MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ AN NINH NGUỒN NƯỚC VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG CỦA VIỆT NAM
PHẠM THỊ TÍNH*
1. Tình hình sử dụng và khai thác nguồn nước trên sông Mê Kông
Nước là một tài nguyên thiên nhiên quý giá, có ý nghĩa sống còn đối với con người và mọi sự sống khác. Những năm gần đây, do sức ép của phát triển kinh tế - xã hội và sự bùng nổ dân số, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa khiến những đòi hỏi về nhu cầu nước cho dân sinh, cho sản xuất ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, gây tác động tiêu cực đến tài nguyên nước. Theo Liên hiệp quốc (LHQ), việc sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh là một trong các nguyên nhân hàng đầu làm phát sinh dịch bệnh và gây tử vong. Thiếu nước canh tác khiến mùa màng thất bát, gia tăng đói nghèo và ảnh hưởng đến an ninh lương thực; thiếu nước, nhiều hoạt động công nghiệp cũng không thể hoạt động; nước bị ô nhiễm khiến chất lượng các sản phẩm vật nuôi, cây trồng bị ảnh hưởng - mất an toàn lương thực. Theo dự báo, đến năm 2020, nhu cầu về nước phục vụ cho công nghiệp sẽ tăng gấp đôi so với hiện tại; nhu cầu tiêu thụ của các hộ gia đình sẽ tăng thêm 130%; 40% trên tổng số 9 tỉ người sẽ sống ở những vùng bị thiếu nước1. Theo Maude Barlow2, nước là trung tâm của mọi thứ: “không có nước thì không có thực phẩm, không có sức khỏe, không có trường học, không có bình quyền và không có hòa bình”3. Vì vậy, bảo vệ tài nguyên nước là việc vô cùng quan trọng của tất cả các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở hạ lưu các con sông quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam có khoảng 208 con sông lớn nhỏ, trong đó có 126 con sông có đầu nguồn từ nước ngoài; có 8 lưu vực sông liên quốc gia, đặc biệt là các hệ thống: sông Mê Kông, sông Hồng, sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai. Sông Mê Kông là hệ thống sông lớn nhất Việt Nam, lớn thứ 12 trên thế giới và lớn nhất khu vực Đông Nam Châu Á4. Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, sông có chiều dài dòng chính là 4.880 km, diện tích lưu vực là 795.000 km2, tổng lượng dòng chảy hàng năm khoảng 475 tỉ m3. Đây là tài sản chung vô giá của 6 quốc gia ven sông (Trung Quốc, My-an-ma, Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia, Việt Nam). Thượng lưu sông nằm trên lãnh thổ Trung Quốc và My-an-ma, có diện tích là 189.000 km2 (24%). Phần hạ lưu sông đi vào lãnh thổ Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia và Việt Nam. Hạ lưu có diện tích 606.000 km2 (76%), chiều dài 2.800 km, độ chênh cao khoảng 450m. Sông có vai trò cực kỳ quan trọng với các nước tiểu vùng sông Mê Kông, đặc biệt là các nguồn lợi về nông nghiệp, thủy sản, thủy điện và giao thông đường thủy.
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên triển khai kế hoạch khai thác nguồn lợi từ sông Mê Kông bằng việc xây dựng một loạt đập thủy điện ở thượng nguồn từ năm 1993. Hiện đã có năm đập đi vào khai thác (Mãn Loan, Đại Triều Sơn, Cảnh Hồng, Cống Quả Kiều và Tiểu Loan); ba đập đang hoàn thành (Nọa Trát Độ, Cảm Lâm và Mãnh Tống). Trung Quốc còn dự định xây dựng một số đập khác trên lãnh thổ nước Lào, và có kế hoạch đầu tư hàng chục tỉ đô la để dẫn nước ngược dòng lên đầu nguồn dãy Hi Mã Lạp Sơn - Tây Tạng phục vụ cho phát triển thủy điện. Sự đóng góp vào tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông của Trung Quốc là 16%. Trong khi, khoảng 60% nguồn nước ngầm của Trung Quốc đang bị ô nhiễm rất nặng đến mức không thể sử dụng được, chất lượng nước dao động từ “tương đối tồi tệ” tới mức “vô cùng tồi tệ”5. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với nước vùng hạ lưu. Với kế hoạch xây dựng 15 đập thủy điện trên thượng nguồn của Trung Quốc đã gây ra sự lo ngại sâu sắc cho các quốc gia vùng hạ lưu. Trước các dư luận về mối quan ngại, Trung Quốc luôn trấn an rằng, đây là các hồ chứa điều tiết năm, tích nước mùa lũ và xả nước mùa khô cho hạ lưu6. Thực tế, đây là các đập khai thác năng lượng.
