Tin Giới thiệu kết quả đề tài cấp Bộ 2019-2020: “Nghiên cứu việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của vị thành niên nữ dân tộc thiểu số ở tỉnh Lai Châu từ góc độ phát triển con người”

05/04/2021

 

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của vị thành niên nữ dân tộc thiểu số ở tỉnh Lai Châu từ góc độ phát triển con người” do TS. Lê Thị Đan Dung, NCVC thuộc phòng Nghiên cứu Con người và Xã hội là chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Con người là cơ quan chủ trì đã được thực hiện trong giai đoạn 2019-2020. Sử dụng phương pháp phân tích tài liệu, phương pháp khảo sát định lượng, thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu nghiên cứu này đã đi sâu phân tích thực trạng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của vị thành niên nữ dân tộc thiểu số ở Lai Châu trên 3 phương diện: cơ hội, tính chủ thể và năng lực. Tổng mẫu khảo sát là 200 vị thành niên nữ DTTS  trong đó 44% là dân tộc Hmông và 56% là dân tộc Thái. Bên cạnh đó, kết quả của việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên nữ dân tộc thiểu số cũng được đề cập tới.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, vị thành niên nữ DTTS còn bị hạn chế trong sử dụng các dịch vụ chăm sóc SKSS, trong đó vị thành niên nữ dân tộc Thái có mức độ sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS nhiều hơn vị thành niên nữ dân tộc Hmông. Đa số vị thành niên nữ DTTS đều hài lòng đối với các dịch vụ mà họ sử dụng. Các em hài lòng nhất đối với thái độ nhiệt tình, vui vẻ và nói dễ hiểu của nhân viên y tế, cũng như dịch vụ được cung cấp kịp thời và phù hợp với tâm lý, lứa tuổi; tiếp đến là các nhóm dịch vụ về sự hỗ trợ liên quan đến tài chính, cơ sở vật chất, chi phí dịch vụ và sự phù hợp với nhu cầu. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước cũng như tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều kế hoạch, chính sách nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS của vị thành niên DTTS. Tuy vậy, thực tế ở tỉnh Lai Châu cho thấy vấn đề việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS đối với vị thành niên nữ DTTS vẫn đang còn là một thách thức không nhỏ, cụ thể.

Về cơ hội tiếp cận các dịch vụ: Hiện nay chưa có dịch vụ chăm sóc SKSS riêng cho vị thành niên. Các dịch vụ SKSS cung cấp cũng chưa thật phù hợp với nhu cầu của vị thành niên nữ DTTS cũng như chưa phù hợp về mặt văn hóa-xã hội. Vị thành niên nữ DTTS đang đi học có thể tiếp cận thông tin SKSS thuận tiện và dễ hơn so với vị thành niên nữ DTTS đã bỏ học do các hoạt động truyền thông SKSS được tổ chức trong nhà trường trong khi tại cộng đồng, hoạt động này thường tập trung vào đối tượng người lớn và đã kết hôn. Nhu cầu chăm sóc SKSS của vị thành niên nữ DTTS là khá cao nhưng nhiều nhu cầu chăm sóc SKSS của vị thành niên nữ DTTS vẫn chưa được đáp ứng, đặc biệt là nhu cầu được tư vấn, tìm hiểu thông tin về SKSS đối với vị thành niên nữ chưa kết hôn. Ngoài ra, thái độ của nhân viên y tế đối với vị thành niên nữ DTTS cũng là một rào cản cho cơ hội tiếp cận dịch vụ.

Về tính chủ thể của vị thành niên nữ DTTS: Kết quả phân tích cho thấy vị thành niên nữ DTTS ở địa bàn khảo sát có nhu cầu cả về thông tin, tư vấn SKSS và sử dụng dịch vụ SKSS. Đối với dịch vụ tư vấn, vị thành niên nữ DTTS sử dụng những dịch vụ này hoàn toàn thụ động khi được tuyên truyền, phổ biến tại trường học và/hoặc tại cộng đồng. Đối với những dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo/phá thai tính chủ thể của các em là khá cao. Tuy vậy, tính chủ thể của vị thành niên nữ không đi học cao hơn vị thành niên nữ đang đi học. Tương tự như vậy, tính chủ thể của vị thành niên nữ đã kết hôn và dân tộc Hmông cao hơn tính chủ thể của vị thành niên nữ chưa kết hôn và vị thành thành niên nữ dân tộc Thái. Đối với những dịch vụ như sinh con và khám thai, tính chủ thể của vị thành niên nữ cũng khá cao, nhưng vẫn còn một tỷ lệ đáng kể việc quyết định có đi khám thai không và sinh con ở đâu là do bố mẹ quyết định, tỷ lệ này xảy ra trong gia đình vị thành niên dân tộc Hmông nhiều hơn trong gia đình vị thành niên dân tộc Thái.

