Quyền được hưởng môi trường trong lành trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam

15/04/2014

QUYỀN ĐƯỢC HƯỞNG MÔI TRƯỜNG TRONG LÀNH           

TRONG BỐI CẢNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

PHẠM THỊ TÍNH *

Đặt vấn đề

Sự phát triển của xã hội hiện đại với những thành tựu to lớn về phương diện đời sống vật chất từ nửa sau thế kỷ XX đã gây nên áp lực nặng nề đối với môi trường tự nhiên, làm cho giới tự nhiên dần mất khả năng tự hồi phục. Sự ô nhiễm và suy thoái môi trường đã và đang tiềm tàng khả năng khủng hoảng sinh thái trên phạm vi toàn cầu. Nhằm giảm thiểu thiệt hại, giới khoa học quốc tế cùng với các chính phủ, các tổ chức quốc tế,... đã đưa vấn đề bảo vệ môi trường thành một yêu cầu mới, cấp thiết đối với sự phát triển. Liên hiệp quốc trong sự phối hợp với các quốc gia đã thành lập Chương trình bảo vệ môi trường (UNEP) năm 1972 và chính thức công nhận tầm quan trọng của trụ cột môi trường trong đời sống kinh tế - xã hội. Vấn đề bảo vệ môi trường càng trở nên cấp thiết khi môi trường đứng trước nguy cơ bị đe dọa bởi sự phá huỷ của con người vì các mục đích khác nhau.

Thực tế cho thấy, nhiều nơi trên thế giới đã và đang xảy ra tình trạng suy thoái môi trường cục bộ, có khả năng dẫn tới khủng hoảng sinh thái toàn cầu, đe doạ sự sống của cả hành tinh. Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về “Con người và Môi trường” diễn ra tại Stockholm (1972) lần đầu tiên đề cập đến vấn đề quyền của con người đối với môi trường; những vấn đề cấp bách nhất hiện nay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, như sự cạn kiệt các tài nguyên thiên nhiên, nạn ô nhiễm môi trường sống, sự gia tăng dân số,... Việc xây dựng các quy chế có tính pháp lý để bảo vệ môi trường đã được đẩy mạnh. Song, do nhiều nguyên nhân khiến hiểm họa sinh thái hầu như không giảm, thậm chí còn tăng nhanh. Đặc biệt, những nguyên nhân ấy chủ yếu và hầu hết là do con người. Con người, với tư cách là một bộ phận của tự nhiên, họ vừa thụ động trong quan hệ với tự nhiên, đồng thời cũng luôn chủ động cải tạo thiên nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống vật chất. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, con người đã và đang làm cho môi trường bị tổn thương nặng nề, làm suy giảm chất lượng sống, nhiều nơi tài nguyên thiên nhiên bị phá hủy nghiêm trọng. Vì lợi ích của bản thân, con người đã dồn ép các hệ sinh thái và gây ra những hiểm họa không lường trước được cho chính mình và thế hệ tương lai.

Ở Việt Nam, với sự phát triển “nhanh” và “nóng” của nền kinh tế thời gian qua đã đưa đất nước ra khỏi danh sách những nước nghèo. Đời sống của nhân dân phần nào được cải thiện. Tuy nhiên, do mải chạy theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thiếu quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe môi trường và môi trường sống trong lành khiến cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là ở đô thị và các khu công nghiệp. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, những thông tin về các doanh nghiệp, các làng nghề xả thải chưa qua xử lý; “đổ trộm”, chôn hóa chất độc hại ra môi trường bất chấp những biện pháp, những cam kết và những kêu gọi về trách nhiệm xã hội, chung tay bảo vệ môi trường. Thực trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường đang đe dọa cuộc sống con người. Bên cạnh đó, những thảm họa thiên nhiên liên tiếp diễn ra, như: bão, lũ quét, nước biển dâng, hạn hán, mưa đá,... càng làm tăng mức độ rủi ro và tình trạng dễ bị tổn thương cho con người, đặc biệt là nhóm người nghèo. Điều này đồng nghĩa với vấn đề đói nghèo và các hiểm họa thiên nhiên luôn đe dọa cuộc sống, sức khỏe và tính mạng của một nửa dân số Việt Nam sống ở vùng duyên hải và vùng trũng thấp, cũng là sự vi phạm nghiêm trọng các quyền con người, trong đó có quyền được sống trong môi trường trong lành.

1. Sức ép đối với môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội

Mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006 - 2010 của Việt Nam vẫn ước đạt khoảng 7%. Các kịch bản tăng trưởng đã thể hiện rõ quan điểm gắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường (BVMT). Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa mục tiêu và chính sách cụ thể, giữa kế hoạch và khả năng thực hiện; đang tồn tại và nảy sinh nhiều vấn đề về chất lượng tăng trưởng cần được tiếp tục giải quyết. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn đầu tư nước ngoài và lao động phổ thông, trong khi tỉ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ lại thấp hơn nhiều nước. Nhân tố vốn chiếm 52 - 53%, nhân tố lao động chiếm 19 - 20%, năng suất tổng hợp (TFP) chiếm 28 - 29%, yếu tố này ở một số nước trong khu vực chiếm 35 - 40%1. Cơ quan dự báo kinh tế toàn cầu (Economist Intalligence Unit - EIU) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 sẽ bị sụt giảm đáng kể chỉ còn 4,6%, thậm chí thua cả Philippines, Thái Lan (4,7%), Malaysia (4,8%), Indonesia (5%), những nước giai đoạn 2006 - 2010 đều đứng sau Việt Nam (Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới giai đoạn 2006 - 2020).