Vùng hạ lưu, từ tháng 3/2007 đến tháng 10/2007, Lào đã ký biên bản ghi nhớ để chuẩn bị xây dựng 10 công trình thủy điện trên dòng chính7. Xayabury là con đập đầu tiên thực hiện theo quy định trong khuôn khổ Hiệp ước sông Mê Kông năm 1995: “Thủ tục thông báo, tham vấn và tán thành”. Tháng 9/2010, Chính phủ Lào thông báo lên Ủy hội sông Mê Kông (MRC) về kế hoạch xây đập đã vấp phải sự phản đối từ nhiều phía do lo ngại về các nguy cơ tiềm ẩn. Bởi, nếu đập Xayaburi được xây dựng sẽ tạo ra hiệu ứng “đô-mi-nô”, tức là làm tiền đề cho việc triển khai đồng loạt các con đập còn lại trên dòng chính sông Mê Kông. Những tác động đến môi trường, sinh kế người dân, an ninh lương thực và sự ổn định khu vực là chưa thể lường hết được8. Bất chấp sự phản đối của hàng triệu người dân bị ảnh hưởng và các quốc gia láng giềng, dự án vẫn được thi công. Trong tuyên bố, Chính phủ Lào tham vọng trở thành nơi cung cấp năng lượng cho các quốc gia trong khu vực.
Cùng thời gian này, Cam-pu-chia cũng kí biên bản ghi nhớ xây dựng hai đập, trong đó, đập Sambor có vị trí sát Việt Nam với công suất dự kiến là 2.600 MW, dự báo sẽ tác động rất lớn đến chế độ dòng chảy mùa khô về phía Việt Nam.
Bên cạnh đó, tại các dòng nhánh của sông Mê Kông, các dự án khai thác thủy điện cũng đã và đang được thực hiện. Dự tính đến năm 2030 sẽ có thêm 30 đập được triển khai9. Các quốc gia còn có kế hoạch sử dụng nước sông trên quy mô lớn, như: Lào dự định tăng diện tích tưới tiêu vào mùa khô từ 100.000 hecta/năm lên 300.000 hecta/năm trong vòng 20 năm tới; Cam-pu-chia có kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất lúa và diện tích tưới tiêu; Thái Lan có kế hoạch chuyển nước từ dòng chính để giảm hạn hán ở khu vực Đông Bắc;... Sản xuất nông nghiệp được đánh giá là hoạt động tiêu tốn nhiều nước nhất. Theo thống kê của Tổ chức Nông lương LHQ, gần 95% lượng nước tại các nước đang phát triển hiện được sử dụng cho hoạt động tưới tiêu trong nông nghiệp10.
Các hoạt động khai thác lợi thế của sông Mê Kông, như: khai thác năng lượng, nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy, quản lý lũ lụt và du lịch,... được các quốc gia ven sông khai thác triệt để. Việc xây dựng hệ thống thủy điện trên thượng nguồn đã làm thay đổi quy luật dòng chảy, làm giảm sút nguồn nước, giảm nguồn cá và lượng phù sa do bị chặn dòng và suy giảm hệ sinh thái đất ngập nước. Các dự án chuyển dòng, mở rộng diện tích tưới tiêu,... cũng khiến nguồn nước về hạ lưu ngày càng giảm sút, tác động sâu sắc đến sinh kế, đời sống người dân, môi trường, an ninh lương thực và sự ổn định chính trị của các nước tiểu vùng sông Mê Kông.
Trong Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược của MRC năm 2010 đã cảnh báo về mối đe dọa nghiêm trọng đến môi trường, xã hội, chính trị và văn hóa từ việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông; những khó khăn trong giảm thiểu tác hại đối với ngành thủy sản, việc thiếu các kiến thức cần thiết đã cản trở quyền được tiếp cận thông tin, quyền tham gia của người dân vào các vấn đề có liên quan đến quyền lợi của họ. Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện quy hoạch ngành năng lượng và sử dụng năng lượng bền vững để đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực. Là quốc gia ở cuối nguồn, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn về nguồn nước, sinh kế, an ninh lương thực, môi trường và xã hội, đặc biệt là người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do tác động tích lũy, xuyên biên giới của các đập thủy điện trên sông Mê Kông. Nguy cơ sẽ lớn hơn khi bị cộng hưởng với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Nhiều năm qua, người dân ở lưu vực sông Mê Kông đã phản đối công khai, rộng rãi việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính ở quy mô quốc gia, khu vực và quốc tế qua các đơn thư kiến nghị liên tục gửi đến các chính quyền và đến MRC. Tổ chức Liên minh Cứu sông Mê Kông liên tục lên tiếng phản đối các dự án xây dựng thủy điện trên dòng chính bởi chúng đã, đang và sẽ gây các tác động xuyên biên giới không thể phục hồi, ảnh hưởng đến sinh kế và sự tồn vong của hơn 65 triệu dân sống trong lưu vực. Các yêu cầu ngừng những quyết định xây dựng các đập thủy điện để thực hiện các nghiên cứu cần thiết, đánh giá tác động đầy đủ; yêu cầu các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm từ mối đe dọa nghiêm trọng do các đập trên sông Mê Kông; yêu cầu Chính phủ Lào ngay lập tức ngừng việc thi công thủy điện Xayaburi và Don Sahong; Cần tôn trọng quyền của các nước láng giềng, tất cả các dân tộc phụ thuộc vào dòng sông và tài nguyên trên sông để tiến hành tham vấn trực tiếp người dân, những quyền mà họ được hưởng theo luật pháp quốc tế11. Các kêu gọi sự hợp tác khu vực và quốc tế để cùng Cứu sông Mê Kông liên tiếp diễn ra. Tuy nhiên, các đập thủy điện vẫn được xây dựng theo kế hoạch ban đầu.
