Hiện tượng "Người mẹ đơn thân" ở Hàn Quốc và liên hệ với Việt Nam từ góc nhìn chính sách xã hội

29/12/2015

HIỆN TƯỢNG "NGƯỜI MẸ ĐƠN THÂN" Ở HÀN QUỐC VÀ LIÊN HỆ VỚI VIỆT NAM

TỪ GÓC NHÌN CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

NGUYỄN THỊ THU VÂN*

 

 1. Hiện tượng “người mẹ đơn thân” ở Hàn Quốc và các chính sách xã hội hỗ trợ  

“Người mẹ đơn thân” hay “phụ nữ nuôi con một mình” (single mom) là hiện tượng mới nổi lên trong một vài thập niên gần đây, đặc biệt trong giới trẻ Hàn Quốc. Đây có thể xem là một biến thể của các gia đình trẻ, hiện đại mà các ngành khoa học xã hội như xã hội học, nhân học,... bắt đầu quan tâm nghiên cứu.

Trong xã hội chịu nhiều ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho giáo như Hàn Quốc thì mô hình gia đình đầy đủ với vai trò của người đàn ông - người chồng - trụ cột gia đình thường được coi là tự nhiên và đương nhiên. Vì thế, hiện tượng “người mẹ đơn thân” trong xã hội Hàn Quốc hiện đại thường bị coi là trái với quan niệm gia đình truyền thống đã tồn tại lâu đời trong lịch sử. Vì vậy, cũng dễ hiểu tại sao hiện tượng xã hội này phải chịu sự “dán nhãn” và các thành kiến xã hội từ góc nhìn đạo đức cá nhân.

Tuy nhiên gần đây, số lượng những người mẹ đơn thân có học vấn cao ngày càng nhiều hơn, và cùng với sự ủng hộ của các nhà hoạt động xã hội, nhóm người mẹ đơn thân bắt đầu lên tiếng về quyền lợi của mình. Chính vì vậy, vấn đề các chính sách xã hội hỗ trợ đối với họ cũng đã được đặt ra.

Chính sách xã hội đối với người mẹ đơn thân tại Hàn Quốc được thực hiện căn cứ theo Luật hỗ trợ gia đình khuyết một thành viên[1] nói chung, trong đó có gia đình người mẹ đơn thân và con cái của họ. Luật này được ban hành năm 2007 với mục đích hỗ trợ gia đình khuyết một thành viên, duy trì sự ổn định trong cuộc sống cũng như thúc đẩy tính tự lập, hướng tới gia đình khỏe mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. Cụ thể hóa Luật này, chính sách xã hội của Hàn Quốc đối với người mẹ đơn thân có hai nội dung chính sau: 1) Đầu tư và hỗ trợ nơi ở tạm thời (thành lập, vận hành các khu nhà tạm trú) cho các gia đình khuyết một thành viên, trong đó có gia đình người mẹ đơn thân và con cái của họ, với mục đích giúp họ giải quyết những khó khăn về nơi cư trú, tạo điều kiện để tự lập; 2) Hỗ trợ cụ thể về vật chất như chi phí nuôi con, miễn giảm học phí cho con cái các gia đình đối tượng thụ hưởng chính sách.

Hàn Quốc hiện có 8 loại nhà tạm trú như vậy (Lee Mi-jeong, 2011), trong số đó có 5 loại nhà có liên quan trực tiếp tới người mẹ đơn thân. Các khu nhà này đều hoạt động dựa trên qũy hỗ trợ của chính phủ, và do các đoàn thể của địa phương quản lý. Ngoài ra họ cũng có thể nhận hỗ trợ từ các đề án phúc lợi xã hội của các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức tôn giáo như nhà thờ, giáo hội.

