ĐỊnh hướng phát triển nguồn nhân lực làm công tác xã hội trong lĩnh vực Y tế (Kinh nghiệm từ Cu ba)

16/03/2020

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC LÀM CÔNG TÁC XÃ HỘI

TRONG LĨNH VỰC Y TẾ ( KINH NGHIỆM TỪ CU BA)1

 ĐẶNG KIM KHÁNH LY*

Dẫn nhập

Chúng ta đều biết rằng, mọi nguồn tài nguyên đều có xu hướng cạn kiệt dần theo quá trình khai thác và sử dụng. Duy chỉ có nguồn vốn con người, vốn nhân lực là có xu hướng phát triển, và chỉ có sức sáng tạo của con người là không giới hạn. Do vậy, việc chăm lo phát triển đào tạo nguồn nhân lực là công việc then chốt, hàng đầu của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, để con người có thể làm ra nhiều của cải, vật chất cho xã hội thì con người cần có trí tuệ, kỹ năng nghề nghiệp và sức khỏe tốt. Khi có sức khỏe, chúng ta có hàng ngàn mong ước, nhưng khi không có sức khỏe, chúng ta chỉ có một điều ước, đó là sức khỏe.

Ai cũng biết, sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Có nhiều yếu tố tác động đến sức khỏe của con người, trong đó một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sức khỏe cho người dân đó là đội ngũ cán bộ y tế. Song, để quá trình chăm sóc sức khỏe cho người dân được toàn diện, cùng với đội ngũ y bác sĩ, Việt Nam nên bắt đầu dành sự quan tâm trong phát triển đến đội ngũ nhân viên công tác xã hội trong lĩnh vực y tế. Làm được điều này, chúng ta mới tiến đến một điều kiện môi trường toàn diện trong chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, đội ngũ những người làm công tác xã hội (CTXH) có vai trò quan trọng trong xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa thể chất và tinh thần người bệnh, giữa người bệnh với thầy thuốc, trợ giúp người nhà bệnh nhân đối mặt với các vấn đề sức khỏe của người thân. CTXH còn tạo điều kiện cho người bệnh và người nhà có thêm cơ hội tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ trong chăm sóc sức khỏe phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng bệnh nhân và gia đình họ. Ngoài ra, CTXH trong lĩnh vực y tế không chỉ có vai trò hỗ trợ bệnh nhân mà còn có tác dụng lớn trong việc hỗ trợ cán bộ y tế giảm áp lực công việc và nâng cao hiệu quả điều trị.

Công tác xã hội trong lĩnh vực y tế, trong chăm sóc sức khỏe hay CTXH trong bệnh viện đã được thế giới quan tâm phát triển từ rất lâu, lần đầu tiên CTXH được triển khai trong các bệnh viện vào năm 1905 tại Bốt-xtơn, Mỹ, sau đó phát triển tại Châu Âu.

Là một nước nằm ở quần đảo thuộc biển Ca-ri-bê, Châu Mỹ, sau khi Hiến pháp xã hội chủ nghĩa được ban hành năm 1976, Nhà nước Cu-ba đã được xác định là một nhà nước xã hội chủ nghĩa, sau này được thay thế bằng Hiến pháp xã hội chủ nghĩa năm 1992. Cu-ba từ lâu đã được xếp hạng là một trong những quốc gia có số nhân viên y tế cao và có nhiều đóng góp vào công cuộc chăm sóc sức khỏe cộng đồng từ thế kỷ 19. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuổi thọ và tỉ lệ tử vong trẻ em tại Cu-ba từng có thể so sánh với các nước công nghiệp phát triển. Vào những năm 1970, Cu-ba đã chú trọng đến việc đào tạo nhân viên CTXH trong lĩnh vực y tế nhằm hoàn thiện bộ máy chăm sóc sức khỏe cho người dân. Do đó, trong những giai đoạn đầu của phát triển CTXH trong y tế, Việt Nam nên bắt đầu với kinh nghiệm từ Cu-ba, một đất nước có nhiều điểm tương đồng về điều kiện chính trị, xã hội với Việt Nam.

