Di dân từ nông thôn ra thành thị trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ở nước ta hiện nay

15/04/2014

 

 

DI DÂN TỪ NÔNG THÔN RA THÀNH THỊ

TRONG QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP HÓA VÀ ĐÔ THỊ HÓA Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

                                                          LƯƠNG NGỌC THÚY *

Trong vài thập kỷ qua, những cuộc di dân giữa các vùng miền trên đất nước ta, đặc biệt là những cuộc di dân ồ ạt từ nông thôn ra thành thị đã được các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và toàn xã hội quan tâm.

Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986, Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, lấy đổi mới kinh tế là trọng tâm. Theo đó, nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp đã từng bước bị xóa bỏ, nhường bước cho nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Quá trình đổi mới kinh tế đã từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế nước ta từ một nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp hiện đại.

 Trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nhiều khu công nghiệp lớn đã được xây dựng ở các thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Bình Dương,... Cùng với quá trình công nghiệp hóa là quá trình đô thị hóa cũng diễn ra hết sức nhanh chóng.

Trong khi các khu công nghiệp, khu đô thị phát triển và sự năng động của các thành phần kinh tế đã tạo ra được nhiều công ăn việc làm thì ở đó nguồn nhân lực lại bị thiếu hụt, không đủ để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp và các ngành dịch vụ của thành phố. Nông thôn sẽ là nguồn cung cấp chính về lao động cho sự thiếu hụt ấy thông qua các dòng di dân từ nông thôn ra thành thị.

Trong các vùng mà dòng người di cư từ nông thôn tìm đến thì miền Đông Nam Bộ là vùng có sức thu hút lớn nhất, vì đây là khu vực hoạt động hết sức năng động với nhiều khu công nghiệp lớn ra đời. Tính đến năm 2009, miền Đông Nam Bộ đã thu hút được hơn 1,6 triệu người di cư đến làm việc. Tiếp đến là tam giác kinh tế trọng điểm ở Bắc Bộ gồm các thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh cũng là nơi thu hút đông đảo dòng người di cư từ nông thôn ra thành phố. Hai thành phố là Đà Nẵng và Cần Thơ cũng thu hút khá nhiều người nhập cư hơn các thành phố còn lại.

Những số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho chúng ta hình dung phần nào bức tranh chung về tình hình di dân từ nông thôn ra thành thị ở nước ta trong khoảng thời gian  từ năm 1999 - 2009 như sau:

- Miền Đông Nam Bộ, nơi tập trung các khu công nghiệp lớn như khu công nghiệp Sóng Thần I & II, khu công nghiệp Tân Tạo, khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, khu công nghiệp Biên Hòa,... có tỉ suất nhập cư tăng từ 63 người lên 127 người nhập cư/1000 dân sở tại.

 - Vùng đồng bằng sông Hồng tăng từ 11 người lên 16 người nhập cư/1000 dân sở tại.

 Hà Nội là thủ đô của cả nước, nơi có nhiều dự án kinh tế, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất và các công ty được đầu tư bởi các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các nhà đầu tư trong nước. Tính đến hết năm 2010, các khu công nghiệp ở Hà Nội đã thu hút được 508 dự án, trong đó có 240 dự án đầu tư nước ngoài và 268 dự án đầu tư trong nước. Các khu công nghiệp tập trung đi vào hoạt động như khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Sài Đồng B, Nam Thăng Long, Nội Bài, khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Quang Minh 1, khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư, khu công nghiệp Phú Nghĩa,... Do sự phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp và khu công nghệ cao nên Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng một số lượng rất lớn lao động vào làm việc, bao gồm các nhà khoa học, các kỹ sư, công nhân kỹ thuật và cả lao động phổ thông. Ngoài ra, số người di cư từ nông thôn ra Hà Nội làm các nghề tự do như giúp việc gia đình, bán hàng rong, thu mua phế liệu, làm thuê trong các nhà hàng, cửa hiệu,… cũng là một lực lượng đông đảo. Năm 1999, tỉ lệ nhập cư vào thủ đô là 21,2%, năm 2004 là 29,6% và năm 2005 là 35,6%, tình trạng này vẫn đang tiếp tục gia tăng1.

Bảng 1: Một số tỉnh và thành phố có di cư thuần dương từ năm 2004 - 2009

Thành phố

Số người di cư đến trên 1000 dân

Đã Nẵng

77

Bình Dương

340

Đồng Nai

66

Tp.Hồ Chí Minh

136

Tp. Hà Nội

50

(Nguồn: Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2009)

Điều này nói lên rằng, các khu công nghiệp và các khu đô thị có sức hấp dẫn mạnh mẽ nguồn lao động ở nông thôn, bởi lẽ, đó là nơi có thể đáp ứng nhu cầu về việc làm, tăng thêm thu nhập, là mảnh đất có nhiều cơ hội thăng tiến cho lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, đặc biệt là lớp người trẻ tuổi.