1.1. Môi trường đô thị

Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã tạo sức ép nhiều mặt: sự quá tải dân cư đô thị, nhà ở, cơ sở giáo dục, chăm sóc y tế, hệ thống giao thông, trật tự xã hội,... đã và đang khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực đô thị trở nên căng thẳng2. Tại các đô thị lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh môi trường đều ở mức báo động, nồng độ bụi đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần và đều nằm trong nhóm 10 đô thị ô nhiễm nhất thế giới và cũng đứng đầu châu Á về ô nhiễm bụi. Về chất lượng không khí, Việt Nam đứng thứ 123/132 quốc gia trong bảng xếp hạng3. Do dân số đô thị và các phương tiện cá nhân tham gia giao thông tăng nhanh khiến môi trường đô thị luôn trong tình trạng quá tải, gây ùn tắc giao thông. Mỗi ngày, riêng thành phố Hà Nội có khoảng 4 triệu xe máy lưu hành; Tp. Hồ Chí Minh tính đến hết tháng 3/2013 có hơn 5,6 triệu xe máy và 547.606 ôtô, chưa kể khoảng hơn một triệu xe máy ngoại tỉnh do người dân vào thành phố để đi làm4. Phần lớn các phương tiện lưu hành chưa được kiểm soát khí thải một cách nghiêm ngặt nên mức phát thải và tiêu hao nhiên liệu lớn. Ô nhiễm không khí do chì cũng gia tăng nhanh, nồng độ chì đo từ đầu năm 2009 đến đầu năm 2012 thường vượt chuẩn cho phép khoảng 1,5 lần5. Bên cạnh đó, khói từ các khu công nghiệp (KCN), nhà máy, chất thải và nước thải trong các sông, hồ, kênh mương bị ô nhiễm, bốc mùi khó chịu; Bụi từ các công trình xây dựng, sửa chữa nhà ở, cầu, đường diễn ra liên tục khiến cho các đô thị luôn trong tình trạng ngột ngạt vì bụi và khói thải, ô nhiễm không khí cục bộ.

Chất thải rắn (CTR) đô thị cũng đóng góp không nhỏ vào môi trường đô thị. Tổng lượng phát sinh khoảng 8.700 - 8.900 tấn/ngày, trong đó, chất thải rắn xây dựng khoảng 1.200 - 1.500 tấn/ngày và CTR sinh hoạt từ 6.200 - 6.700 tấn/ngày (tăng 10 - 16%/năm). CTR ở thành phố Hà Nội tăng trung bình 15%/năm, Phú Thọ: 19,9%, Phủ Lý: 17,3%, Hưng Yên: 12,3%, Rạch Giá: 12,7%, Cao Lãnh: 12,5%,... Khoảng 60% được thu gom, chôn lấp và tái chế, phần còn lại được đưa đến bãi rác tự phát hoặc vương vãi ra môi trường. Dự báo lượng chất thải rắn đô thị năm 2015 sẽ tăng 1,6 lần; năm 2020 tăng 2,37 lần, năm 2025 gấp 3,2 lần so với năm 2010; dân số tăng (25,5 triệu  người năm 2009 lên 52 triệu người năm 2025) và bình quân chất thải/đầu người tăng (0,95 kg/người/ngày năm 2009 lên 1,6 kg/người/ngày năm 2025)6. Việc thu gom, xử lý rác thải không bảo đảm đã ảnh hưởng tới quá trình phân hủy và hòa tan các chất nguy hại vào nước làm ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí.

CTR y tế phát sinh từ các bệnh viện trong cả nước khoảng 350 - 400 tấn/ngày và khoảng 120.000m3 nước thải/ngày7. Ước tính đến năm 2015, lượng chất thải phát sinh khoảng 600 tấn/ngày. 100% bệnh viện tuyến trung ương, 88% bệnh viện tuyến tỉnh, 54% bệnh viện tuyến huyện xử lý CTR y tế bằng lò đốt tại chỗ hoặc thuê Công ty môi trường đô thị đốt tập trung. Số bệnh viện còn lại xử lý CTR y tế bằng phương pháp thủ công, chôn lấp. Toàn quốc còn 56% số cơ sở khám chữa bệnh chưa có hệ thống xử lý nước thải và 70% hệ thống xử lý nước thải hiện có không đạt tiêu chuẩn8. Việc tiêu hủy, chôn lấp chất thải y tế không bảo đảm quy trình là cơ hội phát sinh ô nhiễm môi trường đất, nước mạch, ngước ngầm, ảnh hưởng đến cộng đồng về lâu dài.

Ô nhiễm nước ở các đô thị cũng trong tình trạng báo động, rõ nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Nam Định, Hải Dương,... Nước thải từ các khu dân cư, bệnh viện, trường học, công sở,… hầu hết đều trực tiếp xả ra hệ thống sông ngòi mà không có bất kỳ một biện pháp xử lý nào. Tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, hầu hết các sông, hồ nội thành nội thị đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các thông số đo được đều vượt gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép đối với nước mặt. Hệ thống thoát nước cũng rất bất cập, các đô thị lớn khi có mưa to hoặc mưa kéo dài đều úng ngập cục bộ. Hệ thống thoát nước ở Tp. Hồ Chí Minh đạt chưa đến 60%, Hà Nội và Hải Phòng chưa đến 40%, các đô thị khác còn thấp hơn, nhiều tuyến phố ở một số đô thị không có hệ thống thoát nước9.