Có thể nói, hệ thống thủy điện trên sông Mê Kông đang là tâm điểm gây đau đầu giới chức lãnh đạo MRC, là mối đe dọa an ninh các quốc gia vùng hạ lưu. Cùng với đó, sự gia tăng dân số trong lưu vực và sự biến động giá lương thực,... đã thúc đẩy các quốc gia mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp khiến cho nước ngọt ngày càng trở nên khan hiếm và quý giá. Với 15 dự án thủy điện trên thượng nguồn và 12 dự án ở hạ lưu, cùng 36 đập trên dòng nhánh và các dự án chuyển dòng của các quốc gia trên dòng chính sẽ là những thách thức lớn trong vấn đề an ninh nguồn nước với các nước cuối nguồn như Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL.
2. Một số vấn đề về an ninh nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long
An ninh nguồn nước là việc bảo đảm các hệ sinh thái nước ngọt, sinh thái biển và các hệ sinh thái liên quan được bảo vệ và củng cố, phát triển bền vững và chính trị ổn định, mỗi người đều được tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch với chi phí hợp lý để có một cuộc sống khỏe mạnh, sung túc. Đặc biệt, các cộng đồng dễ bị tổn thương luôn được bảo vệ trước rủi ro từ những thảm họa liên quan đến nước12.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mê Kông, là nơi tiếp nhận toàn bộ nước từ sông Mê Kông đổ về (hơn 80%), cộng thêm lượng mưa tại chỗ, sau đó chảy ra biển Đông. Là vùng thu nhận nguồn nước lớn nhất nước từ sông và từ biển. Nhờ nguồn nước dồi dào, lượng phù sa lớn, điều kiện khí hậu tương đối thuận lợi, suốt mấy chục năm qua, ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất nước, đóng vai trò tiên phong trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia cũng như cung ứng nguồn nông sản, thủy hải sản đáng kể cho thế giới13. Với khoảng hơn 65.000 km2 (tại Tây Nguyên là 25.500 km2, ĐBSCL là 39.734 km2), hơn 20 triệu dân (3 triệu ở Tây Nguyên, hơn 18,6 triệu ở ĐBSCL) sống dọc các sông, rạch, đô thị và ven biển. Hai trụ cột kinh tế chính ở ĐBSCL là sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Mỗi năm, ĐBSCL đóng góp trên 55% sản lượng lúa, 65% sản lượng cá, khoảng 75% sản lượng trái cây, khoảng 20 - 25% lượng gạo xuất khẩu của cả nước14. Mối quan tâm của Việt Nam ở ĐBSCL là số lượng và chất lượng nước, lượng phù sa và sản lượng cá.
Tuy nhiên, từ khi Trung Quốc xây đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông thì vùng ĐBSCL phải đối mặt với nhiều thách thức: nước, phù sa, cá,... đều suy giảm cả về chất và lượng, ảnh hưởng đến sinh kế, cuộc sống của người dân. Sự xâm nhập mặn của nước biển, sự nhiễm chua từ các tầng đất phèn và nước ô nhiễm từ các hoạt động của con người ngày càng tăng. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, tài nguyên nước ở ĐBSCL đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng cũng như sự thay đổi động thái dòng chảy theo mùa. Điều này có thể do các yếu tố tự nhiên hoặc do con người hoặc cả hai cùng tác động. Tình trạng khan hiếm nước ngọt ngày càng tồi tệ khi dân số ở lưu vực tăng nhanh, công - nông nghiệp phát triển, trong khi công tác quản lý nước còn nhiều yếu kém, và sự không tuân thủ Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông của các quốc gia,...
Mặt khác, các chính sách phát triển kinh tế thời gian qua được ban hành nhiều nhưng thiếu kiểm soát, cộng thêm yếu tố gia tăng dân số khiến chất lượng nguồn nước ở ĐBSCL ngày càng xấu hơn và trở nên khan hiếm. Việc đẩy mạnh các hình thức thâm canh, tăng vụ trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc khiến nguồn nước bị nhiễm dư lượng các loại nông dược, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kháng sinh, thuốc tăng trọng, các chất hữu cơ chưa phân hủy,... Đặc biệt, chất lượng nước trong các vùng đê bao khá xấu do tích tụ nhiều hóa chất nông nghiệp, nước thải sinh hoạt và không có điều kiện trao đổi với nguồn nước sạch bên ngoài. Cùng với đó là tập quán làm nhà, họp chợ, chăn nuôi ngay bên sông, kênh, rạch; hầu hết các tỉnh/thành đều có các khu công nghiệp, khu chế biến và các nhà máy ven sông lớn nhưng chưa chú trọng xử lý nước thải công nghiệp càng làm chất lượng nước suy thoái tới mức báo động.
