Cách mạng tháng Tám 1945- cuộc cách mạng giải phóng con người

29/12/2015

CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945- CUỘC CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI

ĐINH XUÂN LÝ*

                                                                                                                                 

Từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (năm 1858), cho đến cuối thập niên 20 của thế kỷ XX, phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân ta với mục tiêu giành độc lập dân tộc diễn ra sôi nổi, anh dũng, dưới nhiều khuynh hướng khác nhau, nhưng cuối cùng đều không đi tới thành công. Tháng 2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, Đảng đã nắm được ngọn cờ lãnh đạo cách mạng. Từ đây, phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam hướng tới mục tiêu rõ ràng: Giành độc lập cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Bản chất của mục tiêu này là giải phóng con người. Bởi theo quan điểm của Hồ Chí Minh thì “nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Với mục tiêu cao cả giải phóng con người, phong trào đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng phát triển mạnh mẽ dẫn tới thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

1. Giải phóng con người - Mục tiêu và động lực của cuộc Cách mạng tháng Tám

Dưới ách thống trị của thực dân Pháp cấu kết với phong kiến tay sai, nhân dân Việt Nam bị áp bức, bóc lột, bị xâm phạm nghiêm trọng quyền con người. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào, chúng thi hành những luật pháp dã man; về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, nước ta xơ xác, tiêu điều; chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta trở nên bần cùng; về văn hóa, chúng thực hiện chính sách văn hóa, giáo dục mang tính thực dân, duy trì các hủ tục lạc hậu, đầu độc nhân dân ta bằng thuốc phiện, rượu cồn; hủy hoại các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: “Trong 1000 làng, chính quyền thực dân xây dựng đến 1.500 đại lý rượu và thuốc phiện, song chỉ có 10 trường học”[1]; chúng thực hiện chính sách “chia để trị”, xâm phạm nghiêm trọng quyền chung sống trong một lãnh thổ thống nhất của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trên thực tế, thực dân Pháp đã biến nhân dân ta thành nô lệ.

Để giải phóng nhân dân ra khỏi tình cảnh nô lệ, nhiệm vụ bức thiết đặt ra là phải đánh đuổi thực dân Pháp, xóa bỏ chế độ phong kiến, giành lại quyền làm người, quyền được sống trong độc lập và tự do cho nhân dân Việt Nam. Những lực lượng, tổ chức chính trị nào đáp ứng được yêu cầu lịch sử đó sẽ được nhân dân tin theo, ủng hộ và kẻ thù không thể đàn áp, tiêu diệt được.

Trong hoàn cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã đáp ứng được yêu cầu lịch sử của dân tộc, xác định trúng những nhiệm vụ như: Đánh đổ thực dân Pháp và bọn phong kiến; làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; tịch thu toàn bộ ruộng đất của bọn đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo, bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo, mở mang công nghiệp và nông nghiệp, thi hành luật ngày làm 8 giờ; nam nữ bình quyền; phổ thông giáo dục theo công nông hoá,[2]... Đây là những nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, mà bao trùm lên hết thảy là nhiệm vụ giải phóng con người - giải phóng nhân dân Việt Nam ra khỏi cảnh nô lệ thực dân, phong kiến.

Bằng Cương lĩnh chính trị đầu tiên, mặc dù Đảng vừa mới ra đời nhưng đã phát động được một phong trào cách mạng rộng lớn, lan khắp các thành phố từ Nam ra Bắc, với lực lượng quần chúng mạnh mẽ, quyết liệt. Trong tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nhân dân đã lật đổ chế độ cai trị của Pháp và phong kiến, lập chính quyền Xô-viết; tuyên bố độc lập và thi hành tự do dân chủ. Những ủy ban xã, ủy ban huyện được dựng lên; bãi bỏ thuế thân và thuế chợ, cấm thuốc phiện và rượu, thực hiện cưỡng bách giáo dục. Nhân dân đã xây dựng một chế độ mới, dân chủ và thủ tiêu chế độ thực dân phong kiến[3].