1.2. Môi trường công nghiệp

Tính đến cuối năm 2012, cả nước có 289 KCN (179 KCN đã đi vào hoạt động), 20 khu kinh tế và 878 cụm công nghiệp. Trong 179 KCN đang hoạt động thì có 143 KCN đã hoặc đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Lượng nước thải phát sinh khoảng 622.773m3/ngày/đêm, hệ thống xử lý nước thải tập trung xử lý được khoảng 362.450m3/ngày/đêm (58%), số còn lại được xả thẳng ra môi trường10. Kết quả khảo sát 65 KCN vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do Cục Bảo vệ môi trường tiến hành (2010), có 61 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng chỉ có 23 cơ sở hoạt động và tại thời điểm kiểm tra chỉ có 7/23 hệ thống đang hoạt động. Tại Đồng Nai, tổng lượng nước thải của 24 KCN khoảng 70.000m3/ngày đêm, có 9/24 KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải nhưng chỉ có 4 hệ thống hoạt động với công suất khoảng 14.000m3/ngày (khoảng 25%). Kết quả quan trắc 161 mẫu nước thải tại các điểm xả thải của 15 KCN và 5 doanh nghiệp lớn ngoài KCN cho thấy, trong tổng lưu lượng nước thải 76.457m3/ngày đêm có 449 thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn từ 10 đến 95 lần,... hơn 10 KCN chưa có hệ thống xử lý, hàng ngày vẫn xả trực tiếp ra môi trường11. Hà Nội có 5 KCN tập trung, 13 cụm công nghiệp vừa và nhỏ với tổng lượng nước thải khoảng 90.000m3. Lượng nước thải được xử lý đạt khoảng 30%; 36/400 cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn; khoảng 1.200 tấn/ngày rác thải sinh hoạt chưa được thu gom đang xả vào các khu đất ven các sông, hồ khiến các sông, hồ đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tp. Hồ Chí Minh có 25 KCN tập trung với tổng số 611 nhà máy và 195 cơ sở trọng điểm bên ngoài KCN, mỗi ngày thải vào hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai tổng cộng 1.740.000 m3 nước thải. Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng với công suất 141.000 m3/ngày vừa đi vào hoạt động,... nhưng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với thực tế12.

Một số ngành có đóng góp cho tăng trưởng thấp song lại có mức độ gây ô nhiễm cao, như: công nghiệp chế biến, khai khoáng, hàn đóng tàu, nhiệt điện,... phần lớn là chất thải nguy hại nhưng chưa có biện pháp xử lý hiệu quả vì chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý cao còn mức phạt vi phạm thấp nên nhiều doanh nghiệp chọn hình thức xả thải và nộp phạt, nhiều doanh nghiệp nộp phạt đến hàng chục lần. Ngoài ra, nguồn ô nhiễm không nhỏ do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu phế liệu. Theo thống kê chưa đầy đủ của lực lượng cảnh sát môi trường Hải Phòng thì: năm 2008 - 2009, phát hiện 340 container rác phế liệu và hàng chục container ắc-quy chì phế thải, vi mạch điện tử nhập cảng. 9 tháng đầu năm 2010, hơn 300 container chất thải vi phạm pháp luật BVMT lưu bãi,13...

1.3. Môi trường nông thôn

Kết quả khảo sát của Viện Nước, tưới tiêu và môi trường cho thấy, với khoảng 70% dân số ở khu vực nông thôn, mỗi năm phát sinh 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt và khoảng 7.500 tấn vỏ bao thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Khoảng 80% khối lượng rác thải, nước thải sinh hoạt và hầu hết lượng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom, xử lý hợp vệ sinh14. Hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản chủ yếu theo hướng tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu biện pháp xử lý, chất thải từ thức ăn thừa, phân, thuốc,... không được thu gom, xử lý một cách triệt để khiến cho môi trường bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Môi trường làng nghề cũng ngày càng trở nên phức tạp, 100% làng nghề vi phạm quy định về BVMT. Đặc biệt là các làng nghề tái chế kim loại, đúc đồng, nhôm, chì, giấy, dệt, nhuộm,... phát sinh khoảng 1-7 tấn CTR/ngày và thải hàng ngàn m3 nước thải/ngày không qua xử lý ra môi trường15. Hầu hết các làng nghề đều mang tính tự phát, mặt bằng sản xuất chật chội, việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải ít được quan tâm; nhà nước thiếu cơ chế quản lý, giám sát và những chế tài mạnh nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ngày càng nghiêm trọng. Người dân địa phương luôn phải sống trong bụi và tiếng ồn từ các hoạt động sản xuất cả đêm lẫn ngày, mùi hôi nồng nặc do phân hủy chất hữu cơ từ chất thải,...

Việc thực hiện các chỉ tiêu về môi trường - BVMT và tài nguyên thiên nhiên là một trong các vấn đề lớn được Chính phủ và các Bộ, ngành hết sức quan tâm, nhưng 8 chỉ tiêu môi trường đặt ra trong giai đoạn 2006 - 2010 thì có 4 chỉ tiêu không đạt, 4 chỉ tiêu đạt và xấp xỉ đạt. Các chỉ tiêu không đạt được đánh giá là do cơ chế, chính sách chưa phù hợp; chưa xác định rõ trách nhiệm đối với các bộ, ngành, địa phương có liên quan, việc xác định các chỉ tiêu còn mang tính chủ quan16. Vấn đề xử lý và quản lý các loại chất thải (công, nông, ngư nghiệp,...) còn nhiều bất cập. Vì vậy, sức ép đối với môi trường là rất lớn.