Bên cạnh đó là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH). Mấy năm gần đây, mùa khô ở ĐBSCL hầu như không có mưa, nên nguồn nước chủ yếu phụ thuộc vào nước sông Mê Kông. Trong khi đó, nguồn nước sông Mê Kông đến khu vực hạ lưu ngày càng suy giảm, đặc biệt là mùa khô. Theo dự báo, BĐKH sẽ làm dòng chảy trong mùa khô ở vùng ĐBSCL suy giảm khoảng 4,8% vào năm 2020, giảm 14,5% vào năm 2050 và khoảng 33,7% vào năm 210015. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng nước của các quốc gia trong tiểu vùng đều tăng khiến tình trạng khan hiếm nước ở vùng ĐBSCL sẽ càng gia tăng. Các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Trà Vinh,... nguồn nước ngọt luôn thiếu và ngày càng bị khai thác cạn kiệt. Bởi, ngoài hai nhân tố lớn là do các đập thủy điện trên thượng nguồn và do tác động của BĐKH thì còn do thói quen sử dụng nước lãng phí của người dân. Khi một giếng khoan có dấu hiệu suy giảm lượng nước, người dân không ngần ngại bỏ rồi khoan giếng mới, mỗi năm có hàng nghìn giếng được khoan và bỏ. Cà Mau được đánh giá là tỉnh có nguồn nước ngầm dồi dào nhất ở ĐBSCL nhưng do bị khai thác quá mức nên nguồn nước đã cạn kiệt, nhiều giếng khoan sâu 100m cũng không có nước, hoặc có nhưng bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Một xã ở Cà Mau có 2.000 hộ dân thì có đến 1.400 hộ nằm ven sông nhưng luôn trong tình trạng thiếu nước gay gắt, mùa khô nước nhiễm mặn càng nặng. Toàn tỉnh Cà Mau có 141.226 giếng nước ngầm, cứ 2 km có 30 giếng16. Những giếng bỏ là cửa ngõ dẫn nguồn nước bị ô nhiễm và các chất ô nhiễm từ mặt đất xuống làm suy giảm chất lượng các mạch nước ngầm bên dưới. Mấy năm gần đây, những trận hạn hán kéo dài khiến dòng sông suy yếu tạo điều kiện cho nước biển xâm nhập cao lên thượng nguồn, diện tích nước ngọt bị thu hẹp.
Cùng với việc thiếu nước ngọt cho dân sinh và hoạt động sản xuất, người dân vùng ĐBSCL còn phải đối mặt với tình trạng sạt lở đất, nước biển dâng, nhiễm mặn,... Toàn khu vực ĐBSCL có trên 10.000 hộ dân bị đe doạ sạt lở ven sông, ven biển (Cà Mau trên 3.300 hộ, Đồng Tháp gần 4.000 hộ, An Giang trên 2.200 hộ, Bạc Liêu gần 2.000 hộ,...). Từ năm 2007, toàn tuyến ven bán đảo Cà Mau dài 254 km, mỗi năm sạt lở 15m, có nơi biển ăn vào đến 30m. Mỗi năm, Cà Mau mất trên 300 ha rừng phòng hộ ven biển. Dự báo đến năm 2050 sẽ có khoảng 1 triệu người bị tác động trực tiếp do xói lở, nước biển dâng tại ĐBSCL17. Cùng với đó là diện tích có thể khai thác nước ngọt bị mất, làm ảnh hưởng lớn đến sinh kế, cuộc sống và sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân vùng ĐBSCL.
Việc xây hệ thống đập thủy điện trên dòng chính, đặc biệt là ở thượng nguồn đã đẩy Việt Nam trước nguy cơ phải gánh chịu nhiều tác động to lớn chưa thể lường trước. Bởi phần lớn dân số vùng ĐBSCL sống phụ thuộc vào nguồn sinh kế nông nghiệp, thủy sản - liên quan mật thiết đến nguồn tài nguyên nước. Có thể kể đến một số hệ lụy, như:
Tác động thay đổi dòng chảy ở hạ lưu: Dòng chảy của sông Mê Kông có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của khu vực ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung, trong đó lũ là yếu tố quan trọng nhất. Mỗi năm, khu vực này có từ 1,3 - 1,5 triệu hecta bị ngập lũ18. Dưới tác động của dòng chảy và chế độ lũ, các hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng, đất nông nghiệp bị xâm nhập mặn và chua phèn, các hoạt động sản xuất nông nghiệp bị cản trở. Khoảng chục năm trở lại đây, dòng chảy mùa lũ từ thượng nguồn xuống vùng ĐBSCL ngày càng giảm rõ rệt. Lũ thấp kết hợp với tình trạng không khí khô nóng trong mùa khô làm nguồn nước các sông, kênh, rạch bốc hơi mạnh, nhiều vùng ven biển bị khô hạn nghiêm trọng, nước mặn từ biển xâm nhập sâu vào đất liền khiến nhiều nơi gặp khó khăn hơn trong việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất. Những biến động bất lợi do biến đổi khí hậu và sự biến đổi dòng chảy gây thiệt hại lớn cho môi trường vùng ĐBSCL.
