Đề tài sử dụng cách tiếp cận phát triển con người để nghiên cứu hòa nhập xã hội của người khuyết tật trên các phương diện bao gồm tiếp cận việc làm, tiếp cận các dịch vụ y tế, tiếp cận giáo dục, thông tin và tham gia đời sống cộng đồng xã hội.
Thứ nhất, về tiếp cận việc làm, kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy tỷ lệ người khuyết tật có việc làm, tham gia lao động tạo thu nhập là rất ít do hạn chế về cả năng lực và cơ hội. Về năng lực, tình trạng sức khỏe, bệnh tật là yếu tố chính cản trở người khuyết tật tham gia lao động tạo thu nhập. Những người khuyết tật trong nghiên cứu này có tham gia lao đông tạo thu nhập và tìm kiếm việc làm thường là những người khuyết tật vận động, trong khi đó, những đối tượng khuyết tật khác ở địa phương rất khó có thể tham gia lao động tạo thu nhập. Sự hạn chế về trình độ học vấn, kỹ năng tay nghề cũng là yếu tố làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận việc làm của người khuyết tật. Mặc dù Thái Bình đã có những chính sách và hoạt động dạy nghề cho người khuyết tật, tuy nhiên, sự khó khăn trong việc di chuyển, sinh hoạt trong quá trình học nghề và sự quan ngại về khả năng có việc làm sau khi học nghề khiến nhiều người khuyết tật không đăng ký tham gia học nghề. Người khuyết tật tại hai địa bàn nghiên cứu hầu như không nhận được sự hỗ trợ hay ưu tiên trong việc vay vốn. Điều này làm hạn chế khả năng đầu tư, phát triển kinh doanh, sản xuất của người khuyết tật. Về cơ hội, có thể thấy rằng cơ hội để người khuyết tật tham gia lao động tạo thu nhập là rất hạn chế do nhiều nguyên nhân, phổ biến là do không có việc làm phù hợp với NKT và thiếu phương tiện hỗ trợ để NKT có thể tham gia làm việc. Người khuyết tật, nhất là nữ khuyết tật, ít được tiếp cận thông tin việc làm và các hoạt động giới thiệu việc làm. Các kênh tìm kiếm việc làm của người khuyết tật vẫn phải chủ yếu dựa vào các mối quan hệ cá nhân trong khi các tổ chức xã hội và tổ chức của người khuyết tật ít có các hoạt động để có thể thúc đẩy cơ hội tiếp cận việc làm của người khuyết tật.
Thứ hai, về y tế, tình trạng sức khỏe của người khuyết tật là rất hạn chế và điều này phổ biến hơn ở một số nhóm đối tượng như nữ khuyết tật, những NKT cao tuổi và nhóm đối tượng người khuyết tật vận động, khiếm thị. Tuy nhiên, nhóm người khuyết tật cao tuổi và người khuyết tật vận động ít tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh hơn so với các nhóm khuyết tật khác. Sự hạn chế về khả năng cá nhân, bao gồm sự phụ thuộc vào người nhà và sự hạn chế về khả năng tài chính là những rào cản đối với việc tiếp cận các dịch vụ y tế của người khuyết tật. Mặc dù hầu hết người khuyết tật đều có thẻ bảo hiểm y tế và tỷ lệ sử dụng thẻ bảo hiểm khi đi khám chữa bệnh của người khuyết tật là rất cao nhưng chi phí khám chữa bệnh vẫn thực sự là một gánh nặng đối với không ít gia đình người khuyết tật. Cơ hội khám chữa bệnh của người khuyết tật tại địa bàn khảo sát cũng bị hạn chế do không có thiết bị y tế phù hợp với tình trang của bản thân, cơ sở hạ tầng tại các dịch vụ khám chữa bệnh không được thiết kế thân thiện với người khuyết tật. Tại các cơ sở y tế chưa có người trợ giúp cho người khuyết tật nói chung và hỗ trợ người khuyết tật khiếm thính giao tiếp với người khuyết tật nói riêng.
Thứ ba, về giáo dục, trình độ học vấn của người khuyết tật là rất thấp và có khoảng 1/3 số lượng người khuyết tật trong nghiên cứu này chưa từng được đi học. Những yếu tố chính làm hạn chế cơ hội học tập của người khuyết tật là do thiếu các loại hình giáo dục chuyên biệt phù hợp với người khuyết tật và chưa có những sự hỗ trợ để tạo điều kiện cho người khuyết tật có thể theo học tại các trường học dành cho người không khuyết tật. Cả gia đình người khuyết tật và người dân hiện nay đều chưa đề cao giáo dục hòa nhập. Việc triển khai chính sách giáo dục hòa nhập chưa thực sự hiệu quả.
Sự tiếp cận các dịch vụ giáo dục và thông tin của người khuyết tật vẫn chủ yếu dựa vào khả năng của bản thân và gia đình người khuyết tật trong khi chưa có những hỗ trợ phù hợp để mở rộng cơ hội lựa chọn cho người khuyết tật. Nhà trường mới chỉ có một số sự hỗ trợ như miễn một số môn học, giáo viên quan tâm động viên học sinh khuyết tật, trong khi đó, vẫn chưa có những sự hỗ trợ để có thể nâng cao hiệu quả học tập và thúc đẩy giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Người khuyết tật vẫn chỉ tiếp cận thông tin qua các kênh thông tin dành cho những người không khuyết tật. Vì thế, những người khiếm thính, khiếm thị rất ít có cơ hội được tiêp cận thông tin. Mặc dù sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay đã có thể giúp người khiếm thị tiếp cận được thông tin qua các thiết bị kết nối internet. Tuy nhiên, tại địa bàn khảo sát, người khiếm thị vẫn chưa tiếp cận được với công nghệ này. Các phương tiện truyền thông cũng ít chuyển tải thông tin bằng ngôn ngữ ký hiệu để những người khiếm thính có thể tiếp cận được thông tin.
Thứ tư, về tham gia đời sống xã hội, người khuyết tật ít tham gia vào các tổ chức xã hội, kể cả các tổ chức xã hội của người khuyết tật. Việc duy trì các mối quan hệ xã hội của người khuyết tật cũng rất hạn chế. Trong các nhóm khuyết tật, người khuyết tật vận động và người khiếm thị có tỷ lệ trò chuyện và đến thăm bạn bè, người thân, hàng xóm nhiều hơn do họ có khả năng giao tiếp hoặc/và có phương tiện trợ giúp đi lại. Người khuyết tật rất ít tham gia các hoạt động văn hóa xã hội và thể hiện tiếng nói của mình tại cộng đồng, đặc biệt là rất ít tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến lợi ích của họ, ví dụ như xây dựng cơ sở hạ tầng.
Từ việc phân tích thực trạng, đề tài đã đi vào tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng và giải pháp thúc đẩy hòa nhập xã hội của người khuyết tật để thúc đẩy sự phát triển con người của người khuyết tật trên bốn cấp độ bao gồm cấp độ thiết chế, cấp độ cộng đồng, cấp độ gia đình và cấp độ cá nhân – vai trò chủ thể của người khuyết tật.
Đề tài đã được nghiệm thu tại hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam vào tháng 4/2018 và đạt loại Khá. Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài được lưu tại Ban Quản lý Khoa học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), Thư viện Viện Nghiên cứu Con người (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Vũ Thanh