  1. Một số thành tựu đáng ghi nhận về chăm sóc sức khỏe ở Cu-ba

Trước khi tìm hiểu để học hỏi kinh nghiệm về các hoạt động CTXH trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Cu-ba, chúng ta thử điểm qua một số kết quả nổi bật của Cu-ba trong chăm sóc sức khỏe nói chung. 

Theo đánh giá của WHO năm 2014, trong vòng hơn bốn mươi năm qua, chính sách xã hội của Cu-ba đã duy trì sự tập trung đáng kể về cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tới mọi tầng lớp dân chúng và nâng cao chỉ số sức khỏe. Các nhà lãnh đạo Cu-ba luôn coi chỉ số sức khỏe của người dân là một biện pháp hiệu quả của chính phủ trong chăm sóc sức khỏe cho người dân. Việc thường xuyên theo dõi các số liệu về sức khỏe của người dân đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá và hình thành các chính sách y tế ở Cu-ba.

Đến nay, Cu-ba đã được quốc tế công nhận về những thành tựu trong y tế, với những kết quả cung cấp dịch vụ xã hội vượt trội so với hầu hết các nước đang phát triển trên thế giới. Kể từ sau cuộc cách mạng Cu-ba năm 1959, Cu-ba đã tạo ra một hệ thống dịch vụ xã hội được cung cấp bởi nhà nước hướng đến việc đảm bảo sự phổ cập trong tiếp cận về chăm sóc sức khỏe cho toàn dân từ trung ương đến địa phương. Mô hình này đã giúp Cu-ba xóa sổ một số bệnh, người dân được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh cơ bản. Tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh ở Cu-ba thấp hơn tại Hoa Kỳ và là một trong những nước ở mức thấp nhất trên thế giới (4,2 phần nghìn) và có nền phúc lợi xã hội tương đối tốt cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Với tuổi thọ trung bình là 78 tuổi, Cu-ba là một trong những nước thể hiện tốt nhất ở Châu Mỹ và trong thế giới thứ ba đạt được kết quả tương tự như hầu hết các nước phát triển. Trung bình, người dân Cu-ba sống lâu hơn so với nước láng giềng Hai-ti của họ 30 năm. Đến năm 2025, Cu-ba sẽ có tỉ lệ dân số cao nhất ở độ tuổi trên 60 so với tất cả các nước Mỹ La-tinh (WHO, 2014).

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hệ thống y tế của Cu-ba không chỉ là một ví dụ tiêu biểu tích cực cho các nước đang phát triển mà còn là hình mẫu cho các nước nói chung trên thế giới. Mặc dù nguồn lực rất hạn chế và bị tác động đáng kể do các biện pháp trừng phạt kinh tế áp đặt bởi Hoa Kỳ trong hơn nửa thế kỷ qua, nhưng Cu-ba đã quản lý và chăm sóc cho tất cả các bộ phận dân cư và có được kết quả tương tự như của các quốc gia phát triển nhất. Sự phát triển về y tế ở Cu-ba nổi bật bởi sự gắn liền của nghiên cứu với hệ thống chăm sóc sức khỏe. Có thể nói, đây là định hướng phát triển của Cu-ba, bởi lẽ sức khỏe của con người chỉ có thể cải thiện thông qua nghiên cứu và đổi mới. Các nhà lãnh đạo của Cu-ba dường như đã thấm nhuần quan điểm rằng sức khỏe là một trong những trụ cột quan trọng của phát triển quốc gia. Tổ chức Y tế thế giới cũng đã lưu ý rằng việc thiếu tiếp cận về chăm sóc sức khỏe trên thế giới không phải hoàn toàn xuất phát từ việc thiếu nguồn lực trong y tế. Ở tầm vĩ mô hơn, điều này phản ánh một phần trong sự thiếu nỗ lực của các nhà lãnh đạo trong việc bảo vệ người dân. Nhưng với Cu-ba, quan điểm ở tầm vĩ mô này đã được thao tác và cụ thể hóa ở các chiến lược và các hoạt động cụ thể trong chăm sóc sức khỏe.

Một trong những thành tích nổi bật trong hệ thống y tế của Cu-ba là phát triển y tế dự phòng, đây là một trong những kinh nghiệm cho các quốc gia như Việt Nam, thay cho các mô hình chữa bệnh không hiệu quả và tốn kém bằng một hệ thống y tế dự phòng toàn diện.