Thực dân Pháp và tay sai đã thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng. Hàng nghìn chiến sĩ cộng sản, hàng vạn quần chúng yêu nước bị bắt, bị giết. Cách mạng bị tổn thất nặng nề, nhưng thành quả của phong trào 1930 - 1931 đạt được là rất to lớn: Đã khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng Việt Nam, khẳng định tư tưởng giải phóng con người của Đảng là phù hợp với nguyện vọng quần chúng đông đảo, trở thành mục tiêu và động lực to lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.

Triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 5/1941, tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh được thành lập (gọi tắt là Việt minh). Chương trình Việt minh đã nêu rõ mục đích là “muốn đem lại cho đồng bào được tự do và hạnh phúc, muốn giải phóng cho các tầng lớp dân tộc bị áp bức”[4]. Để thực hiện mục tiêu đó, Chương trình xác định những nhiệm vụ cụ thể sau khi đánh đuổi được thực dân Pháp và phát xít Nhật, như: Về chính trị: Phổ thông đầu phiếu, vô luận nam nữ hễ ai từ 18 tuổi trở lên là được quyền bầu cử, ứng cử. Ban hành các quyền tự do dân chủ như: tự do xuất bản, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại trong xứ và xuất dương, nam nữ bình quyền; Về kinh tế: Bỏ thuế thân và các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra, lập một thứ thuế rất nhẹ và công bằng; cho dân chúng được tự do khai khẩn đất hoang có chính phủ giúp đỡ; Về văn hóa: Hủy bỏ giáo dục nô lệ, lập nền quốc dân giáo dục, cưỡng bức giáo dục đến bậc sơ đẳng; giúp đỡ và khuyến khích các hàng trí thức để họ được phát triển tài năng; Về xã hội: Thi hành ngày làm 8 giờ; giúp đỡ gia đình đông con; lập ấu trĩ viện chăm nom trẻ con; lập nhà diễn kịch, chiếu bóng, câu lạc bộ để nâng cao trình độ tri thức của nhân dân; lập nhà thương, nhà đẻ cho nhân dân. Với công nhân, ngày làm 8 giờ, định lương tối thiểu; cứu tế thất nghiệp, xã hội bảo hiểm; cấm đánh đập, chửi mắng thợ; nông dân ai cũng có ruộng đất để cày cấy, giảm địa tô, cứu tế nông dân trong những năm mất mùa; bỏ học phí, giúp đỡ học sinh nghèo. Với phụ nữ, bình đẳng với đàn ông về mọi phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa; những người già và tàn tật được chính phủ chăm nom, cấp dưỡng; nhi đồng được chính phủ chăm nom về trí dục và thể lực[5]. Mục tiêu tối cao của Mặt trận Việt minh là giải phóng con người - giải phóng hết thảy các tầng lớp nhân dân Việt Nam, không phân biệt tôn giáo, xu hướng, đảng phái chính trị, giai cấp nào.

Dưới ngọn cờ giải phóng con người của Mặt trận Việt minh, phong trào chống thực dân Pháp và phát xít Nhật của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ, dẫn tới thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp trong gần một thế kỷ, lật đổ chế độ phong kiến hàng mấy nghìn năm và ách cai trị của phát xít Nhật, lập nên nước Việt Nam mới, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã giải phóng nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người chủ của đất nước độc lập, tự do, và mở đường cho sự phát triển con người, xã hội Việt Nam.

Quán triệt chủ trương của Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám (tháng 5/1941): “sau lúc đánh đuổi được Pháp - Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần tân dân chủ. Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là chung cả toàn thể dân tộc, chỉ trừ có bọn tay sai của đế quốc Pháp - Nhật và những bọn phản quốc, những bọn thù không được giữ chính quyền, còn ai là người dân sống trên dải đất Việt Nam thảy đều được một phần tham gia giữ chính quyền, phải có một phần nhiệm vụ giữ lấy và bảo vệ chính quyền ấy”[6]. Ngay sau khi chính quyền mới được thiết lập, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vấn đề thứ ba trong sáu vấn đề cấp bách mà Hồ Chí Minh đề ra là: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một bản hiến pháp dân chủ”[7]; xây dựng một nhà nước dân chủ - của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Bản chất dân chủ của nhà nước mới được Hồ Chí Minh khẳng định: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân[8]. Và Người đề ra yêu cầu phải thực hiện ngay: 1) Làm cho dân có ăn; 2) Làm cho dân có mặc; 3) Làm cho dân có chỗ ở; 4) Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó[9].