Tác động đến hệ sinh thái vùng hạ lưu: Các dự án thủy điện trên dòng chính sẽ biến phần lớn diện tích lưu vực thành hồ chứa với khả năng gây ra biến động nhanh và đáng kể mực nước dưới hạ lưu; làm suy giảm lớn về lượng trầm tích và gây gián đoạn các mùa sinh thái - thủy văn; gây những tổn thất vĩnh viễn về đa dạng sinh học. Ngoài ra, do không gian chứa nước lũ từ hai vùng trũng: Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười ngày càng suy giảm nên nhiều vùng đất ở hạ lưu bị ngập sâu hơn, kéo dài thời gian ứ nước hơn, ngày càng nhiều bờ sông bị sạt lở do dòng chảy gia tăng tốc độ khiến một số loài trong hệ sinh thái sẽ bị tuyệt chủng.
Nông nghiệp vùng hạ lưu sẽ bị ảnh hưởng bất lợi: Lũ ít làm cho việc vệ sinh đồng ruộng không được đầy đủ, các mầm bệnh, dịch hại, chuột bọ, các độc chất trong đất không được rửa trôi, khiến việc canh tác nông nghiệp và thủy sản khó khăn hơn. Sự sụt giảm nguồn nước mặt còn là nguyên nhân chính khiến phèn tiềm tàng trong đất trở thành phèn hoạt động làm cho chất lượng nước và chất lượng đất nhiều nơi trở nên xấu đi, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp và thủy sản.
Tác động đến nguồn lợi thủy sản: Lũ thấp nên nguồn cá tự nhiên giảm sút nghiêm trọng. Mặc dù nhiều đập thủy điện đã sử dụng cầu thang cá nhưng vẫn làm hạn chế rất nhiều cá di cư tự nhiên. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 35% tổng lượng cá sông Mê Kông là cá di cư sẽ bị đập thủy điện cản trở19. Các đập trên dòng chính và các nhánh đều có khả năng làm suy giảm chất lượng các loài thủy sản dọc sông và giảm sản lượng cá do bị chặn dòng di cư tự nhiên của các loài cá.
Tác động xã hội: Các thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông sẽ gây bất lợi cho hàng triệu người sống ven sông với sinh kế dựa vào các nguồn tài nguyên của sông. Theo dự báo, Việt Nam sẽ có khoảng 14 triệu nông dân và ngư dân bị ảnh hưởng do có thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Sinh kế của ít nhất 2,1 triệu người sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó, 106.942 người sẽ phải chịu tác động trực tiếp từ 12 dự án dòng chính và hạ lưu sông Mê Kông vì mất nhà cửa, đất đai, buộc phải tái định cư. Hơn 2 triệu người sống trong các vùng hồ chứa, các địa điểm xây đập và ngay hạ lưu của các con đập dòng chính sẽ chịu rủi ro lớn nhất20.
Khả năng hình thành địa chấn và sự cố vỡ đập: Một trong các tác động đến môi trường của các bậc thang thủy điện là nguyên nhân tạo địa chấn. Vỡ đập từng xảy ra ở Ai Cập năm 1982, Ấn Độ năm 1967, đập Bản Kiều ở Hồ Nam (Trung Quốc) bị vỡ năm 1975 làm hàng loạt đập khác vỡ theo và khoảng 171.000 người chết do ngập lũ, mất mùa, 11 triệu người khác mất hết nhà cửa và tài sản. Năm 2008, thủy điện ở Trung Quốc còn gây hiệu ứng động đất làm hơn 70.000 người chết21,... Đập có thể bị vỡ do nước lũ dồn về quá lớn vượt quá khả năng xả của đập tràn, áp lực nước lớn có thể gây tổn thất cao về nhân mạng, tài sản, các công trình hạ tầng. Mấy nằm gân đây, tình trạng mưa lớn gây vỡ đập diễn ra khá phổ biến. Đập cũng có thể bị vỡ do thiên nhiên, do bị con người phá, hoặc do kém chất lượng,...
Ngoài các tác động tiêu cực do thủy điện thì các dự án chuyển nước ra khỏi dòng chính cũng là một trong những thách thức đối với việc sử dụng hợp lý và công bằng nguồn tài nguyên nước của lưu vực sông Mê Kông. Vấn đề này đã được Thái Lan nghiên cứu và công bố, như: dự án lấy nước từ lưu vực sông Mê Kông chuyển sang lưu vực sông Chao Praya và các khu vực thiếu nước trong lưu vực ở Thái Lan,... Việc chuyển nước có tác động nghiêm trọng, đặc biệt nếu việc này được thực hiện trong mùa khô sẽ làm tăng đáng kể diện tích xâm ngập mặn ở hạ nguồn, gây mất an toàn và mất an ninh lương thực,...