 Năm loại nhà tạm trú nói trên có tên gọi và chức năng khác nhau. Loại thứ nhất: Nhà tạm trú dành cho mẹ đơn thân và con (Mihonmoja Siseol). Đây là không gian trong đó người mẹ đơn thân có thể cư trú và được bảo vệ từ một đến một năm rưỡi, trong quá trình mang thai và sinh con. Theo số liệu của Bộ Phúc lợi và Bảo vệ sức khỏe Hàn Quốc, tính đến năm 2009, Hàn Quốc có 32 khu nhà tạm trú loại này. Loại thứ hai: Nhà tạm trú bảo vệ mẹ và con (Moja Boho Siseol), là không gian trong đó gia đình mẹ và con có thu nhập thấp được cư trú trong vòng 3 đến 5 năm. Tính đến năm 2009, có 41 khu nhà tạm trú loại này. Loại thứ ba: Nhà tạm trú giúp mẹ và con tự lập (Moja Jarip Siseol) là không gian trong đó mẹ đơn thân sau khi rời khỏi loại nhà thứ hai, có thể tiếp tục cư trú trong vòng từ 3 đến 5 năm và được hỗ trợ nuôi con, được học nghề và chuẩn bị cho quá trình tự lập của mình. Loại nhà này có số lượng ít, tính đến năm 2009, trên toàn quốc chỉ có 3 khu nhà loại này. Loại thứ tư: Nhà tạm trú sinh hoạt chung dành cho mẹ và con (Mihonmoja Gongdong Saenghwal Gajeong) là không gian bảo vệ người mẹ đơn thân nuôi con dưới 2 tuổi và có thể cư trú trong vòng từ 2 đến 3 năm. Loại thứ năm: Nhà tạm trú sinh hoạt chung dành cho mẹ đơn thân (Mihonmo Gongdong Saenghwal Gajeong) là không gian dành cho mẹ đơn thân không lựa chọn nuôi con sau khi sinh và có thể cư trú trong vòng từ 2 đến 2,5 năm. Cùng với sự gia tăng số lượng người mẹ đơn thân và các chính sách hỗ trợ cho họ, gần đây, số lượng của các khu nhà tạm trú kể trên cũng đang tăng dần.

Về chi phí hỗ trợ của chính phủ, trên thực tế thì chưa có một chính sách cụ thể nào dành riêng cho người mẹ đơn thân, mà chỉ có các quy định thuộc phạm vi các dự án hỗ trợ gia đình khuyết một thành viên, hoặc các gia đình thu nhập thấp nói chung. Theo Bộ Phúc lợi và Bảo vệ sức khỏe (2010) thì chi phí hỗ trợ nuôi con đối với nhóm gia đình khuyết một thành viên, thu nhập thấp, đang nuôi con dưới 12 tuổi, với số tiền là 50.000 Won/tháng/gia đình (tương đương 50 USD).

Về hiệu quả, chính sách này đã góp phần hỗ trợ cho những người mẹ đơn thân cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần ở mức độ nhất định. Các khu nhà tạm trú đều có nhiều chương trình phong phú, đa dạng, đặc biệt là chương trình chăm sóc sức khỏe, chương trình hỗ trợ người mẹ học nghề, chuẩn bị cho quá trình tự lập. Ở các khu nhà này, những người mẹ đơn thân đều có cùng hoàn cảnh nên đã giúp họ bớt dần mặc cảm, giải tỏa bớt những âu lo - một tâm lý không tốt cho sức khỏe người mẹ trước và sau khi sinh con. 

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả đạt được, các chính sách hỗ trợ của chính phủ vẫn còn những hạn chế nhất định. Trước hết, chi phí hỗ trợ còn quá thấp nên trong trường hợp người mẹ đơn thân nuôi con nhỏ, thường không đủ để trả các chi phí phụ trội (cũng không hề nhỏ). Còn với trường hợp người mẹ đơn thân nuôi con ở độ tuổi đi học, ngoài học phí được hỗ trợ, chi phí học thêm cũng là một gánh nặng lớn đối với họ.

Tiếp đến là những bất cập trong hoạt động và vận hành của các khu nhà tạm trú. Nhiều quy định khắt khe của các khu nhà này bắt buộc tham gia các chương trình chung khiến nhiều người mẹ đơn thân nếu muốn đăng ký vào ở thì phải từ bỏ công việc của mình. Các khu nhà tạm trú này được cho rằng dù tiện lợi đến đâu thì rốt cục vẫn khiến người mẹ đơn thân bị “cách ly” với những người khác trong xã hội.