Về kiến thức và hiểu biết: Nhìn chung kiến thức và nhận thức của vị thành niên nữ DTTS là còn khá thấp, nhiều hạn chế. Trong các nội dung SKSS, chỉ có duy nhất nội dung là kỹ năng sống có tỷ lệ người được khảo sát trả lời có biết đến là hơn 50%. Điều đáng lo ngại là một tỷ lệ rất thấp (13.5%) vị thành niên nữ có biết đến về phá thai an toàn. Việc hiểu chưa đúng về nơi cung cấp các dịch vụ SKSS nêu ở trên không chỉ xảy ra đối với vị thành niên nữ không đi học vốn ít được tiếp cận với thông tin SKSS mà cả đối với vị thành niên nữ đang đi học. Cả vị thành niên nữ đã kết hôn và chưa kết hôn cũng như cả vị thành niên nữ dân tộc Thái và dân tộc Hmông đều có những hiểu chưa đúng về vấn đề này.

Nghiên cứu này đã xác định các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS của vị thành niên nữ DTTS. Chúng bao gồm: thiếu các dịch vụ thân thiện/dành riêng cho vị thành niên, thiếu nhận thức đầy đủ của vị thành niên về SKSS, các dịch vụ chăm sóc SKSS sẵn có, các rào cản tâm lý xã hội bao gồm tâm lý e ngại và sợ bị nghi ngờ là đang hoạt động tình dục hoặc có vấn đề về sức khỏe tình dục, v.v…

Khi so sánh giữa hai dân tộc Thái và Hmông, kết quả nghiên cứu cho thấy nhìn chung vị thành niên nữ dân tộc Hmông gặp phải những bất lợi và yếu thế hơn so với vị thành niên nữ dân tộc Thái trên cả phương diện là cơ hội, năng lực. Việc tiếp cận dịch vụ SKSS của vị thành niên nữ dân tộc Hmông gặp nhiều khó khăn hơn so với vị thành niên nữ dân tộc Thái do khoảng cách địa lý, yếu tố ngôn ngữ và cả thái độ của nhân viên y tế.

Tóm lại, nghiên cứu đã chỉ ra được bức tranh về tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc SKSS của các vị thành niên nữ DTTS ở tỉnh Lai Châu trên các phương diện: cơ hội, năng lực, tính chủ thể và kết quả sử dụng. Xét đến cùng, vị thành niên nữ DTTS vẫn còn gặp những rào cản trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc SKSS. Điều này là do chính việc thiếu những dịch vụ SKSS dành riêng cho vị thành niên, sự không phù hợp và chất lượng của dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của vị thành niên. Bên cạnh đó những yếu tố như kiến thức/hiểu biết về SKSS, tính chủ thể, tâm lý e ngại... đang là những rào cản trong việc sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS của vị thành niên nữ DTTS.

Với những vấn đề nêu trên, nghiên cứu đã đề xuất 5 nhóm giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ SKSS của vị thành niên nữ DTTS. Đó là các nhóm giải pháp về về chính sách SKSS cho vị thành niên nữ DTTS, nhóm giải pháp đối với hệ thống y tế, nhóm giải pháp đối với các ban ngành, chính quyền và tổ chức xã hội địa phương, nhóm giải pháp đối với nhà trường và nhóm giải pháp đối với bản thân vị thành niên và gia đình.

Đề tài đã được nghiệm thu cấp bộ đạt loại Khá. Sản phẩm đề tài được đăng kí tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, lưu tại Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam và Thư viện Viện Nghiên cứu Con người.

Đan Dung

 

The older news.............................

Tin tức nổi bật