Như vậy, ngay từ buổi đầu cách mạng thắng lợi, nhằm hiện thực hóa mục tiêu giải phóng con người của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng đã quan tâm sâu sắc đến việc xây dựng một chế độ mới, một nhà nước mới, mà chủ thể quyền lực của nhà nước đó là nhân dân Việt Nam; mục đích tối cao của nhà nước đó là phục vụ lợi ích của nhân dân.

Cũng tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Hồ Chí Minh đề nghị “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”[10]. Một ngày trước Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, Người viết: “Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”.

“Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.[11]

Ngày 6/1/1946, đã diễn ra cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử Việt Nam để lựa chọn những đại biểu chân chính vào Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặc dù cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện cách mạng Việt Nam đang phải đối mặt với những thử thách nghiêm trọng, có địa phương xẩy ra xung đột đổ máu bởi các lực lượng chống phá, nhưng với khí thế của một dân tộc vừa được giải phóng và trong niềm hân hoan, phấn khởi của người dân vừa thoát khỏi cảnh nô lệ “ở cả 71 tỉnh thành trong cả nước, 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Trừ một số nơi phải bầu bổ sung, còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần”[12]. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã hoàn toàn thắng lợi.

Đây là một thắng lợi có ý nghĩa hết sức to lớn, nhân dân Việt Nam bằng việc bỏ phiếu trong Tổng tuyển cử đã chứng tỏ “cho các nước liên hợp thấy rằng: dân tộc Việt Nam muốn hoàn toàn độc lập và có đủ trình độ hưởng hoàn toàn độc lập; dân tộc Việt Nam đang tự mình thi hành nguyên tắc dân tộc tự quyết và dân tộc bình đẳng mà các nước liên hợp đã trịnh trọng tuyên bố ở Cựu Kim Sơn”[13].

Trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I (ngày 2/3/1946), Tuyên ngôn của Quốc hội đã trịnh trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân Việt Nam và thế giới: “Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay Quốc hội Việt Nam, chính thể của nước Việt Nam là chính thể Dân chủ Cộng hòa có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân”[14].

Tháng 11/1946, bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội thông qua. Hiến pháp khẳng định rõ: “Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (Điều 1); Hiến pháp quy định: Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa; đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình; ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để nhanh chóng tiến kịp trình độ chung; phụ nữ ngang quyền với nam giới về mọi phương diện; công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài; nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật; quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm,... Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia[15].

Hiến pháp năm 1946, tuy là một bản Hiến văn ngắn, chưa đầy đủ, nhưng nội dung đã phản ánh được những đặc trưng cơ bản của hiến pháp hiện đại, tiến bộ. Quyền con người, quyền làm chủ của nhân nhân Việt Nam trên nhiều phương diện được khẳng định.

Với cuộc Tổng tuyển cử (ngày 6/1/1946) và Hiến pháp được ban hành (tháng 11/1946), đã đánh dấu việc hình thành thể chế nhà nước dân chủ ở Việt Nam, đặt nền tảng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở nước ta.

2. Tiếp tục thực hiện mục tiêu giải phóng con người của Cách mạng tháng Tám trong sự nghiệp đổi mới

Từ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta thực hiện thắng lợi các cuộc kháng chiến chống xâm lược, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Một trong những sai lầm trong 10 năm trước thời kỳ đổi mới (1975 - 1985), là nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của việc giải quyết các vấn đề xã hội; đề ra và thực hiện một số chính sách xã hội không đáp ứng được đời sống của người dân, đã dẫn đến những bức xúc nghiêm trọng trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và chế độ xã hội ta. Khắc phục sai lầm đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, đã khẳng định quan điểm lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất trong mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước. Lần đầu tiên trong văn kiện của Đảng đưa ra khái niệm "Chính sách xã hội". Nội hàm của chính sách xã hội được xác định là bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người - từ  điều kiện lao động và sinh hoạt, giáo dục và văn hóa, đến quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp và quan hệ dân tộc[16]. Đại hội đề ra yêu cầu khắc phục thái độ coi nhẹ chính sách xã hội, tức là coi nhẹ yếu tố con người trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; nhấn mạnh cần phải xây dựng và tổ chức thực hiện một cách thiết thực và có hiệu quả các chính sách xã hội.