Cùng với thực trạng ô nhiễm môi trường là áp lực của khủng hoảng sinh thái toàn cầu. Thảm họa môi trường xảy ra thường xuyên với diễn biến phức tạp hơn. Tình trạng hạn hán, úng ngập, nước biển dâng, mưa lớn kèm núi lở, lũ quét xảy ra liên tiếp,... Lũ phá hủy và hòa trộn các công trình xử lý chất thải, các kho chứa hóa chất, các nhà vệ sinh, các công trình chứa nước sạch,... làm phát sinh và lây lan dịch bệnh trên diện rộng khiến cuộc sống của người dân ở một số vùng bị đảo lộn, an ninh môi trường và an ninh lương thực bị đe dọa. Theo Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và môi trường thì thiệt hại do thiên tai ở Việt Nam thuộc loại lớn trên thế giới. Trong 5 năm gần đây, mỗi năm thiên tai làm chết khoảng 500 người, gây thiệt hại 14,5 nghìn tỉ đồng, tương đương 1,2% GDP cả nước17.

Có thể nói, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái không được hỗ trợ, củng cố đã trở nên quá tải. Tự thân môi trường không thể tiếp nhận, chuyển hóa, hấp thụ hết lượng chất thải quá lớn do con người thải ra, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng. Quá trình sinh - địa - hóa nền tảng bị đảo lộn khiến thảm họa môi trường diễn ra thường xuyên. Sự bùng phát đột biến và tàn khốc của thiên tai, bão lốc, lũ quét, địa chấn bất thường, động đất, nước biển dâng,... là những cấp độ khác nhau của sự mất cân bằng sinh thái, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và việc thụ hưởng quyền được sống trong môi trường trong lành của con người. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, hai thập kỷ qua, mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại từ 1% đến 1,5% GDP do các thảm họa thiên nhiên. Các thiệt hại do thiên tai đã vượt quá những tổn thất do các biến động xã hội và chiến tranh. Thời gian tới, sự uy hiếp của môi trường sẽ còn vượt xa hơn. Hiện có khoảng 25 triệu người tị nạn môi trường, con số này sẽ lên ít nhất là 50 triệu người vào đầu thế kỷ 21. Các chuyên gia ở Viện An ninh môi trường và con người của Đức cho biết, có khoảng 20 - 150 triệu người bị đảo lộn cuộc sống vì môi trường bị hủy hoại. Năm 2010, gần 300.000 người đã thiệt mạng từ hơn 370 thảm họa môi trường18, trong khi số người chết vì các vụ tấn công khủng bố từ năm 1968 đến 2009 là gần 115.000 người - phép so sánh nhỏ này cho thấy sức hủy diệt ghê gớm của những thảm họa thiên nhiên do ô nhiễm, suy thoái môi trường.

2. Ô nhiễm môi trường với quyền được hưởng môi trường trong lành

Quyền được sống trong môi trường trong lành được ghi nhận tại Điều 43 Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Theo Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường, có thể hiểu môi trường sống trong lành mà con người có quyền hưởng là môi trường tự nhiên xung quanh con người (nơi làm việc, nơi sinh sống, nơi vui chơi); môi trường cảnh quan, môi trường đất, môi trường không khí, môi trường nước; là vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường và tất cả những tác nhân ảnh hưởng (ở gần, ở xa) tới môi trường đó. Có thể khái quát môi trường trong lành là môi trường tự nhiên xung quanh con người mà các nồng độ có trong các thành tố: đất, nước, không khí,... không vượt quá tiêu chuẩn cho phép, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của con người và các dạng sống khác.

Thực tế cho thấy, môi trường (đất, nước, không khí) ngày càng ô nhiễm và suy thoái, tài nguyên ngày càng cạn kiệt, các thảm họa thiên nhiên diễn ra thường xuyên cả về tần suất và cường độ. Về mặt luật pháp, các quyền về tài sản, tính mạng và sức khỏe bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm và suy thoái môi trường được ghi nhận và bảo vệ bằng các quy định trong Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật Bảo vệ môi trường,... Xét về lý thuyết, trong lĩnh vực môi trường thì quyền của người dân là nghĩa vụ tương ứng của doanh nghiệp và chính quyền. Tuy nhiên, thực tiễn ở Việt Nam cho thấy các quyền căn bản này đã không được tôn trọng và bảo vệ. Tình trạng vi phạm và coi thường pháp luật bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của con người tại các doanh nghiệp đã trở nên phổ biến. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới hàng loạt những vụ khiếu kiện, xung đột môi trường thời gian qua. Có thể kể đến một số vụ điển hình như: vụ xả thải chưa qua xử lý của Công ty Vedan tại lưu vực sông Thị Vải gây ô nhiễm, thiệt hại lớn cho các hộ dân tại 3 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh (9/2008); vụ xả thải không qua xử lý của Nhà máy xử lý nước thải tập trung Sonadezi Long Thành tại Đồng Nai dẫn tới việc người dân kéo tới hồ chứa nước thải của nhà máy đập vỡ nắp cống, lấp mương xả thải (8/2011); vụ xả thải có hóa chất độc hại với hàm lượng vượt quy định ra sông Ghẽ của Công ty Tung Kuang, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương (4/2011) khiến người dân vô cùng bức xúc; vụ hàng trăm người dân vây kín, ngăn cản xe chở đầu vỏ tôm vào Công ty TNHH kỹ nghệ sinh hóa Quốc Thành - Việt Trung, Cà Mau (2008); vụ hơn 200 người dân xã La Ngà tập trung ngoài trụ sở Công ty AB Mauri tại Đồng Nai phản đối tình trạng gây ô nhiễm do xả thải (2009); vụ xả thải của Nhà máy sản xuất proniken thuộc Công ty TNHH Trường Khánh dẫn tới việc các hộ dân của huyện Kinh Môn lập “chiến lũy” bao vây nhà máy (2013); Vụ Công ty Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa) chôn gần 1000 tấn chất độc gây ô nhiễm nghiêm trọng đất, nước và không khí làm ảnh hưởng tới sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và cuộc sống của người dân trong khu vực,...