Thêm vào đó, Cu-ba còn được xếp hạng là một trong những quốc gia có tỉ lệ bác sĩ trên bình quân đầu người cao nhất so với bất kỳ nước nào trên thế giới, 1 bác sĩ/148 người dân (WHO, 2012). Sau sự ra đi một nửa số 6.000 bác sĩ Cu-ba trong trỗi dậy của các cuộc cách mạng năm 1959, Chính phủ Cu-ba đã đầu tư rất nhiều cho giáo dục y tế. Do đó, Cu-ba không chỉ đào tạo nhiều sinh viên y khoa tại nước ngoài mà còn cung cấp nhiều bác sĩ cho các quốc gia ở Châu Phi, Châu Á và Mỹ La-tinh (Beldarraín Chaple và Anderson, 2010). Trong biên giới riêng của mình, đất nước dành gần một phần tư tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho giáo dục đào tạo y tế.

Từ năm 2010, hệ thống y tế công cộng của Cu-ba đã trải qua những thay đổi nhằm cải thiện dịch vụ y tế và nâng cao điều kiện làm việc cho nhân viên y tế, cũng như mang lại sự thoải mái hơn cho bệnh nhân và gia đình của họ hướng đến tính hiệu quả và bền vững của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Các phòng khám đa khoa của chính phủ và các dịch vụ sức khỏe ở Cu-ba luôn được giám sát chặt chẽ, hoặc sẵn sàng đình chỉ bất kỳ một cơ sở y tế hay dịch vụ xã hội nào nếu hoạt động không có hiệu quả hay có sự hỏng hóc.

Cu-ba ngày càng chú trọng đến chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân, thể hiện qua việc các chuyên gia y tế tại Cu-ba như bác sĩ lâm sàng, bác sĩ nhi khoa, bác sĩ sản khoa, và các nhà tâm lý,… đang được kêu gọi tham gia tích cực vào hoạt động tham vấn sức khỏe và họ được yêu cầu sẽ giám sát tất cả các quy trình chăm sóc, giáo dục, hành chính và nghiên cứu.

Cu-ba trong tương lai với tỉ lệ dân số già cao so với trong khu vực và trên thế giới, nên nước này đã có sự đầu tư mới vào các cơ sở chăm sóc người già nhằm đáp ứng các nhu cầu của 18,3% dân số già. Cả nước hiện có 126 ngôi nhà cho người cao tuổi, với tổng số 9.590 giường bệnh. Các nhà chức trách Cu-ba đang thảo luận và có kế hoạch xây dựng thêm các khu nhà cho người cao tuổi, tiến tới bổ sung thêm 710 giường tại các khu nhà mới này (WHO, 2014).

Từ những đặc điểm nêu trên, hiện nay, theo đánh giá của WHO, Chương trình phát triển Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới, hoạt động xã hội, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Cu-ba được đánh giá vào hàng tốt nhất so với các nước đang phát triển trên thế giới, thậm chí có thể so sánh cả với các nước phát triển.

  1. Công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Cu-ba

Không chỉ tự hào với hệ thống chăm sóc sức khỏe hiệu quả, Cu-ba còn được đánh giá là có nền dịch vụ xã hội rất tiên tiến. Song song với việc đầu tư cho y tế nói chung, Cu-ba đã nhấn mạnh đến chăm sóc sức khỏe toàn diện nhờ sự phát triển đồng bộ của đội ngũ nhân viên CTXH trong lĩnh vực y tế.

Trước hết, có thể thấy nhân viên CTXH hoạt động ở cấp quốc gia, tỉnh và địa phương ở Cu-ba là những cán bộ đang thực hiện các dịch vụ trực tiếp, chương trình phát triển, tư vấn, giám sát, và các chức năng hành chính. Chức năng CTXH ở đây được miêu tả bao gồm việc đánh giá, xác định các thân chủ đủ điều kiện cần hỗ trợ và kết nối các cá nhân đó với các nguồn lực cộng đồng, ngăn ngừa và giải quyết tình trạng cô lập xã hội, tâm lý xã hội và nâng cao phúc lợi.

