương thức hữu hiệu bảo đảm quyền con người ở nước ta hiện nay, nó không chỉ phản ánh quan điểm đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta mà còn thể hiện bản chất tốt đẹp của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng, nhân dân ta đã lựa chọn, xây dựng, hoàn thiện và phát triển.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến năm 2020 trở thành quốc gia có hệ thống ASXH hướng tới bao phủ toàn dân, Việt Nam cần phấn đấu trong giai đoạn 2011 - 2020, bình quân mỗi năm phải bảo đảm tổng chi cho ASXH đạt khoảng 13,5% - 14,5% GDP; trong đó, phần ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 30% tổng chi ASXH và khoảng 11,5% tổng chi ngân sách Nhà nước. Ðồng thời, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 80/2011/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về Ðịnh hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020 và các chương trình, chính sách giảm nghèo, tập trung ưu tiên người nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn; nâng cao tỉ lệ tham gia BHXH; mở rộng diện được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất, cũng như nâng mức chuẩn trợ cấp; đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc người yếu thế; tăng phổ cập trung học cơ sở và giáo dục nghề nghiệp tại miền núi, dân tộc thiểu số; cải thiện hệ thống y tế quốc gia; mở rộng đối tượng BHYT; đẩy mạnh cải thiện điều kiện nhà ở và các điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước sạch, thông tin và các dịch vụ khác cho người dân trên cả nước, ưu tiên người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, người dân nông thôn, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và sinh viên. Ðặc biệt, Việt Nam cần thực hiện xây dựng Báo cáo quốc gia về ASXH, xây dựng bộ chỉ số ASXH làm cơ sở theo dõi và đánh giá hiệu quả thực hiện ASXH trong từng thời kỳ, tham chiếu với quốc tế để từ đó góp phần thực hiện quyền con người ở Việt Nam tốt hơn, hoàn mỹ hơn.

3. Một số quan điểm cơ bản nâng cao chất lượng an sinh xã hội nhằm thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay

Với những nhận thức và định hướng đúng đắn, với sự nỗ lực của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân, được sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng thế giới, chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những bước tiến mới về bảo đảm ASXH như là việc làm thiết thực nhất để bảo đảm thực hiện quyền con người ở Việt Nam đúng theo quan điểm chỉ đạo của Đảng: “tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp xã hội và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương vượt qua khó khăn hoặc các rủi ro trong đời sống”6, đồng thời “tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn,… Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công…”7.

Theo hướng này cần thực hiện những quan điểm cơ bản sau:

Một là, kết hợp các mục tiêu ASXH với các mục tiêu về quyền con người trên bình diện cả nước cũng như ở từng lĩnh vực, địa phương.

Sự kết hợp các mục tiêu ASXH với các mục tiêu về quyền con người được xác định ở tất cả các cấp, các ngành, không chỉ ở Trung ương mà từng ngành, từng địa phương, tạo sự thống nhất trong chính sách phát triển kinh tế và chính sách xã hội của địa phương, ngành và cơ sở. Sự kết hợp này bảo đảm tính đồng bộ, công bằng và bình đẳng cho mọi người dân, mọi vùng miền, khắc phục sự phân hóa, bất bình đẳng do các khuyết tật của cơ chế thị trường và những phát sinh do nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi và tái cơ cấu gây ra.

Hai là, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong ASXH ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, thể hiện ở các nội dung sau:

- Thực hiện tốt các chính sách ASXH nói riêng, chính sách xã hội nói chung trên cơ sở phát triển kinh tế xanh, bền vững, gắn bó hữu cơ giữa quyền lợi và nghĩa vụ, cống hiến và hưởng thụ.

Một vấn đề có tính quy luật là chỉ có trên cơ sở phát triển kinh tế mới có điều kiện để làm tốt ASXH. Do đó, yêu cầu này nhấn mạnh phải tập trung phát triển kinh tế là một nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời thực hiện tốt ASXH không chỉ bảo đảm sự phát triển bền vững của kinh tế mà còn thực hiện tốt quyền con người trong quá trình phát triển bền vững ấy.

