Vấn đề nhân quyền trở thành vấn đề của nhân loại từ thời Cổ đại. Thời đó nhân quyền được hiểu là vai trò của cá thể trong một quốc gia. Từ thế kỷ 18, nước Mỹ có Tuyên ngôn Độc lập (1776) và nước Pháp có Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (1791). Sang thế kỷ 19, tác phẩm triết học nổi tiếng về quyền do F. Hegel năm 1820 đã có những luận điểm mới. Và đến đầu thế kỷ 20, Cách mạng tháng Mười (1917) mở ra thời kỳ mới của vấn đề nhân quyền. Đến giữa thế kỷ 20, phong trào giải phóng dân tộc nổi lên, mà Việt Nam là một nước đi tiên phong, đã làm cách mạng tháng Tám và ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với ba mục tiêu lớn: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, mở đầu thời đại nhân quyền và dân quyền cho mọi người dân nước ta. Nghị quyết của Đại hội Tân Trào (Tuyên Quang) thông qua ngày 16.8.1945 là sự khẳng định bằng văn bản chính thức. Nội dung của Tuyên ngôn Độc lập cũng đã coi nhân quyền và dân quyền là nền tảng của độc lập dân tộc, là mục đích cao nhất của cách mạng.
Từ việc phân biệt (và tìm mối liên hệ) hai khái niệm nhân quyền (quyền của con người) và dân quyền (quyền của công dân), phân tích phạm vi của hai khái niệm này trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp, tác giả đi tới việc phân tích nội dung biểu hiện nhân quyền và dân quyền trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam và các quy định của hai quyền này trong các văn bản pháp luật của Việt Nam. Đồng thời, tác giả cũng khẳng định, quá trình thực thi các quyền này đã và đang diễn ra một cách hết sức phức tạp, tùy thuộc vào nhiều điều kiện cụ thể; tuy nhiên, chúng ta cũng đã thu được một số kết quả đáng kể trong lĩnh vực này. Các số liệu trong cuộc Điều tra giá trị Thế giới (WVS) năm 2001 (81 nước và vùng lãnh thổ tham gia) là minh chứng rõ ràng cho những luận điểm mà tác giả đã trình bày ở trên.
Nguyễn Thắm lược thuật