Đại hội lần thứ VII (tháng 6/1991) và các hội nghị Trung ương Đảng khóa VII tiếp tục khẳng định mục tiêu của chính sách xã hội là thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế và đều phục vụ mục tiêu phát triển con người, phát triển xã hội; thực hiện tốt các chính sách xã hội chính là động lực phát triển kinh tế. Đại hội lần thứ VIII (tháng 6/1996) chủ trương giải quyết các vấn đề xã hội, ngay trong từng bước và suốt quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế phải luôn gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Đại hội lần thứ IX (4/2001) đúc kết bài học: Đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo; Đại hội lần thứ X của Đảng (4/2006) chủ trương thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển[17]. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) xác định, con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển; khẳng định quan điểm coi chính sách xã hội đúng đắn, công bằng vì con người là động lực mạnh mẽ phát huy mọi năng lực sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc[18]. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (ngày 9/6/2014), đề ra nhiệm vụ: Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ; nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam; nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam,...

Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, trong gần 30 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong thực hiện các chính sách đối với con người: Đã giải quyết một cách có hiệu quả mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện rõ rệt; công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt: tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân từ 1,5 - 2%/năm; bình quân mỗi năm tạo ra 1,5 - 1,6 triệu việc làm mới; bảo đảm cung ứng một số dịch vụ cơ bản cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số[19]; công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều kết quả; chỉ số phát triển con người được nâng lên. Bên cạnh những thành tựu vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém, như: Phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội có chiều hướng gia tăng; giảm nghèo thiếu bền vững; tình trạng thiếu việc làm còn cao; đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn; chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe còn thấp, hệ thống y tế và chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Từ bài học kinh nghiệm lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Tám về giải phóng con người, để khắc phục hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện chính sách xã hội, mà trực tiếp là chính sách đối với con người trong tình hình hiện nay, cần phải:

Một là, cần quán triệt sâu sắc hơn quan điểm giải phóng con người của cuộc Cách mạng tháng Tám trong điều kiện mới - điều kiện cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một cuộc giải phóng vĩ đại đối với đất nước, con người Việt Nam. Thành quả của Cách mạng tháng Tám đã tạo ra những cơ sở về chính trị, xã hội, nền tảng pháp luật cho việc đảm bảo, thực thi quyền con người. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh kéo dài và tư duy quan liêu, độc đoán, nên chúng ta chưa có điều kiện cả về nhận thức và thực tiễn để thực hiện tốt vấn đề dân chủ, nhân quyền.

Sau ngày Tổ quốc được thống nhất, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đối với thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa: Giải quyết các vấn đề xã hội phản ánh bản chất của một chế độ của con người, do con người, và vì con người, một thuộc tính cơ bản của chủ nghĩa xã hội. Suy cho cùng, tăng trưởng kinh tế, nếu không thật sự vì lợi ích nhân dân thì sẽ lạc vào mục tiêu trung gian và rốt cuộc chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, tức là giải quyết vấn đề con người, trở thành yêu cầu cơ bản nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong thời kỳ đổi mới, giải quyết các vấn đề con người đặt ra một cách bức thiết, bởi vì bất kỳ thể chế chính trị nào, thì việc giải quyết các vấn đề xã hội - các vấn đề liên quan đến con người, cũng đều phản ánh bản chất của một chế độ. Bởi suy cho cùng, người dân trông chờ ở đảng cầm quyền, ở nhà nước những giá trị mà họ được thụ hưởng hàng ngày, được cảm nhận trong cuộc sống thường nhật. Đối với thể chế xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta, việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội vừa là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vừa là yêu cầu cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa, vì đây là chế độ xã hội của con người, do con người và vì con người.

Hai là, cần nhận thức đúng vị trí, vai trò của chính sách xã hội - chính sách đối với con người trong tổng thể đường lối của Đảng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Mục tiêu bao trùm của chính sách xã hội là phát triển toàn diện con người, thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội, tạo ra một xã hội hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội; giữa khai thác nguồn lực con người với bồi dưỡng, chăm lo cho con người; giữa phát triển trước mắt với phát triển bền vững trong tương lai.