Sự gắn bó hữu cơ giữa quyền lợi và nghĩa vụ, cống hiến và thụ hưởng ASXH là vấn đề có tính nguyên tắc trong thực hiện chính sách xã hội. Chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang xây dựng là do nhân dân thực hiện. Nhà nước chỉ tạo điều kiện và môi trường để nhân dân bằng lao động và sự sáng tạo của mình không ngừng tự nâng cao đời sống cho mình và tham gia vào sự phát triển xã hội; nghĩa vụ gắn với quyền lợi, cống hiến và thụ hưởng ASXH là bảo đảm công bằng xã hội trong thực hiện quyền con người, chống ỷ lại, trông chờ, thụ động.

- Coi trọng chỉ tiêu ASXH gắn với chỉ số phát triển con người (HDI).

Mục tiêu của ASXH là tạo ra mạng lưới an toàn gồm nhiều tầng, nhiều lớp cho tất cả các thành viên trong xã hội trong trường hợp bị giảm, bị mất thu nhập hay gặp phải những rủi ro khác. Chính sách ASXH xét cho đến cùng là để phục vụ con người, để con người phát triển toàn diện. Chỉ số HDI liên quan trực tiếp đến mức độ đáp ứng các nhu cầu xã hội của con người, đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, xác định yêu cầu về phát triển ASXH phải gắn liền chỉ số HDI trong suốt quá trình phát triển và trong từng chính sách ASXH.

Ba là, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ASXH và quyền con người.

Phải tạo ra sự thống nhất, đồng thuận cao trong Đảng và Nhà nước cũng như toàn xã hội về bảo đảm ASXH gắn với thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay và sau này. Phải coi ASXH là công cụ quan trọng thực hiện công bằng xã hội về quyền con người, bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội Việt Nam. An sinh xã hội không phải là của riêng nhà nước, mà là công việc của các tổ chức xã hội, của toàn dân. An sinh xã hội là một hệ thống công cụ chính sách vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam. Phát triển ASXH góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời là phương thức hữu hiệu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Tóm lại, ASXH là một trong những phương thức hữu hiệu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta với mục tiêu bảo đảm quyền con người, phát triển con người, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Để chính sách này đảm bảo tốt hơn đời sống cho người dân, góp phần tích cực vào việc ổn định, an toàn xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước thì vấn đề xây dựng và hoàn thiện pháp luật về ASXH ở Việt Nam trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 là hết sức cấp bách trong hiện thực hóa quyền con người ở nước ta hiện nay.

 

Tài liệu tham khảo

1.         Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2014), “Tổng kết năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 của cơ quan BHXH Việt Nam”, Báo cáo số 366/BC-BHXH, ngày 27/1/2014, Hà Nội .

2.         Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2015), “Kết quả công tác năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015”, Báo cáo số 389/BC-BHXH, ngày 04/2/2015, Hà Nội.

3.         Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2015), “Kết quả công tác tháng 6/2015 và tình hình hoạt động 7 tháng đầu năm 2015”, Báo cáo số 2837/BC-BHXH, ngày 31/07/2015, Hà Nội.

4.         Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam (2009), Nhìn lại quá khứ đối mặt với thách thức - đánh giá giữa kỳ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2008, Chế bản và in tại Công ty Cổ phần in La Bàn, Hà Nội.

5.         Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2015), “Báo cáo kết quả thực hiện giai đoạn 2011 - 2015 và đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020” (kèm theo Tờ trình số 22/TTr-BLĐTBXH), ngày 17/4/2015.

6.         Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

7.         Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Sự thật, Hà Nội.

8.          Đảng Cộng sản Việt Nam - Ban Chấp  hành Trung ương - Ban chỉ đạo tổng kết (2015), Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

9.         Quốc hội (2014), Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

10.     United Nations, UNHCHR (2006), Freequently Asked Questions on a Human Rights-based Approach to Development Cooperation, New York and Geneva, Pp. 8.

 



* ThS.; Học viện Chớnh sỏch và Phỏt triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

1 United Nations, UNHCHR (2006), Freequently Asked Questions on a Human Rights-based Approach to Development Cooperation, New York and Geneva, Pp. 8.

2 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2015), “Báo cáo kết quả thực hiện giai đoạn 2011 - 2015 và đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020” (kèm theo Tờ trình số 22/TTr-BLĐTBXH ngày 17/4/2015), Tr. 5.

3 Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2015), “Kết quả công tác năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015”, Báo cáo số 389/BC-BHXH, ngày 04/2/2015, Hà Nội, Tr. 1.

4 Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2015), Sđd.

5 Tổng cục Thống kê, http:// www.gso.gov.vn.

6 Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, Tr. 228.

7 Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, Tr. 229.

 

Nguyễn Tiến Hùng