Bài viết Một số vấn đề đói, nghèo của nhóm hộ thuộc diện khó khăn nhất trong cộng đồng ở nông thôn Việt Nam của tác giả Nguyễn Trọng Xuân được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 3(3), 2002. Từ việc phân tích tình trạng đói nghèo của Việt Nam, bài viết đã đi đến nhận diện nhóm hộ thuộc diện khó khăn nhất trong cộng đồng ở nông thôn Việt Nam hiện nay là những ai; tại sao họ lại thuộc nhóm đó; và bằng cách nào để có thể giúp họ khỏi tình cảnh mà họ đang tồn tại?
Dựa trên các kết quả khảo sát thực tế, tác giả bài viết đã phân tích một số đặc điểm của những hộ thuộc nhóm khó khăn trong cộng đồng, đó là những hộ kém về sản xuất kinh doanh, thu nhập; mức sống thiếu thốn và bấp bênh, bị yếu thế về mọi mặt như chế độ ăn không đủ dinh dưỡng, nhà ở chật hẹp, quần áo cũ nát, không có tài sản có giá trị, thiếu hoặc ít ruộng đất.
Về nguyên nhân của tình trạng đói nghèo, kết quả nghiên cứu “Đánh giá đói nghèo bằng phương pháp có sự tham gia của người dân” đã cho phép xác định nguyên nhân của đói nghèo xếp theo tần suất xuất hiện thứ tự như sau: Thiếu đất canh tác lúa nước; vật nuôi cây trồng bị dịch bệnh; thiếu vốn sản xuất; thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng trọt chăn nuôi; xuất phát điểm về tiềm lực kinh tế thấp; thiên tai; thiếu các yếu tố cần cho phát triển sản xuất (như nước tưới, sức kéo, phân bón); đông con, đau ốm bệnh tật; giao thông khó khăn.
Tác giả bài viết đã phân tích một số lực cản và hạn chế chủ yếu đối với hướng đi lên của các hộ thuộc diện khó khăn nhất trong cộng đồng. Về kinh tế, hầu hết các hộ trong nhóm khó khăn nhất thiếu (hoặc không có) tư liệu sản xuất, phần đông lại mắc nợ và gặp hạn chế trong việc tiếp cận lợi ích từ các chương trình dự án nói chung. Về hành vi ứng xử, họ thường có tâm trạng tự ti, mặc cảm, chấp nhận lép vế trong cộng đồng, cam chịu số phận. Về thái độ của cộng đồng và mức độ tác động của các biến động bên ngoài, phần đông dân cư trên cùng địa bàn tỏ thái độ thông cảm, thương hại, muốn giúp đỡ, sẵn sàng ưu tiên những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất khi nhận trợ giúp bên ngoài (nếu có). Tuy nhiên, ít người tin vào khả năng tự vươn lên của đối tượng này. Về thể chế chính sách, Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế có nhiều chính sách, chương trình, hoạt động hỗ trợ công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam.
Tác giả bài viết cũng đề xuất một số giải pháp chung cho tình trạng đói, nghèo của các hộ thuộc diện khó khăn nhất trong cộng đồng. Các nhóm giải pháp chính bao gồm: (1) tổ chức nghiên cứu đa ngành nhằm xác định tính đặc thù và yêu cầu cụ thể của các địa phương làm cơ sở cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp; (2) tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận được các dịch vụ sản xuất và xã hội; (3) chú trọng công tác giáo dục, nâng cao dân trí, tăng cường đầu tư một cách hợp lý cho công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng nhằm tạo cho các hộ đói nghèo một nguồn nhân lực cần thiết cho sự phát triển. Về các giải pháp đặc thù, theo tác giả, cần tạo điều kiện cho các hộ thuộc diện khó khăn nhất được tham gia, trực tiếp bàn bạc dân chủ để tìm giải pháp cho tình trạng đói nghèo; hỗ trợ để họ có được năng lực tối thiểu tự vươn lên thoát đói nghèo; nâng cao khả năng của họ trong việc tiếp nhận và hưởng lợi từ các chương trình, dự án.
Vũ Thị Thanh lược thuật