Hiệp hội những nhân viên CTXH trong chăm sóc sức khỏe ở Cu-ba (gọi tắt là SOCUTRAS) là một thành viên của Liên đoàn nhân viên công tác xã hội quốc tế (IFSW). Trong đầu những năm 1970, ở Cu-ba đã xây dựng các viện kỹ thuật để đào tạo nhân viên CTXH trong chăm sóc sức khỏe. Lúc đó, mô hình đào tạo nhân viên CTXH được mô tả ở ba mức độ thực hành trong chăm sóc sức khỏe. Tại cấp độ thứ nhất, nhân viên CTXH phải hoàn tất chương trình đào tạo một năm, bao gồm cả kinh nghiệm thực tế, chuẩn bị để làm việc ở cấp độ cơ bản trong các bệnh viện và phòng khám y tế. Thứ hai, nhân viên xã hội với kinh nghiệm trên phải hoàn thành hai năm học trở thành kỹ thuật viên, cấp độ thứ hai của nhân viên CTXH trong bệnh viện. Cấp độ ba là nhân viên CTXH được xem là một chuyên gia CTXH trong lĩnh vực y tế, chỉ xuất hiện trong vòng một thập kỷ qua, khi Cu-ba thành lập chương trình đào tạo ở bậc đại học. Chương trình này đã đào tạo trình độ chuyên ngành sâu về phục hồi chức năng lao động và xã hội (Strug và González Juban, 2010). Chương trình đào tạo này được đánh giá tương ứng với bằng thạc sĩ trong CTXH ở Mỹ. Đây là một chứng chỉ CTXH trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tiên tiến nhất ở Cu-ba.

Nhân viên CTXH trong chăm sóc sức khỏe ở Cu-ba không chỉ làm việc tại các cơ sở y tế mà còn trong các trường học, các tổ chức cung cấp dịch vụ xã hội khác. Do hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Cu-ba được bao cấp bởi chính phủ nên các hoạt động chăm sóc sức khỏe được phổ rộng ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương. Ở cấp quốc gia, Cu-ba đưa ra các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ, kết nối các nghiên cứu chăm sóc sức khỏe tại các trường đại học với việc thiết lập và duy trì hệ thống thông tin y tế và chăm sóc sức khỏe. Tại cấp tỉnh bao gồm bệnh viện, chăm sóc đặc biệt, đào tạo chăm sóc sức khỏe, và giám sát cung cấp dịch vụ địa phương. Chăm sóc y tế ở tại trạm y tế và các dịch vụ phòng ngừa được tổ chức ở cấp địa phương. Mỗi đô thị ở Cu-ba có một tập hợp các tổ chức dịch vụ, các dịch vụ này bao gồm không giới hạn các văn phòng y tế, điều trị ngoại trú và các dịch vụ sức khỏe bà mẹ tại gia đình, điều dưỡng, chương trình dành cho người lớn tuổi và những bệnh viện sức khỏe tâm thần. Phòng khám đa khoa liên ngành tạo thành trung tâm cung cấp chăm sóc sức khỏe của thành phố. Mỗi bệnh viện đa khoa phục vụ khoảng 22.000 người và chịu trách nhiệm về sức khỏe của mỗi gia đình và cá nhân (Keon, 2009). Các nhân viên ở đây sẽ cung cấp đến người bệnh dịch vụ kiểm tra sức khỏe, giáo dục sức khỏe, các dịch vụ chẩn đoán và điều trị sức khỏe, sức khỏe tâm thần, và nhu cầu dịch vụ xã hội. Phần lớn công việc này được thực hiện trong các văn phòng khu vực theo hệ thống y tế gia đình, hoạt động dưới sự bảo trợ của phòng khám đa khoa. Mỗi phòng khám bao gồm bác sĩ, y tá, nhân viên CTXH và các nhà tâm lý học. Nhóm này sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại phòng khám và tại gia đình. Bác sĩ và y tá, không chỉ được đào tạo về chuyên ngành y khoa và các khía cạnh văn hóa xã hội của sức khỏe, mà còn làm thế nào để phối hợp với các nhân viên CTXH nhằm đánh giá mỗi bệnh nhân và kết nối họ với nguồn lực cộng đồng. Ngoài ra, nhân viên y tế còn phối hợp, tham khảo chuyên môn của nhân viên CTXH và tâm lý khi cần thiết. Nhân viên CTXH và bác sĩ tâm lý hợp tác làm việc chặt chẽ và hỗ trợ cho nhiều phòng khám (một nhân viên CTXH có thể làm việc với 13 đội chăm sóc sức khỏe ban đầu khác nhau ở Cu-ba).