2.1. Ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được sống trong môi trường trong lành

Đất đai bị ô nhiễm, suy thoái sẽ đe dọa an ninh và an toàn lương thực, làm giảm năng suất và mất an toàn đối với các sản phẩm cây trồng. Các bệnh do thực phẩm nhiễm độc gây nên không chỉ là các bệnh cấp tính do ngộ độc thức ăn mà còn là các bệnh mãn tính do nhiễm và tích lũy các chất độc hại từ môi trường bên ngoài vào thực phẩm, gây rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, trong đó có bệnh tim mạch và ung thư19. Thực tế, sự suy thoái đất thường kéo theo suy thoái hệ thực vật, động vật, môi trường, đồng thời làm cho diện tích đất nông nghiệp suy giảm. Điều này đặt ra những thử thách lớn phải giải quyết nhiều vấn đề nghiêm trọng về môi trường đất nhằm bảo đảm an toàn lương thực quốc gia. Quyền có lương thực thỏa đáng đi liền với lương thực an toàn.

Sự khai thác quá mức nguồn nước và việc gây ô nhiễm nước tại các sông, suối, ao hồ, mạch nước ngầm,... đã và đang ngày càng gia tăng sức ép đối mặt với sự thiếu nước nghiêm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới quyền sử dụng nước mà việc thiếu điều kiện tiếp cận nước sạch còn ảnh hưởng tới quyền sức khỏe. Sử dụng nước không hợp vệ sinh là mầm mống của dịch bệnh, đặc biệt tác động đến cuộc sống của nhóm dễ bị tổn thương, người nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa, phụ nữ, trẻ em,... Nước thuộc nhóm những cam kết thiết yếu bảo đảm một mức sống thỏa đáng, là những điều kiện cơ bản nhất cho sự tồn tại và phát triển. Đó là, nước phải phù hợp với nhân phẩm, cuộc sống và sức khỏe: “Quyền có nước sạch là một trong những yếu tố cần thiết nhằm đảm bảo một cuộc sống thoải mái, nước là điều kiện thiết yếu đảm bảo cho sự sống còn của con người” (Tuyên bố của Ủy ban Liên hiệp quốc về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, 2002). Quyền sử dụng nước gồm đủ lượng nước và nước đảm bảo vệ sinh. Ô nhiễm nguồn nước trước tiên vi phạm quyền có nước sạch và điều kiện vệ sinh, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận lương thực đầy đủ và an toàn, quyền sức khỏe, quyền phát triển, quyền có mức sống thỏa đáng,...

Ô nhiễm không khí là một trong những tác nhân nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người, mạnh hơn tác động của các loại bụi. Tháng 10/2013, WHO đã xếp ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh ung thư ở người. Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về Ung thư (IARC) sau khi phân tích hơn 1.000 nghiên cứu trên toàn thế giới đã có đủ bằng chứng kết luận về việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm gây ung thư phổi, ung thư bàng quang. Ô nhiễm không khí là chất sinh ung thư trong môi trường nguy hiểm nhất, hơn cả việc hút thuốc thụ động. Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền sống, quyền sức khỏe, quyền phát triển,... của những người dân trong khu vực mà còn làm nảy sinh các xung đột xã hội20. Ô nhiễm không khí có thể gây mưa a xít phá hủy mùa màng và tài sản, gây ô nhiễm nguồn nước, đất. Khi nước mưa a xít ngấm vào đất, hoa màu và nguồn nước con người sử dụng sẽ bị nhiễm bệnh, có thể dẫn đến ung thư, đe dọa đến tính mạng và cản trở việc thụ hưởng các quyền khác.

Ở Việt Nam, khoảng hai thập niên trở lại đây, sức khỏe của con người bị ảnh hưởng ngày càng lớn và hệ quả ngày càng nghiêm trọng do sự xuống cấp của môi trường (đất, nước, không khí). Trong khi tiêu chuẩn sống đòi hỏi ngày càng cao, ngoài việc no đủ về vật chất thì phải thoải mái về tinh thần, môi trường sống phải trong lành và an toàn, không có ô nhiễm môi trường và không bị lo sợ vì các thảm họa thiên nhiên. Nhiều nhà khoa học đã chỉ ra rằng, môi trường không bị ô nhiễm là cơ sở, nền tảng thiết yếu để hiện thực hóa các quyền con người. Tôn trọng, bảo vệ các quyền con người là điều kiện tốt để bảo vệ môi trường. Mọi sự ô nhiễm, suy thoái môi trường (đất, nước, không khí) đều trực tiếp tác động đến chất lượng cuộc sống, đến việc thụ hưởng các quyền con người:

-      Quyền sống sẽ không thể được bảo đảm nếu không khí bị ô nhiễm. Theo ước tính của WHO, có khoảng 2,4 triệu người chết mỗi năm do ô nhiễm không khí.