Như đã nêu trên, ở Hàn Quốc, do ảnh hưởng của Nho giáo, cho nên phổ biến là mô hình gia đình “chuẩn” trong đó có người cha là trụ cột gia đình. Theo quan niệm này, người mẹ đơn thân và con cái của họ khó có thể được xem như một gia đình bình thường. Điều này đẩy họ đến một lựa chọn hết sức khó khăn để tránh sự kỳ thị của xã hội: đó là từ bỏ quyền nuôi con, cho con nuôi. Một số khu nhà tạm trú nói trên còn liên kết với hoạt động cho nhận con nuôi, đẩy một số người mẹ đơn thân đến lựa chọn từ bỏ quyền nuôi con của mình. Có nghĩa là, việc cho con nuôi được coi là chính sách phúc lợi nhằm duy trì hình thái gia đình “chuẩn”, nhưng vô hình chung, lại xung đột với lập trường của người mẹ đơn thân (Kang Eun-hwa, 2006). Như vậy, các chính sách phúc lợi cho người mẹ đơn thân ở Hàn Quốc cần phải có những điều chỉnh, có tính đến quyền lợi và nguyện vọng của người mẹ đơn thân, đặc biệt là để họ có thể bảo vệ quyền nuôi con của mình.

 2. Liên hệ với hiện tượng người mẹ đơn thân ở Việt Nam

Ở Việt Nam, trong thời kỳ Đổi mới, cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội cũng đặt ra nhiều vấn đề, thách thức trong đời sống xã hội, đặc biệt là những biến đổi trong cấu trúc và kiểu loại gia đình. Bên cạnh loại hình gia đình truyền thống tồn tại từ xưa, đã xuất hiện các loại hình gia đình mới, đặc biệt là gia đình cha (mẹ) đơn thân (lone-parent family) - một biến thể của gia đình hạt nhân, gồm hai thế hệ (cha hoặc mẹ và con cái chưa kết hôn), trong thế hệ thứ nhất (tức thế hệ cha mẹ), không đủ hai người của cặp vợ chồng, mà chỉ có một người (hoặc mẹ hoặc cha), do nhiều nguyên nhân khác nhau (ly hôn, góa, hay đơn giản là không hoặc chưa kết hôn mà có con,...) (Mai Huy Bích, 2011).

Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng lâu dài của hệ tư tưởng Nho giáo, trong đó có các quan niệm về gia đình. Điều này đã tạo ra dư luận xã hội và thái độ mang nhiều định kiến đối với người mẹ đơn thân. Những người mẹ đơn thân này (nhất là những cô gái trẻ “một lần lầm lỡ”, hay tự chọn lối sống này) dễ bị coi là phá vỡ các chuẩn mực đạo đức truyền thống và phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. 

Việt Nam hiện chưa có nhiều nghiên cứu hay thống kê chính thức về số lượng hay thực trạng của nhóm người mẹ đơn thân trên toàn quốc, mà chỉ có một số nghiên cứu nhỏ lẻ về họ tại một số địa phương ở khu vực nông thôn. Theo kết quả nghiên cứu, họ thường có công việc bấp bênh, điều kiện kinh tế khó khăn và rất cần sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần để có thể cải thiện cuộc sống. Dư luận và định kiến xã hội vẫn còn là một áp lực lớn đối với họ, khiến họ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, căng thẳng về tâm lý. Nhiều trường hợp phải nghỉ việc do không chịu được áp lực tâm lý tại nơi làm việc, dẫn đến gặp khó khăn về thu nhập, đời sống kinh tế.

Nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện ngày càng nhiều người mẹ đơn thân ở Việt Nam (cũng như Hàn Quốc) có thể do cả chủ quan và khách quan. Về nguyên nhân chủ quan, có thể là do hôn nhân hay tình yêu không trọn vẹn. Và người phụ nữ đã phải gánh chịu sự dị nghị của gia đình, của những người xung quanh nên quyết định nuôi con một mình. Về nguyên nhân khách quan, điều này là kết quả và sự phản ánh những thay đổi lớn trong cấu trúc xã hội, hay những thay đổi trong quan niệm, giá trị, liên quan đến tình yêu, hôn nhân, gia đình của giới trẻ. Với một bộ phận lớp trẻ, hôn nhân và gia đình được cho là gánh nặng, đi kèm nhiều nghĩa vụ. Nhiều phụ nữ trẻ sợ phải đảm nhận vai trò và trách nhiệm trong gia đình, khiến họ lựa chọn cuộc sống nuôi con một mình. Hơn nữa, ngày nay, người phụ nữ hiện đại đang từng bước cải thiện vị thế xã hội của mình. Họ tự chủ hơn về kinh tế và có đủ khả năng nuôi con một mình và bảo đảm cho con một cuộc sống đầy đủ mà không cần đến vai trò của người chồng.