 Nếu chỉ nhấn mạnh đến sự sôi động trong các khu công nghiệp và dịch vụ ở thành phố làm cho bộ mặt đô thị thay đổi từng ngày và tạo ra sức hấp dẫn đối với dòng di cư từ nông thôn ra thành thị thì chưa đủ, bởi vì chính những điều kiện sản xuất, sinh sống ở nông thôn cũng góp phần thúc đẩy sự gia tăng dòng di cư này.

Khi nghiên cứu các vấn đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chúng ta phải thừa nhận rằng, trong quá trình đổi mới, bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi rõ rệt: Kinh tế hộ gia đình phát triển đã tạo ra năng suất lao động hơn hẳn thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp; từ một nước nông nghiệp thiếu lương thực kinh niên, nay trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới; công cuộc xóa đói giảm nghèo đã thu được những thành tựu mà cả thế giới phải công nhận; cả nước không còn hộ đói, tỉ lệ các hộ nghèo đã giảm hàng năm. Điều kiện sống của nông dân cũng đã được cải thiện đáng kể, phần lớn các xã, kể cả các xã miền núi đã có điện sinh hoạt, có đường ô tô vào đến trung tâm xã, nhiều xã đã và đang thực hiện bê tông hóa đường làng, ngõ xóm khiến việc đi lại ở nông thôn được thuận tiện, dễ dàng, sạch sẽ; chương trình xóa bỏ nhà dột nát, nhà tạm đang được thực hiện một cách tích cực ở các xã; chợ và các cửa hàng, cửa hiệu cũng được mở rộng để đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân, trường học và trạm y tế xã cũng có những bước phát triển. Như vậy, so với thời kỳ trước đổi mới thì mức nghèo tuyệt đối ở nông thôn (cả về mức thu nhập và điều kiện sống) đã giảm mạnh.

Tuy nhiên, tất cả những đổi thay ấy vẫn không đủ sức hấp dẫn để níu kéo một bộ phận cư dân ở lại nông thôn, trái lại đã có hiện tượng nhiều nông dân không còn tha thiết với ruộng đồng, họ cho bà con cấy rẽ, thậm chí còn cho mượn ruộng để gia nhập vào dòng người di cư ra thành phố tìm kế sinh nhai.

 Từ khi chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, hình thức hợp tác hóa nông nghiệp trước đó không còn thích hợp nên đã bị giải thể. Năm 1993, Nhà nước thực hiện việc giao đất sản xuất lâu dài cho nông dân, chia lại ruộng đất cho các hộ gia đình, và hình thức kinh tế hộ ra đời. Từ đó đến nay, diện tích đất nông nghiệp của mỗi hộ được chia vẫn không thay đổi, trong khi tỉ lệ sinh hàng năm ở các địa phương cao hơn tỉ lệ chết nên bình quân ruộng đất theo đầu người ngày càng thấp. Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hàng năm, khu vực nông thôn bị thu hồi một số diện tích đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, mở mang đường giao thông, xây dựng các công trình thủy lợi,...

Theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì nhu cầu sử dụng đất xây dựng đô thị đến năm 2015 vào khoảng 335.000 ha, chiếm 1,06% diện tích đất tự nhiên của cả nước; năm 2020 khoảng 400.000 ha, chiếm 1,3% diện tích đất tự nhiên cả nước; năm 2025 khoảng 450.000 ha, chiếm 1,4% diện tích đất tự nhiên cả nước2. Do đó, xét về tổng thể, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp lại, còn đất công nghiệp và đất đô thị ngày càng mở rộng thêm. Hiện nay, nước ta còn khoảng 7 triệu ha đất canh tác; với diện tích đó chỉ cần 19 triệu lao động, trong khi đó cả nước có 25,6 triệu lao động đang sinh sống ở nông thôn. Điều đó phản ánh tình trạng nông dân đang thiếu đất canh tác, thiếu việc làm, số lượng lao động dư thừa rất lớn, thời gian nông nhàn tăng lên3. Thêm vào đó là giá trị ngày công nông nghiệp, đặc biệt ở các xã thuần nông rất thấp. Nếu một hộ gia đình chỉ trông vào thu nhập hai vụ lúa và một vụ màu hàng năm cộng với một ít thu nhập từ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong gia đình thì thu nhập của họ sau khi trừ các chi phí đầu vào chỉ còn “lấy công làm lãi” như người nông dân vẫn thường nói. Đó là chưa kể những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh thường xảy ra hàng năm gây mất mùa và thất bát cho nông dân. Thu nhập của một bộ phận không nhỏ cư dân ở nông thôn không đủ trang trải cho các nhu cầu sinh hoạt của gia đình, học hành của con cái, chữa bệnh khi ốm đau,… cho nên họ đã rời quê hương ra thành phố tìm kế sinh nhai. Theo nghiên cứu của Lê Bạch Dương và Nguyễn Thanh Liêm thì “hơn một nửa số người di cư rời quê hương lên thành phố do họ không hài lòng với công việc và mức thu nhập ở quê và hi vọng sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn ở thành phố. Cứ bốn người di cư thì có một người đi do gia đình thiếu đất canh tác và/ hoặc thiếu việc làm hay thất nghiệp lâu năm”4.