-      Quyền sức khỏe có liên quan chặt chẽ với quyền sống, nó thường xuyên bị vi phạm do ô nhiễm không khí, đất đai, và nước diễn ra thường xuyên, liên tục.

-      Quyền về nước dù chưa được pháp điển hóa trong các điều ước quốc tế, nhưng tiếp cận nước sạch đã được chấp nhận là quyền con người - quyền có nước sạch và vệ sinh môi trường. Nó có liên quan chặt chẽ với quyền sống và sức khỏe.

-      Môi trường liên tục bị ô nhiễm, phá vỡ sự cân bằng sinh thái dẫn tới nguy cơ thiếu lương thực và mất an toàn lương thực, đe dọa quyền về lương thực.

-      Phát triển bền vững đề cao sự tăng trưởng kinh tế nhưng kèm theo đó là sự phá hủy môi trường thì sẽ không thể có sự tiến bộ xã hội lâu dài - quyền phát triển.

-      Quyền đối với tài sản: khi nước biển dâng cao, một nửa dân số Việt Nam sống ở vùng duyên hải và các vùng trũng hoặc các hải đảo sẽ bị nhấn chìm, mất tài sản.

-      Quyền đối với nhà ở: sự xuống cấp của môi trường sẽ đẩy cá nhân, cộng đồng hoặc họ sẽ bị cưỡng bức di dời tới những nơi điều kiện sống không bảo đảm về sức khỏe và an toàn.

-      Quyền tiếp cận thông tin và quyền tham gia: công chúng có quyền tiếp cận thông tin do chính quyền và doanh nghiệp cung cấp, nghĩa vụ của chính quyền và doanh nghiệp là cung cấp thông tin cho công chúng, thông tin về các chỉ số, thông số môi trường, các khả năng có thể xảy ra,...

-      Quyền làm việc, kiếm kế sinh nhai: phá hủy môi trường đồng nghĩa với sự tước đi quyền làm việc của nhiều người. Ô nhiễm các sông, ngòi, kênh, mương sẽ đẩy những người sống bằng nghề đánh bắt cá mất việc làm,…

2.2. Ô nhiễm môi trường các quyền con người

Như trên đã nói, quyền sống sẽ không thể được bảo đảm nếu phải sống trong bầu không khí bị ô nhiễm. Quyền sống là quyền cơ bản, tối cao và thiết yếu nhất của con người. Để bảo vệ quyền sống trong bối cảnh chất lượng môi trường sinh thái bị suy giảm và biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động tiêu cực đến con người thì nội hàm khái niệm quyền sống được mở rộng và phát triển, đó là quyền sống trong môi trường trong lành. Những năm gần đây, loài người đã cảm nhận rõ hơn về sức tàn phá khủng khiếp của các thảm họa thiên nhiên, như: động đất, núi lửa, nước biển dâng, lũ lụt, sóng thần,... Nhưng quan trọng hơn cả là con người phải nhận thức được rằng chính hành động thiếu ý thức của mình là nguyên nhân chủ yếu khiến các thảm họa thiên nhiên thảm khốc hơn bao giờ hết,21 vì vậy, con người cần phải thay đổi cách ứng xử với thiên nhiên.

Ô nhiễm không khí gây ra hiệu ứng nhà kính một mặt phá hủy tầng ôzôn ở hai cực, phá hủy bức màn che chắn và làm giảm tia cực tím đến mức cần thiết, mặt khác làm cho trái đất nóng lên (dự đoán thế kỷ XXI nhiệt độ trái đất tăng thêm 40C) gây hiện tượng tan băng ở hai cực và làm nước biển dâng cao, xóa sổ nhiều quốc đảo nhỏ, nhấn chìm các vùng đất thấp ven biển, làm biến dạng các quy luật thiên tai, gây ra những tổn thất không thể lường hết được cho sự sống trên trái đất, cho nhân loại, ở Việt Nam, nhiều tỉnh thuộc vùng duyên hải và vùng ven biển của tỉnh Thái Bình sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Xin đưa một vài dẫn chứng về ô nhiễm môi trường, liệu có phải ảnh hưởng đến quyền con người?

1) Tại diễn đàn sức khỏe môi trường do Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Y tế tổ chức ngày 25/10/2011 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Phạm Khôi Nguyên xác nhận: “Hiện cả nước đã xuất hiện một số “làng ung thư” tại Phú Thọ, Hải Phòng, Hà Tây, Nghệ An,... là biểu hiện đáng lo ngại và nguy cơ tiềm ẩn liên quan giữa sức khỏe và môi trường”. Theo các chuyên gia, hàng năm, cả nước có gần 200.000 bệnh nhân ung thư mới phát hiện. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ung thư ngày càng gia tăng do môi trường sống ngày càng xuống cấp trầm trọng. Điều tra ban đầu tại khu vực xã Thạch Sơn (Lâm Thao, Phú Thọ) cho thấy, nhiều chỉ tiêu các chất gây hại: asen, amoniac, mangan vượt quá mức cho phép, môi trường đất bị nhiễm kim loại nặng: đồng, chì, kẽm. Trong thời gian 1991 - 2005, toàn xã Thạch Sơn có 106 người bị ung thư. Số người chết do ung thư chiếm tỉ lệ 34,86% tổng số người tử vong. Có 9 gia đình mà cả vợ và chồng đều chết do ung thư; 7 gia đình có bố mẹ và con đều chết do ung thư. Hiện tại, Bộ Y tế đang thực hiện điều tra về nguyên nhân xuất hiện các “làng ung thư”22.