Bên cạnh đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Cu-ba luôn đặt ưu tiên xem xét các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe, bao gồm xem xét các quan hệ của người bệnh với các thành viên gia đình. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thực hiện đánh giá về nhân khẩu học không chỉ cho mỗi người bệnh mà còn cho cả gia đình của họ. Tương tự như vậy, mỗi người bệnh khi đến các phòng khám sẽ được tiếp nhận cùng lúc hai dịch vụ liên quan đến hai đánh giá cơ bản, một đánh giá về vấn đề sức khỏe của cá nhân và một đánh giá về quan hệ trong gia đình.

Ủy ban Bảo vệ của cuộc Cách mạng và Liên đoàn Phụ nữ Cu-ba là một tổ chức quần chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phối hợp chăm sóc sức khỏe (Strug, 2010). Những cơ quan này dựa vào cộng đồng cũng đóng góp thúc đẩy chức năng phúc lợi xã hội, chẳng hạn như đảm bảo rằng các cá nhân đăng ký với phòng khám đa khoa và trẻ em được đi học.

Nhìn chung, CTXH trong chăm sóc sức khỏe ở Cu-ba tương đối toàn diện từ khâu đào tạo nhân lực CTXH chuyên sâu cho đến việc tổ chức các cơ sở hoạt động y tế từ tuyến trung ương đến địa phương có sự kết hợp ăn khớp giữa nhân viên y tế và nhân viên CTXH. Cu-ba có những điểm mạnh trong phát triển CTXH trong lĩnh vực y tế như việc đã tích hợp được các hệ thống chăm sóc sức khỏe với các dịch vụ xã hội, luôn sẵn sàng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội bất kể khả năng chi trả, tình trạng việc làm của người dân. Cu-ba luôn chú trọng đến sự tương tác giữa các cá nhân người bệnh với môi trường, và khả năng tiếp cận các dịch vụ. Đặc biệt nổi bật, các chương trình điều trị ngoại trú dựa vào cộng đồng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe gia đình, trẻ em có nhu cầu đặc biệt và người cao tuổi có nguy cơ bị cô lập và khuyết tật rất được nhà nước chú trọng phát triển.

Một điểm đáng học từ Cu-ba là họ luôn sử dụng các số liệu về tỉ lệ mắc bệnh và điều kiện xã hội để lên kế hoạch và thực hiện các chương trình dịch vụ xã hội và chăm sóc sức khỏe, chính sách xã hội hỗ trợ phụ nữ mang thai và nuôi dạy con. Điều đó cho thấy sự kết hợp bài bản giữa nghiên cứu với thực hành trong lĩnh vực y tế ở Cu-ba, điều này không phải nhà nước nào cũng liên tục cập nhật, hoặc có cập nhật cũng không thể kịp thời có những thay đổi phù hợp.

  1. Kinh nghiệm cho Việt Nam về phát triển đào tạo nguồn nhân lực công tác xã hội trong lĩnh vực y tế

Việt Nam, trong những năm gần đây đã chú trọng phát triển CTXH nói chung cũng như trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nói riêng. Điển hình như Đề án “Phát triển công tác xã hội trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2010 - 2020” của Bộ Y tế. Mục tiêu của Đề án là hình thành và phát triển nghề CTXH trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo đó, các hoạt động của Đề án sẽ tập trung triển khai bao gồm: Nâng cao nhận thức của cán bộ y tế, bệnh nhân và người dân; xây dựng mô hình điểm và phát triển mạng lưới CTXH tại cơ sở y tế; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế có nghiệp vụ CTXH; xây dựng chương trình, tài liệu giảng dạy CTXH trong lĩnh vực y tế; xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động CTXH trong lĩnh vực y tế; thực hiện nghiên cứu khoa học; hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế.