Một nhân tố khác tác động đến việc di dân từ nông thôn ra thành thị là sự phân hóa giàu nghèo, sự chênh lệch về thu nhập, điều kiện sống, khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản giữa nông thôn và thành phố có khoảng cách ngày càng lớn.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê thì thu nhập bình quân đầu người ở thành thị và nông thôn từ năm 1999 đến năm 2008 như sau:

Bảng 2: Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực thành thị
và nông thôn từ năm 1999 đến 2008

                                                                                                                  Đơn vị 1000đ

Khu vực                                                           

Năm

1999

2002

2004

2006

2008

Thành thị

517

622

845

1058

1605

Nông thôn

225

275

378

506

762

(Nguồn: Niên giám thống kê năm 2009 của Tổng cục Thống kê)

Qua số liệu bảng trên cho ta thấy, trong suốt 10 năm, thu nhập bình quân đầu người ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn đều liên tục tăng, nhưng mức tăng ở khu vực thành thị luôn cao hơn hai lần so với mức tăng ở khu vực nông thôn.

Khoảng cách chênh lệch về thu nhập bình quân đầu người giữa các địa phương, các vùng miền trong nước, giữa các tỉnh thuần nông, tỉnh miền núi, hải đảo với các trung tâm đô thị cũng ngày càng lớn. Trong tài liệu “Thông tin chuyên đề về Giảm khoảng cách chênh lệch thu nhập” số 5 năm 2012 của Trung tâm Thông tin - tư liệu thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của thủ đô Hà Nội là 1.850 đô la Mỹ, tương đương 37 triệu đồng/người/năm; Tp. Hồ Chí Minh khoảng 3.000 đô la Mỹ, còn Cần Thơ khoảng 2.350 đô la Mỹ. Trong khi đó, thu nhập bình quân của người dân Nam Định chỉ bằng một nửa so với Hà Nội, khoảng 19,2 triệu đồng/người/năm; các tỉnh vùng sâu, vùng xa như Bắc Cạn là 14,6 triệu đồng/người/năm, Quảng Ngãi chưa đến 9 triệu đồng, Hà Giang chưa tới 6 triệu đồng. Sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội ta hiện nay cũng diễn ra khá sâu sắc, số người Việt Nam có tài sản từ 1 triệu đô la Mỹ (khoảng 20 tỉ đồng Việt Nam) trở lên đang tăng mạnh, năm 2011 tăng tới 33% so với năm 2010. Các số liệu chính thức của thị trường chứng khoán cũng ghi nhận, vào thời điểm cuối năm 2011 có đến 170 người sở hữu cổ phiếu có giá trị trên 20 tỉ đồng, trong đó có hơn 100 người có tài sản chứng khoán vượt mức 40 tỉ đồng và 2 người có tài sản chứng khoán vượt mức 2.000 tỉ đồng. Trong tài liệu này cũng dẫn số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về số hộ nghèo trong cả nước tính đến cuối năm 2011 là 1 triệu hộ, chiếm 20% tổng dân số. Hộ nghèo ở đây được xác định là hộ gia đình có thu nhập dưới mức 400.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và dưới mức 500.000 đồng/người/tháng ở khu vực đô thị. Với mức thu nhập này thì cuộc sống của các hộ nghèo thực sự hết sức khó khăn5.

Những số liệu trên đây nói lên rằng, trong quá trình đổi mới, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nhưng cơ hội đó lại không chia đều cho mọi người, sự phân hóa giàu nghèo vẫn gia tăng, sự chênh lệch về thu nhập giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền vẫn tồn tại và có xu hướng ngày một lớn hơn. 