Về sự hỗ trợ xã hội, ở Việt Nam hiện nay, chính sách phúc lợi dành cho người mẹ đơn thân cùng con cái của họ chưa nhiều. Như đã đề cập ở trên, nếu như ở Hàn Quốc, chính sách phúc lợi của chính phủ đối với người mẹ đơn thân tuy vẫn nằm trong các chính sách chung dành cho gia đình khuyết một thành viên, nhưng đang được thực hiện trên toàn quốc theo hai hướng: 1) Hỗ trợ trực tiếp chi phí nuôi con; 2) Hỗ trợ về các khu nhà tạm trú, thì ở Việt Nam, mới chỉ có các hoạt động hỗ trợ đơn lẻ, hạn chế ở một vài khoản chi phí nhất định, giúp đỡ người mẹ đơn thân thu nhập thấp. Cũng có một vài khu nhà tạm trú dành cho họ, đặt dưới sự quản lý và hỗ trợ của các tổ chức tôn giáo, đặc biệt là Thiên chúa giáo. Ngoài ra, cũng có một số chương trình hỗ trợ người mẹ đơn thân được tổ chức nhỏ lẻ nằm trong chương trình hỗ trợ phụ nữ nghèo nói chung của Hội Liên hiệp phụ nữ địa phương, hoặc của một địa phương nhất định[2]. Bên cạnh đó là một số chương trình của các tổ chức từ thiện, phi lợi nhuận[3].

Về chi phí hỗ trợ cho người mẹ đơn thân, theo khoản 9 Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội của Việt Nam có quy định: “Người đơn thân thuộc diện hộ nghèo, đang nuôi con nhỏ dưới 16 tuổi; trường hợp con đang đi học văn hóa, học nghề được áp dụng đến dưới 18 tuổi”. Quy định trên được hướng dẫn cụ thể tại khoản 1 Thông tư số 09/2007/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: “Người đơn thân đang nuôi con” quy định tại khoản 9 Điều 4 Nghị định 67/2007/NĐ-CP là: “người không có chồng hoặc vợ; chồng hoặc vợ đã chết; chồng hoặc vợ mất tích theo quy định tại Điều 78 Bộ luật Dân sự, đang nuôi con đẻ, con nuôi hợp pháp”. Tuy nhiên trên thực tế, các thủ tục xin xác nhận là hộ nghèo cũng khá phức tạp, nhiều bất cập nên những người mẹ đơn thân còn gặp nhiều khó khăn trong việc nhận hỗ trợ, mức hỗ trợ chỉ trong khoảng 200.000 - 300.000 đồng/người/tháng cho các trường hợp này rõ ràng là quá ít ỏi.

Về các khu nhà tạm trú, ở Việt Nam, từ những năm 1990 cho đến nay, đã bắt đầu xuất hiện các khu nhà tạm trú dành cho người mẹ đơn thân, tập trung chủ yếu ở khu vực Tp. Hồ Chí Minh và vùng lân cận. Hiện nay, theo thống kê của chúng tôi, có 6 khu nhà tạm trú lớn[4]. Tuy nhiên, khác với các khu nhà tạm trú ở Hàn Quốc, được thành lập và vận hành khá hiệu quả dưới sự chung sức của chính quyền địa phương và các tổ chức phi lợi nhuận, ở Việt Nam, đặc điểm chính của các khu nhà tạm trú này là đều được thành lập và vận hành một cách độc lập bởi các tổ chức phi lợi nhuận, hoặc tổ chức giáo hội, do các sơ hoặc linh mục phụ trách với mục đích cưu mang các cô gái trẻ mang thai ngoài ý muốn, cơ nhỡ, khó khăn trong việc tìm nơi ăn ở cùng con cái[5]. Các khu nhà tạm trú này đã giúp người mẹ đơn thân giải quyết vấn đề chỗ ở tạm thời, song chưa thực sự hiệu quả trong việc giúp họ có được hành trang tự lập, tạo điều kiện cho họ có thể nuôi con, hay góp phần cải thiện hình ảnh của người mẹ đơn thân trong mắt công chúng. Những hạn chế này là do thiếu nguồn tài chính và thiếu sự quan tâm, kết hợp giữa bộ máy chính quyền địa phương với những người vận hành các chương trình hỗ trợ này. 