Theo MRC, Việt Nam là nước sử dụng nước nhiều nhất tại lưu vực với tổng lượng năm chiếm 55.8% tổng lượng nước của lưu vực sông Mê Kông (72% trong mùa khô và 28.9% mùa mưa)22. Trong khi, nguồn tài nguyên nước của Việt Nam chỉ ở mức dưới trung bình (39%), chưa kể phần lớn nước nội địa của Việt Nam bị ô nhiễm và xâm nhập mặn. 61% tổng lượng nước tiêu dùng toàn quốc phụ thuộc vào nguồn nước từ sông Mê Kông23.
|

Nguồn: Tô Văn Trường (2010), Tác động của phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, Tr. 5.
|
Vì vậy, nguồn nước sông Mê Kông có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của khu vực ĐBSCL. Do sự liên quan mật thiết giữa điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của các nước trong tiểu vùng và tổng thể lưu vực sông Mê Kông; những động thái phát triển ở thượng nguồn, sự thay đổi dòng chảy của sông sẽ dẫn đến các tác động về môi trường, kinh tế, xã hội, sinh kế và sự an ninh, an toàn cho người dân ở hạ lưu. Chẳng hạn, các công trình kiểm soát nước lũ để canh tác lúa - màu ở thượng nguồn có thể gây ngập úng ở hạ nguồn, hoặc việc mở rộng diện tích canh tác nuôi trồng thủy sản ven biển có thể làm nước mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền. Nguy cơ đe dọa an ninh nguồn nước ở ĐBSCL sẽ tăng gấp nhiều lần khi xem xét trong tác động của hệ thống đập thủy điện với tác động của BĐKH.
Đồng bằng sông Cửu Long được hình thành do quá trình bồi đắp hàng ngàn năm của sông Mê Kông, đây được xem là vùng đất nông nghiệp trù phú nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực này đang phải đối mặt với nhiều rủi ro từ hàng chục đập thủy điện trên thượng nguồn và tác động của BĐKH, nước biển dâng. Theo Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá môi trường chiến lược 12 dự án thủy điện dòng chính sông Mê Kông” của MRC, nếu tất cả những dự án này được xây dựng, ĐBSCL sẽ bị tổn thất rất lớn. “Nếu các đập này vẫn được xây dựng, có thể ĐBSCL sẽ phải đối mặt với sự đe dọa lớn nhất từ trước đến nay. Khi đó, không chỉ môi trường mà mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và văn hóa cũng sẽ bị thay đổi”. Ước tính, hằng năm sẽ có từ 220.000 đến 440.000 tấn cá trắng bị tổn thất, tương đương với khoảng 500 triệu USD đến 1 tỉ USD24.
Kết luận
Sông Mê Kông là huyết mạch, là nguồn sống của hơn 65 triệu dân thuộc hơn 100 dân tộc sinh sống tại lưu vực sông từ bao đời nay. Tuy nhiên, từ khi Trung Quốc và các nước ở hạ lưu xây dựng hàng loạt các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, trong bối cảnh BĐKH đang có những diễn biến phức tạp, nhiều cảnh báo về các hiểm họa nghiêm trọng sẽ gây những tổn thất tới kinh tế, xã hội và môi trường cho vùng hạ lưu đã được đưa ra, đặc biệt là với vùng ĐBSCL của Việt Nam. Trong đó đặc biệt là những tổn thất cho hệ sinh thái và nguồn nước “sẽ là những tổn thất vĩnh viễn không thể thay đổi và không thể bù đắp”25. Bởi, không có nước sẽ không có sự sống, không có văn hóa và văn minh nhân loại. Nước có vai trò quyết định đối với sự tồn vong của một quốc gia, một dân tộc. Trường hợp mất an ninh nguồn nước ở lưu vực sông Mê Kông sẽ không phải chỉ ảnh hưởng đến một quốc gia, một dân tộc mà là nhiều quốc gia và cả trăm dân tộc từ nhiều đời nay sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên trên sông Mê Kông. Tình trạng thiếu nước sạch đã, đang và sẽ còn nghiêm trọng hơn trong tương lai, đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu người. Vì vậy, nếu các đập trên dòng chính sông Mê Kông được xây dựng thì không chỉ quyền có nước sạch của người dân vùng hạ lưu trong đó có vùng ĐBSCL bị căng thẳng mà cũng đồng thời đặt ra vấn đề về sinh kế và an ninh lương thực, về quyền có nơi ở, có việc làm, có thu nhập,... cao hơn cả là quyền sống còn, quyền sức khỏe của hàng triệu người dân vùng ĐBSCL.
Vì vậy, để bảo đảm nguồn sống cho hơn 65 triệu dân vùng hạ lưu, trong đó có hơn 20 triệu dân ĐBSCL không bị đặt vào tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng do mất an ninh nguồn nước thì trước tiên sông Mê Kông phải được giải thoát khỏi các dự án đập thủy điện. Việc xây dựng đập thủy điện trên thượng nguồn và trên dòng chính phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư. Ý kiến của cộng đồng ven sông phải là trung tâm của tất cả các quyết định về việc có xây dựng đập hay không. Mọi quyết định liên quan đến nguồn nước sông Mê Kông phải có sự tham gia của dân chúng ven sông và nghiêm túc trưng cầu ý kiến của những người có liên quan tại mỗi khu vực, mỗi quốc gia dựa trên kết quả báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.