Về điều kiện sống giữa nông thôn và thành thị cũng còn có sự cách biệt đáng kể. Điều này được phản ánh qua các chỉ tiêu về chất lượng nhà ở, nguồn nước hợp vệ sinh, điều kiện vệ sinh và mức độ sử dụng các tiện nghi trong gia đình của cư dân đô thị so với cư dân nông thôn. Theo tài liệu tổng hợp của Nguyễn Yên về di cư và đô thị hóa qua kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009 thì ở nông thôn có 4,3% số hộ gia đình không có điện, trong khi đó ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chỉ có 0,2% số hộ gia đình phải chịu tình trạng đó. Tỉ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch ở đô thị  là 96,8%, cao hơn đáng kể so với  86,6% ở nông thôn.

Về trình độ chuyên môn và học vấn giữa đô thị và nông thôn cũng có một khoảng cách lớn. 27,4% dân số đô thị từ 15 tuổi trở lên có trình độ trung học phổ thông, 15,3% có trình độ cao đẳng/đại học và 0,7% có trình độ sau đại học. Trong khi đó, tỉ lệ tương ứng cho khu vực nông thôn là 16,9%, 3% và 0,03%. Trên thực tế, đa số lớp người trẻ tuổi ở nông thôn di chuyển tới các khu vực đô thị để tiếp tục theo học các bậc học cao hơn hoặc để được học ở các cơ sở giáo dục có chất lượng tốt hơn; nhưng sau khi tốt nghiệp, phần đông trong số họ quyết định ở lại để sinh sống và làm việc tại các thành phố.

Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, chỉ có 8% dân cư nông thôn từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn kỹ thuật hoặc trình độ cao hơn (cao đẳng, đại học, trên đại học). Trong khi tỉ lệ dân cư đô thị có trình độ chuyên môn kĩ thuật là 25,4% và có trình độ cao đẳng hoặc cao hơn là 13,4%. Điều đó bộc lộ sự mất cân đối nghiêm trọng trong phân bố trình độ kĩ thuật, chuyên môn và giáo dục giữa thành thị và nông thôn6.

Sự phân hóa giàu nghèo, sự chênh lệch về thu nhập, về điều kiện sinh sống, về cơ hội học tập và nâng cao trình độ chuyên môn giữa nông thôn và thành thị có tác động mạnh mẽ đến người nông dân đã thôi thúc một bộ phận lao động dư thừa, thiếu việc làm, đời sống khó khăn, phải rời quê hương ra thành phố tìm kiếm việc làm, cải thiện đời sống và lớp trẻ muốn ra đi để tìm kiếm những cơ may thăng tiến cho bản thân. Chừng nào còn tồn tại sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, sự chênh lệch lớn về các mặt nói trên giữa nông thôn và thành thị thì làn sóng di dân nói chung và di dân từ nông thôn ra thành thị nói riêng là điều không thể tránh khỏi.

 Nói một cách hình ảnh, sự phát triển các khu công nghiệp, các ngành dịch vụ ở thành thị với nhiều việc làm có thu nhập cao đã tạo ra một lực hút mạnh mẽ thì tình trạng dư thừa lao động, thiếu việc làm và thu nhập thấp ở nông thôn lại tạo ra lực đẩy một bộ phận lao động rời bỏ nông thôn ra thành thị. Đó là nguyên nhân trực tiếp, khách quan dẫn đến hiện tượng di dân trên đất nước ta.

Tuy nhiên, nếu tiếp cận vấn đề di dân từ quan điểm phát triển thì xu hướng phát triển có tính quy luật của xã hội mà các nước tiên tiến trên thế giới đã trải qua là phải chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp, tỉ trọng công nghiệp ngày càng lớn hơn tỉ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, dân số nông thôn ngày càng thu hẹp, dân số thành thị ngày càng gia tăng.

 Tỉ lệ dân số sống ở nông thôn và thành thị là một trong các thước đo trình độ phát triển của mỗi nước. Các nước càng phát triển thì dân số ở thành thị càng cao hơn dân số ở nông thôn.

Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 của Tổng cục Thống kê thì tính đến ngày 1/4/2009, nước ta có 29,6% dân số sống ở thành thị, hơn 70% dân số sống ở nông thôn. Tỉ lệ này khá chênh lệch so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tỉ lệ dân số sống ở thành thị của nước ta chỉ cao hơn một chút so với  Campuchia, Đông Timo và Lào.