Hiện nay ở Việt Nam, tuy dư luận xã hội phần nào đã có cái nhìn cảm thông hơn với người mẹ đơn thân, song vẫn tồn tại định kiến và cái nhìn tiêu cực đối với họ. Điều này đã gây những áp lực không nhỏ đối với người mẹ đơn thân, gây cho họ tâm lý bất ổn và gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình mang thai, sinh con, nuôi con và tham gia xã hội.

So với Hàn Quốc, một quốc gia châu Á có sự phát triển kinh tế thần kỳ, mức sống cao và vai trò của các tổ chức xã hội được mở rộng tới các nhóm xã hội yếu thế mới như nhóm “người mẹ đơn thân”, thì ở Việt Nam, sau quá trình thay đổi mạnh mẽ cùng với đường lối Đổi mới, vừa tham gia vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, trình độ phát triển kinh tế cùng với những ưu tiên giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết chưa cho phép có sự quan tâm đầy đủ tới nhóm yếu thế mới - người mẹ đơn thân. Tuy nhiên, nhóm xã hội này đã xuất hiện và ngày càng mở rộng cùng với sự hội nhập mở cửa về kinh tế và văn hóa xã hội. Nhu cầu và quyền được quan tâm, hỗ trợ của những người mẹ đơn thân như vậy sẽ ngày một gia tăng. Bởi vậy, đã đến lúc Việt Nam cần cân nhắc để có những chính sách mới, hoặc điều chỉnh các chính sách hiện hành một cách phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu và quyền của nhóm người mẹ đơn thân. Mục tiêu của các chính sách này là nhằm hỗ trợ những người mẹ đơn thân có thể tự chủ về kinh tế, có môi trường sống bình đẳng, không định kiến và đảm bảo được quyền nuôi con của mình.  

Dưới đây là một số gợi ý trong xây dựng chính sách phúc lợi đối với người mẹ đơn thân ở Việt Nam trong thời gian tới.

Một là, từ góc độ quyền của người mẹ khi sinh con và quyền của trẻ em, cần bổ sung một số điều khoản trong chính sách hỗ trợ người mẹ đơn thân một cách thiết thực. Một trong số đó là chính sách nghỉ thai sản đối với người mẹ đơn thân nuôi con khi chưa kết hôn. Trên thực tế, do chưa có giấy đăng ký kết hôn nên phần lớn những người mẹ đơn thân đều gặp khó khăn trong việc hưởng chế độ nghỉ thai sản nuôi con. Hoặc một số người trong số họ kết thúc 6 tháng nghỉ thai sản bị cơ quan nơi làm việc chấm dứt hợp đồng, dẫn đến mất việc làm và phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thu nhập, trang trải cuộc sống. Chính sách thai sản cần được áp dụng không phân biệt giữa những phụ nữ đã kết hôn hay chưa/không kết hôn, nhằm tạo điều kiện cho người mẹ đơn thân có thể duy trì công việc, đảm bảo thu nhập để trang trải phí sinh hoạt và nuôi con.

Hai là, nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, của cộng đồng và các tổ chức đoàn thể trong việc hỗ trợ người mẹ đơn thân trên các lĩnh vực đời sống. Các khu nhà tạm trú cho người mẹ đơn thân ở Hàn Quốc có thể là một gợi ý. Ngoài ra cần có những hoạt động nhằm thay đổi dần định kiến xã hội đối với người mẹ đơn thân. Trên thực tế, người mẹ đơn thân còn ít nhận được sự chia sẻ, đồng cảm từ cộng đồng và đã trở thành “nhóm yếu thế” mới, mà chưa được quan tâm ở mức độ thỏa đáng.