Theo đó, giai đoạn một của Đề án (2010 - 2015) sẽ tập trung truyền thông nâng cao nhận thức trên các kênh thông tin; xây dựng10 mô hình điểm CTXH tại một số cơ sở y tế tuyến trung ương và xây dựng mạng lưới nhân viên CTXH; đề xuất và ban hành các văn bản quy định liên quan đến tổ chức, cơ chế hoạt động, thang bảng lương, chế độ phụ cấp cho cán bộ CTXH trong lĩnh vực y tế; xây dựng chương trình, nội dung giảng dạy, bồi dưỡng chuyên đề về CTXH cho đội ngũ cán bộ y tế đang làm việc trong cơ sở y tế các cấp. Đặc biệt, sẽ liên kết đào tạo CTXH về y tế cho cán bộ, học sinh theo các hệ của ngành giáo dục và đào tạo… Giai đoạn hai của Đề án (2016 - 2020), tiếp tục tăng cường truyền thông, duy trì và nhân rộng mô hình, phát triển mạng lưới, phát triển đội ngũ cán bộ, cộng tác viên CTXH trong các cơ sở y tế ở các tuyến, gồm: cán bộ chuyên trách, cán bộ bán chuyên trách, cộng tác viên,… tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, tổng kết (trích theo “Dự thảo Đề án phát triển công tác xã hội trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2010 - 2020”).

Như vậy, ngành CTXH trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam đã có một hướng đi rõ ràng. Thực hiện thành công Đề án sẽ góp phần đáng kể cải thiện năng lực của hệ thống y tế Việt Nam. Tuy vậy, điều mà chúng ta rất cần cân nhắc trong đề án này là nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này hiện nay ra sao.

  1. Về nhân lực và đào tạo nhân lực

 Nghiên cứu dự thảo của Đề án phát triển CTXH, nội dung đào tạo nhân lực CTXH y tế chủ yếu là đào tạo di động ngang, hoặc đào tạo tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ y tế về chuyên ngành CTXH. Nếu xem xét trong điều kiện mới phát triển CTXH, đây là một hoạt động tương đối khả thi, nhưng trên thực tế, việc đào tạo cho đội ngũ này sẽ vướng phải một số trở ngại tương tự như đào tạo nhân viên CTXH cho các cấp xã, phường của Việt Nam giai đoạn khi chưa có đội ngũ nhân viên CTXH được đào tạo bài bản. Nhân viên CTXH chủ yếu là các cán bộ dân số, cán bộ lao động xã hội di động ngang. Việc đào tạo đội ngũ này sẽ diễn ra rất “chóng vánh” với khoảng thời gian đào tạo dao động từ vài tuần cho đến nửa năm. Như vậy, kiến thức lý thuyết cũng như thực hành nghề mà đội ngũ nhân lực này thu nhận sẽ thiếu tính thực tiễn và khó ứng dụng trong công việc. Chính vì vậy, liệu rằng đội ngũ nhân lực di động ngang này có đủ khả năng thực hiện một công việc đòi hỏi sự hi sinh, kinh nghiệm thực tiễn và tuân thủ chặt chẽ các quy định đạo đức của những người nhân viên CTXH chuyên nghiệp.

Do đó, mặc dù Việt Nam đang chú trọng phát triển CTXH trong lĩnh vực y tế, nhưng theo tác giả, nguồn nhân lực cho phát triển CTXH y tế vẫn chưa có nguồn cung hợp lý, chưa chuyên nghiệp, chủ yếu đào tạo tắt (các nhân viên y tế, hoặc những người có chuyên ngành tâm lý học chuyển ngang), và đội ngũ này đa phần được đào tạo ngắn hạn, không chuyên sâu.