Bảng 3: Dân số sống ở thành phố và nông thôn tại các quốc gia Đông Nam Á

Tên quốc gia

Dân số sống ở thành phố

Dân số sống ở nông thôn

Bruney

72%

28%

Campuchia

15%

85%

Indonesia

48%

52%

Đông Timo

22%

78%

Lào

27%

73%

Malaysia

68%

32%

Myanma

31%

69%

Philippines

63%

37%

Thái Lan

36%

64%

Việt Nam

29,6%

70,4%

(Nguồn: Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2009)

 Trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa tất yếu phải có sự di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị, chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ thông qua việc di dân từ nông thôn ra thành phố. Việc phân bố khối lao động khổng lồ di cư từ nông thôn vào các xí nghiệp công nghiệp, các ngành dịch vụ ở thành phố cũng không phải là một quá trình mang tính ngẫu nhiên mà trái lại nó bị chi phối bởi quy luật cung - cầu trong thị trường lao động. Khi nền kinh tế nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường thì sớm hay muộn thị trường lao động cũng được hình thành, một thị trường mà khi bắt đầu thời kỳ đổi mới người ta e ngại nói đến nó, còn hiện nay thì nó đã hiện hữu ở khắp mọi nơi. Thị trường lao động được hình thành, trong đó khối nhân lực di chuyển từ nông thôn đến được phân bổ vào các xí nghiệp công nghiệp, các ngành dịch vụ là một biểu hiện sinh động về việc thực hiện quy luật cung - cầu về lao động. Thông qua luật cung - cầu trong thị trường lao động mà xã hội đã thực hiện việc phân công lại lao động trong xã hội và phân bố lại dân cư theo yêu cầu phát triển của đất nước.

 Theo Quyết định 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ kí ngày 7/4/2009 thì mức tăng trưởng dân số đô thị: năm 2015, dự báo dân số đô thị cả nước khoảng 35 triệu người, chiếm 38% dân số cả nước; năm 2020, dân số đô thị khoảng 44 triệu người, chiếm 45% dân số cả nước; năm 2025, dân số đô thị khoảng 52 triệu người, chiếm 50% dân số cả nước. Để đạt đến các chỉ số này thì quá trình di dân từ nông thôn ra thành thị sẽ còn tiếp diễn mạnh mẽ trong tương lai.

Từ những vấn đề đã phân tích trên đây có thể đi đến kết luận rằng, hiện tượng di dân từ nông thôn ra thành thị là điều không thể tránh khỏi trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa ở nước ta. Nguyên nhân trực tiếp của nó là do sự chênh lệch lớn về thu nhập, về điều kiện sống giữa thành thị và nông thôn; còn nguyên nhân sâu xa là do yêu cầu khách quan của sự phát triển đất nước đòi hỏi.

Suy rộng ra, ta thấy rằng, chừng nào còn tồn tại sự chênh lệch lớn về mặt kinh tế và điều kiện sinh sống giữa các vùng miền trong một nước hoặc sự phát triển không đồng đều giữa các nước khác nhau thì hiện tượng di dân vẫn có thể diễn ra ở nơi này hay nơi khác. Chúng chỉ khác nhau về hình thức thực hiện (tự phát hay có tổ chức, hợp pháp hay bất hợp pháp) và về quy mô lớn hay nhỏ mà thôi. Có thể nói, hiện tượng di dân không chỉ phù hợp với quy luật phát triển xã hội mà còn phù hợp với quy luật sống, với bản năng sống tự nhiên của con người, vì con người luôn luôn hướng tới những nơi có điều kiện làm ăn dễ dàng, sinh sống thuận lợi và an toàn. Những cuộc di cư trong lịch sử loài người cũng như trong thời đại ngày nay đều chứng minh điều đó. Như vậy, di dân không chỉ mang tính tất yếu, khách quan mà còn mang tính phổ biến, tính toàn cầu.

Cũng như các hiện tượng xã hội khác, hiện tượng di dân từ nông thôn ra thành thị cũng có hai mặt: có cả những đóng góp và những hệ lụy của nó đối với cả nơi đến lẫn nơi đi.  

