Bài viết Định hướng giá trị trong thời kỳ quá độ từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường tại Việt Nam của hai tác giả GS.VS.TSKH Phạm Minh Hạc và PGS.TS.Phạm Thành Nghị được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 1 (1), 2002. Bài viết phân tích một số định hướng giá trị của người Việt Nam dựa trên kết quả điều tra Giá trị thế giới do Viện Nghiên cứu Con người thực hiện vào tháng 8 năm 2001.
Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ người dân Việt Nam cảm thấy mình hạnh phúc là rất cao (chiếm 92%). Chỉ số này cao hơn nhiều so với các quốc gia khác. Bên cạnh đó, người dân có xu hướng hài lòng với cuộc sống và mong muốn giữ vững an ninh và ổn định chính trị xã hội.
Tỷ lệ người dân Việt Nam biểu thị thái độ tin tưởng và ủng hộ đối với chính phủ cao hơn so với tỷ lệ biểu hiện thái độ tin tưởng và ủng hộ với các tổ chức tôn giáo.
Về những điều quan trọng trong cuộc sống, hầu hết người dân tham gia trả lời phỏng vấn đều khẳng định vai trò quan trọng của gia đình, tiếp đó là đến vai trò của lao động, chính trị, bạn bè. Những nội dung không có tầm quan trong đáng kể là tôn giáo, giải trí và chúa trời.
Các kết quả khảo sát cũng cho thấy các giá trị liên quan tới sự sinh tồn, ví dụ như việc làm, được người dân Việt Nam hết sức chú trọng. Trong khi đó, các giá trị liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo lại ít được người dân đề cao. Tuy nhiên, nếu so với kết quả trước năm 1990 thì giá trị tôn giáo có xu hướng tăng lên đáng kể, có nhiều người đến với niềm tin tâm linh, nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục.
Kết quả khảo sát cho thấy nhiều biểu hiện tích cực trong giá trị của người Việt Nam. Ví dụ, người dân có xu hướng không phân biệt nam nữ trong các hoạt động lãnh đạo chính trị, việc làm; người dân Việt Nam đánh giá cao vai trò của khoa học, dân chủ và sự bao dung.
Từ việc phân tích các kết quả khảo sát, các tác giả đã đi tới kết luận rằng nền kinh tế phát triển kéo theo sự biến đổi toàn diện hệ thống gia trị. Vì thế cần phải nghiên cứu hệ thống giá trị, thước đo giá trị và định hướng giá trị. Việt Nam sẽ kiên trì kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống và tiếp thu tinh thoa nhân loại, tán thường quan điểm đa dạng trong thống nhất các giá trị văn hóa của các dân tộc trong nước cũng như trên phạm vi thế giới. Theo các tác giả, các giá trị, phần nào thuộc về các giá trị truyền thống và các giá trị sống còn, là “các giá trị chuyển tiếp” và họ đang tiến hành nghiên cứu sự thay đổi định hướng giá trị trong điều kiện đổi mới kinh tế - xã hội và kiến nghị giải pháp tác động làm thay đổi định hướng giá trị theo chiều hướng tích cực để phục vụ tốt quá trình đổi mới.
Vũ Thị Thanh lược thuật