Nghiên cứu thêm khung chương trình đào tạo của các trường đào tạo CTXH trên cả nước, hiện nay các trường đã có đào tạo CTXH bậc cử nhân cũng đã thực hiện hơn mười năm, nhưng tính chuyên nghiệp trong thực hành của CTXH trong lĩnh vực y tế chưa thực sự được nhấn mạnh. Bởi vì, trong chương trình đào tạo CTXH tại các trường, môn học CTXH trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (hoặc CTXH trong lĩnh vực y tế, hoặc CTXH trong bệnh viện) vẫn chỉ là một môn học trong chương trình bắt buộc hoặc lựa chọn, chưa có nhiều thời gian dành cho thực hành, do vậy vẫn mang nhiều kiến thức về lý thuyết. Thêm vào đó, phải khẳng định thêm rằng, trong số hơn 40 trường đại học đào tạo về CTXH ở Việt Nam hiện nay chưa có một trường nào đào tạo CTXH theo các hướng của chuyên ngành CTXH nói chung và trong lĩnh vực CTXH trong y tế nói riêng. Có lẽ đây cũng là điều mà những người làm đào tạo CTXH trong những năm tới đây nên cần có một chiến lược đào tạo chuyên sâu cho những người làm CTXH sau này. Điều này là cần thiết vì CTXH ở Việt Nam phải tiến dần đến việc khẳng định CTXH là nghề chuyên môn được xã hội nhìn nhận và thấy được sự hữu ích của nó trong chiến lược phát triển con người.

Chính vì vậy, dù có định hướng phát triển như thế nào thì việc quan tâm đầu tiên vẫn là đào tạo nguồn nhân lực thích hợp phục vụ cho quá trình phát triển đó. Bài toán này, có lẽ nên học tập ngay từ nhà nước Cu-ba, khi họ có chủ trương đưa CTXH vào trong y tế, họ đã hình thành ngay một viện kỹ thuật chuyên đào tạo nhân viên CTXH trong lĩnh vực y tế theo các cấp độ khác nhau (như đã trình bày ở trên). Với hiện trạng phát triển CTXH ở Việt Nam hiện nay, nên bắt đầu với mô hình đó bằng việc hình thành các chương trình đào tạo chuyên ngành tại các trung tâm đào tạo có uy tín về CTXH, hoặc đào tạo tại các viện nghiên cứu về chuyên ngành CTXH trong lĩnh vực y tế cho những cử nhân CTXH có nhu cầu làm việc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia từ trung ương đến địa phương. Hơn nữa, việc phát triển nguồn nhân lực này cũng có thể tham khảo kết hợp kinh nghiệm với một số quốc gia phát triển như Úc, các nhân viên CTXH được đào tạo bốn năm đại học và phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của Hội CTXH Úc và có ít nhất 980 giờ thực hành trước khi được ra làm việc chính thức tại các cơ sở y tế. Hoặc như nước Đức, muốn trở thành nhân viên CTXH trong bệnh viện, các ứng viên phải được rèn luyện qua rất nhiều khóa tập huấn chuyên môn, trong đó có cả những kỹ năng về y tế cơ bản như băng bó, tiêm,… và những kiến thức nhất định về chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, các ứng viên còn phải được trang bị những kiến thức về hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia, luật chăm sóc sức khỏe,… để có thể tham vấn cho người bệnh - những thân chủ của họ tiếp cận các dịch vụ xã hội để đảm bảo tối đa quyền lợi của người bệnh trong việc tiếp cận các nguồn lực chăm sóc sức khỏe. Hoặc một mô hình tại nước bạn, Thái Lan, ở bệnh viện Đại học Chulalongkorn, nhân viên CTXH được đào tạo từ chính bộ môn CTXH của trường. Các nhân viên CTXH được chia về các khoa điều trị nhằm tăng cường sự hỗ trợ về tâm lý cho các bệnh nhân nặng và chịu nhiều rủi ro trong cuộc sống. Có làm được như vậy, chúng ta mới phần nào giải được bài toán về nhân lực CTXH chuyên nghiệp trong lĩnh vực y tế cho Việt Nam giai đoạn hiện nay.

  1. Về cơ chế chính sách và định hướng chuyên môn

 Một kinh nghiệm quý báu rất nên học từ Cu-ba đó là, sau khi có đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Việt Nam phải có lộ trình sẵn sàng trong kế hoạch gắn kết nhân viên CTXH y tế với đội ngũ cán bộ y tế. Điều đó có nghĩa là tạo cho nguồn nhân lực này một cơ chế và một môi trường làm việc được xã hội chấp nhận và ủng hộ.