2) Năm 2012, Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) về thôn Đông Mai (Chỉ Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên) làm xét nghiệm cho 109 trẻ em. Có 06 trẻ em có hàm lượng chì vượt chuẩn chưa đến hai lần, 24 trẻ sau đó được xét nghiệm lại máu tĩnh mạch, kết quả 02 trẻ có hàm lượng chì máu ở mức nguy hiểm, 17 ở mức báo động, 04 ở mức cao và 01 ở mức ranh giới (khuyến cáo của Trung tâm Phòng chống bệnh tật Mỹ, hàm lượng chì trong máu của trẻ em không được vượt quá 10mg/dl). Tất cả trẻ được làm xét nghiệm ở thôn Đông Mai đều dưới 10 tuổi. Thôn Đông Mai làm nghề tái chế pin, ắc quy khoảng 30 năm trở lại đây. Kỳ cao điểm, cả làng có gần 200 hộ làm nghề, đến tháng 8/2013 còn khoảng 60 hộ. Người dân đi thu gom pin, ắc-quy ở khắp các vùng rồi mang về làng tái chế hoàn toàn thủ công. Những hóa chất trong pin, ắc-quy được xả ngay ra sân, rồi đổ trực tiếp theo kênh mương ra cánh đồng. Hóa chất gây sủi bọt ở khắp các kênh mương khiến nhiều diện tích đất không trồng cấy được. Mỗi hộ làm nghề có một lò tái chế, cứ chiều chiều cả làng chìm trong khói bụi. Các loại rau, cá của làng cũng có hàm lượng chì nhiễm vượt tiêu chuẩn 4,6 lần. Chì có thể nhiễm vào cơ thể qua đường nước, không khí, đất, rau, quả,... Theo TS. Phạm Duệ, giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trẻ em nhiễm độc chì đến 70mg/dl thì bị hội chứng não cấp, phù não, các rối loạn khác, có thể dẫn đến tử vong. Ô nhiễm chì làm trẻ em chậm phát triển trí tuệ, suy giảm chỉ số IQ, thay đổi hành vi, tính tình. Khi mẹ có chì trong máu thì con cũng mang chì trong máu qua đường bú sữa. Vì thế, nguy cơ ảnh hưởng đến thế hệ sau có thể xảy ra23.

Kết luận

Có thể nói, ô nhiễm môi trường là một hiểm họa thầm lặng đối với sự sống của con người. Các chất độc hại chứa trong các chất thải tác động lên sự sống ở cấp độ tế bào, không gây đau đớn ngay lập tức, không gây cảm giác mạnh để có thể cảm nhận được ngay mà nó tàn phá âm thầm, lặng lẽ, nhưng lâu dài và vô cùng nguy hiểm, để lại hậu quả nặng nề cho nhiều thế hệ. Đó là sự lan truyền vi-rút, vi khuẩn qua không khí, nước sinh hoạt, qua các sản phẩm vật nuôi, cây trồng có tại địa phương,... và truyền bệnh cho con người. Nước sạch, không khí an toàn, thực phẩm an toàn,... đều là những điều kiện và phương tiện không thể thiếu đối với con người, có liên quan chặt chẽ và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe, đến quyền sống và quyền phát triển của con người. Sự phát triển bền vững của quốc gia, chất lượng cuộc sống, sức khỏe của dân cư và an ninh quốc gia chỉ có thể được bảo đảm trong điều kiện bảo tồn và gìn giữ được môi trường trong sạch. Sự ô nhiễm, suy thoái môi trường không chỉ gây tổn thất cho phát triển kinh tế, có thể phá hủy thành tựu tăng trưởng, dẫn tới gia tăng nghèo đói, sự phân hóa và bất bình đẳng xã hội, mà còn gây nhiều bệnh tật nguy hiểm, làm tổn hại sức khỏe, đe dọa sinh mạng của nhiều triệu con người, ảnh hưởng đến việc thụ hưởng các quyền con người, thậm chí còn đe dọa quyền làm người. Vì vậy, quyền được sống trong môi trường trong lành cần phải được tôn trọng, được thực hiện và được bảo vệ.

Tài liệu tham khảo

 

1.      Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Báo cáo phát triển con người 2007/2008: “Chống lại sự thay đổi khí hậu: Đoàn kết nhân loại trong một thế giới phân cách”.

2.      “Khủng hoảng nước và vệ sinh toàn cầu là tình huống khẩn cấp im lặng”,

     http://www.undp.org.vn/detail/newsroom/news-details/?contentId=2085&language.

3.      World Bank, Báo cáo phát triển thế giới 2010: “Phát triển và biến đổi khí hậu”.

4.      Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Báo cáo đánh giá toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro thảm họa năm 2010, 2011, 2012.

5.      Bộ Tài nguyên và môi trường, Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2010, 2011.

6.      Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (2005), Luật Bảo vệ môi trường.