Cũng có thể tổ chức các câu lạc bộ dành cho người mẹ đơn thân để là nơi họ có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế, tổ chức đời sống gia đình, nuôi dạy con cái, lồng ghép trong các hoạt động của hội phụ nữ các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Bên cạnh đó, việc cung cấp các dịch vụ xã hội hỗ trợ cho người mẹ đơn thân như: dịch vụ trông trẻ, tư vấn về việc làm, chăm sóc sức khỏe tinh thần, nuôi con, phổ biến về các quyền lợi, chính sách mà họ được thụ hưởng cũng là những hướng hỗ trợ đáng quan tâm.

 Ba là, bên cạnh sự giúp đỡ của cộng đồng, cần khơi dậy tiềm năng, nội lực của chính bản thân người mẹ đơn thân để họ phát huy năng lực của mình trong việc tự đảm bảo thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của mình và con cái. Ở các thành phố lớn, nhóm yếu thế này đã tự tổ chức các forum trên mạng để chia sẻ, giúp đỡ nhau về kiến thức và kinh nghiệm ứng phó với những khó khăn về tâm lý, tinh thần và thể chất thường gặp là một hình thức “tự lực” cũng đáng được khuyến khích.   

Tài liệu tham khảo

 

1. Mai Huy Bích (1993), Đặc điểm gia đình đồng bằng sông Hồng, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

2. Lê Thi (chủ biên) (1998), Gia đình phụ nữ thiếu vắng chồng, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

3. Lê Thi (2005), Cuộc sống của những người phụ nữ đơn thân ở Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội. 

4. Lê Thi (2006), Cuộc sống và biến động của hôn nhân, gia đình Việt Nam hiện nay, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

3. Mai Huy Bích (1993), Đặc điểm gia đình đồng bằng sông Hồng, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

5. Cho Eun-hee (2009),Những vấn đề về luật pháp đối với những gia đình chung sống không kết hôn và phương án giải quyết”, Viện nghiên cứu Luật, Đại học Inha, Vol.12. 8.

6. Kang Eun-hwa (2006), “Luận bàn về việc bảo đảm quyền nuôi dưỡng con cái của người mẹ đơn thân”, Chuyên đề phụ nữ Hàn Quốc, Cuốn 22, Số 3.

7. Lee Mi-jeong (2011), “Phương án cải thiện hệ thống phúc lợi đối với người mẹ đơn thân lựa chọn nuôi con”, Viện nghiên cứu chính sách phụ nữ Hàn Quốc.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


* ThS.; Đại học Quốc gia Hà Nội.

[1] Gia đình khuyết một thành viên được hiểu là loại hình gia đình trong đó thiếu đi vai trò của một thành viên là người vợ hoặc người chồng. Gia đình khuyết một thành viên bao gồm: gia đình người mẹ đơn thân hay người cha đơn thân do nhiều lý do: sinh con ngoài giá thú, ly hôn, góa.

[2]  Ví dụ, một số chương trình đã được triển khai: Chương trình hỗ trợ người mẹ đơn thân phát triển kinh tế hộ gia đình tại xã Bá Xuyên, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên của Hội Liên hiệp phụ nữ địa phương; Công tác xã hội hỗ trợ người mẹ đơn thân nghèo tại xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An; Chương trình “3 có” trong đó “có nhà ở” - xây dựng khu nhà ở dành cho người mẹ đơn thân của Tp. Đà Nẵng (bắt đầu khởi công vào năm 2007 và chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2008).

[3] Chương trình hỗ trợ người mẹ đơn thân tại tỉnh Bến Tre của Tổ chức Phục vụ trẻ em Quốc tế - Hold International Children’s Service (HOLT), Chương trình hỗ trợ nâng cao quyền năng cho phụ nữ của Tổ chức phi chính phủ Hagar Việt Nam,…

[4]  Bao gồm: Mái ấm Tình mẹ 1 (Quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh), Mái ấm Tình mẹ 2 (Thị xã Thuận An, Tỉnh Bình Dương), Mái ấm Nhà Bầu (Mái ấm Mai Linh) (Quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh), Mái ấm thuộc Trung tâm từ thiện Thiên Phước (Huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh), Mái ấm Thanh Tâm (Quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh), Mái ấm Nhà của bố (Đà Nẵng).

[5] Chỉ có duy nhất ở Tp. Đà Nẵng là có triển khai khu nhà ở cho người mẹ đơn thân thu nhập thấp từ năm 2007 dưới sự quản lý của chính quyền địa phương.