Chúng ta không thể phủ nhận sự đóng góp của những người di cư cho các khu công nghiệp, các thành phố nơi họ đến. Sự đóng góp ấy thể hiện trước hết ở chỗ, hàng chục vạn lao động di cư đã được tuyển dụng vào làm việc trong các xí nghiệp công nghiệp, các cơ quan, các doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước và tư nhân; hàng ngàn người lao động tự do cũng tìm kiếm được những công việc rất đa dạng mà thành phố cần có người làm như thu mua phế liệu, buôn bán nhỏ, giúp việc gia đình, lái xe taxi, xe ôm, công việc xây dựng,... Điều đó nói lên rằng, những người di cư đã thỏa mãn được phần nào về nhu cầu lao động của các khu công nghiệp, các ngành dịch vụ ở thành phố, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nơi họ đến bằng chính sức lao động của họ, bằng những giá trị thặng dư do họ tạo ra.                                                           

Hai là, hầu hết lao động di cư ra thành phố đã đạt được mục tiêu tìm kiếm việc làm, tăng thêm thu nhập, giúp đỡ tiền bạc cho gia đình để cải thiện đời sống hoặc đầu tư vào sản xuất. Thông qua đó, họ đã góp phần làm giảm sức ép về lao động dư thừa, về thiếu việc làm cũng như góp phần vào công cuộc giảm nghèo ở quê hương.

Ba là, môi trường sinh sống và lao động ở thành phố là điều kiện thuận lợi để lớp người di cư trẻ tuổi có thể học được nhiều điều bổ ích, mở rộng tầm hiểu biết, nâng cao tay nghề  và phấn đấu để đạt được những mơ ước của mình.

Tuy nhiên, do sự di cư ồ ạt từ nông thôn ra thành phố nên những hệ lụy của nó cũng đa dạng và phức tạp.

 Nếu những người di cư ra thành phố có thể kiếm được việc làm, tăng thêm thu nhập, giúp đỡ tiền bạc cho gia đình giảm bớt khó khăn, thậm chí nhiều người đã thành đạt trên con đường lập nghiệp của mình và góp phần làm giàu cho khu vực đô thị thì khi rời quê hương ra thành phố, vô tình họ đã để lại đằng sau mình một nông thôn với lực lượng lao động già về tuổi tác, thiếu về tri thức khoa học kĩ thuật. Trong khi các dòng di cư này có những đóng góp để tạo ra sự thịnh vượng ở đô thị thì vô hình chung họ lại làm cho khoảng chênh lệch giữa thành thị và nông thôn ngày một lớn hơn. Nếu ta đem gộp số tiền mà người di cư gửi về cho gia đình vào tổng thu nhập của địa phương, nơi họ ra đi thì với tình trạng sản xuất nông nghiệp như hiện nay, thu nhập bình quân của nông dân có thể tăng về giá trị tuyệt đối, nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng thu nhập của người dân thành thị - nơi họ đến; bởi lẽ tốc độ tăng trưởng ở các khu công nghiêp, các khu đô thị, trong đó có sự đóng góp của lực lượng di cư vẫn nhanh hơn, cao hơn ở nông thôn. Phát triển đi đôi với bất bình đẳng xã hội là điều chúng ta không mong muốn. Chúng ta cần khắc phục, cần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thu nhập, về điều kiện sinh sống giữa thành thị và nông thôn. Phát triển và công bằng xã hội là điều chúng ta cần phấn đấu để vươn tới trong một xã hội văn minh và thịnh vượng. Con đường để thực hiện điều đó là cần tiến hành công nghiệp hóa nông thôn, cần giải quyết đồng bộ cả ba mặt nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Quá trình đó sẽ dẫn tới chỗ làm thay đổi cơ cấu và phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội ở nông thôn, làm thay đổi diện mạo của nông thôn. Điều quan trọng là nhờ những thay đổi ấy mà mức sống và điều kiện sống của nông dân được nâng cao một cách bền vững, sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn sẽ từng bước bị thu hẹp, lao động được sắp xếp lại một cách hợp lý để nông thôn vừa có đủ lực lượng bảo đảm cho sản xuất vừa đóng vai trò là nguồn cung cấp nhân lực cho các khu công nghiệp, các ngành dịch vụ ở thành phố.

