Báo cáo kết quả hoạt động của đề tài cấp Bộ "Chăm sóc sức khỏe ban đầu dựa trên quyền con người, (nghiên cứu trường hợp tỉnh Thái Nguyên)"

08/12/2015

Đề tài: Chăm sóc sức khỏe ban đầu dựa trên quyền con người, (nghiên cứu trường hợp tỉnh Thái Nguyên).

  • Chủ nhiệm đề tài: NCVC.Ths. Phạm Thị Tính
  • Cơ quan chủ trì đề tài: Viện Nghiên cứu Con người
  • Thực hiện: Từ tháng 1/2013 đến 31/3/2015 (kể cả thời gian ra hạn)
  • Nghiệm thu cấp Bộ: Ngày 28/9/2015.

Nội dung nghiên cứu: 10 nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu (8 nội dung do Tổ chức Y tế thế giới xác định và 2 nội dung do ngành Y tế Việt Nam bổ sung để hỗ trợ thực hiện 8 nội dung trên), tiếp cận từ góc độ quyền con người:

  1. Giáo dục sức khỏe nhằm thay đổi lối sống và thói quen không lành mạnh.
  2. Cải thiện điều kiện dinh dưỡng và ăn uống hợp lý, đây là yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến sức khỏe.
  3. Cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường.
  4. Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong đó có kế hoạch hóa gia đình.
  5. Tiêm chủng phòng chống 6 bệnh nhiễm trùng phổ biến ở trẻ em.
  6. Phòng chống các bệnh dịch lưu hành phổ biến tại địa phương.
  7. Điều trị hợp lý các bệnh và các vết thương thông thường.
  8. Cung cấp các loại thuốc thiết yếu.
  9. Quản lý sức khỏe toàn dân.
  10. Củng cố màng lưới y tế cơ sở,

Những đóng góp mới của đề tài:

Theo Luật nhân quyền, quyền của người dân là nghĩa vụ của Nhà nước. Để thực hiện các quyền con người nói chung, quyền được chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng, Nhà nước phải thực hiện 3 nghĩa vụ bắt buộc, đó là: tôn trọng (không được can thiệp vào việc mọi người thụ hưởng Quyền), bảo vệ (đảm bảo không có bên thứ ba nào xâm phạm việc thụ hưởng Quyền) và thực hiện quyền (có hành động tích cực để thực hiện Quyền, như ban hành pháp luật, chính sách hay các biện pháp ngân sách phù hợp...). Bên cạnh đó, Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp, cán bộ công chức được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tạo mọi điều kiện để người dân thực hiện quyền một cách tốt nhất. Trong thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe ban đầu, các điều kiện để thực hiện quyền, như: xây dựng cơ sơ hạ tầng, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, đào tạo đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế có trình độ chuyên môn và y đức đáp ứng yêu cầu, các thuốc thiết yếu,… Đề tài đánh giá việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Thái Nguyên trên các tiêu chí:

(1) Tính sẵn có của cơ chế, chính sách, luật pháp; hàng hóa, dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu (nhà trạm, trang thiết bị, cán bộ y tế, thuốc thiết yếu,…);

(2) Khả năng tiếp cận các chính sách, cơ sở y tế, trang thiết bị… dựa trên 4 khía cạnh: không phân biệt đối xử, tiếp cận về mặt địa lý, kinh tế, và thông tin;

(3) Khả năng chấp nhận các cơ sở, hàng hóa và dịch vụ phải tôn trọng về mặt y đức, văn hóa và đáp ứng các yêu cầu về giới, bí mật cá nhân,...

(4) Chất lượng của các cơ sở, hàng hóa và dịch vụ: đáp ứng sự phù hợp về khoa học, y học và có chất lượng,...

Qua nghiên cứu lý luận và khảo sát thực tiễn cho thấy, quyền được chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân cả nước nói chung và người dân Thái Nguyên nói riêng, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số về cơ bản đã được bảo đảm về mặt luật pháp, các chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở với những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn. Tuy nhiên, thực tế ở Thái Nguyên các quyền về chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa được bảo đảm thực hiện và cũng chưa được bảo vệ, thậm chí nhiều nơi, nhiều quyền đã và đang bị vi phạm mặc dù Thái Nguyên là tỉnh được hỗ trợ nhiều từ các tổ chức quốc tế trong hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân.

Với quan điểm y tế cơ sở là nền tảng, là xương sống của hệ thống y tế nhưng ngân sách cấp cho y tế cơ sở quá ít, không thể thực hiện được vai trò và chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc thực thi chính sách vẫn theo tư duy là triển khai các chính sách ưu tiên ưu đãi cho đồng bào vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề quyền con người, quyền công dân, quyền được chăm sóc sức khỏe còn khá xa lạ với cả cán bộ và người dân địa phương. Từ kết quả nghiên cứu đề tài đưa ra 3 nhóm khuyến nghị góp phần thúc đẩy việc thực thi quyền được chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Với cách tiếp cận dựa trên quyền con người, nhóm thực hiện đề tài hy vọng góp phần làm thay đổi quan điểm, cách nhìn của một số nhà hoạch định chính sách và thực thi chính sách, thái độ và cách ứng xử của cán bộ và nhân viên y tế. Chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho mọi người dân là quyền con người, quyền công dân, là nghĩa vụ và trách nhiệm của Nhà nước, của đội ngũ cán bộ và nhân viên ngành y tế. Nhân dân cũng cần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong việc tham gia và thụ hưởng các quyền chính đáng của mình trong đó có quyền được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.

          Kết quả nghiệm thu đề tài đạt loại Khá.

Thay mặt nhóm nghiên cứu

                                                                                                                                        Chủ nhiệm Đề tài

NCVC.Ths. Phạm Thị Tính

The older news.............................

Tin tức nổi bật