Các quốc gia cùng chung nguồn nước sông Mê Kông phải cam kết tuân thủ và thực hiện nội dung Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông năm 1995 trên nguyên tắc: bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia; tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế; các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác để giải quyết các vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo; giải quyết các vấn đề tranh chấp và bất đồng liên quan đến việc sử dụng nguồn nước sông Mê Kông trên nguyên tắc hòa bình.
Các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông cần cam kết nghiên cứu và phát triển giải pháp năng lượng thay thế. Do những nguy cơ nghiêm trọng gắn liền với con đập nên quá trình lập kế hoạch cải cách năng lượng và đánh giá các giải pháp năng lượng tổng hợp là vô cùng cấp thiết. Vì vậy, cần gắn công nghệ năng lượng hiện đại với khuyến khích tăng hiệu quả sản xuất năng lượng và quản lý nhu cầu sử dụng năng lượng trong khu vực sông Mê Kông để đáp ứng nhu cầu hợp lý nhằm bảo đảm cho tiểu vùng sông Mê Kông được thịnh vượng, bền vững, an bình cho hiện tại và các thế hệ tương lai.
Người dân các tỉnh vùng ĐBSCL nói riêng và người dân cả nước nói chung phải được nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về tinh thần trách nhiệm trong quản lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững nguồn nước quý giá hiện có. Nước ngọt không phải là nguồn tài nguyên luôn sẵn có ở đúng nơi và đúng thời điểm với chất lượng tốt nhất. Nước ngọt là nguồn tài nguyên không thể thay thế. Vì vậy, con người cần phải thay đổi thái độ, nhận thức cũng như thói quen sinh hoạt, tránh sử dụng nước lãng phí. Mỗi người cần phải có trách nhiệm quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước. Phải luôn nghĩ rằng, tiết kiệm nguồn nước cũng như tiết kiệm lương thực là để bảo đảm cuộc sống của chính mình và cho các thế hệ tương lai.
Tài liệu tham khảo
-
Báo cáo đánh giá tác động môi trường do MRC ủy nhiệm cho Trung tâm quốc tế về quản lý môi trường (ICEM) tiến hành đánh giá môi trường chiến lược về 12 đập thủy điện trên dòng chính..., thực hiện năm 2010.
2. Công ước của Liên hợp quốc về luật sử dụng các dòng sông quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy năm 1997.
-
Ca Linh (2013), “Đồng bằng sông Cửu Long trước đại họa”, http://www.thiennhien.net/2013/01/14/dong-bang-song-cuu-long-truoc-dai-hoa/
-
Nguyễn Trường Giang (2012), Cơ sở pháp lý bảo vệ nguồn nước quốc tế của Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
5. Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông năm 1995.
6. Thị Hường, “Cuộc sống sẽ ra sao nếu sống thiếu nguồn nước sạch?”, http://www.sapuwa.vn/tin-tuc/chuyen-nganh/cuoc-song-se-ra-sao-neu-song-thieu-nguon-nuoc-sach.html.
-
MRC, “Tác động của phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông”.
-
Thành Nam, Minh Thu, Khánh Dương,... (2012), “An ninh nguồn nước trước tác động của biến đổi khí hậu”, Tạp chí Hồ sơ và Sự kiện, Số 236.
-
Trịnh Lê Nguyên, Trần Thị Thanh Thủy, “Bối cảnh phát triển lưu vực sông Mê Kông và giải pháp ứng phó cho Việt Nam”, http://www.cepf.net/SiteCollectionDocuments/indo_burma/FinalReport_PanNature_EcosystemServicesV.
-
Nguyệt Phương, “60% nguồn nước ngầm Trung Quốc ô nhiễm nặng”, http://dwrm.gov.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=Nhin-ra-The-gioi/60-nguon-nuoc-ngam-Trung-Quoc-o-nhiem-nang-3369.
11. Stone R. Mayhem on The Mekong, “Science”, 2011; 333 (August): 814 - 818, http://www.sciencemag.org/content/333/6044/814.short.
12. Thành Tâm: “An ninh nước” - sự tồn vong của mỗi quốc gia”, (monre.gov.vn), http://sotnmt.thaibinh.gov.vn/ct/News/Lists/Nuoc_KhoangSan/View_Detail.aspx?ParentID=&ItemID=22.
13. Kiên Thành (2015), “Khát giữa mùa mưa”, Báo Tuổi trẻ.
14. Kiên Thành (2015), “Miền Tây điêu đứng vì biến đổi khí hậu “chạy biển”, “chạy sông”, Báo Tuổi trẻ.
15. Tô Văn Trường, Chuyên đề “Tác động của phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông”.
17. Lê Anh Tuấn, “Nguồn nước sông Mê Kông và vấn đề an ninh lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long: Rủi ro và thách thức”.
18. Lê Anh Tuấn (2012), “Xu thế và năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long”, Tạp chí Hồ sơ và sự kiện, Số 236.
19. Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, “Giới thiệu Lưu vực sông Mê Kông”, http://www.vnmc.gov.vn/newsdetail/18/gioi-thieu-luu-vuc-song-me-cong.aspx.
20. Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, “Giới thiệu Lưu vực sông Mê Kông trên lãnh thổ Việt Nam", http://www.vnmc.gov.vn/newsdetail/30/luu-vuc-song-me-cong-tren-lanh-tho-viet-nam.aspx.
21. Vietnam Rivers Network - VRN, “Thủy điện Don Sahong trên dòng chính sông Mê Kông: thách thức mới cho sự phát triển bền vững của khu vực”.
* ThS.; Viện Nghiờn cứu Con người, Viện Hàn lõm Khoa học Xó hội Việt Nam.
2 Chuyên gia của Dự án Hành tinh xanh tại Ca-na-đa, nguyên tư vấn cao cấp về nước cho Chủ tịch Đại hội đồng LHQ.
3Thị Hường, “Cuộc sống sẽ ra sao nếu sống thiếu nguồn nước sạch?”, http://www.sapuwa.vn/tin-tuc/chuyen-nganh/cuoc-song-se-ra-sao-neu-song-thieu-nguon-nuoc-sach.html.
4 Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, “Giới thiệu Lưu vực sông Mê Kông”, http://www.vnmc.gov.vn/newsdetail/18/gioi-thieu-luu-vuc-song-me-cong.aspx.
6 Nguyễn Trường Giang (2012), Cơ sở pháp lý bảo vệ nguồn nước quốc tế của Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr. 30.
7 Nguyễn Trường Giang, Sđd, Tr. 33 - 34.
8 Tô văn Trường, Chuyên đề “Tác động của phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông”, Tr. 17.
9 Stone R. Mayhem on The Mekong, “Science”, 2011; 333(August): 814 - 818, Available at:
http://www.sciencemag.org/content/333/6044/814.short.
10 Thành Nam, Minh Thu, Khánh Dương,... (2012), “An ninh nguồn nước trước tác động của biến đổi khí hậu”, Tạp chí Hồ sơ và sự kiện, Số 236, Tr. 8.
11 Tuyên bố của Liên minh Cứu sông Mê Kông: Thủy điện dòng chính sông Mê Kông là mối đe dọa to lớn xuyên biên giới ảnh hưởng đến an ninh lương thực và người dân trong khu vực (Xã hội dân sự kêu gọi các Thủ tướng Chính phủ dừng việc xây thủy điện dòng chính).
12 Thành Nam, Minh Thu, Khánh Dương,... Sđd.
13 Theo tapchicongsan.org.vn, “Hợp tác vì nước, nhìn từ đồng bằng sông Cửu Long”, http://nawapi.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=2171%3Ahp-tac-vi-nc-nhin-t-ng-bng-song-cu-long&catid=3%3Atin-trong-nuoc&Itemid=6&lang=vi.
14 Lê Anh Tuấn (2012), “Xu thế và năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long”, Tạp chí Hồ sơ và sự kiện, Số 236.
16 Kiên Thành (2015), “Khát giữa mùa mưa”, Báo Tuổi trẻ.
17 Kiên Thành (2015), “Miền Tây điêu đứng vì biến đổi khí hậu “chạy biển”, “chạy sông”, Báo Tuổi trẻ.
18Trịnh Lê Nguyên, Trần Thị Thanh Thủy, “Bối cảnh phát triển lưu vực sông Mê Kông và giải pháp ứng phó cho Việt Nam”, http://www.cepf.net/SiteCollectionDocuments/indo_burma/FinalReport_PanNature_EcosystemServicesV.
19 Nguyễn Trường Giang (2012), Cơ sở pháp lý bảo vệ nguồn nước quốc tế của Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr. 40.
20 Vietnam Rivers Network - VRN, “Thủy điện Don Sahong trên dòng chính sông Mê Kông: thách thức mới cho sự phát triển bền vững của khu vực”.
21 “Đồng bằng sông Cửu Long trước đại họa”, http://www.tinmoi.vn/dbscl-truoc-dai-hoa-011172602.html.
22 Ủy hội sông Mê Kông Việt Nam (2010), “Nghiên cứu Lưu vực sông Mê Kông trên lãnh thổViệt Nam”,
http://www.vnmc.gov.vn/newsdetail/30/luu-vuc-song-me-cong-tren-lanh-tho-viet-nam.aspx.
23 Lê Anh Tuấn (Báo cáo chuyên đề), “Nguồn nước sông Mê Kông và vấn đề an ninh lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long: Rủi ro và thách thức”.
24 “Đồng bằng sông Cửu Long trước đại họa”, (Theo Ca Linh, Người lao động, 13/01/2013),
http://www.thiennhien.net/2013/01/14/dong-bang-song-cuu-long-truoc-dai-hoa/.
25 Báo cáo đánh giá tác động môi trường do MRC ủy nhiệm cho Trung tâm quốc tế về quản lý môi trường (ICEM) tiến hành đánh giá môi trường chiến lược về 12 đập thủy điện trên dòng chính... thực hiện năm 2010.
Phạm Thị Tính