Giới thiệu kết quả đề tài cấp Bộ 2019-2020: “Phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo tại chỗ trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”

05/04/2021

 

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo tại chỗ trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” do TS. Nguyễn Ngọc Trung, NCVC thuộc phòng Nghiên cứu Nguồn lực con người là chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Con người là cơ quan chủ trì đã được thực hiện trong giai đoạn 2019-2020.  Đề tài sử dụng cách tiếp cận liên ngành, sử dụng thang đo Likert, mô hình đa biến kết hợp tương tác, phương pháp phân tích tài liệu, phương pháp khảo sát định lượng (khảo sát 300 phiếu trong đó số mẫu ở doanh nghiệp lớn là 95 phiếu. doanh nghiệp vừa là 95 phiếu và doanh nghiệp nhỏ là 110 phiếu), thảo luận nhóm (02 nhóm tại doanh nghiệp lớn, 02 nhóm tại doanh nghiệp vừa và nhỏ) và phỏng vấn sâu (10 trường hợp cán bộ quản lý) nhằm nghiên cứu lý luận và đánh giá thực trạng hoạt động đào tạo tại chỗ vì mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của các doanh nghiệp; trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động đào tạo tại chỗ cho người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể, kết quả nghiên cứu chính của Đề tài đã đạt được như sau:

Một là, Đề tài trên cơ sở tổng quan một số khái niệm về nguồn nhân lực, phân tích mối quan hệ giữa phát triển nguồn nhân lực và đào tạo, trình bày quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực, đã xây dựng cơ sở lí luận cho đề tài nghiên cứu. Đề tài cũng chỉ rõ một số nội dung chính trong phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo tại chỗ gồm: đào tạo chuyên môn (đào tạo chuyên sâu, kiến thức chuyên biệt), đào tạo kĩ năng (kĩ năng làm việc chung, kĩ năng mềm), đào tạo quản trị (đào tạo kiến thức chung về quản trị, quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp) và đào tạo về an toàn làm việc (hoạt động giúp người lao động tránh và giảm thiểu rủi ro, hiểu và đáp ứng được các quy định và điều luật hiện hành).

Hai là, qua phân tích định lượng và nghiên cứu thực trạng hoạt động đào tạo tại chỗ vì mục tiêu phát triển nguồn nhân lực (NNL) của các doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa cho thấy:

Về thực trạng phát triển NNL từ đào tạo tại chỗ về chuyên môn: vấn đề này được xem xét trên ba khía cạnh: thích ứng với công việc, nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm dịch vụ; sự sáng tạo trong công việc. Phân tích kết quả khảo sát cho thấy, người lao động có sự thích ứng cao ở hầu hết các khía cạnh của công việc, có sự khác biệt giữa nam và nữ về tính thích ứng trong công việc tùy từng khía cạnh xem xét. Đào tạo tại chỗ ở các doanh nghiệp đã mang lại những ảnh hưởng tích cực tới số lượng và chất lượng sản phẩm dịch vụ ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, tuy nhiên có sự khác nhau giữa loại hình và quy mô doanh nghiệp. Doanh nghiệp loại vừa có điểm số tích cực cao hơn so với doanh nghiệp loại nhỏ và lớn. Xét trên yếu tố tính sáng tạo trong công việc của người lao động sau khi tham gia đào tạo tại chỗ về chuyên môn thì doanh nghiệp có quy mô vừa lại có điểm số thấp nhất. Phân tích số liệu khảo sát của đề tài để xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo tại chỗ về chuyên môn cho thấy, yếu tố thâm niên làm việc có tác động thuận chiều với chuyên môn người lao động, các yếu tố khác như tuổi, giới tính, trình độ giáo dục, việc luân chuyển vị trí, tự nghiên cứu hoặc có người trợ giúp không có mối tác động thuận chiều có ý nghĩa thống kê.

Về thực trạng phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo năng lực quản trị cho người lao động được xem xét trên bốn khía cạnh: năng lực quản trị quy trình sản phẩm hoặc dịch vụ, khả năng phân tích-ra quyết định, quản trị chung về tổ chức và văn hóa quản trị- văn hóa doanh nghiệp nói chung. Phân tích nhìn chung cho thấy doanh nghiệp qui mô lao động lớn có số điểm trung bình thấp hơn so với doanh nghiệp có quy mô vừa và quy mô nhỏ. Trong số các yếu tố ảnh hưởng, biến số tuổi, việc tự tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu của người lao động có tác động đến khả năng quản trị của người lao động.

Về thực trạng phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo tại chỗ về kiến thức, kĩ năng chung: xét trên khía cạnh kĩ năng để đảm bảo an toàn việc làm, kết quả phân tích số liệu điều tra thực địa cho thấy, phần lớn nữ giới có điểm số trung bình cao hơn so với nam giới về các kĩ năng và kiến thức liên quan sơ cứu và ứng cứu. Người lao động đều có ý thức và kĩ năng để giảm thiểu và tránh rủi ro cho bản thân và doanh nghiệp trong hoạt động hàng ngày, công tác huấn luyện đóng vai trò quan trọng không kém phần các yếu tố khác trong phòng ngừa rủi ro. Phân tích yếu tố ảnh hưởng cho thấy, giới tính, thâm niên công tác và trình độ giáo dục không có mối tác động thuận chiều với kiến thức và kĩ năng an toàn việc làm, số năm hoạt động của doanh nghiệp có mối quan hệ thuận chiều với kiến thức và kĩ năng an toàn của người lao động.

Xét trên khía cạnh kĩ năng làm việc, kết quả phân tích số liệu điều tra thực địa cho thấy: tại doanh nghiệp nhỏ lao động có tư duy phản biện, kĩ năng hợp tác, kĩ năng sử dụng điện thoại và ngôn ngữ linh hoạt có điểm số cao hơn, kĩ năng truyền thông có điểm số thấp hơn so với lao động tại hai mô hình doanh nghiệp còn lại; nữ giới có điểm số trung bình cao hơn nam giới ở sử dụng điện thoại hiệu quả, sử dụng ngôn ngữ linh hoạt khéo léo, có kĩ năng lắng nghe và mở rộng câu chuyện với đồng nghiệp, trong khi đó nam giới lại có điểm số trung bình cao hơn nữ giới ở kĩ năng khai thác thông tin, phán đoán và xử lý trong giao tiếp, kĩ năng truyền thông, thuyết phục khách hàng và người quản lý. Nam giới dễ chấp nhận ý kiến trái ngược với mình hơn so với nữ giới và họ luôn dựa vào số liệu hay thông tin để phân tích trước khi đưa ra quyết định. Trong doanh nghiệp quy mô vừa thì người lao động có kĩ năng sáng tạo tốt nhất và nữ giới có kĩ năng sáng tạo tốt hơn so với nam giới ở hầu phần lớn các khía cạnh.

Trên cơ sở phân tích làm rõ thực trạng phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo tại chỗ trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đề tài đã đề xuất những nhóm giải pháp nhằm tăng cường hoạt động này tại đây, bao gồm: giải pháp phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo chuyên môn, thông qua đào tạo năng lực quản trị, thông qua đào tạo về an toàn việc làm và thông qua đào tạo kĩ năng làm việc cho người lao động.

Đề tài đã được nghiệm thu cấp bộ đạt loại Khá. Sản phẩm đề tài được đăng kí tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, lưu tại Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam và Thư viện Viện Nghiên cứu Con người.

Ngọc Trung

 

The older news.............................

Tin tức nổi bật