Sự gia tăng nhanh chóng một số lượng lớn lao động tự do vào thành phố đã gây ra những vấn đề phức tạp cho chính quyền và người dân sở tại. Trước hết là vấn đề nhà ở cho những người nhập cư vào thành phố. Vấn đề này đã được nhiều tác giả nghiên cứu về di dân đề cập đến và đều thừa nhận rằng, đây là  một vấn đề nan giải, một áp lực lớn đối với chính quyền thành phố. Tuyệt đại đa số những người di cư vào thành phố không thể mua được nhà riêng, họ phải thuê ở những khu nhà trọ. Đó là những khu nhà được xây dựng tạm bợ, không đủ các điều kiện sinh hoạt tối thiểu như điện, nước, cống rãnh thoát nước, nhà vệ sinh,... Nhiều người cùng thuê một căn phòng chật hẹp, không đủ tiện nghi mà giá cả lại rất đắt đỏ, môi trường ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân họ và cả cư dân xung quanh. Tình hình ấy cho đến nay vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu. Việc giải quyết nhà ở cho cư dân sinh sống chính thức ở thành phố chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng đối với chính quyền thành phố, nhất là các thành phố lớn; nay lại thêm làn sóng đông đảo người di cư ồ ạt đổ về thành phố khiến cho vấn đề vốn đã khó khăn lại trở nên khó khăn gấp bội. Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách để tháo gỡ như việc đầu tư xây dựng những khu nhà dành riêng cho người có thu nhập thấp, nhưng người di cư tiếp cận được không phải dễ dàng, trước hết là do điều kiện tài chính của họ còn hạn hẹp. Con đường khả dĩ để giải quyết vấn đề này là chính quyền thành phố, các chủ xí nghiệp, doanh nghiệp cùng tham gia vào việc xây dựng các khu nhà ở dành cho những người lao động mà mình đang sử dụng, cho họ thuê để ở.

 Cũng do không có nhà ở nên nhiều người di cư lại sống ở những nơi công cộng, có những người sinh sống bất hợp pháp ở những nơi mà trước đây người ta gọi là các “xóm liều”. Những đối tượng này và phần đông những người di cư tạm thời, di cư theo mùa vụ ra thành phố thường không khai báo tạm trú, tạm vắng với công an khu vực nên việc quản lý họ gặp nhiều khó khăn. Trong số những người di cư ra thành phố có cả những phần tử có tiền án, tiền sự trà trộn vào các khu nhà trọ, một số thanh niên di cư không vững vàng trước những cám dỗ của lối sống không lành mạnh ở thành phố nên đã sa ngã vào các tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp, mại dâm,... khiến cho tình hình an ninh, trật tự xã hội ở thành phố nảy sinh nhiều vấn đề phức tap. Ngoài ra, sự phát triển các cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, giao thông đô thị cũng không theo kịp với sự gia tăng lượng người di cư vào thành phố. Trong lĩnh vực giao thông, phần lớn người di cư từ nông thôn ra thành phố, một mặt, do ít hiểu biết về luật giao thông, mặt khác, do thói quen tùy tiện, thiếu tôn trọng và tuân thủ những quy định về an toàn giao thông nên họ dễ trở thành thủ phạm hoặc trở thành nạn nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông trong thành phố.

Ngoài những đóng góp cũng như những hệ lụy của lực lượng lao động di cư từ nông thôn ra thành thị gây ra đối cả nơi đến lẫn nơi đi thì bản thân họ cũng phải đối mặt với những khó khăn trong khi bươn chải để kiếm sống ở thành phố.

Trong hành trang của những người di cư, nhất là những người di cư tự do ra thành thị chưa được chuẩn bị về các mặt cần thiết để có thể sớm thích ứng với công việc mới, môi trường mới. Phần lớn trong số họ có trình độ tay nghề thấp, chưa qua đào tạo, họ cũng chưa được trang bị những hiểu biết cần thiết về điều kiện lao động công nghiệp, về môi trường sinh sống ở đô thị nên họ thường gặp khó khăn về tìm kiếm việc làm, về nơi ăn ở, về những rắc rối gặp phải trên đường phố,... Điều đặc biệt là hầu hết những người di cư ra thành phố đều thiếu hiểu biết về luật pháp lao động nên họ không biết bảo vệ các quyền và quyền lợi của người lao động do luật pháp quy định. Đa số người lao động tự do, làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức chấp nhận làm việc không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm mà chỉ thỏa thuận miệng một số điểm về tiền công, việc làm với chủ sử dụng lao động. Vì vậy thời gian lao động của họ thường bị kéo dài hơn thời gian do luật định; chế độ nghỉ ngơi không bảo đảm; khi ốm đau không được chăm sóc sức khỏe. Nói tóm lại, do thiếu hiểu biết về luật pháp lao động, chưa được trang bị những hiểu biết về điều kiện làm việc ở môi trường mới nên họ dễ rơi vào nguy cơ bị lạm dụng, bị bóc lột, đặc biệt là chị em phụ nữ. Số lượng lao động nữ di cư ra thành phố thường đông hơn nam giới, nhưng họ lại là nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Ngoài những khó khăn mà chị em phải đối mặt như nam giới thì họ luôn phải đề phòng nạn cướp bóc, trấn lột, bạo hành, buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục; đặc biệt là số nữ thanh niên làm việc trong các nhà hàng, khách sạn, các quán karaoke, vũ trường, những tụ điểm vui chơi giải trí là nhóm người có nguy cơ cao về lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục.