Trong cơ chế thị trường, gắn với cơ chế kinh tế nhiều thành phần, ngoài phân phối theo lao động còn phân phối theo vốn đóng góp, nên phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc, bất công xã hội diễn ra dưới nhiều hình thức, có nguy cơ đẩy các quan hệ xã hội đến chỗ căng thẳng, xa rời bản chất công bằng, dân chủ và nhân đạo của chế độ xã hội ta. Trong điều kiện như vậy, chính sách xã hội - chính sách đối với con người giữ một vị trí trọng yếu để đảm bảo giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa. Mỗi chính sách xã hội có vị trí và mục tiêu cụ thể của nó, song lại góp phần giải quyết nhiều chính sách khác, cùng tạo thành một hệ chính sách duy trì xã hội trong trật tự, kỷ cương và phát triển đúng định hướng.

Cần nhận rõ một thực tế là trên thế giới và trong khu vực, có một số quốc gia ở những mức độ khác nhau đã giải quyết tốt vấn đề xã hội, vấn đề con người so với nước ta; để từ đó xác định quyết tâm, một mặt phải tiếp tục đổi mới cả về nhận thức và thực tiễn trong quan niệm và phương thức tiếp cận về vấn đề xã hội, vấn đề con người; mặt khác, phải học tập kinh nghiệm của các nước để giải quyết thành công những vấn đề xã hội, vấn đề con người của nước ta.

Với tư cách là đảng cầm quyền, bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống xã hội cũng đều chịu sự chi phối từ các quyết định chính trị của Đảng, do đó sự lãnh đạo của Đảng về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, đối ngoại, môi trường,... đều phải thể hiện trong đó mục tiêu về phát triển con người.

Ba là, cần thể chế hóa những quy định về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 - Hiện thực hóa quyền con người, với tư cách vừa là mục tiêu vừa là động lực trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta.

Thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh năm 2011 về quyền con người, Hiến pháp năm 2013 có những sửa đổi, bổ sung và phát triển quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; khẳng định và làm rõ hơn các nguyên tắc về quyền con người; làm rõ nội dung quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa và trách nhiệm của nhà nước, xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người; thể hiện rõ hơn trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân. Việc quy định các quyền con người là phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thể hiện sự nhận thức ngày càng rõ hơn về quyền con người và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện quyền con người. Những quy định mới về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 là cơ sở pháp lý định hướng cho những thay đổi của luật pháp nước ta về quyền con người. Để các quy định đó được thực thi trong cuộc sống, cần phải xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người.

Giải quyết các vấn đề con người là một trong những mục tiêu cốt lõi của nhà nước, vì vậy phải xây dựng, ban hành và thực hiện hệ thống luật pháp khoa học, chính xác và phù hợp với thực tiễn vận động của xã hội nước ta. Ngoài ra, Nhà nước không chỉ định ra chính sách, pháp luật về quyền con người, mà còn phải cung cấp các phương tiện tài chính, vật chất đảm bảo cho việc thực thi quyền con người.

Nhìn lại lịch sử 70 năm qua cho thấy, cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã giải phóng nhân dân Việt Nam từ thân phận người nô lệ, trở thành người tự do, người làm chủ đất nước; trong sự nghiệp đổi mới, quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước được hoàn thiện với các quyền con người phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 


* PGS.TS.; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr. 37 - 38.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr. 2.

[3] Trần Dân Tiên (1986), Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, Tr. 72 - 73.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr. 152.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr. 150 - 152.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr. 114.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập (1995), Tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr. 8.

[8] Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr. 698.

[9] Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr. 152.

[10] Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr. 8.

[11] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn phòng Quốc hội (1994), Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr. 44.

[12] Sđd.

[13] Sđd.

[14] Sđd.

[15] Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và các Hiến pháp Việt Nam (1946,1959,1980,1992) (2006), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr. 12 - 15.

[16] Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, Tr. 86.

[17] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr.71.

[18] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr. 63 - 81.

[19] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương - Ban Chỉ đạo tổng kết (2015), Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr. 109, 110, 112.