Thêm vào đó, Việt Nam nên đầu tư nhiều hơn cho hệ thống y tế dự phòng. Mặc dù vẫn biết, hệ thống y tế dự phòng luôn tiêu tốn nhiều nhân lực và kinh phí nhưng hiệu quả không thể thấy ngay và khó đong đếm. Nhưng một điều chắc chắn, hiệu quả lâu dài của y tế dự phòng là vô cùng lớn và có tính bền vững. Thứ nữa, tại hệ thống y tế dự phòng này, đội ngũ nhân viên công tác xã hội càng có cơ hội, có điều kiện môi trường thích hợp để hoạt động. Họ sẽ được phát triển chuyên môn phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp của nhân viên CTXH trong lĩnh vực y tế.

Trong những năm tới đây, khi chúng ta chưa có điều kiện bao phủ hết các mảng của CTXH trong y tế, chúng ta nên tập trung vào một số lĩnh vực chuyên môn phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, với mô hình bệnh tật mới. Chẳng hạn, tập trung phát triển đội ngũ nhân lực CTXH trong chăm sóc người cao tuổi, với bệnh nhân ung thư và sức khỏe tâm thần,… Đây vừa là vấn đề của sức khỏe toàn cầu và cũng là vấn đề ở Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tận dụng thời kỳ dân số vàng ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2040 để có những chính sách phù hợp trong phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, phân bổ nguồn nhân lực phù hợp cho từng lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, y tế và giáo dục của nước nhà.

Kết luận

Sức khỏe là vốn quý để phát triển cá nhân cũng như toàn xã hội, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe cho người dân là quan tâm đến sự phát triển của xã hội. Để quá trình chăm sóc sức khỏe được toàn diện, đồng bộ không thể không đề cập đến phát triển CTXH trong lĩnh vực y tế. Để quá trình này được phát triển cần quan tâm đến: Thứ nhất, quá trình đào tạo nhân lực CTXH trong y tế cần chuyên nghiệp hơn, có hệ thống bài bản chuyên sâu từ trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học; Thứ hai, xây dựng kế hoạch kết nối nguồn nhân lực y tế với nhân lực CTXH trong y tế để có một hệ thống nhân lực toàn diện trong chăm sóc sức khỏe cho người dân, đồng nghĩa với phát triển CTXH trong y tế từ trung ương đến địa phương.

Với hiện trạng kinh tế xã hội như bây giờ của Việt Nam, muốn hướng đến việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân, chúng ta nên bước đầu học hỏi kinh nghiệm từ các nước có điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội có một số đặc điểm tương đồng, như Cu-ba. Việt Nam nên bắt đầu từ đội ngũ thông qua đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Nếu như chương trình đào tạo CTXH của các trường đại học ở Việt Nam chưa đào tạo chuyên ngành về CTXH y tế, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc đào tạo nhóm nhân lực này ở một trung tâm đào tạo, hoặc viện nghiên cứu, hoặc đào tạo CTXH y tế ngay tại các hệ thống trường Y ở Việt Nam, hoặc tiến tới xây dựng một chương trình đào tạo chuyên ngành CTXH trong lĩnh vực y tế cho các trường đang đào tạo về CTXH nhằm đồng bộ hóa phát triển CTXH trong chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam.

 

Tài liệu tham khảo

 

  1. Bộ Y tế (2010), “Đề án phát triển công tác xã hội trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2010 - 2020”.
  2. Beldarraín Chaple, E., & Anderson, M. (2010), Medical education in Cuba, Chicago, IL: Lyceum Books.
  3. Keon, W. J. (2009), Cuba’s system of maternal health and earl childhood development: Lessons for Canada, NASW, 2011.
  4. NASW (2011), Social service in Cuba.
  5. Strug, D. L., & González Jubán, O. (2010), Social work and health Care, Chicago, IL: Lyceum Books.

 


* ThS.; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

1 Bài viết trong khuôn khổ Đề tài cấp Nhà nước “Vai trò của vốn xã hội trong phát triển nguồn nhân lực trẻ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Mã số: KX.03.09/11-15.