Nhận thức được tính tất yếu khách quan của hiện tượng di dân từ nông thôn ra thành thị cũng như những mặt đóng góp và những hệ lụy của nó sẽ giúp chúng ta có cách ứng xử một cách khoa học, đúng đắn với hiện tượng đó. Làn sóng những người di cư từ nông thôn ra thành thị ở nước ta đã và đang diễn ra một cách tự phát, thiếu tính tổ chức nên những khó khăn mà họ phải đối mặt khi sinh sống ở thành phố là không nhỏ, đồng thời những hệ lụy do họ gây ra cho địa phương nơi đến cũng rất phức tạp. Mặc dù vậy, chúng ta không thể xóa bỏ hiện tượng di dân này bằng ý chí chủ quan của con người hay bằng những mệnh lệnh hành chính mà phải thừa nhận nó như một hiện thực tồn tại hợp lý trong đời sống xã hội, một tất yếu khách quan trong quá trình phát triển. Nhìn chung, bất kỳ một hiện tượng xã hội nào, xét về mặt khách quan mà không thể xóa bỏ được thi ta cần tìm biện pháp thích hợp để quản lý nó. Hiện tượng di dân từ nông thôn ra thành thị ở nước ta cũng có những lí do tồn tại của nó nên chúng ta cũng cần có những biện pháp quản lý sao cho nông thôn vẫn đóng vai trò là nguồn cung cấp nhân lực cho các ngành công nghiệp và dịch vụ ở đô thị, nhưng dòng di cư từ nông thôn ra thành thị trong tương lai sẽ diễn ra một cách có quy hoạch và kế hoạch, có trật tự và tổ chức với những con người được chuẩn bị về nhiều mặt cho hành trang di cư của mình.

 

Tài liệu tham khảo

1.      Đặng Nguyên Anh (2005), “Chiều cạnh giới của di dân lao động thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”,Tạp chí Xã hội học, số 2 (90).

2.      Lê Bạch Dương, Nguyễn Thanh Liêm (2011), Từ nông thôn ra thành phố: Tác động kinh tế - xã hội của di cư ở Việt Nam, Nxb. Lao động, Hà Nội.

3.       Đinh Quang Hà (2010), “Vai trò của di dân nông thôn - đô thị đối với phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn”, Tạp chí Dân số và Phát triển, số 3.

4.      “Nhập cư vào Hà Nội: Thực trạng và biện pháp quản lý”, http:// cpv.org.vn.

5.      Nguyễn Yên tổng hợp, “Di cư và đô thị hóa qua kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009”, http: //gopfp.gov.vn.

6.      Nguyễn Thanh Liêm (2006), “Di dân, phát triển và bất bình đẳng ở Việt Nam trên đường đổi mới và hội nhập”, Tạp chí Xã hội học, số 3.

7.      Nguyễn Thanh Tâm và cộng sự (2008), “Báo cáo: Sự thích ứng của người di cư tự do từ nông thôn vào đô thị và các vùng phụ cận - nghiên cứu trường hợp Hà Nội”, Đề tài cấp Bộ.

8.      Nguyễn Thị Thiềng và cộng sự (2008), Di chuyển để sống tốt hơn. Di dân nội thị tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội (Việt Nam), Nxb. Đại học Kinh tế Quốc dân.

9.      Hà Thị Phương Tiến, Hà Quang Ngọc (2008), Lao động nữ di cư tự do nông thôn – thành thị, Nxb. Phụ nữ.

10.       Trung tâm Thông tin - tư liệu thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (2012), “Thông tin chuyên đề: Giảm khoảng cách chênh lệch thu nhập”, số 5.

 


* ThS.; Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

1 “Nhập cư vào Hà Nội: Thực trạng và biện pháp quản lý”, http:// cpv.org.vn.

2 Quyết định 445/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ kí ngày 7/4/2009 về việc phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

3 Đinh Quang Hà (2010), “Vai trò của di dân nông thôn - đô thị đối với phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn”, Tạp chí Dân số và phát triển,  số 3.

4 Lê Bạch Dương và Nguyễn Thanh Liêm (2011), Từ nông thôn ra thành phố: Tác động kinh tế - xã hội của di cư ở Việt Nam, Nxb. Lao động, Hà Nội, tr. 28

5 Trung tâm Thông tin - tư liệu thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, “Thông tin chuyên đề về Giảm khoảng cách chênh lệch thu nhập”, số 5, 2012.

6 Nguyễn Yên tổng hợp, “Di cư và đô thị hóa qua kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009”, http://gopfp.gov.vn.