7.      Lê Huy, “Ô nhiễm môi trường công nghiệp, môi trường đô thị và tác động của chúng đến con người”,

      http://www.scribd.com/doc/37623352/O-NHI%E1%BB%84M-MOI-TR%C6%AF.

8.      Thu Hương, “Ô nhiễm trong nhà gây tử vong cao nhất”,

     http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/moi-truong/2012/02/nhieu-nuoc-ung-ho-viec-lap-to-c.

9.      Viện Nghiên cứu Quyền Con người (2012), Tài liệu tập huấn: “Tiếp cận quyền trong bảo vệ môi trường”.

10.  Kiệt Linh (tổng hợp), theo vnmedia.vn: 2010 - năm thiên nhiên trả thù con người?”, http://www.tinmoi.vn/2010-nam-thien-nhien-tra-thu-con-nguoi-01225463.html.

11.  Trần Đắc Hiến, “Ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay - Thực trạng và một số giải pháp khắc phục”, http://www.moitruong.com.vn, 24/03/2011.

12.  http://m.nguoiduatin.vn/ti-nan-moi-truong-thuc-trang-va-nhung-thach-thuc-a777.

13.  CIEM, Thông tin chuyên đề “Giữ gìn môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội”, Số 4/2012.

14.  Nguyễn Cương - Hà Nội mới, “Rác thải y tế: Gánh nặng cho môi trường”,

       http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Moi-truong/551390/rac-thai-y-te-ganh-nang-cho-moi-truon, 23/6/2012.

15. “Những đứa trẻ mang chì trong máu”,

        http://www.tin247.com/nhung_dua_tre_mang_chi_trong_mau-10-22459086.html.

 

 


* ThS.; Viện Nghiên cứu Con người.

1 Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, số 1821/BC-UBKT12 ngày 18/10/2010.

2 Tổng cục Thống kê (2011): Năm 2009, dân số đô thị là 25,59 triệu người (29,74% tổng dân số cả nước), năm 2010 tăng lên 26,22 triệu người (30,17%). Dự báo năm 2015 là 35 triệu người (38%), năm 2020 là 44 triệu người (chiếm 45%).

3 “Ô nhiễm môi trường, “sát thủ” hàng đầu của sức khỏe”,

http://www.google.com.vn/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&frm=1&source=web&cd=57&ved=0CFAQFjA

5 CIEM: Thông tin chuyên đề: “Giữ gìn môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội”, Số 4/2012, tr.16.

6 Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo môi trường Quốc gia 2011 “Chất thải rắn”. tr 19 - 27.

7Thanh Thúy, “Rác thải y tế - Mối nguy hại cho sức khỏe, môi trường”, http://giaothongvantai.com.vn/khoa-hoc-doi-song/suc-khoe/201204/Rac-thai-y-te-Moi-nguy-hai-cho-suc-

8 Nguyễn Cương, “Rác thải y tế: Gánh nặng cho môi trường”, 

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Moi-truong/551390/rac-thai-y-te-ganh-nang-cho-moi-truong.

9 CIEM, Thông tin chuyên đề: “Giữ gìn môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội”, Số 4/2012, tr.21.

10 Lê Hùng, “Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp”,

http://www.monre.gov.vn/v35/default.aspx?tabid=428&cateID=24&id=129854&code=YXNC1298.

11 Cao Minh Nghĩa, “Cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn một số tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - thực trạng và biện pháp xử lý”.

12 Phương Văn Đông,Nước thải đô thị - bài toán chưa có lời giải”, http://www.epe.edu.vn/?nid=416.

13 “10 cảnh báo về an ninh môi trường Việt Nam”, http://www.vacne.org.vn/?newsid=9.

14 Thúy Nga, “Ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn: SOS!”, http://hanoimoi.com.vn, 23/04/2012.

16 Báo cáo môi trường quốc gia, 2010: Chỉ tiêu về tỉ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 70/75%; tỉ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 79/95%; tỉ lệ KCN, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn là 60/100% (khi đặt ra chỉ tiêu này đã không tính đến các doanh nghiệp hoạt động trước 2005 chưa hoàn thành hạng mục này); tỉ lệ thu gom CTR đô thị đạt 75/85%; tỉ lệ chất thải y tế được thu gom là 75/80%; tỉ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 65/70%; chỉ tiêu về tỉ lệ diện tích đất có rừng che phủ là 40/42- 43% (tr.24).

17 Bộ Tài nguyên môi trường, Báo cáo Môi trường Quốc gia 2010: “Tổng quan Môi trường Việt Nam”, tr.42.

18 http://m.nguoiduatin.vn/ti-nan-moi-truong-thuc-trang-va-nhung-thach-thuc-a77730.html.

19 http://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%87_sinh_an_to%C3%A0n_th%E1%BB%B1c_ph%E1%BA

20 Trần Đắc Hiến, “Ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay - Thực trạng và một số giải pháp khắc phục”,

http://www.moitruong.com.vn, 24/03/2011.

21Kiệt Linh (tổng hợp), Theo vnmedia.vn, “2010 - năm thiên nhiên trả thù con người?”, http://www.tinmoi.vn/2010-nam-thien-nhien-tra-thu-con-nguoi-01225463.html .

22 Viện Nghiên cứu Quyền Con người (2012), Tài liệu tập huấn “Tiếp cận quyền trong bảo vệ môi trường”, tr.39.

23 “Những đứa trẻ mang chì trong máu”,

http://www.tin247.com/nhung_dua_tre_mang_chi_trong_mau-10-22459086.html.